Đại Chiến lược và Quyền lực Hoa Kỳ ở CATBD từ năm 1783

Tác giả: Allan Gyngell | Biên dịch: Đinh Nho Minh

By More Than Providence: Grand Strategy and American Power in the Asia – Pacific since 1783. Tác giả: Michael J. Green. New York: Columbia University Press, 2017. Bìa cứng: 725 trang.

Cuốn Hơn cả Sứ mạng Chúa ban: Đại Chiến lược và Quyền lực Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương từ năm 1783 nghiên cứu rất kĩ, viết rất hay về chính sách chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á, và được xuất bản rất đúng thời điểm. Lúc mà chính quyền Trump đang có những chính sách quốc tế khó lường và khác với truyền thống, các nhà nghiên cứu chính sách ở cả hai đầu Thái Bình Dương cần hiểu rõ hơn bao giờ hết về bản chất của những truyền thống đó và những lợi ích đằng sau.

Nếu một ứng viên truyền thống của Đảng Cộng hòa thay vì Trump thắng cử hồi tháng 11/2016, Michael Green gần như chắc chắn sẽ có một vị trí cấp cao về an ninh quốc gia ở Washington. Thay vào đó, ông tiếp tục đóng góp vào cuộc tranh luận về chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Đại học Georgetown ở Washington.

Lịch sử giai đoạn này là một điểm bắt đầu quan trọng cho cuộc tranh luận. Kể từ Chiến tranh giành Độc lập và những chuyến tàu đầu tiên trở nhân sâm từ New England về Trung Quốc – rất lâu trước khi Hoa Kỳ mở rộng khắp lục địa – Green nhận định rằng “các mối đe dọa, giao thương, và năng lực (của Hoa Kỳ) đều góp phần vào chiến lược bành trướng vào Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” (trang 76).

Ông viết rằng trải qua hai thế kỉ, năm căng thẳng “xuất hiện trở lại với khả năng có thể đoán trước được” (trang 6) trong tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ với Châu Á: Châu Âu chống Châu Á; đại lục (Trung Quốc) chống lại hàng hải (Nhật Bản); vấn đề nên đặt đường phòng thủ tiền phương nơi nào; quyền tự quyết chống lại giá trị chung; chủ nghĩa bảo hộ chống lại tự do thương mại. Các lãnh đạo của Hoa Kỳ đều đồng ý rằng mục tiêu quốc gia là đảm bảo “Thái Bình Dương là nơi chuyển tiếp giá trị và hàng hóa Hoa Kỳ về phía Tây, chứ không phải là con đường cho các mối đe dọa đi về phía nội địa” (trang 5).

Giao thương là một trong những yếu tố cốt lõi trong câu chuyện của Green, trong lúc Hoa Kỳ đang tìm cách tranh giành cơ hội kinh tế tại Trung Quốc từ tay các đế quốc Châu Âu. Nửa sau thế kỉ 19 chứng kiến Sáng kiến Vành đai và Con đường phiên bản Hoa Kỳ bởi nước này tìm cách mở rộng về phía Tây với việc mua Alaska năm 1867 và sáp nhập Hawaii năm 1898.

Cho đến đầu thế kỉ 20, đặc biệt là thời chính quyền Tổng thống Theodore Roosevelt, tất cả các yếu tố của chiến lược Hoa Kỳ tại Châu Á đã được hình thành. Các yếu tố này bao gồm “một hải quân mạnh, sự hiện diện ở Tây Thái Bình Dương qua việc sáp nhập đất đai, mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ qua giao thương với sự hỗ trợ với các nước Châu Á độc lập với chính quyền hiệu quả, và sự tham gia vào chính trị cường quyền kiểu Châu Âu” (trang 104).

