Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Niên hiệu: Thiên Phúc: 980-988; Hưng Thống: 989-993; Ứng Thiên 994-1005
Lãnh thổ nước Đại Cồ Việt thời Vua Lê Đại Hành về phía bắc rộng hơn thời nhà Lý; do bởi dưới thời Vua Lý Nhân Tông, hai Tù trưởng Nùng Tôn Đán, Nùng Trí Hội tại biên giới qui phụ nhà Tống, nạp cho Tống hai động Vật Dương, Vật Ác, nay thuộc Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây . Bộ sử Tục Tư Trị Trường Biên của Lý Đào đời Tống chép như sau:
Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
“…….. Ty Kinh Lược Hùng Bản cũng tâu rằng:
“Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là Qui Hóa châu.”[1]
Về phía nam, qua mấy lần giao tranh với Chiêm Thành; lãnh thổ nước ta nới rộng ra đến tỉnh Quảng Bình. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi vào năm Hưng Thống thứ 4 [992], cho Chiêm Thành nhận người từ châu Địa Lý [huyện Lệ Ninh, Quảng Bình][2] đưa về châu Ô Lý:[3]
“Mùa hạ, tháng 6, cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Điạ Lý đem về châu Ô Lý” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Để đáp ứng nhu cầu giao thông từ bắc chí nam, cũng trong năm 992, nhà vua cho mở đường từ cửa biển Nam Giới [chỗ giáp giới hai huyện Can Lộc và Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh] đến châu Địa Lý:
“Muà thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Điạ Lý” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Trước đó lúc đi đánh Chiêm Thành, nhắm tránh đường biển không an toàn vì sóng gió; năm 983 cho đào kênh dọc theo đường biển tỉnh Thanh Hóa từ núi Đồng Cổ [sông Mã] đến sông Bà Hòa [Tĩnh Gia]:[4]
”Quý Mùi, /Thiên Phúc/ năm thứ 4[ 983 ],… Kênh mới trên đường biển làm xong. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 1.
Năm 1003 nhà Vua lại cho đào kênh Đa Cái, nay là xã Hương Cái thuộc huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An để nối con kênh từ Thanh Hóa đến sông Lam:
“Quý Mão, /Ứng Thiên/ năm thứ 10 /1003. Vua đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái thẳng đến Tư Củng trường ở Ám Châu.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Dưới thời Vua Lê Đại Hành có những cuộc nỗi dậy bởi các quan lại địa phương hoặc dân tộc miền núi. Phần lớn xảy ra tại vùng Thanh Nghệ, nơi Chiêm Thành thường mang quân ra vào cướp phá, khiến lòng người chưa ổn định. Tình hình có lúc trầm trọng, nhà Vua phải thân chinh đi đánh dẹp, chiếu theo thời gian, xin liệt kê:
Vào năm Hưng Thống thứ nhất [989], viên Quản giáp Dương Tiến Lộc xui dân châu Hoan [Nghệ An] và châu Ái [Thanh Hóa] nổi lên làm phản, Cương Mục[5] ghi như sau:
“Tiến Lộc, làm chức Quản giáp, vâng mệnh đi thu thuế ở châu Hoan và châu Ái. Nhân đó, Lộc cầm đầu hai châu ấy nổi lên làm phản, rồi xin theo về với nước Chiêm Thành; nhưng người Chiêm Thành không nhận. Nhà vua đem quân đi đánh bắt giết được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể.”
Tháng 7, năm Ứng Thiên thứ 4 [997], nhà Vua đi đánh giặc ở Đỗ Động,[6] vùng căn cứ của tướng Đỗ Cảnh Thạc thời Thập Nhị Sứ Quân, bắt được đồ đảng đem về.
Năm thứ 6 [999] Vua thân đi đánh Hà Động, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; tất cả bốn mươi chín động trong vùng đều dẹp yên cả.
Năm thứ 7 [1000], bọn Trịnh Hàng ở Phong Châu [tỉnh Vĩnh Phúc] làm loạn. Nhà vua điều khiển quân sĩ đi đánh. Trịnh Hàng chạy sang núi Tản Viên tỉnh Sơn Tây.
Năm thứ 8 [1001],Vua cùng Vua cũ nhà Đinh tức Đinh Toàn mang quân đánh bộ tộc Cử Long[7] tại Thanh Hóa, Đinh Toàn tử trận, Cương Mục[8] chép như sau:
“Nhà vua đi đánh Cử Long: Vệ vương Toàn theo đi. Bấy giờ quân giặc thấy nhà vua, chúng giương cung, chĩa tên, toan bắn, chiếc tên rơi xuống; chúng lại giương cung, dây cung đứt. Chúng sợ, rút lui. Nhà vua đi thuyền ven sông đuổi theo. Quân giặc ở hai bên bờ đánh khép lại. Quan quân bị hãm ở sông. Vệ vương Toàn trúng phải mũi tên bay, mất tại trận. Nhà vua kêu trời ba tiếng, rồi thân ra đốc chiến: quân giặc thua.”
