Nguồn: Minxin Pei, “The Lasting Tragedy of Tiananmen Square”, Project Syndicate, 31/05/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Bước tiến của Trung Quốc hướng tới một xã hội mở đã kết thúc khi Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA) tàn sát ít nhất hàng trăm người, nếu không phải là hàng ngàn người biểu tình ôn hòa trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh vào ngày 3-4 tháng 6 năm 1989. Cuộc đàn áp đã để lại một vết nhơ lâu dài cho sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của chế độ nhằm tẩy trắng lịch sử và đàn áp ký ức tập thể.
Ba thập niên sau, hậu quả từ quyết định của ĐCSTQ trong việc đè bẹp cuộc biểu tình đã trở nên ngày càng khó tránh hơn. Nhìn lại, rõ ràng thảm kịch này đã làm thay đổi tiến trình lịch sử Trung Quốc một cách sâu sắc, làm đất nước này mất đi khả năng chuyển đổi dần dần và hòa bình sang một trật tự chính trị tự do và dân chủ hơn.
Nên nhớ rằng thập niên trước vụ thảm sát Thiên An Môn chứa đầy cảm nhận về những điều khả dĩ. Trung Quốc buộc phải lựa chọn. Hoặc là quay lại với mô hình Stalinist chính thống hơn – nhưng không phải là mô hình Maoist – một mô hình vốn đã thịnh hành trong những năm 1950, và là con đường mà những người bảo thủ của chế độ mong muốn. Trung Quốc cũng có thể tiến hành các cải cách dần dần để phát triển nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và một quá trình chính trị cởi mở hơn, như những người tự do ôn hòa trông đợi. Hoặc Trung Quốc cũng có thể đi theo mô hình tân chuyên chế của Đài Loan và Hàn Quốc bằng cách hiện đại hóa nền kinh tế dưới sự cai trị độc đảng, như Đặng Tiểu Bình đã ủng hộ từ lâu.
Ba phe phái – những người bảo thủ, các nhà cải cách và những người theo chủ trương hiện đại hóa chuyên chế – đã lâm vào bế tắc trước khi xe tăng và binh sĩ của PLA tiến vào quảng trường. Vụ thảm sát, sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào cuối năm đó (một sự trùng hợp ngẫu nhiên) và sự sụp đổ cuối cùng của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991 đã thay đổi thực tế đó: chỉ còn lại lựa chọn tân chuyên chế. Trong khi cuộc thanh trừng chính trị sau cuộc đàn áp Thiên An Môn đã làm suy yếu những nhà tự do, các nhà bảo thủ – vốn mất tinh thần và hoảng loạn sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản – cũng không thể đưa ra được chiến lược sinh tồn khả dĩ nào khác.
Tuy nhiên, trong khi sân khấu đã được dọn sẵn cho những người theo chủ nghĩa tân chuyên chế, tới đầu năm 1992, khi một Đặng Tiểu Bình 87 tuổi bắt đầu chuyến “Nam tuần” lịch sử trong một nỗ lực nhằm cứu vãn chế độ và chuộc lỗi cho cuộc đàn áp, thì nhóm những nhà tân chuyên chế và những người bảo thủ đã nhập lại làm một. Mặc dù không có một tên gọi nào có thể mô tả chính xác trật tự sau năm 1989, các đặc điểm chính của trật tự đó là chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa tư bản thân hữu và kiềm chế chiến lược.
Đặc biệt, chủ nghĩa thực dụng đã giúp ích cho ĐCSTQ trong những năm sau sự cố Thiên An Môn. Ở trong nước, một cách tiếp cận linh hoạt về chính sách cho phép chế độ theo đuổi các thí nghiệm có lợi cho tăng trưởng, mua chuộc giới tinh hoa xã hội và ứng phó với những thách thức đối với thẩm quyền của Đảng, trong khi phương châm “giấu mình chờ thời” của Đặng trở thành nguyên tắc định hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. ĐCSTQ tiếp tục xem phương Tây như một mối đe dọa ý thức hệ sống còn mà nó phải chống lại bằng cách không ngừng nuôi dưỡng tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng họ đang hưởng lợi từ trật tự quốc tế tự do, và do đó kiên trì tránh mọi xung đột thực sự với Hoa Kỳ.
