Màu da người lính trong chiến tranh Việt Nam

Nguồn: Gerald F. Goodwin, “Black and White in Vietnam”, The New York Times, 18/07/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Năm 1967, phóng viên NBC Frank McGee đã dành gần một tháng tới sinh sống với các binh sĩ thuộc Sư đoàn Không quân 101 (101st Airborne Division) tại Việt Nam. Dù đây là đoàn quân thường xuyên tham gia vào những đợt giao tranh dữ dội, điều McGee quan tâm lại rất khác: trải nghiệm của những người lính Mỹ gốc Phi.

Phóng sự của McGee, sau được dựng thành phim tài liệu Same Mud, Same Blood (NBC), xoay quanh câu chuyện của trung sĩ Lewis B. Larry, một người Mỹ gốc Phi đến từ Mississippi, cùng 40 người đàn ông, da đen và da trắng, dưới quyền chỉ huy của anh. “Sách lịch sử của chúng ta hiếm khi đề cập đến những người lính da đen,” McGee nói trong bộ phim. “Những người lính trong cuộc chiến này, da đen lẫn da trắng, muốn lịch sử của mình được viết như thế nào?” Câu trả lời không hề dễ dàng.

Lính da đen thật ra không phải là điều gì mới mẻ trong quân đội Mỹ, nhưng Việt Nam là cuộc chiến lớn đầu tiên nơi họ được hòa nhập hoàn toàn, đồng thời là xung đột đầu tiên sau cách mạng dân quyền của những năm 1950 và đầu những năm 1960. Sắc lệnh Hành pháp 9981 (Executive Order 9981) đã chính thức cấm phân biệt chủng tộc trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ kể từ năm 1948, dù vậy nhiều đơn vị vẫn tiếp tục bị phân chia theo màu da. Những thay đổi khác cũng đang diễn ra: Chỉ mấy năm trước khi bộ phim của McGee được thực hiện, Đạo luật Dân Quyền (Civil Rights Act of 1964) và Đạo luật Quyền Bỏ phiếu (Voting Rights Act of 1965) cũng đã được thông qua.

Tuy nhiên, cũng như những thay đổi tại quê nhà Mỹ, sự hòa hợp trên giấy tờ không nhất thiết được chuyển thành sự bình đẳng thực chất trong đời sống. Chẳng hạn, cũng như ở Mỹ, những binh sĩ da trắng – đặc biệt là những người đến từ miền Nam Hoa Kỳ – đã phản đối. Và các đơn vị tại Việt Nam không thể không nhận thức được sự gia tăng căng thẳng chủng tộc, đánh dấu bởi các cuộc bạo loạn gần như đồng thời ở Newark và Detroit trong mùa hè năm 1967.

Nhưng McGee, một người da trắng, cũng nhận thấy sự khác biệt đáng ngạc nhiên giữa quê nhà và chiến trường. Ông quan sát thấy những người lính da đen và da trắng ở Sư đoàn Không quân 101 cùng chia sẻ thức ăn, kể chuyện và đùa giỡn với nhau; họ cũng thường đồng cảm với nhau, bất kể thuộc chủng tộc nào. Khi được hỏi về vấn đề chủng tộc trong đơn vị mình, Trung sĩ Larry nhấn mạnh rằng, “Chẳng có rào cản chủng tộc nào ở đây cả,” và câu nói này đã nhận được sự đồng tình của các thành viên dưới quyền ông. Những nhận xét này khiến McGee kết luận: “Không nơi nào ở Mỹ mà tôi thấy người da đen và người da trắng có thể tự do, cởi mở và không bị giới hạn trong các quan hệ của họ như ở nơi đây. Tôi thấy chẳng có đôi mắt nào đong đầy oán giận.”

Một nghiên cứu kỹ lưỡng các bài báo và tạp chí đương đại, cũng như hồi ký và các cuộc phỏng vấn đã cho thấy nhiều binh sĩ người Mỹ gốc Phi đồng ý với McGee. Trong lần phỏng vấn với tờ People năm 1987, Wallace Terry, một nhà báo gốc Phi làm việc cho tạp chí Time, hồi tưởng những lời của Martin Luther King Jr: “Trong bài phát biểu nổi tiếng tại Đài tưởng niệm Lincoln năm 1963, ông đã nói rằng mình có một giấc mơ rằng một ngày nào đó con cái của những nô lệ và con cái của chủ nô sẽ ngồi cùng một bàn. Giấc mơ đó đã thành hiện thực, ở một nơi, đó là tiền tuyến tại Việt Nam.”

