22/04/1915: Đức đưa khí gas độc vào sử dụng

Nguồn: Germans introduce poison gas, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 22 tháng 04 năm 1915, các lực lượng Đức đã gây sốc cho các binh sĩ Đồng minh trên mặt trận phía tây bằng cách bắn hơn 150 tấn khí clo gây chết người về phía hai sư đoàn Pháp tại Ypres, Bỉ. Đây là cuộc tấn công bằng khí độc lớn đầu tiên của Đức và nó đã phá vỡ phòng tuyến của quân Đồng minh.

Khói độc thỉnh thoảng được sử dụng trong chiến tranh từ thời cổ đại, và vào năm 1912, quân Pháp đã sử dụng một lượng nhỏ hơi cay trong các hoạt động của cảnh sát. Khi Thế chiến I bùng nổ, quân Đức bắt đầu tích cực phát triển vũ khí hóa học. Vào tháng 10/1914, quân Đức đã đặt một số hộp hơi cay nhỏ vào đạn pháo được bắn vào Neuve Chapelle, Pháp, nhưng quân đội Đồng minh đã không bị ảnh hưởng.

Vào tháng 01/1915, quân Đức đã bắn đạn pháo chứa xylyl bromide, một loại khí độc hơn, vào quân Nga tại Bolimov ở mặt trận phía đông. Do không khí lạnh mùa đông, phần lớn khí gas bị đóng băng, nhưng hơn 1.000 người phía quân Nga đã bị thiệt mạng do loại vũ khí mới.

Vào ngày 22 tháng 04 năm 1915, quân Đức đã phát động cuộc tấn công đầu tiên và duy nhất trong năm. Được gọi là Trận Ypres thứ hai, cuộc tấn công bắt đầu bằng các cuộc bắn phá bằng pháo thông thường vào phòng tuyến của kẻ thù. Khi màn pháo kích chấm dứt, lực lượng phòng thủ quân Đồng minh đã chờ đợi đợt tấn công đầu tiên của quân Đức, nhưng thay vào đó lại bị hoảng loạn khi khí clo bay qua vùng đất không người và rơi xuống chiến hào của họ. Quân Đức nhắm mục tiêu vào bốn dặm tiền tuyến với loại khí độc được gió thổi bay và tàn sát hai sư đoàn của quân đội Pháp và Algeria. Phòng tuyến của lực lượng Đồng minh đã bị phá vỡ, nhưng quân Đức, có lẽ cũng bị sốc như quân Đồng minh bởi tác động của loại khí độc, đã không tận dụng được toàn bộ lợi thế, và quân Đồng minh vẫn bảo vệ được hầu hết các vị trí của họ.

Một cuộc tấn công bằng khí độc thứ hai chống lại một sư đoàn Canada vào ngày 24 tháng 04 đã đẩy quân Đồng minh lùi về xa hơn, và đến tháng Năm, họ đã rút về thị trấn Ypres. Trận Ypres thứ hai đã kết thúc vào ngày 25 tháng 05, với những thành quả không đáng kể cho quân Đức. Tuy nhiên, việc sử dụng khí độc sẽ có tầm quan trọng rất lớn trong Thế chiến I.

Ngay sau vụ tấn công bằng khí độc của Đức tại Ypres, Pháp và Anh bắt đầu phát triển vũ khí hóa học và mặt nạ phòng độc của riêng mình. Với việc người Đức đi tiên phong, một số lượng lớn đạn chứa chất gây chết người đã làm ô nhiễm các chiến hào của Thế chiến I. Khí mù tạc, được quân Đức đưa vào sử dụng vào năm 1917, làm phồng rộp da, mắt và phổi, và đã giết chết hàng ngàn người. Các chiến lược gia quân sự đã biện minh cho việc sử dụng khí độc bằng cách nói rằng nó làm giảm khả năng đánh trả của kẻ thù và do đó giúp tiết kiệm sinh mạng cho binh sĩ trong các cuộc tấn công. Trong thực tế, phòng thủ chống lại khí độc thường theo kịp sự phát triển vũ khí tấn công, và cả hai bên đều sử dụng các loại mặt nạ phòng độc và quần áo bảo hộ tinh vi, vì thế về cơ bản đã làm mất tầm quan trọng chiến lược của vũ khí hóa học.

Hoa Kỳ, nước tham gia Thế chiến I năm 1917, cũng đã phát triển và sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống tương lai Harry S. Truman là đại úy trong một đơn vị pháo binh dã chiến Hoa Kỳ đã bắn khí độc vào quân Đức vào năm 1918. Tổng cộng, hơn 100.000 tấn vũ khí hóa học đã được sử dụng trong Thế chiến I, khiến khoảng 500.000 binh sĩ đã bị thương và gần 30.000 người chết, trong đó có 2.000 người Mỹ.

Trong những năm sau Thế chiến I, Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc chiến tranh thuộc địa khác nhau, bất chấp những chỉ trích quốc tế ngày càng tăng chống lại chiến tranh hóa học. Năm 1925, Nghị định thư Geneva đã cấm sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh nhưng không cấm họ phát triển hoặc tàng trữ loại vũ khí này. Hầu hết các cường quốc đều xây dựng những kho dự trữ vũ khí hóa học đáng kể.

Vào những năm 1930, Italy đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại Ethiopia, và Nhật Bản đã sử dụng chúng để chống lại Trung Quốc. Trong Thế chiến II, chiến tranh hóa học đã không xảy ra, chủ yếu là do tất cả các bên tham chiến chính đều sở hữu cả vũ khí hóa học lẫn đồ phòng hộ – chẳng hạn như mặt nạ phòng độc, quần áo bảo hộ và máy dò tìm – khiến chúng không còn hiệu quả. Ngoài ra, trong một cuộc chiến có đặc trưng là sự di chuyển quân sự nhanh như chớp, các chiến lược gia đã phản đối việc sử dụng bất cứ thứ gì có thể gây trì hoãn các hoạt động. Tuy nhiên, Đức đã sử dụng khí độc để tàn sát hàng triệu người trong các trại hủy diệt.

Kể từ sau Thế chiến II, vũ khí hóa học chỉ được sử dụng trong một số ít các cuộc xung đột – như cuộc xung đột Yemen năm 1966-67, Chiến tranh Iran-Iraq 1980-88 – và luôn được dùng để chống lại các lực lượng thiếu mặt nạ phòng độc hoặc các biện pháp phòng thủ đơn giản khác. Năm 1990, Hoa Kỳ và Liên Xô đã ký một thỏa thuận để cắt giảm 80% kho vũ khí hóa học của mỗi nước trong một nỗ lực để ngăn cản các quốc gia nhỏ hơn dự trữ loại vũ khí này. Năm 1993, một hiệp ước quốc tế đã được ký kết để cấm sản xuất, tàng trữ (sau năm 2007) và sử dụng vũ khí hóa học. Hiệp ước có hiệu lực vào năm 1997 và đã được 128 quốc gia phê chuẩn.