Trong khi đó, trên phương diện kinh tế, ĐCSTQ đã theo đuổi các cải cách thị trường mạnh mẽ và mở cửa đất nước nhiều hơn so với những năm 1980, nhưng không nới lỏng sự kiểm soát đối với các đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế, như tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Trong khoảng hai thập niên, chiến lược sinh tồn của Đặng đã thành công rực rỡ. Cái gọi là phép màu kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy tính chính danh của ĐCSTQ và sớm đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng trật tự hậu Thiên An Môn đã phải cáo chung sớm và đột ngột vào cuối năm 2012, khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư ĐCSTQ. Bằng cách khôi phục chế độ cai trị độc đoán và chủ nghĩa Lênin, áp đặt lại sự kiểm soát chuyên chế lên xã hội, và trên hết, trực tiếp thách thức Mỹ, Tập đã loại bỏ chủ nghĩa thực dụng, chia sẻ quyền lực trong giới tinh hoa và sự kiềm chế chiến lược vốn đã định hình thời kỳ hậu 1989.
Mặc dù vậy, công bằng mà nói, mô hình tân chuyên chế của Đặng cũng luôn có những sai sót chết người khiến cho sự sụp đổ của nó là không thể tránh khỏi. Việc Đặng né tránh cải cách chính trị đã khiến cho chế độ mất đi các cơ chế nhằm ngăn chặn sự trở lại của một nhân vật giống Mao. Theo một cách nào đó, ĐCSTQ chỉ đơn giản là đã gặp may với hai người kế vị ngay sau Đặng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, những người đã bị các đối thủ mạnh cân bằng và không thể hồi sinh sự cai trị cá nhân ngay cả khi họ muốn. Bởi sự phát triển kinh tế đã sản sinh ra một hình thức chủ nghĩa tư bản thân hữu mạnh mẽ, hầu hết thành viên giới tinh hoa lãnh đạo đều điều khiển những mạng lưới thân hữu mờ ám bên trong chế độ, và do đó họ dễ bị tổn thương trước các cuộc thanh trừng chống tham nhũng.
Dưới thời Tập, khoảng cách chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây đã tiếp tục mở rộng bất chấp hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc. Phương pháp của ĐCSTQ trong việc kích động chủ nghĩa dân tộc nhằm nâng cao tính chính danh đã chứng minh hiệu quả một cách ngoạn mục và ngân sách phình to đã cho phép Đảng phát triển một bộ máy đàn áp rộng lớn, bao gồm hệ thống “Vạn lý hỏa thành” khét tiếng. Nếu Trung Quốc không đạt được nhiều của cải và quyền lực đến vậy, những diễn tiến này có thể không có vấn đề gì. Nhưng bằng cách trở lại chủ nghĩa độc đoán cứng rắn, tăng cường chủ nghĩa tư bản nhà nước và cho phép tự do theo đuổi tham vọng địa chính trị, ĐCSTQ cuối cùng đã khiến phương Tây quay sang chống lại Trung Quốc.
Theo nhiều cách, Trung Quốc ngày nay bắt đầu giống với Trung Quốc những năm 1950: ĐCSTQ được dẫn dắt bởi một lãnh đạo độc đoán, người đã công khai kêu gọi đảng “đừng quên cam kết ban đầu của mình” (buwang chuxin). Tuyên truyền tư tưởng đã trở lại mạnh mẽ; Mỹ lại trở thành kẻ thù, trong khi Nga lại nổi lên như một đồng minh. Sau một chặng đường vòng 30 năm, Trung Quốc lại đang đi theo hướng mà những người chịu trách nhiệm cho vụ đàn áp Thiên An Môn từng mong muốn. Đất nước lại nằm trong sự kìm kẹp của một chế độ Lênin cứng rắn, được củng cố bởi một nền kinh tế lai và dựa vào sự đàn áp tàn nhẫn. Đó là một bi kịch kéo dài của sự kiện Thiên An Môn.
Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.