Nguồn: Dani Rodrik, “How to Get Past the US-China Trade War”, Project Syndicate, 07/11/2019
Biên dịch: Phan Nguyên
Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đặt ra những thách thức chính trị và chiến lược quan trọng đối với trật tự toàn cầu hiện nay. Sự xuất hiện của một siêu cường mới ở châu Á chắc chắn tạo ra những căng thẳng địa chính trị mà một số người đã cảnh báo cuối cùng có thể dẫn đến xung đột quân sự. Ngay cả khi không xảy ra chiến tranh, sự cứng rắn của chế độ chính trị Trung Quốc, trong bối cảnh có những cáo buộc đáng tin cậy về vô số vi phạm nhân quyền, đã đặt ra những câu hỏi khó cho phương Tây.
Rồi đến khía cạnh kinh tế. Trung Quốc đã trở thành quốc gia thương mại hàng đầu thế giới, và các mặt hàng chế tạo xuất khẩu ngày càng tinh vi của nó thống trị thị trường toàn cầu. Mặc dù vai trò kinh tế quốc tế của Trung Quốc khó có khả năng được cách ly khỏi xung đột chính trị, nhưng phương Tây cũng không thể ngừng giao thương với Trung Quốc.
Nhưng loại quy tắc nào nên được áp dụng cho thương mại giữa các quốc gia có hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau đến vậy? Gần đây tôi đã hợp tác với Jeffrey Lehman, Hiệu trưởng Đại học New York, cơ sở Thượng Hải, và Yao Yang, Trưởng khoa Phát triển tại Đại học Bắc Kinh, để tập hợp một nhóm các nhà kinh tế và học giả pháp lý để tìm một số câu trả lời. Nhóm làm việc của chúng tôi gần đây đã đưa ra một tuyên bố chung, với sự ủng hộ của 34 học giả khác, trong đó có năm nhà kinh tế học đoạt giải Nobel.
Việc Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, và bản thân việc thành lập WTO, được dựa trên tiền đề ngầm định rằng các nền kinh tế quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ đều hội tụ quanh một mô hình nhìn chung giống nhau, cho phép hội nhập kinh tế đáng kể (hay “sâu”). Chế độ kinh tế khác thường của Trung Quốc – đặc trưng bởi sự can thiệp của chính phủ một cách không minh bạch, chính sách công nghiệp, và vai trò kéo dài của các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh các thị trường – đã rất thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP và giảm nghèo. Nhưng nó làm cho hội nhập kinh tế sâu với phương Tây trở nên bất khả thi.
Một quan điểm khác đang củng cố được chỗ đứng ở Hoa Kỳ là nền kinh tế Mỹ nên tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Điều này sẽ kéo theo các rào cản thương mại cao đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc và hạn chế nghiêm trọng dòng chảy đầu tư song phương. Cách tiếp cận như vậy sẽ tăng cường hơn nữa cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và thậm chí biến nó thành một cuộc chiến không hồi kết.
Chúng tôi đề xuất một nền tảng trung gian giữa hội tụ và tách rời. Điều quan trọng là Trung Quốc và Mỹ, giống như tất cả các quốc gia khác, nên được phép duy trì mô hình kinh tế của riêng họ. Thương mại và các chính sách khác nhằm bảo vệ hệ thống kinh tế của đất nước nên được coi là điều hợp pháp. Điều không thể chấp nhận là các chính sách nhằm áp đặt các quy tắc của một quốc gia này lên một quốc gia khác (thông qua các cuộc chiến thương mại hoặc các áp lực khác) hoặc chỉ mang lại lợi ích trong nước bằng cách áp đặt chi phí lên các đối tác thương mại.
