Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Huawei trong tầm ngắm của Mỹ
Hôm nay một quy định mới bắt đầu có hiệu lực cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị của Huawei. Đây là đòn mới nhất trong cuộc tấn công của chính phủ Mỹ nhằm vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc kể từ tháng 5, khi công ty này bị đưa vào danh sách các thực thể mà các nhà xuất khẩu Mỹ không được bán các công nghệ quan trọng. Hoa Kỳ bày tỏ ngờ vực đối với các thiết bị viễn thông của Huawei, vốn đã phổ biến toàn cầu, và lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng sự phổ biến này để do thám Mỹ và các đồng minh.
Nhưng Huawei còn lâu mới chịu bị đánh bại. Hồi cuối tháng 7, công ty này báo cáo tăng trưởng doanh thu hằng năm là 23%. Đến ngày 9 tháng 8, Huawei công bố một hệ điều hành mới có tên là Harmony, được thiết kế nhằm đưa họ thoát khỏi sự phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google. Tập đoàn này kì vọng việc thiết kế Harmony với mã nguồn mở cho phép mọi người dùng kiểm tra sẽ làm giảm sự ngờ vực. Có thể, nhưng đó vẫn là một trận chiến khó nhằn.
Quốc hội Anh và Brexit “không thỏa thuận”
Các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn xoay quanh việc liệu Quốc hội Anh có thể ngăn chính phủ của ông Boris Johnson đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu mà không cần một thỏa thuận nào. Đa số các nghị sĩ đều chống lại việc “không thỏa thuận”, nhưng ông Johnson khẳng định rằng Brexit phải diễn ra vào ngày 31 tháng 10, “ra đi hay là chết”. Hiện tại cả luật pháp của Anh và EU đều ấn định Brexit vào ngày này, sau khi đã gia hạn thêm 7 tháng kể từ hạn chót ban đầu vào mùa xuân.
Một báo cáo mới từ Viện Quản trị chính quyền (một viện nghiên cứu độc lập), cho rằng các nghị sĩ đang cạn dần các lựa chọn và thời gian trong việc ngăn chặn một Brexit “không thỏa thuận”. Chính phủ cho rằng họ có thể chặn đứng mọi nỗ lực (của Nghị viện) nhằm thông qua luật kêu gọi kéo dài thời hạn Brexit. Ngay cả khi Nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Johnson vào tháng tới, như các nghị sĩ từ một số đảng hy vọng, thì Phố Downing vẫn tin rằng họ có thể trì hoãn cuộc tổng tuyển cử cho đến sau khi Brexit xảy ra. Và chỉ còn có 79 ngày nữa là đến ngày 31/10.
Bầu cử tổng thống ở Argentina
Cuối tuần qua kết quả bỏ phiếu áp đảo ở Argentina rất có thể báo hiệu sự kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Mauricio Macri. Triển vọng quay trở lại chủ nghĩa dân túy đã kích hoạt sự hốt hoảng của thị trường hôm thứ Hai. Vòng bỏ phiếu sơ bộ toàn quốc này sẽ được tiếp nối bởi cuộc bầu cử vào tháng Mười, song tỉ lệ phiếu cho thấy cơ hội cho chính phủ của ông Macri là rất mong manh. Tỉ lệ phiếu toàn quốc dành cho ông giảm 48% xuống chỉ còn 32%, mang lại lợi thế cho Alberto Fernández, một nhà Peron chủ nghĩa kỳ cựu, và người đồng hành cùng chạy đua với ông này, cựu Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner.
Ông Fernández, người đề nghị giảm giá đồng peso và tuyên bố vỡ nợ trái phiếu chính phủ Argentina, đã ăn mừng chiến thắng sơ bộ, tuyên bố rằng: “Chúng tôi chính là sự thay đổi”. Cơ cấu phiếu cho thấy ông Macri vẫn còn đó cơ hội, mặc cho lạm phát cao, tỉ lệ thất nghiệp tăng, và gói cứu trợ 57 tỉ đô la từ IMF. Thế nhưng, ngài tổng thống, rõ ràng đang choáng váng, than thở về một “cuộc bầu cử tồi tệ” và hy vọng rằng phe đối lập sẽ thể hiện “trách nhiệm” trong vài tháng tới.
Mục tiêu thực hiện: lạm phát ở Mỹ
Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giảm lãi suất chuẩn lần đầu tiên sau hơn một thập niên. Tại sao họ lại làm điều này? Vì một loạt lý do. Có những dấu hiệu cho thấy sự yếu kém trong nền kinh tế toàn cầu, và cả ở Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump ở nước ngoài ngày càng có khả năng gây hại ngược lại cho nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, lạm phát ở Mỹ đã thấp một cách kỳ lạ, liên tục dưới mức mục tiêu 2% của Fed.
Hôm nay Bộ Lao động sẽ công bố dữ liệu lạm phát mới nhất của họ. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng lạm phát cơ bản, đã loại trừ giá lương thực và năng lượng vốn bất ổn định, sẽ tăng 0,2% trong tháng 7 và 2,1% trong năm nay. Song ngay cả một con số lạm phát mạnh mẽ ngay hôm nay vẫn khó có thể dập tắt những lo ngại của Fed. Thuế quan đối với hàng tiêu dùng rõ ràng đang đẩy lạm phát lên cao, nhưng tác động của chúng chỉ là nhất thời. Nếu hôm nay lạm phát giảm, rất có khả năng một số quan chức Fed sẽ muốn cắt giảm lãi suất hơn nữa.
Nỗi lo lắng của các công ty du lịch
Năm vừa qua rõ ràng là năm khó khăn cho các gã khổng lồ điều hành các tour du lịch Châu Âu. Giá cổ phiếu hãng TUI của Đức đã giảm một nửa, trong khi đó cổ phiếu hãng Thomas Cook của Anh đã giảm hơn 90%. Thomas Cook đang nhanh chóng cạn kiệt tiền mặt; niềm hy vọng của họ nằm ở khoản cứu trợ từ những người cho vay và Fosun, một tập đoàn Trung Quốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất của công ty này.
Khi TUI báo cáo doanh thu Quý II vào hôm nay, các nhà đầu tư đang mong đợi vào các tin tốt hơn. Song hầu hết các vấn đề dẫn đến sụt giảm lợi nhuận của họ hồi đầu năm nay vẫn rất nghiêm trọng: chi tiêu thấp của người tiêu dùng Anh vào các ngày lễ do lo ngại tác động của một Brexit “không thỏa thuận”, sự “quá tải” ở các thị trường Trung Âu cốt lõi của họ và tình hình không mấy khả quan của dòng máy bay Boeing 737 MAX (mà theo công ty ước tính sẽ tiêu tốn đến 300 triệu euro (336 triệu đô la) vào tháng Chín). Nhưng ít nhất họ cũng nên có lãi trong năm nay, điều mà Thomas Cook khó có thể làm được.