Tác giả: Quinton Temby | Biên dịch: Đinh Nho Minh
Why Terrorists Quit: The Disengagement of Indonesian Jihadists. Tác giả: Julie Chernov Hwang. Ithaca, New York: Cornell University Press, 2018. Bìa cứng: 206 trang.
Theo một đề tài nghiên cứu nổi tiếng của David C. Rapoport, khủng bố có nhiều thế hệ. Tuy nhiên thế hệ “Tôn giáo cực đoan” sẽ khó phân tích hơn. Các phần tử Hồi giáo Thánh chiến của các thế hệ trước, bao gồm những kẻ không tặc trong vụ 11 tháng 9, dần được thay thế bởi thế hệ iGeneration. Với những phần tử trẻ này, những vụ khủng bố kiểu như 11 tháng 9 đã lỗi thời giống như buồng điện thoại và mạng dial-up. Thế hệ “Tôn giáo cực đoan” này dường như không có hồi kết.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng có những phần tử khủng bố cực đoan đã từ bỏ phong trào này. Đây là đề tài của cuốn sách Why Terrorists Quit: The Disengagement of Indonesian Jihadists (Vì sao khủng bố Bỏ cuộc: Từ bỏ Phong trào Hồi giáo Cực đoan ở Indonesia) của Julie Chernov Hwang. Cuốn sách của Hwang dựa nhiều vào tội phạm học hơn là khủng bố học với việc nghiên cứu tại sao tội phạm tự giác ngừng phạm tội. Tuy nhiên, nghiên cứu vì sao các phần tử khủng bố bỏ phong trào lại rất hiếm mặc dù những năm gần đây đã có nhiều tài trợ cho các chương trình thử nghiệm nhằm chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Trong nghiên cứu này, Hwang cẩn thận phân biệt khái niệm rời bỏ phong trào khủng bố (disengagement) với khái niệm phi cực đoạn hóa (deradicalization). Hwang tập trung vào phân tích rời bỏ phong trào khủng bố. Bà định nghĩa khái niệm này là sự ngừng tham gia các hoạt động bạo lực. Hwang giải thích rằng “Khái niệm này chỉ một sự thay đổi trong hành vi, khác với phi cực cực đoan hóa về tư tưởng. Khái niệm phi cực đoan hóa chỉ sự phủ nhận chủ nghĩa cực đoan bạo lực” (trang 4).
Nghiên cứu của Hwang dựa trên sáu năm thực nghiệm với hàng trăm cuộc phỏng vấn với 55 phần tử cực đoan người Indonesia. Đóng góp lớn nhất của cuốn sách này là tổng kết về cuộc đời của năm phần tử cực đoạn – cả công khai danh tính lẫn giấu tên – mỗi người được kể trong một chương. Các phần tử này được dẫn lời thường xuyên nhằm kể lại quá trình gia nhập rồi rời phong trào cực đoan của họ. Anas, thuộc tổ chức cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) tham gia vào xung đột ở Ambon, kể về sự lôi cuốn của phong trào thánh chiến vũ trang: “Khi tôi còn ở trong tổ chức, tôi như bị nghiện với nó. Phong trào thánh chiến có thể gây nghiện. Có người nói bạo lực giống như thuốc phiện” (trang 82).
Từ các cuộc phỏng vấn này, Hwang tìm ra bốn yếu tố chung khiến các phần tử khủng bố rời bỏ tổ chức cực đoan. Những đặc điểm này đều đã được nhắc đến trong các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên quan trọng hơn, Hwang chỉ ra rằng những người được phỏng vấn cần nhiều hơn một yếu tố diễn ra cùng lúc trong một thời gian dài trước khi rời bỏ tổ chức. Đó là vì một khi đã “nghiện” phong trào cực đoan thì rời bỏ thói quen nghiện sẽ khó.
Một trong những yếu tố này là sự thất vọng với chiến thuật khủng bố, tuy nhiên chỉ mình yếu tố này là không đủ. Hwang cho rằng sự thất vọng phải đi kèm với việc nhận ra cái giá phải trả là không đáng với cái lợi thu được mới đủ giúp họ quyết định rời bỏ phong trào. Bà cũng thêm rằng rời bỏ tổ chức ở đây là “từ bỏ mạng lưới [tổ chức cực đoan]. Không có dấu hiệu của sự tái hòa nhập cộng đồng ở các phần tử này” (trang 173). Hwang kết luận rằng để rời bỏ phong trào cực đoan hoàn toàn và tái hòa nhập xã hội, sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình là một nhân tố then chốt đối với các phần tử này.
