Tác giả: Simon Long | Biên dịch: Đinh Nho Minh
The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia. Tác giả: Kurt M. Campbell. New York and Boston: Twelve, 2016. Bìa cứng: 399 trang.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn có nhiều phiên bản. Phiên bản đầu được hé lộ qua báo chí khi các lãnh đạo cố định hình thế giới theo ý muốn của Hoa Kỳ. Các phiên bản sau được giới thiệu qua các cuốn sách khi các lãnh đạo muốn giải thích chính sách của họ. Cuộc phiêu lưu ở Châu Á của chính quyền Obama nhiệm kỳ đầu (2009-2012) cũng không là ngoại lệ. James Steinberg, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đồng tác giả (với Michael O’Hanlon) viết cuốn sách về “trấn an chiến lược” (strategic reasssurance) trong quan hệ Mỹ-Trung. Jeffrey Bader, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ lúc đó, đã viết một cuốn sách về “câu chuyện của một người trong cuộc về chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á”. Rồi cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cũng viết một tập hồi ký về giai đoạn này.
Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Obama chắc vẫn đang chờ một hợp đồng viết sách về vấn đề này. Nhưng, với cuốn The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia (Xoay trục: Tương lai Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ ở Châu Á), Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2009 đến 2013, đã đóng góp vào chủ đề đã được viết đi viết lại này. Thế nên ta phải ghi nhận nhờ khả năng của ông nên cuốn sách vẫn có cái mới để đóng góp vào cuộc tranh luận. Văn phong của ông cũng lôi cuốn và dễ đọc. Nó là sự pha trộn rất quen thuộc với những độc giả hay theo đọc thể loại này: một phần kể chuyện cá nhân (đủ để người đọc cảm thấy ông đúng là đang kể chuyện thâm cung bí sử, nhưng không làm lộ bí mật quốc gia); một phần bày tỏ tôn trọng với những chính trị gia nổi tiếng mà ông từng phục vụ (đủ khen ngợi để không làm hại con đường sự nghiệp hoặc các mối quan hệ, nhưng không tới mức nịnh nọt); một phần tự giải thích (kể về vai trò của mình đối với một chính sách mà ông tin tưởng nhưng không tới mức cướp công của cấp trên).
Trong tất cả các thành viên của chính quyền, có lẽ Campbell là người gần gũi nhất với chính sách cùng tên với cuốn sách cũng như với di sản của chính quyền Obama ở Châu Á: chính sách “xoay trục” hoặc “tái cân bằng” các nguồn lực ngoại giao, chính trị và quân sự Hoa Kỳ ở Châu Á. Cuốn sách của Campbell nhằm bảo vệ sự xoay trục này. Ông viết rằng ông có hai luận điểm chính trong cuốn sách (trang 7). Luận điểm đầu là “Châu Á thường xuyên – nếu không phải luôn luôn – chỉ là khu vực được chú trọng thứ nhì sau các khu vực khác như Châu Âu trong Chiến tranh Lạnh và Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố. Đã đến lúc phải xem xét lại quan điểm này và nâng Châu Á thành tâm điểm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ.” Luận điểm thứ hai là ủng hộ một chiến lược để thực hiện được điều này, với mục tiêu “hoàn thành vai trò truyền thống hậu Thế chiến II ở khu vực, đảm bảo cam kết với các đồng minh, và giữ vững “hệ điều hành” Châu Á (các thỏa thuận phức tạp về pháp lý, an ninh và thực dụng đã giữ vững an ninh và phát triển trong bốn thập niên qua).”
