Vấn đề Papua: Bối cảnh lịch sử và các yếu tố quốc tế

Nguồn: Leo Suryadinata, “The Papua Question: Historical Contexts and International Dimensions”, ISEAS Perspective, 31/10/2019.

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Giới thiệu

Ngày 19/08/2019, một cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn tại Manokwari, tỉnh Tây Papua, Indonesia. Người biểu tình đã phóng hỏa tòa nhà chính quyền địa phương và nhiều xe hơi, làm hư hại các cửa hàng và tài sản. Những sự cố tương tự đã tiếp diễn sau đó ở các khu vực khác của Papua và gây nhiều thương vong. Chính quyền Indonesia đã sử dụng vũ lực để kiểm soát tình hình và đưa Papua trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, tới ngày 23 tháng 9, một cuộc bạo loạn nghiêm trọng hơn đã nổ ra ở Wamena. Các tòa nhà chính quyền, cửa hàng và xe hơi đã bị đốt cháy và những người không phải người Papua đã bị tấn công. Có tới 32 người thiệt mạng và 77 người khác bị thương trong vụ bạo lực. Tình hình đã được kiểm soát sau khi Jakarta bổ sung 6.000 nhân viên thuộc lực lượng an ninh.

Các cuộc bạo loạn ở Papua bắt nguồn từ một sự việc ở Surabaya vào ngày 16 tháng 8, khi các sinh viên Papua bị lạm dụng và tấn công bởi một đám đông người Indonesia có liên quan tới quân đội và các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Được biết, các sinh viên Papua ở Surabaya đã từ chối treo cờ Indonesia vào ngày độc lập của nước này. Họ đã bị tấn công và bị gọi là “khỉ”. Video về vụ việc đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông, và chính điều này đã châm ngòi cho các cuộc bạo loạn ở Papua.

Trên thực tế, trước sự việc ở Surabaya, các sinh viên Papua ở Malang đã biểu tình trước văn phòng Thị trưởng vào ngày 15 tháng 8. Khi ấy, họ đang tổ chức kỷ niệm Thỏa thuận New York năm 1962 về Papua. Trong thỏa thuận, người Hà Lan đồng ý nhượng lại New Guinea thuộc Hà Lan (tên của Papua lúc đó) cho Indonesia dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý. Các sinh viên lập luận rằng Đạo luật Tự do Lựa chọn năm 1969 không phải là một cuộc trưng cầu dân ý và vì vậy họ kêu gọi Indonesia thực hiện lại cuộc trưng cầu dân ý đó. Người Papua cảm thấy họ là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc Indonesia và do đó muốn ly khai khỏi Indonesia.

Bài viết này xem xét nguồn gốc của vấn đề Papua, thái độ của các chủ thể khu vực và quốc tế có liên quan, đặc biệt là Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Liên Hiệp Quốc, và những viễn cảnh của nó.

Liên Hiệp Quốc công nhận Đạo luật Tự do Lựa chọn

Ngày 17/08/1945, những người Indonesia theo chủ nghĩa dân tộc tuyên bố sự ra đời của nước Cộng hòa Indonesia, một quốc gia bao gồm toàn bộ các lãnh thổ thuộc Đông Ấn Hà Lan. Người Hà Lan từ chối thừa nhận nền độc lập của Indonesia cho tới tháng 12 năm 1949, khi thỏa thuận Bàn Tròn được ký. Trong thỏa thuận, chủ quyền của Đông Ấn Hà Lan được chuyển giao cho Indonesia, ngoại trừ New Guinea thuộc Hà Lan sẽ được nước này xem xét riêng một năm sau đó. Thế nhưng, quan hệ Indonesia-Hà Lan nhanh chóng trở nên xấu đi khi Hà Lan thay vào đó đã lên kế hoạch hỗ trợ người Papua tự trị và từ chối đàm phán với Indonesia.

