Tác giả: Dương Phúc Gia (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
2. Nội dung của văn hóa đại học
Thế nào là văn hoá Đại học?
Trường Đại học không chỉ là tồn tại vật chất khách quan mà còn là một dạng tồn tại văn hoá và tinh thần. Tồn tại vật chất của Đại học rất đơn giản: thiết bị, dụng cụ, trường sở v.v… Thế nhưng Đại học sở dĩ gọi là Đại học, mấu chốt là tồn tại văn hoá và tồn tại tinh thần của nó.
Văn hoá Đại học là văn hoá tìm kiếm chân lý, là văn hoá nghiêm chỉnh coi trọng thực tế, là văn hoá theo đuổi sự tìm kiếm lý tưởng và hoài bão của đời người, là văn hoá tôn thờ tự do học thuật, văn hoá đề xướng lý luận gắn với thực tế, văn hoá tôn thờ đạo đức, văn hoá bao dung, là dạng văn hoá có tinh thần phê phán quyết liệt. Văn hoá Đại học thể hiện một tính chung, cốt lõi và linh hồn của nó thì thể hiện ở tinh thần Đại học.
Lời răn của nhà trường [nguyên văn chữ Hán: “Hiệu huấn”; còn gọi là Khẩu hiệu truyền thống của nhà trường hoặc châm ngôn của nhà trường] là thứ tượng trưng cho tinh thần Đại học, đó là kết tinh lịch sử và văn hoá nhà trường, là thể hiện tập trung ý tưởng tổ chức học tập của nhà trường, cũng là một biểu đạt ngắn gọn nội dung văn hoá riêng của nhà trường.
Một tờ báo từng tiến hành trưng cầu ý kiến của 4.762 người với câu hỏi: “Bạn cho rằng trường Đại học nào của Trung Quốc có khẩu hiệu truyền thống tốt nhất?” Kết quả, khẩu hiệu truyền thống của Đại học Thanh Hoa “Tự cường bất tức, hậu đức tải vật” [câu này lấy từ sách Kinh Dịch, ý nói yêu cầu học sinh mãi mãi phấn đấu tự cường tiến lên hàng đầu, có tinh thần đoàn kết hợp tác, nghiêm khác với bản thân, vô tư dâng hiến] được 54% số phiếu, xếp thứ nhất. “Tự cường bất tức” phản ánh tinh thần dân tộc Trung Hoa, câu này cũng được rất nhiều Đại học Trung Quốc dùng làm khẩu hiệu truyền thống của mình.
Năm 2006 khi nói chuyện tại Đại học Yale, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng dẫn câu “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” [Đạo trời vận hành mạnh mẽ vững bền, kẻ quân tử nên tự giác phấn đấu vươn lên không ngừng][1] — danh ngôn lưu truyền muôn đời này của Trung Quốc nhằm trình bày tinh thần tự cường không ngừng, khai phá sáng tạo bao năm của dân tộc Trung Hoa. 5.000 năm qua, sở dĩ dân tộc Trung Hoa đời đời không ngừng phấn đấu, trải qua bao trắc trở mà không bị khuất phục chính là nhờ dựa vào tinh thần quyết tâm vươn tới hùng cường, dung nạp bao quát tất cả các mặt, ngày càng tiến lên. Mọi thành tích giành được từ cải cách mở cửa tới nay cũng là sự khắc hoạ tinh thần đó.
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Phục Đán “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư” [Người có lý tưởng cao xa thì phải có trí thức phong phú, phải luôn nghi ngờ đặt câu hỏi và luôn suy nghĩ sâu sắc][2] được xếp hạng thứ hai. Giáo sư Lý Chính Đạo [Nobel vật lý 1957 cùng Dương Chấn Ninh] đặc biệt thích chữ thứ hai trong mỗi câu trên: học và vấn (hỏi). Học hỏi [chữ Hán: học vấn] tức là phải hỏi vấn đề chứ không phải là trả lời vấn đề.
Thế nhưng tôi phát hiện ra sự khác biệt văn hoá rất lớn giữa nước ta với phương Tây. Phụ huynh các nước Anh, Mỹ thấy con đi học về đều hỏi: “Hôm nay con hỏi được mấy vấn đề?” Còn ở ta, phụ huynh hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?”.
