Việt Nam và chiến lược Đại Á-Âu của Liên bang Nga

Tác giả: Đinh Lê Hồng Giang

Quan hệ Nga-Việt đang ở giai đoạn nồng ấm nhất kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô. Trong các thông cáo báo chí, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên nhấn mạnh về tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp và bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ song phương. Năm 2019 đánh dấu các sự kiện quan trọng trong lịch sử bang giao hai nước: kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Nga-Việt (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020). Đồng thời, năm nay cũng được ấn định là “năm chéo”, năm Nga tại Việt Nam và năm Việt Nam tại Nga.

Việt Nam là một trong số ít đối tác chiến lược toàn diện của Nga ở khu vực Á-Âu. Việc phát triển quan hệ Nga-Việt đóng vai trò như thế nào trong chiến lược xoay trục về phía Đông của Liên bang Nga hiện nay?

Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt được thiết lập vào năm 2012. Dù vậy, vẫn có những hoài nghi về bản chất thực sự của mối quan hệ này. Theo nhận định của GS.TS. Evgeny Kanaev thuộc Đại học nghiên cứu quốc gia, nếu chỉ đánh giá dựa trên tên gọi, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Moskva và Hà Nội là một thứ to lớn cả về tầm nhìn lẫn hành động, song nội dung hợp tác và kết quả đạt được trên thực tế của hai bên rất khiêm tốn [Kanaev, 2017].

Vấn đề xuất phát từ những hạn chế trong xúc tiến đầu tư và thương mại hai chiều. Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan Nga, kim ngạch xuất – nhập khẩu Nga-Việt năm 2017 chạm mốc kỷ lục trong ba thập niên qua nhưng cũng chỉ đạt khoảng hơn 5 tỷ đô la. Con số này hoàn toàn chưa cân xứng với tiềm năng hợp tác và cũng không thể đem ra so sánh với các đối tác kinh tế khác của Việt Nam. Mục tiêu đưa thương mại song phương đạt mức 10 tỷ đô la vào năm tới theo thỏa thuận về đối tác chiến lược toàn diện là khó thành hiện thực. Do vậy, không thể dùng kinh tế làm thước đo để xác định nền tảng mối quan hệ Nga – Việt.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng trong hợp tác chính trị – quốc phòng giữa Nga và Việt Nam. Trước bối cảnh thế giới hậu trật tự tự do có nhiều biến động, Moskva luôn là ưu tiên chính trị hàng đầu của Hà Nội. Chính sách đối ngoại từ thời kỳ Đổi mới của Việt Nam không cho phép theo đuổi liên minh quân sự mà phát triển quan hệ đa phương, đặc biệt xác định cho mình ba đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Dù không phải là bạn hàng kinh tế lớn, nhưng Moskva lại là bên cung cấp vũ khí chủ yếu cho Hà Nội. Giữa lúc căng thẳng ở biển Đông chưa có hồi kết, việc hợp tác an ninh quốc phòng chặt chẽ với Nga có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam trong việc duy trì các lợi ích cốt lõi.

Phía Nga trong các văn bản Khái niệm chính sách đối ngoại (tiếng Nga: Концепции внешней политики РФ) kể từ năm 2013 đã xem phát triển quan hệ với Việt Nam là một trong những nhiệm vụ chính trị ưu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam hiện là đối tác chiến lược toàn diện duy nhất của Nga ở Đông Nam Á và cũng là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận mậu dịch tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga lãnh đạo vào năm 2015.

Chiến lược Đại Á-Âu

Kể từ sau cuộc khủng hoảng với Ucraina và phương Tây, kinh tế Nga đang chịu tổn thất nặng nề do các lệnh trừng phạt. Chính quyền Moskva tìm cách xoay trục về châu Á, một mặt nhằm phá dỡ thế bao vây cấm vận, mặt khác tạo điều kiện để hiện đại hóa khu vực Siberia-Viễn Đông đang có phần kém phát triển hơn so với phần còn lại của đất nước.