Ngày 01/12/1961, khi vẫn thuộc sự cai trị của Hà Lan, Hội đồng New Guinea thuộc Hà Lan đã bỏ phiếu “đổi tên lãnh thổ thành Tây Papua cùng một bài quốc ca và một lá cờ được treo cùng lá cờ ba màu Hà Lan.” Người Papua được hứa rằng họ sẽ có quyền tự quyết. Những người Indonesia theo chủ nghĩa dân tộc coi đây là sự vi phạm thỏa thuận và vào ngày 19/12/1961, Sukarno đã khởi động chiến dịch “giải phóng Tây Irian”. Quân đội đã được điều động đến Papua, song sự hòa giải của Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy đã dẫn đến việc ký thỏa thuận New York vào ngày 15/08/1962 giữa Indonesia và Hà Lan. Trong đó, Hà Lan đồng ý chuyển giao lãnh thổ này cho chính quyền lâm thời của Liên Hiệp Quốc vào ngày 01/10/1962, sau đó sẽ chuyển cho Indonesia vào ngày 01/05/1963. Cùng lúc, Jakarta được yêu cầu thực hiện một đạo luật tự do lựa chọn ở Papua trước cuối năm 1969 để xem liệu người Papua có muốn ở lại Indonesia hay không. Vì vậy, trên thực tế, Papua đã nằm dưới sự cai trị của Indonesia kể từ ngày 01/05/1963.

Năm 1965, chính phủ cánh tả Sukarno bị lật đổ và chính phủ cánh hữu Suharto lên nắm quyền. Trước đạo luật tự do lựa chọn, Indonesia dưới thời Sukarno đã ký hợp đồng với các công ty Mỹ để khai thác vàng và các dự án mỏ khác ở Papua vào năm 1967. Từ ngày 14 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1969, đạo luật tự do lựa chọn của Papua đã được tiến hành. Phương pháp được sử dụng không phải là bỏ phiếu phổ thông mà bỏ phiếu bởi 1.022 đại diện thông qua các hội đồng Papua khác nhau. Cách làm này đã được chấp nhận bởi các đại diện của Liên Hiệp Quốc. Kết quả là Papua vẫn là một phần của Indonesia.

Vào ngày 6 tháng 11, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant đã trình bày báo cáo của ông về Đạo luật lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ). Tiếp theo đó là báo cáo của đại diện Liên Hiệp Quốc và đại diện của Indonesia. Cuối cùng, sáu quốc gia (Bỉ, Indonesia, Luxemburg, Malaysia, Hà Lan và Thái Lan) đã ngồi lại và cùng soạn thảo một đề xuất để chấp nhận sự sáp nhập của Papua vào Indonesia. Nhiều nước châu Phi đã từ chối chấp nhận đề xuất vì không đồng tình về cách mà Đạo luật Tự do Lựa chọn đã được tiến hành.

Hai đề xuất sửa đổi đã được đệ trình để bác bỏ yêu sách của Indonesia đối với Tây Papua. Ngày 19 tháng 11, vấn đề này đã được đưa ra bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ. Đề xuất đầu tiên được đưa ra bởi Cộng hòa Dahomey (nay là một phần thuộc Benin) kêu gọi hoãn lại để cho phép tham vấn thêm về Đạo luật Tự do Lựa chọn. Đề xuất này bị từ chối với tỉ lệ 58 – 31 và 24 phiếu trắng. Đề xuất thứ hai được đưa ra bởi Ghana, cho rằng cần tiến hành một Đạo luật Tự do Lựa chọn mới vào cuối năm 1975. Đề xuất này cũng bị bác bỏ với tỉ lệ 60 – 15 và 39 phiếu trắng. Cuối cùng, đề xuất ban đầu của sáu quốc gia đã được đưa ra bỏ phiếu. Đề xuất này được ủng hộ với tỉ lệ 134 – 0 và 30 phiếu trắng. Dựa trên kết quả này, Papua chính thức trở thành một lãnh thổ thuộc Cộng hòa Indonesia.

Phong  trào chống Indonesia

Năm 1965, những người Papua theo chủ nghĩa dân tộc đã thành lập Tổ chức Papua Tự do (OPM), kết hợp với một lực lượng quân sự để chống lại sự thống trị của Indonesia. Điều này tỏ ra vô tác dụng dưới chế độ “Trật tự Mới” (1966-1998) của Suharto, vốn độc đoán và không dung tha những quan điểm bất đồng. Chỉ sau khi Suharto sụp đổ, phe đối lập Papua mới bắt đầu phát triển dưới chế độ dân chủ. Sức mạnh của họ ngày một gia tăng khi trình độ học vấn của người Papua phát triển. Phong trào này hiện được lãnh đạo bởi Benny Wenda, chủ tịch của “Phong trào Giải phóng Thống nhất cho Tây Papua” (ULMWP) đặt tại Vương quốc Anh; được hỗ trợ bởi các nhóm như Ủy ban Quốc gia của Tây Papua (KNPB) và Liên minh Sinh viên Papua (AMP). Những nhóm này tập hợp lực lượng trí thức của phong trào Papua và đã hợp tác với các tổ chức cũ ở Papua như Hội đồng Papua Adat. Diễn đàn Rakyat Indonesia untuk West Papua (FRI-WP) cũng tham gia, bao gồm các nhà hoạt động Indonesia ủng hộ quyền tự quyết của người Papua.

