04/05/1886: Bạo loạn Quảng trường Haymarket

Nguồn: The Haymarket Square Riot, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1886, tại Quảng trường Haymarket ở Chicago, Illinois, một đội cảnh sát đang cố gắng đàn áp một cuộc biểu tình của người lao động thì bị đám đông ném thiết bị nổ vào. Cảnh sát liền đáp trả bằng súng, giết chết nhiều người trong đám đông và làm bị thương thêm hàng chục người khác.

Thu hút khoảng 1.500 công nhân ở Chicago, cuộc biểu tình được tổ chức bởi những người lao động cực đoan gốc Đức nhằm phản đối việc cảnh sát Chicago giết chết một người biểu tình một ngày trước đó.

Giữa lúc diễn ra biểu tình, khi đã thưa người hơn vì trời đổ mưa, một nhóm gần 200 cảnh sát đã đến để giải tán các công nhân. Khi cảnh sát tiến về phía 300 người biểu tình còn lại, một cá nhân không bao giờ xác định được danh tính đã ném bom vào họ. Sau vụ nổ bom và kế đến là xả súng của cảnh sát, hơn một chục người đã thiệt mạng, và gần 100 người khác bị thương.

Bạo loạn Quảng trường Haymarket đã tạo ra một làn sóng bài ngoại trên cả nước, khi hàng trăm người nước ngoài với tư tưởng cực đoan và các nhà lãnh đạo lao động bị vây bắt ở Chicago và nhiều nơi khác. Cuối cùng, một bồi thẩm đoàn đã luận tội 31 nghi phạm cực đoan liên quan đến vụ đánh bom, và 8 người đã bị kết án trong một phiên tòa giật gân và gây tranh cãi. Thẩm phán Joseph E. Gary đã áp dụng án tử hình với bảy người và người thứ tám bị kết án 15 năm tù. Ngày 11/11/1887, Samuel Fielden, Adolph Fischer, August Spies và Albert Parson bị xử tử.

Trong số 3 người bị kết án tử hình còn lại, một người đã tự sát vào đêm trước khi bị xử tử và hai người còn lại được Thống đốc bang Illinois Richard J. Oglesby giảm án thành chung thân. Hành động của Thống đốc Oglesby là phản ứng trước sự ngờ vực của công chúng về tội lỗi của nhóm người này. Sau đó, người kế nhiệm ông, Thống đốc John P. Altgeld, đã tha bổng cho ba nhà hoạt động vẫn còn sống vào năm 1893.