Lý Bằng và vai trò gây tranh cãi trong chính biến Thiên An Môn

Nguồn:Obituary: Li Peng died on July 22nd”, The Economist, 25/07/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nhật ký của Lý Bằng vào ngày 27 tháng 4 năm 1989 ghi lại khoảnh khắc sự cố biểu tình Thiên An Môn tác động trực tiếp tới ông. Trên đường về nhà từ văn phòng thủ tướng ở Bắc Kinh, chiếc xe của ông đã bị chặn bởi những người biểu tình. Người lái xe và vệ sĩ của ông – và ông vui mừng vì có họ bên cạnh lúc đó – phải tìm đường khác.

Sau nhiều ngày biểu tình ủng hộ dân chủ của các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, chính phủ vẫn chưa có hành động nào. Không ai đến đánh đập và bắt giữ những người biểu tình như từng xảy ra một lần duy nhất trước đó trong giai đoạn cai trị của Đảng Cộng sản – trong một đợt biểu tình quy mô lớn cũng tại chính Thiên An Môn. Đó là vào năm 1976, khi người dân đang thương tiếc sự qua đời của Thủ tướng Chu Ân Lai. Lý cũng đã khóc thương ông Chu, có lẽ nhiều hơn nhiều người khác, vì Chu đã chăm sóc ông từ khi ông còn là một đứa trẻ sau khi cha ông bị giết, hi sinh vì cuộc đấu tranh của cách mạng. Đạo đức và nguyên tắc của Chu đã ảnh hưởng sâu sắc đến Lý sau này.

Nhưng sự tiếc thương của công chúng năm 1976 đã biến thành biểu tình chính trị chống lại những kẻ thù cứng rắn của Chu, và cuộc biểu tình đó đã bị trấn áp mạnh mẽ. Bây giờ, 13 năm sau, nhiều người Trung Quốc đã cho phép mình tin rằng cuối cùng đảng cũng đã sẵn sàng đi theo một con đường chính trị mới, cở mở hơn với bất đồng chính kiến. Nhưng Lý không thể cho phép điều này. Ông viết trong nhật ký của mình rằng ông thà chết còn hơn là để các cuộc biểu tình vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Ngay từ đầu cuộc biểu tình ông đã sợ điều tồi tệ nhất: rằng những kẻ gây rối này sẽ lặp lại sự hỗn loạn và bạo lực mà Trung Quốc từng chịu đựng trong Cách mạng Văn hóa. Ông đã trải qua những năm bi thảm đó trong vai trò một cán bộ bình thường phụ trách công tác đảng tại sở điện lực Bắc Kinh. (Phát điện, đặc biệt là kỹ thuật thủy điện, là tình yêu lớn của ông, và ông từng theo học chuyên ngành này tại Viện Kỹ thuật Điện ở Moskva). Giờ đây, trong thời đại của Đặng Tiểu Bình với khẩu hiệu “cải cách”, chính trị trở nên bị pha trộn theo một hướng mới, và Lý được gọi là một người bảo thủ. Trong khi Đặng là người cởi mở, Lý sẽ tạo dấu ấn của mình bằng cách giữ lập trường ngược lại.

Thực tế, chính trị Trung Quốc trong thời đại của Đặng thường mâu thuẫn: vừa ôn hòa vừa cứng rắn. Năm 1989, Đặng có hai người thân cận, và Lý là một trong số đó. Người còn lại, hoàn toàn khác, là Tổng Bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), một người có vẻ tự do xuyên suốt, một người lôi cuốn, thanh lịch, thích mặc Tây phục. Lý từ lâu đã mâu thuẫn với Triệu về tốc độ và đường hướng cải cách, về các vấn đề từ cải cách giá cả đến kiểm soát ý thức hệ. Là một người tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của nhà nước và đảng, ông coi bất kỳ thay đổi nào đều có khả năng gây nguy hiểm cho cả hai.

Trong những ngày xuân căng thẳng năm 1989, Triệu có phần đồng cảm với các sinh viên. Ông nghĩ họ yêu nước. Còn Lý coi các lãnh đạo sinh viên là những kẻ phản cách mạng, tìm cách lật đổ đảng. Họ phải bị đàn áp. Trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông và Triệu đã cãi nhau dữ dội. Nhưng Lý biết Đặng ủng hộ mình và chủ trường dùng vũ lực để đàn áp. Vào ngày 17 tháng 5, ông cùng với một Triệu Tử Dương đang thất vọng rời một cuộc họp của Bộ Chính trị tại nhà Đặng, vui mừng vì quan điểm của ông đã thắng thế. Việc đàn áp đã được cho phép. Vào ngày 18, ông đã chủ trì một cuộc họp căng thẳng với một số lãnh đạo sinh viên tại Đại lễ đường Nhân dân nhìn ra Quảng trường Thiên An Môn, nói với họ một cách lạnh lùng: “Tình hình sẽ không phát triển như các cậu muốn và mong đợi”. Trái lại, nó sẽ phát triển theo như Lý muốn và dự kiến.