Quân đội Giải phóng Tây Papua. Nguồn: RNZ.

Những người Papua theo chủ nghĩa dân tộc đang kêu gọi xem xét lại lịch sử về quá trình phi thực dân hóa của họ. Họ muốn ĐHĐ LHQ gây áp lực với Indonesia để tiến hành lại cuộc trưng cầu dân ý vì họ không coi Đạo luật Tự do Lựa chọn năm 1969 là một “cuộc trưng cầu dân ý đúng nghĩa”. Họ đã yêu cầu các quốc gia thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) giúp đỡ họ. Quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nền độc lập của Tây Papua là Vanuatu, một thành viên của PIF. Benny Wenda được cho là đã được Vanuatu hỗ trợ để có thể thành lập ULMWP. Ông cũng đã gia nhập phái đoàn Vanuatu năm 2019 để tham dự ĐHĐ LHQ nhưng bị từ chối cho vào vì là công dân Anh. Trên thực tế, năm 2016 đã chứng kiến ​​đỉnh cao của những nỗ lực ngoại giao từ các nước PIF để đấu tranh cho vấn đề Tây Papua tại ĐHĐ LHQ. Họ đã kêu gọi LHQ điều tra các vi phạm nhân quyền của Indonesia và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý mới cho Tây Papua. Tuy nhiên, lời kêu gọi của họ không được ĐHĐ LHQ ủng hộ và vấn đề trưng cầu dân ý ở Tây Papua không bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự của ĐHĐ LHQ. Mặc dù vậy, các đại diện của PIF vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ cho Papua hằng năm tại ĐHĐ LHQ.

Trước khi tham dự ĐHĐ LHQ, PIF đã họp vào giữa tháng 8 năm 2019. Vanuatu đã thành công trong việc đưa vấn đề Papua vào chương trình nghị sự của PIF bất chấp sự phản đối của Australia. Benny Wenda đã phát biểu tại cuộc họp và kêu gọi sự ủng hộ. Thủ tướng Vanuatu là Charlot Salwai đã nêu vấn đề tại ĐHĐ LHQ vào ngày 28/09/2019 như sau: “Các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương cương quyết kêu gọi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đến Tây Papua để tiến hành đánh giá về tình hình nhân quyền dựa trên bằng chứng cụ thể.”

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao trẻ người Indonesia đến từ Ambon, tỉnh Maluku là Rayyanul Sangadji đã thực thi quyền trả lời đối với phát biểu từ phía Vanuatu: “Với tư cách là một người Indonesia gốc Melanesia, tôi có thể nói rằng chúng tôi không muốn bị gộp vào, phân loại, hoặc tệ hơn là bị chia rẽ bởi một quốc gia khác. Papua [đã], đang và sẽ luôn là một phần của Indonesia.” Ông tiếp tục lập luận rằng Papua đã được Nghị quyết số 5414 của Liên Hiệp Quốc công nhận là một phần của Indonesia và ông không thể hiểu tại sao Vanuatu vẫn tiếp tục ủng hộ phe ly khai và coi thường chủ quyền của Indonesia: “Với tư cách là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Vanuatu nên học cách tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác.”

Có thể so sánh với trường hợp của Đông Timor không?

Mặc dù vấn đề Papua không được đưa vào chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc, song Cao ủy Nhân quyền LHQ vẫn sẽ cử đại diện đến Papua để xem xét tình hình nhân quyền tại đây. Do những cáo buộc phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền ở Papua, sự chống đối chính phủ Indonesia về vấn đề Papua vẫn chưa chấm dứt. Một số người lo ngại rằng vấn đề Papua có thể phát triển thành một kiểu Đông Timor khác, cuối cùng sẽ dẫn đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, hai trường hợp này khá khác nhau. Đông Timor là thuộc địa của Bồ Đào Nha và đã trải qua quá trình phi thực dân hóa vào năm 1975. Lo sợ rằng tổ chức cánh tả Fretilin sẽ nắm quyền, Indonesia đã đưa quân đội đến chiếm đóng Đông Timor và loại bỏ Fretilin.