Có lần tôi thấy một người đến cơ quan làm việc với vẻ mặt rất không vui, tôi hỏi: “Hôm nay ông sao thế?” Ông ta trả lời: “Tôi đang tức điên người vì con bé nhà tôi thi được có 99 điểm”. Tôi bảo: “Tôi làm ngành vật lý cho nên biết là theo lý thuyết sai số, kém 1 điểm vẫn đạt trình độ quốc tế đấy ạ”. Ông ta nói: “Kém một điểm liệu có thể được vào Đại học Phục Đán chăng?” Tôi chẳng biết nói gì nữa. Chế độ thi cử của chúng ta hiện nay rất nghiêm ngặt, điều đó có ảnh hưởng sâu sắc tới văn hoá Đại học của chúng ta.
Einstein từng nói: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt cả, chẳng qua là thích hỏi cho ra nhẽ mà thôi”. Teller cha đẻ bom khinh khí Mỹ mỗi lần đến phòng thí nghiệm đều đặt ra các câu hỏi này nọ, mỗi ngày ít nhất ông nêu ra 10 vấn đề, nhưng thường thường có 8-9 vấn đề sai. Có điều cái sáng tạo vĩ đại của ông lại chính là ở 1-2 vấn đề đúng kia. N. Bohr, một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: “Không có câu hỏi nào ngu ngốc cả”.
2.500 năm trước đây loài người đưa ra câu hỏi “Thế giới cấu tạo như thế nào”, – câu hỏi này đánh dấu sự khởi đầu của khoa học tự nhiên. Bởi vậy, các bạn trẻ cần dũng cảm nêu vấn đề, không nêu ra được vấn đề thì sẽ không có sáng tạo. Điều này nên trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong nội dung văn hoá Đại học của chúng ta.
Văn hoá Đại học là văn hoá tìm kiếm chân lý, nghiêm chỉnh theo đuổi sự thật
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Harvard chỉ có một từ: Truth[3] (chân lý, sự thật; có người dịch là Hãy để sự thật kết bạn với ta). Theo đuổi chân lý mà không mê tin quyền uy. Văn hoá Đại học là văn hoá theo đuổi chân lý, nghiêm chỉnh tìm kiếm sự thật.
Cách đây không lâu tôi có gặp ông hiệu trưởng Harvard vừa mới từ chức. Ông ấy kể là khi ông còn làm hiệu trưởng, có một sinh viên mới vào trường này bảo ông: “Em luôn luôn theo dõi các số liệu của thầy, trong đó có các số liệu sai đấy ạ”. Một sinh viên mới toanh mà có thể bảo thầy hiệu trưởng “Thầy sai rồi”, – đó là văn hoá của Đại học Harvard: Ý tưởng thắng quyền uy.
Trường Đại học nào có được văn hoá như thế thì trường ấy có thể trở thành Đại học hàng đầu thế giới.
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Yale là “Light and Truth” (Ánh sáng và chân lý). Trong diễn văn đọc tại Đại học Yale ngày 21/4/2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói: “Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Yale nhấn mạnh sự theo đuổi ánh sáng và chân lý, điều đó phù hợp với phép tắc tiến bộ của loài người, cũng hợp với tâm nguyện của mỗi thanh niên có chí hướng”.
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Washington là “Qua chân lý giành lấy sức mạnh”.
Các khẩu hiệu nói trên đều sử dụng từ chân lý.
Thế nhưng trong các Đại học ở nước ta hiện nay lại xuất hiện rất nhiều chuyện gian lận giả dối: hiện tượng dối trá cấm mãi chẳng được, gian lận học thuật thường xuyên xảy ra, các thông tin khai báo dối trá lừa gạt v.v…
Hồi tôi làm hiệu trưởng, việc khiến tôi xấu hổ nhất là gì, các bạn biết không? Là nhận được công văn của các trường Đại học bên Mỹ yêu cầu tôi chứng minh bản khai thành tích học tập của các sinh viên Trung Quốc bên ấy họ nhận được là thật hay giả – đây là công văn chuyên gửi sang hỏi Trung Quốc. Ngoài ra còn có chuyện sinh viên Trung Quốc không xin được thẻ tín dụng. Khi sang Anh Quốc, tôi cảm thấy rất tự hào vì tôi là người Trung Quốc đầu tiên được đội mũ vành mạ vàng của nước Anh, nhưng chẳng bao lâu tôi cảm thấy mình thẹn đỏ cả mặt vì có sinh viên Trung Quốc nói với tôi: “Chúng em xin ngân hàng Anh Quốc cấp thẻ tín dụng nhưng họ không duyệt, vì học sinh Trung Quốc nhiều lần có hạnh kiểm xấu [ý nói có hành vi gian lận trong sử dụng thẻ tín dụng] cho nên họ nhất luật không cấp thẻ tín dụng”.