Đêm 20 tháng 5 đã ghi dấu ấn của Lý vào lịch sử Trung Quốc. Đó là khi ông xuất hiện trên truyền hình quốc gia, mặc một bộ đồ đại cán với mái tóc vuốt ngược ra sau, biện minh cho việc chuẩn bị áp dụng thiết quân luật ở Bắc Kinh. “Tình trạng vô chính phủ đang ngày càng xấu đi”, ông đọc bài diễn văn với giọng căng thẳng và tức giận. “Số phận và tương lai của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được xây đắp bởi xương máu của bao nhiêu chiến sĩ cách mạng [trong đó có cha ông], đang đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng”. Từ trong một hội trường chật cứng, hàng trăm cán bộ đã vỗ tay ủng hộ ông.

Lý đã thắng cuộc chiến của mình, và Triệu đã thua. Nhưng Lý đã không giành được trái tim và khối óc của các sinh viên. Mặc dù các sinh viên tập trung sự tức giận của họ vào một số người, bao gồm cả chính Đặng, nhưng Lý đã trở thành gương mặt đại diện chính cho những gì xấu xa. Khi quân đội tập trung ở ngoại thành Bắc Kinh chuẩn bị tiến vào dọn dẹp quảng trường, các sinh viên và các công dân khác đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ, hét vang “Đả đảo Lý Bằng”! Trong cuộc gặp ngắn ngủi với họ vào ngày 18, trong bầu không khi sôi sục sự khinh miệt, ông đã nói thẳng với họ: “Chúng ta phải bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Tôi không quan tâm đến việc các anh chị có thích nghe điều này hay không”. Vào đêm 3 tháng 6, điều này đã được lặp lại một lần nữa – bằng những viên đạn. Hàng trăm, có thể hàng ngàn người, đã bị giết. Một số người, đặc biệt là Đặng, xứng đáng bị bêu tên là “Đồ tể Bắc Kinh” như cách nhiều người nước ngoài sau đó đã gán cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng biệt danh này thường được gán cho Lý.

Bánh xe vẫn quay

Nhưng Lý chẳng hề bận tâm đến điều đó. Thế giới hậu Thiên An Môn là thế giới của ông. Quan điểm tự do kiểu Triệu không bao giờ được phục hồi. Cải cách kinh tế cuối cùng đã cất cánh một lần nữa, nhanh hơn tốc độ mà những người bảo thủ như ông muốn. Nhưng đảng vẫn nắm vững quyền lực, và đó mới là điều quan trọng nhất. Ông giữ chức thủ tướng trong gần một thập niên, đảm bảo cho các  thành viên gia đình ông thoải mái cắm rễ trong ngành điện lực: hai con trai và con gái ông đều làm việc trong Bộ Tài nguyên nước và Điện lực, và một con trai của ông trở thành chủ tịch tỉnh Sơn Tây nơi có nhiều than. Những người ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng đã phẫn nộ với “gia đình điện lực” của ông. Nhưng điều đó cũng không hề làm ông bận tâm.

Dự án mà ông tự hào nhất, mặc dù nó khiến ông trở nên tai tiếng hơn, là việc xây dựng một con đập khổng lồ tại Tam Hiệp trên sông Dương Tử, nơi có phong cảnh tuyệt đẹp. Nó tiêu tốn hàng chục tỷ đô la, làm 1,3 triệu dân phải di dời và bị các nhà môi trường ở Trung Quốc và nước ngoài lên án, nhưng ông đã tán dương nó và còn đưa nó vào trong một bài thơ của mình: “Bánh xe khổng lồ quay/ Dòng điện tràn vô tận/ Thành tựu vào lúc này/ Lợi ích muôn đời sau”. Ông cũng viết một cuốn sách về dự án, dựa trên cuốn nhật ký mà ông đã giữ sau đó. Ông vẫn giữ thói quen viết nhật ký mỗi ngày ngay cả khi đã về già. Ông cố gắng xuất bản các phần tuyển chọn từ nhật ký của mình ghi lại những ngày tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu năm 1989, bảo vệ vai trò của ông trong chính biến Thiên An Môn. Ông dường như không quan tâm liệu độc giả có vui vẻ đón nhận chúng hay không.

Xem thêm: