08/11/1939: Hitler thoát chết trong một vụ ám sát

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Hitler survives assassination attempt, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1939, trong lễ kỷ niệm 16 năm Đảo chính Nhà hàng Bia của Hitler, một quả bom đã phát nổ ngay sau khi Hitler kết thúc bài phát biểu, song ông đã không bị thương.

Hằng năm, Hitler đều thực hiện một nghi lễ để kỷ niệm nỗ lực đảo chính khét tiếng năm 1923 của mình (đây là lần đầu Hilter tìm cách giành quyền lực, nhưng sự kiện đã khiến Hilter bị bắt và khiến Đảng Quốc xã gần như bị xóa sổ), cũng như nhắc lại trước những người ủng hộ tầm nhìn của ông về tương lai đất nước.

Vào hôm đó, Hilter đang đọc bài phát biểu trước các thành viên kỳ cựu của đảng, những môn đệ và sĩ quan đã trung thành với Hitler và đảng phát xít của ông từ những ngày đầu thành lập. Chỉ 12 phút sau khi Hitler rời khỏi hội trường cùng những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Quốc xã, một quả bom được giấu trong cây cột phía sau bục phát biểu đã phát nổ. Bảy người đã thiệt mạng và 63 người bị thương.

Ngày hôm sau, tờ báo chính thức của Đảng Quốc xã, Voelkischer Beobachter, đã đổ lỗi cho các điệp viên Anh, thậm chí còn ám chỉ Thủ tướng Neville Chamberlain. Việc tuyên truyền này là một nỗ lực khơi dậy lòng căm thù đối với người Anh và khiến người Đức trở nên giận dữ và ủng hộ chiến tranh. Tuy nhiên, các thành viên của Đảng Quốc xã biết rõ nỗ lực ám sát nhiều khả năng đến từ một âm mưu chống phát xít trong quân đội Đức.

Trong một kế hoạch khéo léo để chuyển hướng sự đổ lỗi và tiếp cận gần hơn với những kẻ chủ mưu thực sự, người đứng đầu Gestapo (cơ quan cảnh sát mật Đức) là Heinrich Himmler đã điều cấp dưới là Walter Schellenberg đến Hà Lan để liên lạc với các đặc vụ Anh. Cái cớ của cuộc gặp là để đảm bảo trong trường hợp xảy ra một cuộc đảo chính chống phát xít, người Anh sẽ ủng hộ chế độ mới.

Các đặc vụ Anh rất muốn có được bất cứ thông tin nào về lời đồn về phong trào chống Hitler trong quân đội Đức. Schellenberg, đóng giả là “Thiếu tá Schaemmel”, đã tìm cách thu thập bất kỳ thông tin nào mà tình báo Anh có về một âm mưu như vậy trong hàng ngũ quân đội Đức.

Nhưng thứ Himmler muốn không đơn thuần là một cuộc nói chuyện, mà là chính là các đặc vụ Anh. Vì vậy vào ngày 9 tháng 11, với sự giúp đỡ của Schellenberg, lính SS đã bắt cóc hai đặc vụ Anh là Payne Best và R.H. Stevens rồi nhét họ vào một chiếc xe Buick và đưa vào Đức. Lúc ấy, Himmler đã tự hào tuyên bố với công chúng Đức rằng ông ta đã bắt được những người Anh chủ mưu. Người thật sự đã cài bom theo lệnh của những người này được khẳng định là Georg Elser, một người cộng sản Đức kiếm sống bằng nghề thợ mộc.

Mặc dù có vẻ chắc chắn Elser đã đặt bom, nhưng kẻ đứng đằng sau là quân đội Đức hay tình báo Anh thì vẫn còn là một bí ẩn. Trong Thế chiến II, cả ba kẻ chủ mưu “chính thức” đều ở trại tập trung Sachsenhausen (Elser đã bị Gestapo sát hại vào ngày 16/04/1945, vì vậy anh ta đã không thể kể lại câu chuyện của mình). Hitler đã không dám mạo hiểm mở một phiên tòa công khai vì có quá nhiều lỗ hổng trong câu chuyện này.