16/05/1918: Quốc Hội Mỹ thông qua Đạo luật chống Nổi loạn

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. Congress passes Sedition Act, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, Quốc Hội Mỹ đã thông qua Đạo luật chống Nổi loạn (Sedition Act), một bộ luật được thiết kế để bảo vệ sự tham gia của nước Mỹ vào Thế chiến I.

Cùng với Đạo luật Gián điệp (Espionage Act) ban hành một năm trước đó, Đạo luật chống Nổi loạn được xây dựng phần lớn bởi A. Mitchell Palmer, Tổng Chưởng lý dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Đạo luật Gián điệp, được thông qua ngay sau khi Mỹ tham chiến vào đầu tháng 04/1917, tuyên bố rằng mọi hành vi truyền đạt thông tin nhằm can thiệp vào nỗ lực chiến tranh của lực lượng vũ trang Mỹ hoặc thúc đẩy thành công của kẻ thù đều bị xem là phạm tội.

Nhắm vào các nhà hoạt động xã hội, những người chủ trương hòa bình và các nhà hoạt động chống chiến tranh khác, Đạo luật chống Nổi loạn áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai bị kết tội đưa ra những tuyên bố sai lầm nhằm can thiệp diễn tiến chiến tranh; xúc phạm hoặc lạm dụng hình ảnh chính phủ, quốc kỳ, Hiến Pháp hoặc quân đội Mỹ; kích động chống lại việc sản xuất các vật dụng chiến tranh cần thiết; hoặc ủng hộ, tuyên truyền hoặc bảo vệ bất kỳ hành vi nào trong số này. Những người bị kết tội vì những hành động này, theo quy định trong Đạo luật, sẽ bị phạt tiền không quá 10.000 USD hoặc phạt tù không quá 20 năm hoặc cả hai. Đây là hình phạt tương tự được áp dụng cho các hành vi gián điệp trong đạo luật trước đó.

Dù Wilson và Quốc hội coi Đạo luật chống Nổi loạn có vai trò rất quan trọng nhằm ngăn chặn bất đồng chính kiến lan truyền trong nước trong thời kỳ chiến tranh, giới học giả pháp lý hiện đại coi hành động này trái với nội dung và tinh thần của Hiến pháp Hoa Kỳ, cụ thể là Tu chính án Thứ nhất của Tuyên ngôn Nhân Quyền. Trong Thế chiến I, một trong những vụ truy tố nổi tiếng nhất theo Đạo luật chống Nổi loạn là vụ truy tố Eugene V. Debs, một nhà hoạt động lao động theo chủ nghĩa hòa bình, đồng thời là nhà sáng lập Liên đoàn Công nhân Quốc tế Thế giới (International Workers of the World, IWW), người đã tranh cử Tổng thống vào năm 1900 với tư cách là đại diện Đảng Dân chủ Xã hội và vào năm 1904, 1908 và 1912 với tư cách là đại diện Đảng Xã hội Chủ nghĩa.

Sau khi có bài phát biểu phản chiến vào tháng 06/1918 tại Canton, Ohio, Debs đã bị bắt giữ, xét xử và bị kết án 10 năm tù theo Đạo luật chống Nổi loạn. Ông đã kháng án và cuối cùng vụ việc được đưa lên Tối cao Pháp viện, nơi tòa án phán quyết Debs đã hành động với ý định cản trở nỗ lực chiến tranh và giữ nguyên bản án ban đầu. Trong phán quyết này, Chánh án Oliver Wendell Holmes đã đề cập đến vụ kiện mang tính bước ngoặt trước đó – vụ Schenck v. United States (1919), khi Charles Schenck, cũng là một nhà hoạt động xã hội, đã bị kết tội theo Đạo luật Gián điệp sau khi phát tờ rơi sử dụng hình ảnh những người vừa nhập ngũ gần đó nhằm phản đối chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Mỹ. Trong phán quyết vụ Schenck, Holmes lập luận rằng quyền tự do ngôn luận và báo chí có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định, và vấn đề là liệu các từ ngữ có được dùng trong các trường hợp với tính chất gây nguy hiểm rõ ràng, dẫn tới những hậu quả mà Quốc Hội có quyền ngăn chặn hay không.

Bản án của Debs đã được xóa bỏ vào năm 1921 khi Đạo luật chống Nổi loạn bị Quốc hội bãi bỏ. Các phần chính của Đạo luật Gián điệp vẫn là một phần của luật pháp Mỹ cho đến ngày nay, mặc dù tội nổi loạn đã được xóa bỏ phần lớn bởi vụ án nổi tiếng Sullivan v. New York Times (1964), trong đó xác định rằng việc báo chí công khai chỉ trích các quan chức sẽ được bảo vệ bởi Tu chính án Thứ nhất – trừ phi nguyên đơn có thể chứng minh rằng các tuyên bố đó đã được đưa ra một cách ác ý hoặc sai sự thật.