Mặc dù chưa sử dụng chính thức trong Khái niệm chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, song Tổng thống V. Putin đã nhiều lần đề cập tới việc xây dựng một ‘Đại Á-Âu’ hay ‘Đối tác Đại Á-Âu’ (Greater Eurasia/ Greater Eurasian Partnership) trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao cấp cao như Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN (Sochi, 2016) hay Diễn đàn Vành đai và Con đường (Bắc Kinh, 2017). Chiến lược ‘Đại Á-Âu’ là một nỗ lực đáp trả của Nga trước những sức ép từ Mỹ và phương Tây.

Nhà phân tích chính trị Sergey Karaganov, người đảm đương vai trò cố vấn cho các đời tổng thống Nga suốt từ sau Chiến tranh lạnh, được cho là đã thảo ra nội dung của ý tưởng này. Theo đó, ‘Đối tác Đại Á-Âu’ là sự kết hợp nền tảng giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) – Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chính sách xoay trục về hướng Đông của Nga gặp gỡ các nỗ lực hướng Tây của Trung Quốc với đại dự án “Vành đai & Con đường” kết hợp với các trung tâm kinh tế đang phát triển năng động của Cộng đồng ASEAN sẽ đem đến cho các bên tham gia nhiều cơ hội hợp tác và lợi nhuận. Đặc biệt, dự án này mang tính chất ‘mở’ cho tất cả quốc gia trong khu vực, bao gồm cả châu Âu [Karaganov, 2017].

Tăng cường hội nhập khu vực Á-Âu không chỉ giúp Nga xoa dịu những tổn thương do lệnh cấm vận của phương Tây mà còn góp phần khôi phục được sức mạnh cường quốc của mình. Xoay trục hướng Đông cũng có nghĩa là liên kết giữa Moskva và Bắc Kinh sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này khiến giới chính trị Hoa Kỳ sẽ phải chuẩn bị một kịch bản để đối phó với liên minh Nga-Trung có thể hình thành trong một trật tự thế giới mới.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng quan hệ Nga-Trung vốn có nhiều vấn đề phức tạp. Moskva không thể buộc Bắc Kinh tuân theo luật chơi do mình đặt ra và ngược lại. Bản thân Trung Quốc cũng có những tính toán địa chính trị riêng chứ không đơn thuần là địa kinh tế ở khu vực Á-Âu. Do đó để tránh việc ‘xoay trục châu Á’ biến thành ‘hướng về Bắc Kinh’, Moskva buộc phải đa phương hóa quan hệ, tăng cường hợp tác với các đối tác tiềm năng khác, đặc biệt là ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việt Nam và chiến lược đối ngoại của Nga

Cuối năm 2018 tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN lần thứ III, các nguyên thủ quốc gia đã thống nhất nâng tầm quan hệ Nga-ASEAN từ Đối tác đối thoại (Dialogue Partnership) lên Đối tác chiến lược (Strategic Partnership). Đây là một bước tiến lớn trong tiến trình đối ngoại của Nga ở không gian Á-Âu. GS.TS. Ekaterina Koldunova, Đại học Quan hệ quốc tế (MGIMO, Moskva) cho rằng việc dấn thân sâu hơn vào các cơ chế đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương tạo cơ hội để Nga đề xuất các chương trình nghị sự, dù quy mô của chúng có thể chưa tương xứng với các dự án của Hoa Kỳ và Trung Quốc [Koldunova, 2018]. Thực tế, Liên bang Nga đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với an ninh – chính trị của Đông Nam Á, nhất là việc tạo thế cân bằng chiến lược giữa các cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, so với các đối tác khác của ASEAN như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, quan hệ chiến lược Nga – ASEAN trong giai đoạn hiện nay mang tính biểu tượng nhiều hơn, nguyên nhân xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế còn rất hạn chế. Giá trị kim ngạch thương mại với Nga chưa quá nổi một phần trăm trong tổng giá trị kim ngạch thương mại của ASEAN. Làm thế nào để tăng cường sự hiện diện kinh tế và đầu tư của mình cũng như tranh thủ nguồn lực ở một khu vực đang phát triển năng động như ASEAN đang là một thách thức đối với chính quyền tổng thống Putin.