Cuộc xâm lược đó đã bị Liên Hiệp Quốc lên án. Ngày 12/12/1975, ĐHĐ LHQ thông qua một nghị quyết kêu gọi Indonesia rút quân khỏi Đông Timor với 72 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 43 phiếu trắng. 10 ngày sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết nhất trí với lời kêu gọi tương tự. Những nghị quyết này không tác động mấy đến hành động của Indonesia đối với Đông Timor. Ngày 15/07/1976, quốc hội Indonesia đã thông qua dự luật chính thức sáp nhập Đông Timor vào Indonesia. Dự luật này đã được ký ban hành thành luật hai ngày sau đó bởi Suharto, đưa Đông Timor thành tỉnh thứ 27 của Indonesia. Ngày 01/12/1976, ĐHĐ LHQ đã thông qua một nghị quyết lên án sự can thiệp và chiếm đóng của quân đội Indonesia tại Đông Timor, yêu cầu Indonesia khẩn trương rút quân và tôn trọng quyền tự quyết của người Đông Timor.

Nghị quyết cũng đề cập rằng LHQ sẽ đưa “Vấn đề Đông Timor” vào Chương trình nghị sự của LHQ. Hằng năm, ĐHĐ LHQ tiếp tục thông qua một nghị quyết để tái khẳng định quyền tự quyết của người Đông Timor. Tuy nhiên, quân đội Indonesia tiếp tục đàn áp người Đông Timor và thực hiện nhiều hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Sau khi Suharto sụp đổ, Tổng thống B.J. Habibie cuối cùng đã đồng ý để LHQ tiến hành trưng cầu dân ý ở Đông Timor. Ngày 30/08/1999, 78,5% người Đông Timor đã bỏ phiếu chọn độc lập cho vùng lãnh thổ và chỉ 21,5% số cử tri chấp nhận quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của Cộng hòa Indonesia. Với kết quả này, Đông Timor trở thành một quốc gia độc lập.

Kết luận

Có một vài yếu tố khiến Papua khó tách khỏi Indonesia. Ngoài việc là một phần hợp pháp của Indonesia, Papua còn là khu vực rộng lớn và giàu tài nguyên, đồng thời quan trọng về mặt chiến lược đối với Indonesia. Papua có dân số nhỏ và không đồng nhất với hơn 300 bộ lạc và những người này không phải lúc nào cũng thân thiện với nhau. Sự phản kháng vũ trang chống lại chính quyền trung ương cũng không mạnh mẽ. Hơn nữa, có một cộng đồng lớn dân di cư không phải người Papua. Một nguồn tin thậm chí còn khẳng định: những người không phải người Papua hiện chiếm 52% dân số vùng này, trong khi người Papua chỉ chiếm 48%. Thêm vào đó, Papua cũng không nhận được sự chú ý và ủng hộ từ quốc tế, ngoài các quốc gia thuộc PIF.

Một số diễn tiến mới đã khiến vấn đề Papua trở nên nổi bật hơn. Đầu tiên, đó là sự gia tăng các trường hợp vi phạm nhân quyền và phân biệt chủng tộc đối với người Papua. Thứ hai, người Papua hiện đã có trình độ học vấn cao hơn (chủ yếu được đào tạo tại Indonesia). Trên thực tế, có khoảng 14.000 sinh viên đại học người Papua trên toàn Indonesia và những hoạt động của họ ngày càng được chú ý. Thứ ba, họ đã từng bước đưa vấn đề Papua ra khắp Indonesia và ra cả nước ngoài, đồng thời thành công trong việc tuyên truyền khía cạnh vi phạm nhân quyền, đến mức Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hiện đã có kế hoạch đến Papua.

Vấn đề Papua sẽ đặt ra thách thức cho Tổng thống Jokowi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Chính quyền của ông cần giải quyết các cáo buộc vi phạm nhân quyền và phân biệt chủng tộc ngay khi Jakarta nắm trong tay cơ hội để xoa dịu căng thẳng.