Sự bí mật đáng ngờ của Trung Quốc và Nga

Nguồn: Ricardo Hausmann, “China’s Malign Secrecy”, Project Syndicate, 02/01/2019

Biên dịch: Phan Nguyên

Bí mật có thể là một trong những tài sản quý nhất mà các chính phủ sở hữu: Con ngựa thành Troa, mật mã Enigma, Dự án Manhattan, và các cuộc tấn công bất ngờ như trận Trân Châu Cảng, Chiến tranh Sáu ngày và Chiến tranh Yom Kippur chỉ là một vài ví dụ được biết đến nhiều nhất. Nhưng trong một số trường hợp, mong muốn giữ bí mật của các chính phủ rất khó phù hợp với lợi ích quốc gia – và thậm chí có thể là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với lợi ích của quốc gia đó. Mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn khi sự bí mật được thúc đẩy bởi những lợi ích của một chính phủ nước ngoài muốn đạt được mục đích của mình.

Một trường hợp điển hình là các chương trình tài trợ phát triển quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành một nhân vật mới và quan trọng trong lĩnh vực này. Về nguyên tắc, tỉ lệ tiết kiệm lớn, bí quyết phát triển cơ sở hạ tầng và sự sẵn sàng cho vay của Trung Quốc có thể rất tốt cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Pakistan, Sri Lanka, Nam Phi, Ecuador và Venezuela đã học được những bài học cay đắng rằng tài trợ phát triển của Trung Quốc thường mang lại vấn đề tham nhũng cho nền kinh tế, cùng với đó là các rắc rối tài chính (và đôi khi là chính trị).

Khi các quốc gia đối mặt với chi phí dự án gia tăng và cố gắng hiểu những gì đã xảy ra và làm thế nào để thoát khỏi mớ hỗn độn đó, họ phát hiện ra rằng các điều khoản tài chính trong các khoản vay của họ thường bị che giấu trong bí mật. Hơn nữa, các hợp đồng áp đặt các ràng buộc khiến người vay, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước, không được phép tiết lộ các điều khoản cho ngay cả chính phủ nước mình biết đến, chứ đừng nói đến công chúng.

Nếu nói một cách nhẹ nhàng nhất thì điều này quả là không may bởi vì kiểm soát nợ là một trong những điều quan trọng nhất mà chính phủ có thể làm để ngăn chặn khủng hoảng. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc nâng cao vị thế tài khóa của mình bằng cách áp dụng luật tài chính công và các thực tiễn làm ngân sách để kiểm soát thâm hụt. Bạn sẽ nghĩ rằng chừng ấy là đủ để kiểm soát nợ. Xét cho cùng, một nguyên tắc kế toán cơ bản là nợ ngày mai chính là nợ của hôm nay cộng với khoản thâm hụt tính từ hôm nay tới ngày mai. Vì vậy, nếu bạn có thể kiểm soát thâm hụt, bạn có thể kiểm soát sự gia tăng nợ.

Giá như nó dễ dàng như vậy. Như Ugo Panizza tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển ở Geneva và các đồng tác giả đã chỉ ra, các nước đang phát triển dường như vi phạm nguyên tắc kế toán, vì thực tế cho thấy không có mối tương quan nào giữa mức độ thâm hụt và sự gia tăng nợ. Lý do là nhiều khoản chi tiêu trở thành nghĩa vụ công mà không bao giờ trải qua quá trình làm ngân sách. Làm thế nào điều này có thể xảy ra?

Một cách quan trọng để phân biệt nợ chính phủ và nợ phi chính phủ là xác định liệu nghĩa vụ nợ có phải được trả bằng tiền thuế trong tương lai hay từ dòng tiền được tạo ra bởi dự án sử dụng khoản vay. Nhưng sự khác biệt này thường khá mơ hồ do chính sách đảm bảo khoản vay của chính phủ, dù rõ ràng hay ngầm định, buộc chính phủ phải giải cứu dự án trên thực tế và trả nợ cho chủ nợ một phần hoặc toàn bộ.