Ngày hội nhà giáo năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trích dẫn câu nói của Đào Hành Tri “Dạy muôn nghìn lần, dạy người tìm kiếm sự thực thà; học muôn nghìn lần, học làm người thực thà”.[4] Sở dĩ Thủ tướng chú trọng câu này, tôi cho rằng điều đó có liên quan tới chuyện hiện nay chúng ta thiếu văn hoá theo đuổi chân lý.
Văn hoá đại học là văn hoá tôn thờ tự do học thuật
Khẩu hiệu truyền thống của Học viện Caltech “Chân lý làm con người được tự do” chính là sự thể hiện thứ văn hoá đó.
Hiệu trưởng Đại học Yale nói: “Chỉ có tự do khám phá, tự do biểu đạt thì mới có thể thực sự khai thác được tiềm năng của nhân loại”.
Trong buổi gặp gỡ tâm sự với các nhà văn học nghệ thuật ngày 13/11/2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo 9 lần nhấn mạnh tự do. Ông còn dẫn lời Mác và Ăng-ghen viết trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người” Thủ tướng nói đến tự do trong trường hợp như trên, tôi cảm thấy điều đó có ý nghĩa rất sâu sắc.
Văn hoá đại học là văn hoá đề xướng lý luận gắn với thực tế
Học viện Công nghệ Massachusetts tôn thờ phương châm lý luận gắn liền với thực tế. Khẩu hiệu truyền thống của trường này là “Suy nghĩ và bắt tay vào làm” (Mind and Hand).
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Nottingham “Đô thị xây dựng bằng trí tuệ”, dùng ngôn ngữ hiện đại giải thích là “Trường đại học là động cơ của tăng trưởng kinh tế”. Một đô thị muốn trở thành đại đô thị quốc tế hoá thì phải có hậu thuẫn là trường đại học hàng đầu. Trường đại học đem lại cho đô thị không những sự nhảy vọt về vật chất và kinh tế mà còn đem lại sự nâng cấp về văn minh tinh thần và tu dưỡng văn hoá
Văn hoá đại học là văn hoá tôn thờ đạo đức
Nói tới đạo đức, ngôi trường đại học có ý nghĩa đích thực đầu tiên của nước Mỹ – Đại học Pennsylvania – có câu khẩu hiệu truyền thống nói về đạo đức: “Mọi phép tắc không có đạo đức đều uổng công vô ích”.
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Giao thông Thượng Hải cũng thể hiện hàm ý đạo đức hết sức sâu sắc: “Uống nước nhớ nguồn, yêu nước, làm vẻ vang nhà trường”. Uống nước nhớ nguồn, nói theo tiếng Anh là Thanksgiving, tức cảm ơn.
Nhưng hiện nay tại rất nhiều Đại học kể cả các Đại học danh tiếng ở nước ta lại có những tiếng nói trái tai: một số học sinh đến từ nông thôn không muốn găp cha mẹ mình, cảm thấy việc gặp ấy không đẹp mặt mình. Nhưng nếu cha mẹ giàu có thì lại cảm thấy gặp cha mẹ là chuyện rất vẻ vang. Bởi vậy, tôi nhớ tới một câu nói Đại học Harvard đề xướng: “Một người có thể có thành tích hay không, chẳng những chỉ xem chỉ số thông minh IQ, mà còn nên xem chỉ số tình cảm EQ và hơn nữa, xem chỉ số đạo đức của người đó”.[5]
Nhiệm vụ cơ bản của giáo dục tiểu học, trung học cho đến đại học là đào tạo người công dân tốt cho xã hội. Tôi rất tán thành câu nói của Viện sĩ Cầu Pháp Tổ: “Muốn làm người thầy thuốc tốt thì phải làm con người tốt”.
