22/01/1905: Thảm sát ngày Chủ nhật đẫm máu ở Nga

Nguồn: Bloody Sunday Massacre in Russia, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1905, trong tình cảnh bại trận trước Nhật Bản ở Viễn Đông, nước Nga Sa hoàng bị tàn phá khi bất mãn nội bộ cuối cùng cũng bùng phát thành bạo lực ở St. Petersburg trong sự kiện gọi là Thảm sát Chủ nhật Đẫm máu (Bloody Sunday Massacre).

Dưới thời Sa hoàng Nicholas II của nhà Romanov lên ngôi năm 1894, nước Nga đã trở nên tham nhũng và áp bức hơn bao giờ hết. Lo sợ rằng ông sẽ không có người nối dõi – bởi vì con trai duy nhất của ông, Alexis, mắc chứng bệnh máu không đông – Nicholas dần bị thao túng bởi những kẻ kỳ dị như Grigory Rasputin, người được gọi là pháp sư điên. Tham vọng đế quốc của Nga ở Mãn Châu vào đầu thế kỷ đã dẫn đến Chiến tranh Nga-Nhật kể từ tháng 2/1904. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cách mạng, đáng chú ý nhất là Vladimir Lenin, người đã bị lưu đày, đang tập hợp lực lượng xã hội chủ nghĩa nổi dậy nhằm lật đổ Sa hoàng.

Để hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại Nhật Bản không được lòng dân, chính phủ Nga đã nhóm họp các hội đồng địa phương (zemstvos), chính quyền khu vực được thành lập dưới thời ông của Nicholas, Alexander II, ở St. Petersburg vào tháng 11/1904. Yêu cầu cải cách được đưa ra tại đại hội này đã không được chấp thuận và các nhóm công nhân và xã hội cấp tiến hơn đã quyết định đi theo chiến thuật khác.

Vào ngày 22/1/1905, một nhóm công nhân do linh mục Georgy Apollonovich Gapon dẫn đầu đã diễu hành đến Cung điện Mùa đông ở St. Petersburg. Lính của Sa hoàng đã nổ súng vào những người biểu tình, giết chết và làm bị thương hàng trăm người. Phẫn nộ trước vụ thảm sát, trên khắp đất nước đã nổ ra các cuộc đình công và bạo loạn, Nicholas buộc phải hứa hẹn thành lập một loạt các hội đồng đại diện, hay Duma, để tiến hành cải cách.

Tuy nhiên, căng thẳng nội bộ ở Nga tiếp tục dâng cao trong thập niên tiếp theo, khi chế độ phong kiến cho thấy không muốn thực sự thay đổi cách thức cai trị, trong khi các nhóm xã hội chủ nghĩa cấp tiến, bao gồm phe Bolshevik của Lenin, dần mạnh hơn và tiến gần hơn đến các mục tiêu cách mạng của họ. Đối đầu cuối cùng cũng xảy ra vào 10 năm sau, khi các nguồn lực của Nga đã bị sử dụng đến mức kiệt quệ trong Thế chiến I.