Một cách làm gần đây được cả Trung Quốc và Nga sử dụng là cho vay và trả nợ bằng xuất khẩu trong tương lai, như trong trường hợp trả nợ bằng dầu ở cả Ecuador và Venezuela. Những dàn xếp này đều gây sốc và không thể  tin nổi.

Điều gây sốc là ý tưởng rằng khoản nợ này không thực sự là nợ, mà chỉ là việc mua trước dầu. Tuyên bố này là vô lý, bởi vì nợ là bất kỳ nghĩa vụ nào bạn chấp nhận ngày hôm nay mà bạn cam kết trả lại bằng doanh thu trong tương lai của bạn. Hơn nữa, nó không chỉ là bất kỳ khoản nợ cũ nào; mà là khoản nợ được thế chấp bằng dòng hàng hóa xuất khẩu trong tương lai, khiến nó trở thành khoản nợ siêu ưu tiên[1] – ưu tiên cao hơn nợ từ các tổ chức gọi là người cho vay ưu tiên như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Không tính các khoản này là nợ rõ ràng là điều gây sốc.

Nhưng chưa dừng lại ở đó. Trung Quốc đã sử dụng xuất khẩu dầu để làm vật thế chấp nợ cho các dự án không liên quan đến dầu mỏ, như đập Coca Codo Sinclair ở Ecuador hay Quỹ Phát triển Quốc gia của Venezuela, cơ quan vốn không đưa ra giải thích nào về những gì đã xảy ra với khoản vay 60 tỷ đô la từ Trung Quốc. Trong những trường hợp này, khoản vay dành cho dự án được hoàn trả không phải từ các khoản thu trong tương lai của dự án, mà từ các khoản thu tương lai từ dầu mà quốc gia phải sử dụng để trả cho tất cả các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác nữa. Do đó, doanh thu từ dầu được sử dụng để trả nợ cho các dự án không làm tăng sản lượng dầu cũng như không đi qua quy trình hoạch định ngân sách, do đó phá vỡ sự ổn định tài chính của cả công ty dầu lẫn của chính phủ.

Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc đòi giữ bí mật các điều khoản tài chính trước xã hội mà rốt cuộc phải chịu trách nhiệm cho các khoản vay, và thường là trước cả chính phủ của nước sở tại, là điều không thể chấp nhận được. Ngay cả các điều khoản đàm phán lại khoản vay cũng được giữ bí mật, để đề phòng những người đi vay khác sử dụng kết quả đàm phán làm tiền lệ.

Tôi không thể nghĩ ra được một lập luận tốt nào để dung hòa bí mật trong nghĩa vụ tài chính công với lợi ích công cộng. Đó là điều mà xã hội không nên dung thứ. Việc các điều khoản của những khoản nợ khổng lồ này không bị rò rỉ ra công chúng phản ánh xã hội dân sự và nền báo chí ở các quốc gia này yếu kém tới mức nào.

Nhưng những người khác có thể can thiệp. Các cơ quan xếp hạng tín dụng nên yêu cầu được xem các hợp đồng tài chính. Nếu các cơ quan này bị từ chối, sự thiếu minh bạch này sẽ được phản ánh trong xếp hạng của họ. IMF và các chủ nợ đa phương khác nên đặt điều kiện cho các khoản vay dựa trên việc tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch mà sẽ giúp ngăn chặn sự bí mật này. Câu lạc bộ Paris của các chủ nợ quốc gia nên đưa việc tiết lộ các điều khoản cho vay của Trung Quốc hoặc Nga trở thành điều kiện cho phép các nước đi vay được cơ cấu lại nợ.

Bí mật có một vai trò nhất định trong chính phủ, nhưng không phải trong lĩnh vực tài chính công quốc tế. Đó là một thực tế cần phải được chấm dứt trước khi nó có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn những gì đã xảy ra.

Ricardo Hausmann, nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch Venezuela và nguyên Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Havard và là giáo sư kinh tế thuộc Trường Quản lý Nhà nước Kennedy.

—————

[1] Super-senior debt, tức khoản nợ bạn phải cam kết trả trước các khoản nợ  khác.