Tại Mỹ, sinh viên học xong 4 năm đại học mới được vào Học viện Y khoa. Về sau Anh Quốc thấy được cái hay của việc đó. Cách đây 4 năm, Đại học Nottingham thành lập một học viện Y khoa, chỉ sinh viên đã tốt nghiệp đại học mới được vào học; điều kiện quan trọng đầu tiên trong tuyển sinh là xem phẩm chất con người đó chứ không phải xem thí sinh đã học chuyên ngành sinh vật hay khoa học tự nhiên. Hơn nữa còn đặc biệt nhấn mạnh: “Muốn làm thầy thuốc, trước hết phải biết làm con người như thế nào, biết cách đối xử với con người, lấy con người làm gốc.”
Năm 1998, UNESCO họp “Đại hội đón chào giáo dục cao đẳng thế kỷ XXI”, khi phát biểu tổng kết cuộc họp, Tổng Thư ký UNESCO nói: Nhà trường phải dạy học sinh học cách làm người, học cách sinh tồn (learn to be), học kiến thức (learn to know), học cách nắm được các kiến thức đó (learn how to learn), lại còn phải dạy học sinh học được cách sống chung với người khác (learn to deal with the others).
Văn hoá đại học là văn hoá tôn thờ tinh thần yêu nước
Câu “Yêu nước, làm rạng danh nhà trường” trong khẩu hiệu truyền thống của Đại học Giao thông Thượng Hải thể hiện trình độ cao của đạo đức, thể hiện tinh hoa văn hoá Trung Quốc.
Ngày 4/7/2001, tôi chính thức ngồi vào vị trí Hiệu trưởng (Chancellor) Đại học Nottingham. Khi lần đầu tiên lá cờ đỏ 5 sao được kéo lên trên sân trường đại học Anh Quốc, tôi cảm thấy rất đỗi tự hào. Tôi muốn nói với mọi người rằng đây không phải là chuyện cá nhân tôi thế nào, mà là chuyện tổ quốc tôi đã lớn mạnh. Thiết nghĩ 20 năm trước tôi không thể có được vị trí này.
Một bạn người Hoa mắt đẫm lệ nói với tôi: “Chẳng ai ngờ chiếc mũ viền vàng duy nhất của Đại học Nottingham hôm nay được trao cho một người Hoa đích thực” … “Mỗi người Hoa đều có một giấc mơ, mơ ước làm sao cho Trung Quốc 5 nghìn năm văn hiến có thể đứng lên được trên thế giới này. Phải đứng thẳng lên, đứng cho vững!”
Đặng Gia Tiên từng nói: “Đối với một nhà khoa học, còn có gì đáng kiêu hãnh và tự hào hơn là được dâng hiến toàn bộ tri thức và trí tuệ của mình cho tổ quốc, làm cho dân tộc Trung Hoa thoát khỏi số phận bị nước ngoài xâu xé?” Ông là bạn học của Dương Chấn Ninh, hai người cùng lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ.
Năm 1971 Dương Chấn Ninh về Trung Quốc có gặp Đặng Gia Tiên và hỏi: “Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân có người nước ngoài giúp hay không?” Dương hỏi câu này rất tự nhiên, vì hai phần ba nhà khoa học hạt nhân của Mỹ đều là người châu Âu; Liên Xô cũ khi phát triển vũ khí hạt nhân cũng dựa vào sự giúp đỡ của các nhà khoa học châu Âu.
Một tuần sau, khi Dương Chấn Ninh đang ăn cơm tối tại Thượng Hải thì nhận được một mẩu giấy của Đặng Gia Tiên, trong có viết: “Tôi đã điều tra rồi, đúng là kết quả tự lực cánh sinh của Trung Quốc”. Đọc xong mẩu giấy đó, Dương ứa nước mắt vì cảm động.
Vu Mẫn là một nhà vật lý tôi kính trọng nhất, tuy chưa từng học tập ở nước ngoài nhưng ông đã có cống hiến lớn cho nhà nước chúng ta, có người gọi ông là “Cha đẻ bom khinh khí Trung Quốc”. Vu Mẫn từng nói một câu: “Dân tộc Trung Hoa không bắt nạt người khác, cũng quyết không chịu để người khác bắt nạt; vũ khí hạt nhân là một biện pháp bảo đảm điều đó”. Viện sĩ Vu Mẫn nói lên động lực thúc đẩy ông làm việc.