Cách tiếp cận này thể hiện quan điểm của học giả mà Green ngưỡng mộ nhất và cũng là người đã ảnh hưởng tới cách ông nghiên cứu về khu vực: sĩ quan hải quân, nhà sử học và chiến lược gia về quyền lực hảng hải thế kỉ 19 Alfred Thayer Mahan. Green viết rằng Mahan đã đưa ra “ý tưởng đại chiến lược toàn diện đầu tiên cho Hoa Kỳ và Thái Bình Dương – tận dụng công cụ ngoại giao, giá trị, quân sự, và kinh tế để theo đuổi lợi ích quốc gia” (trang 80). Trong số này bao gồm cả các “công cụ cưỡng bức khi cần thiết và có thể” (trang 104).

Trong thế kỉ vừa qua, Hoa Kỳ đã vô hiệu hóa mối đe dọa từ sự bành trướng của Nhật Bản và Liên Xô. Hoa Kỳ đã thiết lập được một hệ thống liên minh mạnh, cũng như ủng hộ và chống lưng cho hệ thống giao thương mở để tạo nên kì tích kinh tế Châu Á.

Cuốn sách cũng nhắc đến những vấn đề khó như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố vào tháng 11 năm 1993 rằng Bình Nhưỡng “không thể được phép phát triển vũ khí hạt nhân” sau khi Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (trang 466).

Nhìn chung, Đông Nam Á được nhắc đến ít hơn trong câu chuyện địa chính trị so với Đông Bắc Á. Các nước như Philippines và Việt Nam đang giống như đấu trường nơi đại chiến lược diễn ra hơn là người chơi chủ động trong quá trình này. Có một câu chuyện khác ở đây, nhưng dễ hiểu là Green không đả động gì đến nó.

Giọng văn của cuốn sách thay đổi khi viết về thời kì tác giả đang nắm giữ vị trí cao cấp trong chính quyền Tổng thống George W. Bush. Bản thân tác giả miêu tả sự thay đổi này là “từ một sử gia…thành một người chép sử trong cuộc” (trang 483). Cuộc tranh luận ở Washington dưới thời Bush và Obama vì vậy sẽ nghe giống hồi kí hơn lịch sử và sẽ cần có thêm thời gian kiểm chứng trước khi ảnh hưởng và kết quả của các cuộc tranh luận đó có thể được thấy rõ.

Green kết luận một cách thận trọng và thuyết phục rằng đại chiến lược Hoa Kỳ thường “không liền mạch và thiếu hiệu quả, nhưng về tổng thể thì hiệu quả (trang 541).

Tuy nhiên hiện giờ, mục tiêu dài hạn kiểu Mahan là ngăn chặn sự trỗi dậy của “bất cứ đối thủ bá quyền nào ở trong lục địa Châu Á” (trang 81) đang bị thách thức hơn bao giờ hết. Sử dụng các công cụ kinh tế, quân sự và đối ngoại, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình là một đối thủ với tầm cỡ mà Hoa Kỳ chưa bao giờ phải đối mặt ở khu vực. Theo lời Green: “cơ hội để Hoa Kỳ sửa sai nếu mắc phải sai lầm ở Châu Á đang hẹp dần” (trang 428). Để đối phó hiệu quả, các lãnh đạo Hoa Kỳ cần nắm vững “chiến lược phức tạp ít nhất như là một ván cờ vua ba chiều” (trang 543).

Tuy nhiên hiện giờ có vẻ Washington chưa nắm vững được điều đó. Chính sách bảo hộ thương mại, các tín hiệu nửa vời với đồng minh và thiếu cam kết với các giá trị cốt lõi của trật tự thế giới tự do dưới thời Tổng thống Trump đi ngược lại những chiến lược lâu dài mà Green đã đề ra trong cuốn sách của ông. Nhưng khi Hoa Kỳ đã cân bằng lại được về mặt chính trị và các nhà hoạch định chính sách bắt đầu hoạch định kế hoạch mới cho tương lai, họ chắc chắn phải bắt đầu từ cuốn sách của Green.

Allan Gyngell là Giáo sư Danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, Canberra.

Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia, Vol. 39, No. 3 (2017), pp. 574-76.