Về phương diện văn học, dưới thời Tiền Lê tuy chưa tổ chức thi cử, nhưng việc học do Phật Giáo phụ trách, được duy trì tại các chùa chiền, tự viện. Các vị cao tăng như Pháp Thuận, Khuông Việt đều là những danh sĩ. Trung Quốc biết rõ nước ta là quốc gia văn hiến, nên khi cử sứ bộ sang, ngoài viên Chánh sứ lo việc chính trị, còn có viên phụ tá, chuyên đối đáp thơ văn. Như phái đoàn Lý Nhược Chuyết sang nước ta năm 986, có Quốc tử giám bác sĩ Lý Giác phụ tá, từng để lại thơ xướng họa; phái đoàn Tống Cảo năm 990, phụ tá bởi Vương Thế Tắc, vị này từng lập kỳ tích trong lịch sử Trung Quốc, với 2 lần thi đậu Trạng nguyên.[9]
Về phương diện y tế cũng được nhà Vua lưu ý, qua việc gửi biểu văn sang Trung Quốc xin những bài thuốc hay, để chữa trị cho dân; tờ biểu có đoạn như sau:
“…Lại bảo rằng: Vùng Lãnh Biểu[10] nóng ẩm, nhiều chướng lệ, xin quan cho giấy mực viết những bài thuốc cứu sống, để ban cho các châu.”[11]
Phía Trung Quốc chấp nhận lời xin này. [Trường Biên, quyển 43]
Sử xưa ít đề cập đến lãnh vực kinh tế, tuy nhiên qua sử liệu Trung Quốc dưới đây có thể thấy việc trồng dâu nuôi tằm tại nước ta khá thịnh vượng. Nguyên do lúc bấy giờ vua Tống Chân Tông ban lệnh các nơi trồng dâu nuôi tằm. Viên quan đứng đầu Quảng Tây, Chuyển vận sứ Trần Nghiêu Tẩu tâu rằng thổ ngơi Quảng Tây có nhiều đá, thiếu đất trồng dâu, chỉ cây trồng tơ gai mà thôi; riêng việc trồng dâu, nuôi 8 loại tằm sản xuất lụa gấm thì nổi tiếng tại An Nam:
“Trường Biên quyển 43, ngày Nhâm Tuất tháng 7 [31/7/998], Trước đó có chiếu ban sai dân trồng nhiều dâu [để nuôi tằm], Chuyển vận sứ Quảng Tây Trần Nghiêu Tẩu tâu rằng:
‘Các châu dưới quyền coi sóc của thần, thổ ngơi khác biệt; nhiều ruộng đá, thiếu đất để trồng dâu; thường bảo rằng “ những thứ gấm lụa từ 8 loại tằm” vốn không có tục sản xuất từ Ngũ Lãnh; nơi sản xuất chỉ tại An Nam. Dân tại đây ngoài việc cày ruộng nước, nguồn tài lợi dựa vào loại tơ gai gọi là ma ninh mà thôi’.”[12]
***
Các nhà viết sử thời xưa thường chú ý đến việc làm của nhà vua, các cuộc chinh phạt, cùng Sứ thần các nước qua lại ngoại giao; rất ít khi đề cập đến sinh hoạt dân chúng; nên tư liệu để lại về kinh tế xã hội khá nghèo nàn; đó là điều đáng tiếc.
—————–
[1] 經略司熊本亦言:「嘉祐中,儂宗旦以勿惡等峒歸明,賜名順安州。治平中,儂智會以勿陽峒歸明,賜名歸化州
[2] Châu Địa Lý:tên châu của Chiêm Thành, sau khi sáp nhập vào lãnh thổ nhà Lý đổi gọi là châu Lâm Bình (1075). Nay là phần đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình.
[3] Ô Lý:tên hai châu của nước Chiêm Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hoá Châu; nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên.
[4] Theo lời chú Toàn Thư, Bản kỷ quyển 1; Sông Bà Hòa: sông chảy qua xã Bà Hòa, sau đổi là xã Đồng Hòa, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
[5] Cương Mục: tức Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
[6] Đỗ Động: theo chú thích của Toàn Thư, Ngoại Kỷ, quyển 5; thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
[7] Cử Long: Cương Mục, Chính Biên, quyển 1 có lời chua như sau: Cử Long: Tên dân tộc Mán. Nhà Đinh, nhà Tiền Lê gọi là mán Cử Long, đến nhà Lý diệt được. Năm Thuận Thiên (1428-1433), nhà Lê đặt là huyện Lạc Thủy; năm Quang Thuận (1460-1469), đổi lại Cẩm Thủy. Bây giờ vẫn theo tên cũ, thuộc phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
[8] Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
[9] Theo Hoa Nhân Bách Khoa, Vương Thế Tắc đậu Trạng nguyên lần thứ nhất, khoa này có một viên Tiến sĩ bị khiếu nại, nên triều đình nhà Tống cho thi lại, Thế Tắc lại thi tiếp đậu Trạng nguyên lần thứ 2, nên được người đời gọi là “ Liên khoa Trạng nguyên 連科狀元.
[10] Lãnh Biểu: vùng phía nam Ngũ Lãnh, chỉ vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây, thuộc nước Nam Việt xưa.
[11] 又言:「嶺表炎蒸,又多瘴癘,請官給紙墨,寫攝生藥方,散付諸州。」從之。
[12] 先是,有詔諸路課民種桑棗,廣西轉運使陳堯叟上言曰:「臣所部諸州,土風本異,田多山石,地少桑蠶,昔云『八蠶之綿』,諒非五嶺之俗,度其所產,恐在安南。今其民除耕水田外,財利之博者,惟麻苧耳。