05/07/1996: Nhân bản thành công động vật có vú đầu tiên

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: First successful cloning of a mammal, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1996, cừu Dolly-động vật có vú đầu tiên được nhân bản thành công từ một tế bào của một con cừu trưởng thành-đã được sinh ra tại Viện Roslin ở Scotland.

Ban đầu có tên mã là 6LL3, cô cừu nhân bản được đặt theo tên của nữ ca sĩ và diễn viên có dáng người đẫy đà Dolly Parton. Cái tên này được cho là do gợi ý của một trong những người chăn nuôi gia súc hỗ trợ cho việc sinh nở của cô cừu này, sau khi anh biết rằng cô cừu được nhân bản từ một tế bào động vật có vú.

Các tế bào đã được lấy từ bầu vú của một cô cừu cái sáu tuổi và được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sử dụng các kim siêu nhỏ, bằng một phương pháp lần đầu tiên được sử dụng trong phương pháp điều trị sinh sản của con người vào những năm 1970. Sau khi tạo ra được một số trứng bình thường, các nhà khoa học đã cấy chúng vào những cô cừu mẹ thay thế; 148 ngày sau, một trong số đó đã sinh ra Dolly.

Sự ra đời của Dolly được công bố vào tháng 02 năm 1997, gây ra sự tranh cãi gay gắt. Một mặt, những người ủng hộ lập luận rằng công nghệ nhân bản có thể dẫn đến những tiến bộ quan trọng trong y học, chẳng hạn như việc tạo ra động vật biến đổi gen để hiến tạng cho con người cũng như nhân bản “trị liệu” (“therapeutic” cloning), hay quá trình nhân bản phôi để thu thập tế bào gốc nhằm sử dụng trong việc phát triển phương pháp điều trị các bệnh thần kinh thoái hóa như Alzheimer và Parkinson. Một số nhà khoa học cũng xem việc nhân bản động vật như một cách giúp bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Mặt khác, những người chỉ trích đã xem công nghệ nhân bản mới này có khả năng không an toàn và phi đạo đức, đặc biệt là khi nó được áp dụng cho điều mà nhiều người coi là bước tiếp theo hợp lý: nhân bản con người.

Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Dolly đã giao phối với một chú cừu đực tên là David và cuối cùng đã sinh ra bốn chú cừu con. Vào tháng 01 năm 2002, Dolly được phát hiện bị viêm khớp ở chân sau, một chẩn đoán đã đặt ra câu hỏi về những biến dị di truyền có thể diễn ra trong quá trình nhân bản.

Sau khi mắc bệnh phổi ngày càng nghiêm trọng, Dolly đã được cho chết vào ngày 14 tháng 02 năm 2003, lúc 6 tuổi. Cái chết sớm của cô cừu đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự an toàn của nhân bản, cả đối với động vật và con người. Mặc dù Ian Wilmut, trưởng nhóm nhân bản Dolly, đã lên tiếng công khai chống lại nhân bản con người, những người ủng hộ điều này dường như không thể bị thuyết phục. Về phía Dolly, cô cừu lịch sử đã được nhồi bông và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Scotland ở Edinburgh.