Những mô tả tích cực về quan hệ chủng tộc này lại càng đáng chú ý hơn khi so sánh với tình hình chủng tộc trong nước, khi mà bạo loạn đô thị gần như trở thành điều thường lệ vào mỗi mùa hè.

Những sự kiện bạo lực này đã không thể không bị chú ý bởi các thành viên của Sư đoàn Không quân 101. “Tôi đã xem mọi thứ trên truyền hình và tự hỏi ‘Thứ quái quỷ gì thế này?’” Larry nói. “Tôi bối rối và tôi chắc chắn rất nhiều người khác cũng bối rối. Bởi tôi từ chối tin rằng mọi người không thể chung sống với nhau.”

McGee cũng nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực. “Quân đội Mỹ đã đi trước công chúng Mỹ cả một thế hệ trong việc giải quyết vấn đề chủng tộc,” ông kết luận. “Những gì Quân đội đã đạt được là những gì nước Mỹ, bất chấp những kẻ phân biệt chủng tộc, hy vọng một ngày nào đó sẽ đạt được – đó là việc loại bỏ chủng tộc như một yếu tố xác định sự tồn tại của con người.”

Nhưng điều ấy có thực sự đơn giản như vậy? Đúng, những người lính da đen và da trắng đã hình thành mối quan hệ thân thiết gần gũi với nhau ở Việt Nam, đặc biệt là ở nơi tiền tuyến. Tuy nhiên, lời tuyên bố của McGee rằng quân đội đã loại bỏ “chủng tộc như một yếu tố xác định sự tồn tại của con người” vẫn là một “viễn cảnh màu hồng.” Nó thể hiện niềm tin của nhiều người da trắng theo chủ nghĩa tự do rằng phân biệt chủng tộc là một vấn đề cá nhân giữa người da trắng và người da đen, chứ không phải là kết quả của một cấu trúc xã hội có sự phân biệt một cách hệ thống chống lại người Mỹ gốc Phi.

Và trên thực tế, trong suốt cuộc chiến, rất nhiều người lính da đen đã lên tiếng tố cáo rằng mình chỉ được giao các nhiệm vụ không quan trọng, bị từ chối thăng cấp lên thứ bậc mà họ xứng đáng và bị trừng phạt một cách không công bằng. Năm 1970, một nghiên cứu của Quân đội Hoa Kỳ về Lữ đoàn bộ binh 197 đã tiết lộ các binh sĩ da đen thường phàn nàn rằng “các chỉ huy (NCOs) người da trắng luôn chỉ định cho lính da đen làm những nhiệm vụ bẩn thỉu nhất.”

Mặc dù họ chiếm 8.3% tổng số quân Mỹ ở Việt Nam, người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 2% tổng số sĩ quan chỉ huy. L. Howard Bennett, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Dân Quyền trong các chính quyền Lyndon Johnson và Richard Nixon, đã lưu ý rằng lính da đen thường “phàn nàn rằng họ bị phân biệt đối xử trong các đợt thăng hàm … rằng họ phải ở lại vị trí của mình rất lâu, rằng họ phải đào tạo và dạy dỗ những người da trắng mới đến và sau đó rất nhanh, phải chứng kiến trò vượt thầy khi được thăng hàm.”

Cũng không nghi ngờ gì, người Mỹ gốc Phi luôn bị trừng phạt bất công. Một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng vào năm 1972 đã phát hiện ra rằng lính da đen chiếm 25,5% số các vụ xử phạt không qua xét xử và 34,3% số các phiên tòa quân sự tại Việt Nam. Chẳng ngạc nhiên, với những con số này, người Mỹ gốc Phi xuất hiện rất nhiều trong các nhà tù quân sự: Tháng 12/1969, họ chiếm 58% số tù nhân tại nhà tù Long Bình khét tiếng gần Sài Gòn.

Người Mỹ gốc Phi cũng phàn nàn rằng họ bị gọi đi nghĩa vụ quân sự cách không công bằng, bị buộc vào các đơn vị chiến đấu và bị giết chết tại Việt Nam. Thống kê từ ba năm đầu tiên của cuộc chiến đã chứng minh cho những khiếu nại này. Người Mỹ gốc Phi chiếm khoảng 11% dân số. Tuy nhiên, vào năm 1967, họ chiếm 16,3% tổng số người đăng ký nghĩa vụ quân sự và chiếm 23% lực lượng chiến đấu tại Việt Nam. Năm 1965, người Mỹ gốc Phi chiếm gần 25% số lính thiệt mạng ở Việt Nam. Đến năm 1967 tỷ lệ này đã giảm đáng kể, xuống còn 12,7%, nhưng nhận thức rằng người da đen có nhiều khả năng bị gọi đi nghĩa vụ quân sự và bị tử trận vẫn còn phổ biến.

Căng thẳng chủng tộc và bạo lực vốn đã làm kinh động nước Mỹ vào mùa hè năm 1967 cuối cùng cũng nổ ra ở Việt Nam. Phần lớn là do sự bất lực hoặc sự từ chối của các nhà lãnh đạo quân sự trong việc giải quyết dứt điểm các khiếu nại về phân biệt chủng tộc, nhưng cũng có một yếu tố khác xuất phát từ quê nhà. Vụ ám sát Martin Luther King Jr. vào tháng 04/1968 là chất xúc tác cho bạo động tại hơn 60 thành phố của Mỹ, và thách thức niềm tin rằng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử có thể được chấm dứt nhờ các mối quan hệ cá nhân và biểu tình hòa bình – cả ở Mỹ và Việt Nam.

Tháng 05/1968, nhà báo Donald Mosby tới Việt Nam, nơi ông trò chuyện với một số người lính da đen về vụ ám sát King. Mosby sau đó chia sẻ rằng nhiều binh sĩ “không có ý định để mọi thứ ở yên như cũ khi Tiến sĩ King bị sát hại.” Một số binh sĩ đã phản ứng bằng cách ủng hộ phong trào trao quyền cho người da đen (black power movement). Những người khác thành lập các tổ chức như Hiệp hội Lính Thiểu số, Hiệp hội Cựu chiến binh, Liên minh Anh em Da đen, Zulu 1200s, De Mau Mau và Mặt trận Giải phóng Người Da đen trong Lực lượng Vũ trang, đại diện cho quyền lợi tập thể của những người lính Mỹ gốc Phi, đồng thời cũng là để bảo vệ họ.

Sự tức giận của người da đen về vụ ám sát Martin Luther King Jr. lại càng dâng cao trước phản ứng của một số binh sĩ da trắng. Khi tin tức về cái chết của King lan đến Việt Nam, có rất nhiều báo cáo rằng lính da trắng đã treo cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam (Confederate) bên ngoài doanh trại của họ để “ăn mừng.” Có ít nhất ba vụ đốt Thánh giá[1] đã được xác nhận. Để đối phó với các khiếu nại về việc treo cờ từ những người lính da đen, Lục quân và Thủy quân Lục chiến đã ban hành lệnh cấm trong một thời gian ngắn, nhưng lệnh cấm đó đã nhanh chóng bị bãi bỏ khi vấp phải sự phản đối của các chính trị gia miền Nam.

Các sự cố liên quan đến xung đột chủng tộc không phổ biến trong những năm đầu của chiến tranh, nhưng sau vụ ám sát King, chúng đã diễn ra hàng tuần nếu không muốn nói là hàng ngày. Căng thẳng có xu hướng dâng cao hơn đáng kể ở các căn cứ quân sự tại hậu phương. Ngày 29/8/1968, hàng trăm tù nhân da đen áp đảo các cai ngục tại nhà tù Long Bình, bắt giữ trưởng giám thị và phóng hỏa đốt cháy hội trường cùng tòa nhà hành chính.

Bạo động tại nhà tù Long Bình là sự kiện nổi tiếng nhất trong hàng ngàn xung đột chủng tộc được ghi nhận ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1968 – 1971. Ngày 23/11/1968, tờ Philadelphia Tribune đã công bố bài viết về những lần đối đầu quy mô lớn giữa những người lính da đen và da trắng trong các câu lạc bộ giải trí ở Đà Nẵng và Long Bình. Cuối năm 1968, nhà báo Zalin Grant đã báo cáo rằng “xung đột chủng tộc xảy ra tại khu vực giải trí gần China Beach[2] và tại các câu lạc bộ và nhà ăn ở Đà Nẵng” gần như hàng ngày. Ông kết luận “mối đe dọa lớn nhất là bạo động chủng tộc, chứ không phải là Việt Cộng.”

