03/11/1903: Panama tuyên bố độc lập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Panama declares independence, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1903, với sự ủng hộ của chính phủ Mỹ, Panama tuyên bố độc lập khỏi Colombia. Cuộc cách mạng đã được tiến hành bởi một phe được hậu thuẫn bởi Công ty Kênh đào Panama (Panama Canal Company), một công ty Pháp-Mỹ đang nuôi hy vọng kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng một tuyến đường thủy qua eo đất Panama.

Năm 1903, Hiệp ước Hay-Herrán được ký, cho phép người Mỹ khai thác Eo Panama, đổi lại, Colombia sẽ được bồi thường tài chính. Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn hiệp ước, nhưng Thượng viện Colombia, vì sợ mất chủ quyền, đã quyết định từ chối. Đáp trả, Tổng thống Theodore Roosevelt đã ngầm chấp thuận cuộc nổi loạn của những người theo chủ nghĩa dân tộc Panama, bắt đầu vào ngày 03/11/1903.

Để giúp các phiến quân, công ty đường sắt do Mỹ quản lý ở Panama đã loại bỏ các đoàn tàu đến ga Colón nằm ở phía bắc, khiến cho quân tiếp viện Colombia mắc kẹt, không thể đến đàn áp cuộc nổi dậy. Các lực lượng khác của Colombia cũng không dám đổ về Panama bởi sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ, Nashville.

Ngày 06/11, Mỹ công nhận độc lập của Cộng hòa Panama và vào ngày 18/11, Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla đã được ký kết với Panama, trao cho người Mỹ quyền sở hữu vĩnh viễn và độc quyền đối với Khu vực Kênh đào Panama. Đổi lại, Panama nhận được khoản tiền 10 triệu USD và kèm thêm 250.000 USD hàng năm, bắt đầu kể từ chín năm sau đó. Các điều khoản hiệp ước đã được đàm phán bởi Ngoại trưởng Mỹ John Hay và chủ sở hữu của Công ty Kênh đào Panama. Gần như ngay lập tức, hiệp ước đã bị nhiều người Panama lên án là một sự xâm phạm đến chủ quyền của quốc gia non trẻ.

Ngày 15/08/1914, Kênh đào Panama đã được khánh thành với chuyến đi của tàu Ancon (Mỹ), một tàu chở hàng và chở khách. Sau nhiều thập niên phản đối và đàm phán, quyền kiểm soát kênh đào đã được trao lại cho Panama vào tháng 12/1999.