24/05/1883: Khánh thành cầu Brooklyn

Nguồn: Brooklyn Bridge opens, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1883, sau 14 năm và với 27 người thiệt mạng trong quá trình xây dựng, Cầu Brooklyn bắc qua sông Đông được khánh thành, lần đầu tiên trong lịch sử kết nối các thành phố lớn New York và Brooklyn. Hàng ngàn cư dân của Brooklyn và Đảo Manhattan đã tới để chứng kiến ​​buổi lễ khánh thành do Tổng thống Chester A. Arthur và Thống đốc New York Grover Cleveland chủ trì. Được thiết kế bởi John A. Roebling, cầu Brooklyn là cây cầu treo lớn nhất từng được xây dựng cho đến thời điểm đó.

John Roebling, sinh ra ở Đức vào năm 1806, là người tiên phong trong thiết kế cầu treo bằng thép. Ông học ngành kỹ thuật công nghiệp ở Berlin và đã di cư đến miền tây Pennsylvania khi 25 tuổi, tại đó ông đã cố gắng, dù không thành công, để kiếm sống bằng nghề nông. Sau đó, ông chuyển đến thủ phủ của bang tại Harrisburg, nơi ông tìm được công việc kỹ sư dân dụng. Ông thúc đẩy việc sử dụng dây cáp và thành lập một nhà máy sản xuất dây cáp thành công.

Ông cũng giành được danh tiếng trong vai trò một nhà thiết kế cầu treo, mô hình cầu vào thời điểm đó được sử dụng rộng rãi nhưng gặp nhiều trục trặc dưới tác động của gió mạnh hoặc trọng tải nặng. Roebling tạo ra một bước đột phá lớn trong công nghệ cầu treo: một giàn lưới được thêm vào hai bên mặt đường cầu giúp ổn định đáng kể cấu trúc. Sử dụng mô hình này, Roebling đã bắc cầu thành công qua Hẻm núi Niagara tại Thác Niagara, New York và Sông Ohio tại Cincinnati, Ohio. Trên cơ sở những thành tựu này, tiểu bang New York đã chấp nhận thiết kế của Roebling cho cây cầu kết nối Brooklyn và Manhattan – với chiều dài 486m – và bổ nhiệm ông làm kỹ sư trưởng. Đó là cây cầu treo bằng thép đầu tiên trên thế giới.

Ngay trước khi việc xây dựng bắt đầu vào năm 1869, Roebling đã bị thương nặng trong khi thực hiện các đo đạc la bàn cuối cùng trên sông Đông. Một chiếc thuyền đã nghiền nát các ngón một bên chân của ông, và ba tuần sau ông chết vì uốn ván. Ông là người đầu tiên trong số hơn 20 người sẽ chết trong quá trình xây dựng cây cầu này. Người con trai 32 tuổi của ông, Washington A. Roebling, đã đảm nhận vị trí kỹ sư trưởng. Roebling đã làm việc với cha mình trên nhiều cây cầu và đã giúp thiết kế cầu Brooklyn.

Hai nền đá granit của cầu Brooklyn được xây dựng trong các thùng chắn gỗ, hay các buồng kín nước, được dìm xuống độ sâu 13,4m ở phía Brooklyn và 23,7m ở phía New York. Khí nén tạo áp lực cho các thùng chắn, cho phép tiến hành việc xây dựng dưới nước. Vào thời điểm đó, ít ai biết đến những rủi ro khi làm việc trong những điều kiện như vậy, và hơn một trăm công nhân đã mắc phải các chứng bệnh liên quan sức nén. Bệnh này bị gây ra bởi sự xuất hiện của các bong bóng nitơ trong dòng máu do quá trình giải nén nhanh. Một số người đã chết, và chính Washington Roebling cũng đã phải nằm liệt giường vì tình trạng này vào năm 1872. Các công nhân khác đã chết do các tai nạn xây dựng thông thường hơn, như sụp giàn giáo và hỏa hoạn.

Roebling tiếp tục chỉ đạo các hoạt động xây dựng từ nhà mình, và vợ ông, Emily, mang các hướng dẫn của ông ra cho công nhân. Năm 1877, Washington và Emily chuyển đến một ngôi nhà nhìn ra cây cầu. Sức khỏe của Roebling dần dần được cải thiện, nhưng ông vẫn bị liệt một phần trong suốt quãng đời còn lại. Vào ngày 24/05/1883, Emily Roebling trở thành người đầu tiên ngồi trên xe chạy qua cây cầu đã hoàn thành, mang theo một chú gà trống, một biểu tượng của chiến thắng. Trong vòng 24 giờ, ước tính 250.000 người đã đi qua cầu Brooklyn, sử dụng lối đi phía trên phần đường cho xe chạy mà John Roebling đã thiết kế chỉ để phục vụ người đi bộ.

Cầu Brooklyn, với chiều dài chưa từng có và hai tòa tháp trang nghiêm, được mệnh danh là “kỳ quan thứ tám của thế giới.” Sự kết nối mà nó mang lại cho các trung tâm dân cư khổng lồ Brooklyn và Manhattan đã thay đổi quá trình phát triển của thành phố New York mãi mãi. Năm 1898, thành phố Brooklyn chính thức sáp nhập với thành phố New York, Đảo Staten và một vài thị trấn nông trại, tạo nên khu vực Đại New York.