Tháng 09/1969, Wallace Terry của tờ Time, người đã dành nhiều thời gian với những người lính da đen hơn bất kỳ nhà báo nào khác, và trước đó từng nói về bản chất tích cực của quan hệ giữa người da đen và da trắng, đã đưa ra một đánh giá ảm đạm. Ông nói, “một cuộc chiến khác đang diễn ra ở Việt Nam – giữa người Mỹ da đen và da trắng.” Ông khẳng định rằng các xung đột chủng tộc tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Đà Nẵng, Cam Ranh, Đồng Tâm, Sài Gòn và Biên Hòa đã trở nên phổ biến.

Tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát ở một số đơn vị. Các báo cáo quân sự chính thức cho thấy rằng tại Lực lượng Thủy quân Lục chiến III (III Marine Amphibious Force) đóng tại trại Camp Horn ở Đà Nẵng, đã xảy ra ít nhất 33 vụ bạo hành chủng tộc chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 12/1969 đến tháng 01/1970. Bạo lực chủng tộc xảy ra gần như hàng ngày.

Tình trạng chủng tộc càng tồi tệ hơn khi chiến tranh kéo dài. Tháng 10/1970, phó Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ tại Việt Nam, Tướng Walter T. Kerwin, lưu ý rằng, “Trong năm qua, bất hòa chủng tộc đã nổi lên như một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các lãnh đạo quân đội.” Tình hình còn tệ hơn nữa tại Quân đoàn Thủy quân Lục chiến, khi mà có tới 1.060 sự cố bạo lực chủng tộc chỉ trong năm 1970. Nhà báo và cựu đại tá Robert D. Heinl Jr. kết luận vào năm 1971 rằng xung đột chủng tộc đã “xé tan quân đội.”

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo quân đội cũng phải để tâm chú ý. Tuy nhiên, họ lại chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của những người lính da đen trong những sự cố này. Hành động [sai trái] của những người lính da trắng đều bị bỏ qua, trong khi mọi khiếu nại về phân biệt đối xử của những người lính da đen lại chẳng hề được đoái hoài tới. Cuối năm 1969, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Bennett đã đưa ra khuyến nghị thừa nhận rằng việc bỏ qua các khiếu nại về phân biệt chủng tộc đã góp phần gia tăng căng thẳng chủng tộc và bạo lực. Nhưng các nhà lãnh đạo quân sự đã phớt lờ các đề xuất của ông, và khi người kế nhiệm của Bennett, Frank Render III, đưa ra những kết luận tương tự, ông đã bị sa thải ngay lập tức.

Ngay cả khi các khiếu nại về phân biệt đối xử của người da đen được tiếp nhận, chúng cũng thường không được coi trọng. Trong số 534 đơn khiếu nại gửi đến Văn phòng Tổng thanh tra Lầu Năm Góc trong năm 1968-1969, chỉ có 10 khiếu nại được coi là hợp lệ. Tương tự như vậy, một nghiên cứu khác của quân đội đã phát hiện ra rằng trong giai đoạn 1966 – 1969, các chỉ huy đã không ghi nhận 423 cáo buộc phân biệt chủng tộc.

Dù McGee đã đúng khi làm nổi bật tình bạn giữa người da đen và da trắng như là một yếu tố quan trọng trong trải nghiệm của lính Mỹ ở Việt Nam, điều đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Các doanh trại lính Mỹ ở Việt Nam vẫn còn, như Terry nói, là “nơi phân biệt đối xử”. Người ta có thể rời khỏi đất Mỹ, nhưng người ta không thể bỏ lại di sản chủng tộc của nó ở sau lưng.

Gerald F. Goodwin là Giảng viên môn Lịch sử tại Đại học Cộng đồng Ivy Tech, Indiana.

——————-

[1] Đốt Thánh giá (cross burning) là một nghi thức biểu tượng gắn liền với tổ chức khủng bố theo thuyết người da trắng thượng đẳng, Ku Klux Klan. Bắt nguồn từ truyền thống của người Scotland, hình ảnh cây Thánh giá cháy rực được xem như lời tuyên bố chiến tranh. Và kể từ khoảng đầu thế kỷ 20, các thành viên của KKK đã bắt đầu đốt những cây Thánh giá trên sườn đồi để đe dọa những người mà họ coi là mục tiêu.

[2] Biệt danh mà lính Mỹ và Úc gọi Bãi biển Mỹ Khê