Tiến triển của chính sách kể từ lúc cuốn Xoay trục được xuất bản không suôn sẻ lắm. Việc Trung Quốc tiếp tục bành trướng ở Biển Đông và thẳng thừng từ chối tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài về yêu sách chủ quyền của nước này cho thấy “hệ điều hành” Châu Á đang gặp phải rủi ro lớn. Các nước khác trong khu vực cũng phản đối hành động của Trung Quốc giống Hoa Kỳ. Nhưng những sự phản đối này không thay đổi được cục diện trên biển. Cái chết của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vào tháng Mười càng giảm khả năng quân đội sẽ nhường quyền kiểm soát chính trị, làm phức tạp thêm quan hệ của Hoa Kỳ với một đồng minh quan trọng nhưng đang ngày càng ngả về Trung Quốc. Tệ hơn, hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mà ông Campbell cho rằng “khó mà nêu hết được tầm quan trọng, là “điều kiện tối cần thiết của xoay trục” (trang 266), đang gặp phải vấn đề lớn. Hai ứng viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đang thi nhau phê phán TPP, và nhiều khả năng nó cũng sẽ không được một Quốc hội sắp mãn nhiệm thông qua.
Campbell cũng phủ đầu trước các chỉ trích với chính sách xoay trục. Ông cho rằng xoay trục thường bị đồng thời chỉ trích là “làm quá ít nên chả quan trọng và làm quá nhiều đến mức gây hại” (trang 20). Ông dùng sự mâu thuẫn này để cho rằng chính sách xoay trục là vừa đủ, không quá ít cũng không quá nhiều – một chiến thuật mà tất cả các chính trị gia, nhà báo và quan chức đều dùng khi bị tấn công từ cả hai bên. Tuy nhiên, câu trả lời này hiểu sai bản chất của các chỉ trích: chỉ trích cho rằng xoay trục đã làm quá ít để trấn an đồng minh của Hoa Kỳ, và quá nhiều đến mức Trung Quốc lo ngại rằng Hoa Kỳ đang lập một khối khu vực để cân bằng và kiềm chế sự “trỗi dậy” của nó.
Thật vậy, các quan chức Trung Quốc sẽ cảm thấy cuốn sách đã chứng minh cho sự nghi ngờ của họ. Campbell thẳng thắn cho rằng “chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cần phải phối hợp các công cụ ngoại giao, kinh tế và quân sự để ngăn chặn sự hình thành một bá quyền mới ở Châu Á. Đây đã luôn là cách để đảm bảo các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ như giao thương, tôn giáo, dân chủ và an ninh truyền thống” (trang 136). Cái Hoa Kỳ cho là “ngăn chặn bá quyền” (hegemon-prevention), Trung Quốc sẽ cho là “ngăn chặn” (containment). Và cũng như nhiều quan chức Mỹ khác, Campbell có vẻ, với người Châu Á, đánh giá thấp quy mô của thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với trật tự thế giới mà Hoa Kỳ lãnh đạo: tại sao Bắc Kinh lại muốn lật đổ một trật tự mà họ đã được hưởng lợi rất nhiều? Những dấu hiệu như việc Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte muốn tự “xoay trục” khỏi đồng minh Hoa Kỳ để quay sang Trung Quốc đã dội một gáo nước lạnh vào tham vọng của Hoa Kỳ ở Đông Á và cho thấy sự bất lực của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn sự bành trướng lãnh thổ từ từ của Trung Quốc đã làm suy yếu vị thế của Hòa Kỳ đối với một số bạn bè truyền thống ở khu vực tới mức nào.
Sẽ là bất công nếu cho rằng Campbell bỏ qua những khó khăn mà chính sách của chính quyền Obama phải đối mặt ở Châu Á. Ông phải đi qua một quãng thời gian buồn: các sự kiện ở Trung Đông (trang 307); “cảm giác mệt mỏi” và muốn “về nhà” với người Mỹ (trang 303); chi tiêu quốc phòng không đủ (trang 300); và “bế tắc chính trị” (trang 297). Không may là những điều này vẫn tiếp tục xấu đi kể từ khi ông bắt đầu viết và cuốn sách được xuất bản. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống tương lai Donald Trump đã chỉ trích nhiều mặt của xoay trục như quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với TPP. Không rõ bao nhiêu lời đe dọa và lời hứa trong chiến dịch tranh cử sẽ trở thành chính sách thực sự. Nhưng có vẻ bản thân chính sách đối ngoại Hoa Kỳ sẽ xoay trục một lần nữa theo một hướng rất khác.
Simon Long, trước mang bút danh Banyan, là biên tập viên mảng tài chính và kinh tế của tạp chí The Economist.