Tình cảm dân tộc và tư tưởng yêu nước chất phác ấy cũng là động lực khiến tôi có được sự tiến bộ trong công việc.
Tinh thần yêu nước là phần rất đặc sắc trong văn minh Trung Hoa cổ xưa, nhưng nó quyết không phải là thứ văn hoá sở hữu riêng của Trung Quốc mà có tính phổ quát trên toàn thế giới. Trong diễn văn đọc tại Đại học Yale ngày 21/4/2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng nói: “Nathan Hale anh hùng dân tộc Mỹ cựu sinh viên Đại học Yale, có một danh ngôn – “Điều đáng tiếc duy nhất của tôi là không có cuộc đời thứ hai để hiến dâng cho Tổ quốc mình”.
Tôi có một người bạn Mỹ là cựu Tư lệnh Bộ đội chiến lược Mỹ, tướng 4 sao, từng có hơn 5000 giờ bay, từng lái đủ mọi kiểu máy bay quân sự. Có lần tôi hỏi vợ ông: “Ông nhà bà bay nhiều như thế, bà có sợ gì không”. Bà ấy trả lời rất rõ ràng: “Nói không sợ là giả dối. Dĩ nhiên tôi sợ chứ. Nhưng vì lợi ích của nước Mỹ, ông ấy nhất thiết phải làm như thế”.
Người Mỹ có câu: For the interests of the United States [Vì lợi ích của Hợp Chúng Quốc].
Hồi Tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, có người hỏi: “Ông đến đây làm gì?” Ông trả lời: “Vì lợi ích của nước Mỹ!”
Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng là Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp và Cơ khí; khi nhận được thông báo của Tổng thống đề nghị ông ra làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông viết thư cho rất nhiều bạn bè, trong đó có câu “Tổng thống Mỹ đã tuyên bố bổ nhiệm tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tôi cảm thấy rất hân hạnh, đồng thời cũng cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc, bởi lẽ tôi vô cùng yêu mến trường đại học này, yêu mến tiểu bang nơi tôi đang sinh sống này. Nhưng tôi càng yêu Tổ quốc mình hơn. Tôi phải chấp hành chức trách của mình, vì thế tôi phải đi khỏi nơi đây”.[6]
Đấy chính là tình yêu lớn! Tình yêu lớn trước hết phải yêu nồng nàn đất nước mình.
[còn nữa]
—————-
[1] Toàn văn câu này lấy từ Kinh Dịch: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật. Nghĩa là kẻ quân tử nên như bầu trởi vận hành không nghỉ, dù gian nan phiêu bạt cũng không chịu khuất phục; kẻ quân tử phải có độ lượng giao tiếp rộng như trái đất, không thứ gì không thể gánh chịu được.
[2] Toàn văn câu này ở sách Luận Ngữ, Tử Trương-19: Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hĩ.
[3] Nguyên văn chữ khắc trên tường trường Harvard này là VERITAS (tiếng Latin).
[4] Nguyên văn câu này: Thiên giáo vạn giáo, giáo nhân cầu chân, thiên học vạn học, học tố chân nhân. Ý nghĩa: mục đích căn bản của giáo dục là giúp người ta trở thành người chân chính; một người qua giáo dục cho dù kiến thức uyên bác nhưng thiếu nhân cách thì việc giáo dục người đó là thất bại. Ngày ngày ta học nhiều kiến thức nhưng chỉ khi nào ta học biết cách làm người thì mới thực sự nắm được các tri thức khác, tri thức ấy mới hữu dụng cho xã hội.
Đào Hành Tri: (1891-1945), nhà giáo dục nổi tiếng, chiến sĩ dân chủ, một trong các nhà lãnh đạo Hội Cứu nước nhân dân TQ và Đồng minh Dân chủ TQ.
[5] Chỉ số đạo đức: Moral Intelligence Quotient (MQ).
[6] Robert Gates, sinh 1943, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính phủ của cả hai đảng Cộng Hoà (của Tổng thống Bush con) và Dân Chủ (Tổng thống Obama), từng làm việc 26 năm tại CIA, là Giám đốc CIA thời Tổng thống Bush cha; sau khi rời CIA ông làm Hiệu trưởng (president) của Texas A&M University.