Mặc dù có những điểm mạnh rõ ràng, cuốn sách này có một số vấn đề về phương pháp. Vấn đề rõ ràng nhất liên quan đếu câu hỏi “vì sao”, và cũng là câu hỏi khó trả lời nhất: phỏng vấn những tên khủng bố bỏ tổ chức để suy ra tại sao những tên khủng bố nói chung bỏ cuộc đồng nghĩa với việc lấy mẫu dựa trên biến phụ thuộc. Tìm được một tập hợp mẫu đại diện cho các phần tử khủng bố khác nhau có lẽ là không thể. Tuy nhiên nếu có một tập hợp các mẫu như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng những đặc điểm chung của những tên khủng bố đã bỏ phong trào cũng hiện diện ở những tên chưa bỏ phong trào. Những tên khủng bố chưa từ bỏ bạo lực cũng có thể tỏ ra thất vọng và đặt dấu hỏi về cái giá phải trả cho các cuộc tấn công.
Một vấn đề khác liên quan đến “khủng bố”. Cho dù định nghĩa có khác nhau thế nào, chiến thuật khủng bố thường xuất hiện trong nhiều xung đột vũ trang. Tuy nhiên các trường hợp của Hwang đều chỉ đến từ xung đột giữa các tín đồ Đạo Thiên chúa và Đạo Islam ở Poso, Trung Sulawesi, Indonesia. Xung đột Poso lên đến đỉnh điểm vào năm 2000 nhưng rồi hạ nhiệt sau quá trình đàm phán hòa bình Malino năm 2001. Mặc dù có những tổ chức bên ngoài như JI tham gia vào, xung đột ở Poso chủ yếu diễn ra trong nội bộ. Liệu ta có thể đưa ra được một kết luận chung về vì sao những kẻ khủng bố từ bỏ phong trào chỉ dựa trên một nghiên cứu về xung đột cộng đồng ở Indonesia và việc rời bỏ phong trào cực đoan ở đây? Câu trả lời là không rõ.
Cuối cùng, ngay cả với các thành viên nhóm JI –nhóm phiến quân chính ở Indonesia – làm sao chúng ta có thể xác định được mức độ từ bỏ phong trào bạo lực khi khủng bố chưa bao giờ là một chiến thuật mà nhóm này sử dụng ở cấp độ toàn bộ phong trào. Kế hoạch chính của JI, vì lí do chiến lược, là tránh bạo lực và tập trung vào tuyển người và huấn luyện. Vì vậy, nghiên cứu về việc rời bỏ các hành vi bạo lực khi những hành vi bạo lực như vậy hiếm khi diễn ra khó nói lên điều gì về câu hỏi nghiên cứu ở đây.
Mặc dù vậy, cuốn sách này vẫn đóng góp vào cuộc tranh luận chính sách về cách chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Các nghiên cứu của Hwang cho thấy nhiều kẻ khủng bố từ bỏ phong trào nhờ sự trợ giúp hiệu quả của gia đình và bạn bè. Trong khi đó, các chương trình can thiệp từ trên xuống của Cục Chống Khủng Bố Quốc Gia Indonesia (BNPT) thường không hiệu quả. Dựa vào phỏng vấn với các nhà hoạt động xã hội dân sự, Hwang nhận ra rằng “các nỗ lực phi cực đoan hóa của BNPT thường bị chỉ trích là được lên kế hoạch và thực hiện kém, đồng thời không phù hợp với nhu cầu của đối tượng” (trang 150).
Kết luận đơn giản này có ý nghĩa lớn với chương trình chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực nói chung. Nếu quá trình giúp các phần tử khủng bố tái hòa nhập diễn ra hiệu quả nhất ở gia đình và cộng đồng, có lẽ các chương trình tái hòa nhập nên tập trung vào chương trình “cộng đồng bền vững”, được thực hiện từ cơ sở. Bằng cách tập trung vào mối quan hệ lành mạnh với bố mẹ, con cái, gia đình và bạn bè, những sáng kiến cục bộ như vậy có thể tránh được những kỳ thị xuất phát từ ngôn từ an ninh hóa vốn càng làm cho các cộng đồng dễ bị cực đoan hóa càng trở nên xa cách hơn.
Quinton Temby là nghiên cứu viên khách mời tại Trường Châu Á và Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia.
Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia 40, No.2 (2018), pp. 327-29.