13/05/1958: Phó tổng thống Nixon bị tấn công ở Venezuela

Nguồn: Vice President Nixon is attacked, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1958, trong một chuyến thăm hữu nghị tới châu Mỹ Latinh, chiếc xe của Phó tổng thống Richard Nixon đã bị một đám đông giận dữ tấn công và suýt bị lật khi đi qua Caracas, Venezuela. Vụ việc là điểm nhấn ấn tượng của một chuyến đi bị bao trùm bởi sự tức giận của người dân Mỹ Latinh đối với một số chính sách Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ.

Đến năm 1958, quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Người dân Mỹ Latinh phàn nàn rằng việc Hoa Kỳ tập trung vào Chiến tranh Lạnh và chủ nghĩa chống cộng không giải quyết được nhu cầu kinh tế và chính trị cấp bách của nhiều quốc gia Mỹ Latinh.

Cụ thể, họ lập luận rằng quốc gia của họ cần sự hỗ trợ kinh tế cơ bản hơn, chứ không phải nhiều vũ khí hơn để đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản. Họ cũng chất vấn sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các chế độ độc tài Mỹ Latinh chỉ đơn giản vì các chế độ đó tự xưng là những người chống cộng. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã trao tặng huân chương Legion of Merit cho nhà độc tài Venezuela Marcos Perez Jimenez năm 1954; Jimenez bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự vào đầu năm 1958.

Phó Tổng thống Richard Nixon đã đến trong bầu không khí này trong chuyến thăm châu Mỹ Latinh vào tháng 4 và tháng 5 năm 1958. Chuyến đi bắt đầu với một số tranh cãi, khi Nixon tham gia vào các cuộc tranh luận ồn ào và quyết liệt với các nhóm sinh viên trong chặng thăm Peru và Uruguay. Tuy nhiên, tại Caracas, Venezuela, mọi thứ đã chuyển biến sang chiều hướng nguy hiểm. Một đám đông người Venezuela giận dữ hét lên những khẩu hiệu chống Mỹ đã chặn đoàn xe của Nixon đi vào thủ đô. Họ tấn công chiếc xe, làm hỏng thân xe và đập vỡ cửa kính. Bên trong chiếc xe, các đặc vụ Mỹ đã che chắn cho phó tổng thống và ít nhất một người được cho là đã rút vũ khí ra. Thật kỳ diệu, họ đã trốn thoát khỏi đám đông và tăng tốc. Tại Washington, Tổng thống Eisenhower đã phái quân đội Hoa Kỳ đến khu vực Caribbe để giải cứu Nixon khỏi các mối đe dọa khác nếu cần thiết. Không có chuyện gì xảy ra, và phó tổng thống rời Venezuela trước thời hạn.

Cuộc bạo loạn ở Caracas đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các quan chức Hoa Kỳ ở Washington, cảnh báo họ về mối quan hệ đang dần xấu đi của Hoa Kỳ với Mỹ Latinh. Trong vài tháng tiếp theo, Hoa Kỳ đã gia tăng cả hỗ trợ quân sự và kinh tế cho khu vực này. Tuy nhiên, phải đến khi Fidel Castro lên nắm quyền ở Cuba vào năm 1959, Hoa Kỳ mới thực sự nhận ra mức độ bất mãn và nổi loạn ở Mỹ Latinh.