16/02/1968: Làn sóng tị nạn bùng nổ sau Tết Mậu Thân

Nguồn: Tet Offensive results in many new refugees, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, các quan chức Mỹ công bố báo cáo rằng, ngoài 800.000 người được liệt kê vào diện tị nạn trước ngày 30/01, giao tranh trong Tết Mậu Thân đã khiến thêm 350.000 người phải đi tị nạn.

Cuộc tấn công của lực lượng Cộng sản, được gọi là chiến dịch Tết Mậu Thân, bắt đầu vào rạng sáng ngày 31/01, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết. Lực lượng Việt Cộng, với sự hỗ trợ của một số lượng lớn quân đội Bắc Việt, đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất và có phối hợp tốt nhất trong chiến tranh, thọc sâu vào trung tâm của bảy thành phố lớn nhất miền Nam và tấn công 30 tỉnh lị, từ Đồng bằng sông Cửu Long đến khu vực phi quân sự (DMZ).

Một số thành phố bị chiếm trong bốn ngày đầu tiên của Tết Mậu Thân là Huế, Đà Lạt, Kontum và Quảng Trị; ở phía bắc, tất cả 5 tỉnh lị chính đều bị tấn công. Đồng thời, Việt Cộng còn bắn phá nhiều sân bay và căn cứ của Mỹ. Tại Sài Gòn, một nhóm lính cảm tử 19 người đã bao vây Đại sứ quán Mỹ suốt sáu tiếng đồng hồ cho đến khi một toán lính dù của Mỹ từ trực thăng đổ bộ lên mái toà nhà và tiêu diệt họ. Gần 1.000 lính Việt Cộng được cho là đã tiến vào Sài Gòn và mất khoảng một tuần chiến đấu dữ dội 11.000 lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mới đẩy lùi được họ. Đến ngày 10/02, cuộc tấn công đã bị chặn đứng, với tổn thất nặng nề cho cả hai bên.

Về mặt quân sự, Tết Mậu Thân là một chiến thắng cho liên minh Mỹ – Việt Nam Cộng hòa, nhưng về mặt tâm lý và chính trị, đó là một thảm hoạ. Cuộc tấn công là một thất bại quân sự lớn đối với Việt Cộng và Bắc Việt, nhưng quy mô và phạm vi của các đợt tấn công đã khiến người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phải ngạc nhiên. Các báo cáo sai lệch ban đầu về chiến thắng của cộng sản trên các phương tiện truyền thông đem lại chiến thắng tâm lý cho lực lượng cộng sản. Những thương vong nặng nề của quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sau cuộc tấn công – đi kèm với sự vỡ mộng về những báo cáo lạc quan vội vàng về tiến triển của chiến tranh – đã làm tăng nỗi thất vọng với cách thức tiến hành chiến tranh của Tổng thống Lyndon B. Johnson.

Tại sao Mỹ bất ngờ trước trận Tết Mậu Thân?