Dù có quan hệ hữu nghị truyền thống và chiến lược toàn diện nhưng trên thực tế hợp tác Nga-Việt không phải lúc nào cũng thuận lợi. Việc Việt Nam hủy bỏ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận-1 có trị giá khoảng 8 tỷ đô la (từng được kỳ vọng sẽ là biểu tượng cho hợp tác Nga-Việt thời đại mới) vào năm 2016 như một minh chứng cụ thể nhất. Sự kiện này buộc hai bên phải trở nên thận trọng hơn trong thỏa thuận về những dự án có quy mô lớn để tránh gây tổn hại niềm tin lẫn nhau.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga ở ASEAN. Những thử nghiệm kinh tế với Việt Nam sẽ giúp Nga tích lũy kinh nghiệm để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư trong khu vực. Thỏa thuận về mậu dịch tự do Việt Nam – EAEU đang mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Kể từ thời điểm FTA này đi vào hiệu lực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Nga-Việt có sự tăng trưởng tích cực, từ 3.7 tỷ đô la năm 2015 lên hơn 5.3 tỷ đô la năm 2017. Các dự án đầu tư của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên lãnh thổ Liên bang Nga, điển hình là dự án xây dựng các nhà máy sản xuất sữa của tập đoàn TH True Milk ở Kaluga và Viễn Đông. FTA Việt Nam – EAEU trở thành hình mẫu giúp Nga dần đạt được các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, từ đó có thể thiết lập Khu vực mậu dịch tự do Nga-ASEAN hoặc ở tầm cao hơn EAEU-ASEAN.

Kết luận

Việt Nam là cầu nối thiết yếu giữa Nga và các quốc gia ASEAN. Tăng cường hội nhập trong không gian kinh tế-chính trị Á-Âu sẽ không chỉ giúp Moskva và Hà Nội đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trở nên thực chất hơn đúng với gọi của nó mà còn là lực đẩy cho hợp tác giữa EAEU và ASEAN.

Xoay trục về phía Đông với chiến lược xây dựng ‘Đối tác Đại Á-Âu’ (liên kết EAEU-SCO-ASEAN) đương nhiên không phải là một tiến trình đơn giản, nhưng nếu thành công sẽ giúp Nga hiện thực hóa được nhiều mục tiêu quan trọng: sử dụng các nguồn lực đa phương để phát triển, đảm bảo ổn định chính trị khu vực, mở rộng ảnh hưởng và cân bằng quyền lực với các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ hay Trung Quốc.

———-

Tài liệu tham khảo

  1. Kanaev E. (2017). Deciphering the Eurasian Potential of the Russia-Vietnam Comprehensive Strategic Partnership [Giải mã các tiềm năng Á-Âu của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt]. Russian Analytical Digest No. 209. Truy cập tại địa chỉ: http://www.css.ethz.ch/content/dam/ethz/special-interest/gess/cis/center-for-securities-studies/pdfs/RAD_209.pdf
  2. Karaganov S. (2017). Ot povorota na Vostok k Bolshoi Evrazii (От поворота на Восток к Большой Евразии) [Từ xoay trục về phía Đông tới Đại Á-Âu]. Russia in Global Affairs. Truy cập tại địa chỉ: https://globalaffairs.ru/pubcol/Ot-povorota-na-Vostok-k-Bolshoi-Evrazii-18739
  3. Koldunova E. (2018). ASEAN, EAS and APEC: What Russia Achieved in 2018 [ASEAN, EAS và APEC: Thành tựu của Nga trong năm 2018]. Russian International Affairs Council. Truy cập tại địa chỉ: http://russiancouncil.ru/en/analytics-and-comments/analytics/asean-eas-and-apec-what-russia-achieved-in-2018/