Nhắm mục tiêu vào loại thứ hai, cái mà các nhà kinh tế gọi là chính sách “tốt mình hại người”, là trung tâm trong cách tiếp cận của chúng tôi. Chúng tôi lập luận rằng các quy tắc thương mại quốc tế nên vẽ một đường màu đỏ đậm xung quanh các chính sách “tốt mình hại người” và nghiêm cấm chúng. Một ví dụ điển hình là các hạn chế thương mại cho phép một quốc gia thực hiện quyền lực độc quyền trên toàn cầu, như Trung Quốc đã cố gắng thực hiện bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm vài năm trước. Một ví dụ khác, có thể ngày càng trở nên phù hợp trong các ngành công nghệ kỹ thuật số, là đóng cửa thị trường trong nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài để đạt được quy mô cạnh tranh trên thị trường thế giới. Một ví dụ thứ ba là các đồng tiền bị định giá thấp liên tục giúp duy trì sự mất cân đối vĩ mô lớn (hay thặng dư thương mại).
Theo cách tiếp cận này, nhiều chính sách khác mà Hoa Kỳ thường xuyên phàn nàn sẽ không được coi là đáng phản đối. Ví dụ, trợ cấp công nghiệp và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ được coi là một vấn đề trong nước. Mặc dù chúng có thể gây thiệt hại cho các công ty và nhà đầu tư nhất định của Mỹ, nhưng nói chung, các hoạt động đó không có tính chất “tốt mình hại người”: hoặc chúng có lợi cho phần còn lại của thế giới (như với trợ cấp), hoặc chi phí kinh tế của chúng, nếu có, được gánh chịu chủ yếu ở trong nước (như với trường hợp doanh nghiệp nhà nước).
Tương tự, Mỹ sẽ được tự do áp dụng các chính sách thương mại và đầu tư nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của các hệ thống công nghệ và bảo vệ các cộng đồng khỏi những ảnh hưởng xấu bởi hàng nhập khẩu. Mỹ cũng có thể tự bảo vệ mình khỏi bất kỳ hiệu ứng tiêu cực nào từ các chính sách của Trung Quốc, nếu họ muốn, bằng cách áp đặt các hạn chế ở biên giới. Trung Quốc phải thừa nhận rằng tự chủ chính sách là một con đường hai chiều: các quốc gia khác cũng cần nó như chính Trung Quốc cần vậy.
Mặc dù cách tiếp cận của chúng tôi được nêu trong khuôn khổ song phương Mỹ – Trung, nhưng nó cũng có thể được dễ dàng áp dụng cho khuôn khổ đa phương – và ngay cả chính WTO, với một số điều chỉnh pháp lý sáng tạo. Một trong những cách tiếp cận như vậy được đề xuất bởi một trong những thành viên nhóm làm việc của chúng tôi, Robert Staiger. Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là sự tiến bộ ở cấp độ đa phương khó có thể xảy ra nếu không có một thỏa thuận trước đó giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì vậy, chúng tôi xem tuyên bố của mình là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu đó.
Giống như tất cả các thỏa thuận quốc tế, cách tiếp cận mà chúng tôi đề xuất phụ thuộc vào sự sẵn lòng của các bên trong việc tuân thủ các điều khoản. Mặc dù khái niệm “tốt mình hại người” có thể rõ ràng đối với các nhà kinh tế trong vai trò một vấn đề phân tích, nhưng chúng tôi không ngây thơ đến mức cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ nhanh chóng và dễ dàng đồng ý trong thực tế về định nghĩa thế nào là chính sách “tốt mình hại người”. Tranh chấp về các điều khoản và định nghĩa sẽ tồn tại. Mặc dù vậy, hy vọng của chúng tôi là một khuôn khổ trong đó đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, tôn trọng chủ quyền kinh tế của cả hai bên, chống lại các lạm dụng thương mại tồi tệ nhất và cho phép thu được phần lớn lợi ích từ thương mại, sẽ tạo ra động lực cần thiết để tạo dựng niềm tin lẫn nhau qua thời gian.
Cách tiếp cận này vẫn để ngỏ câu hỏi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác nên ứng xử với sự đàn áp chính trị hoặc lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc như thế nào. Đó không phải là vì những vấn đề này không quan trọng, mà bởi vì các quy tắc ứng xử rõ ràng trong quan hệ kinh tế phải được thiết lập bất kể những xung đột lớn hơn sẽ được giải quyết như thế nào. Nếu không có lộ trình như vậy, không chỉ lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, mà phần còn lại của thế giới cũng sẽ trả một cái giá đắt.
Dani Rodrik là giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.