31/12/1600: Công ty Đông Ấn được cấp điều lệ

Nguồn: Charter granted to the East India Company, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1600, Nữ hoàng Elizabeth I của Anh đã cấp một bản điều lệ chính thức cho các thương nhân London giao dịch ở Đông Ấn, với hy vọng phá vỡ sự độc quyền của Hà Lan trong buôn bán gia vị tại khu vực mà ngày nay là Indonesia.

Trong vài thập niên đầu tiên của mình, Công ty Đông Ấn đạt được ít bước tiến ở Đông Ấn hơn so với ở chính Ấn Độ, nơi họ có được các đặc quyền thương mại không ai sánh kịp được ban bởi các hoàng đế Mogul của Ấn Độ. Đến thập niên 1630, công ty này gần như đã hoàn toàn từ bỏ hoạt động ở Đông Ấn để tập trung vào hoạt động thương mại nhiều lợi nhuận với hàng dệt may Ấn Độ và trà Trung Quốc.

Đầu thế kỷ 18, công ty này đã trở thành một công cụ ngày càng mạnh của chủ nghĩa đế quốc Anh khi nó can thiệp ngày càng sâu rộng vào các vấn đề chính trị của Ấn Độ và Trung Quốc. Công ty này có quân đội riêng, đã đánh bại đối thủ là Công ty Đông Ấn Pháp vào năm 1752 và Hà Lan vào năm 1759.

Năm 1773, chính phủ Anh đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh để quản lý công ty này. Các tài sản của công ty tại Ấn Độ sau đó đã được quản lý bởi một thống đốc người Anh, và nó dần mất quyền tự chủ chính trị và kinh tế. Các đạo luật của quốc hội năm 1813 đã chấm dứt độc quyền thương mại của Công ty Đông Ấn, và vào năm 1834, nó được chuyển đổi thành một cơ quan quản lý cho chính phủ Ấn Độ thuộc Anh.

Năm 1857, một cuộc nổi loạn của binh lính Ấn Độ trong quân đội Bengal của công ty đã phát triển thành một cuộc nổi dậy lan rộng chống lại sự cai trị của Anh ở Ấn Độ. Sau khi Cuộc Binh biến Ấn Độ bị dập tắt vào năm 1858, chính phủ Anh giành lại quyền kiểm soát trực tiếp đối với Ấn Độ, và vào năm 1873, Công ty Đông Ấn đã bị giải thể.