Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Một ngọn núi lửa ở New Zealand bất ngờ phun trào, giết chết ít nhất năm người. Khoảng 50 khách du lịch đã có mặt trên Whakaari, hay còn gọi là White Island, một địa điểm du lịch gần Đảo Bắc của New Zealand, khi vụ phun trào xảy ra vào chiều thứ Hai. Một số người đã được giải cứu nhưng có tới hơn hai mươi người đang mất tích. Cảnh sát cho biết các chuyến bay do thám trên không cho thấy “không có dấu hiệu của sự sống” trên hòn đảo này.
Cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một báo cáo kết luận rằng FBI hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để mở cuộc điều tra về các liên hệ giữa chiến dịch của Donald Trump và Nga vào năm 2016. Tổng thống đã tuyên bố cuộc điều tra, dẫn đầu bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller, là một cuộc “săn phù thủy”. Báo cáo cũng chỉ trích FBI vì những sai lầm mà họ mắc phải vì cố có được lệnh cho phép giám sát một cựu cố vấn chiến dịch của Trump.
Một quan chức Trung Quốc tuyên bố tất cả những người bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương đều đã “tốt nghiệp”. Các cơ sở này được cho là trung tâm đào tạo nghề cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ địa phương. Song những lời tuyên bố của nhà nước đã vấp phải sự hoài nghi, xuất phát từ niềm tin rộng rãi rằng người Duy Ngô Nhĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tham gia và trải qua “cải tạo”.
Cơ quan Chống Doping Thế giới ra khuyến nghị các đội của Nga nên bị cấm tham gia các sự kiện thể thao trong 4 năm, bao gồm World Cup bóng đá và Olympic. Những người bị xét nghiệm ở Moskva được phát hiện đã giả mạo bằng chứng về doping do nhà nước tài trợ. Theo lệnh cấm trước đây, một số vận động viên Nga được phép thi đấu dưới một lá cờ trung lập – khả năng cao họ sẽ lại phải làm vậy.
Đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan đã hậu thuẫn Sanna Marin (trong ảnh), bộ trưởng giao thông của nước này, trở thành thủ tướng tiếp theo. Việc bà nhậm chức sẽ giúp duy trì liên minh cầm quyền năm đảng của Phần Lan sau khi Antti Rinne từ chức, trong đó một đảng cho biết họ đã mất niềm tin. Ở tuổi 34, bà Marin sẽ là thủ tướng đương chức trẻ nhất thế giới, và là người phụ nữ thứ ba của Phần Lan từng giữ vị trí này.
Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo Đảng Nước Pháp bất khuất cực tả của Pháp, đã bị một tòa án ở Paris tuyên án tù treo ba tháng. Ông này bị kết án vì đe dọa các quan chức thực hiện điều tra tài chính đảng của ông. Ông Mélenchon nói cáo buộc này có động cơ chính trị. Ông là một cựu ứng viên tổng thống và là người ủng hộ phe biểu tình “áo vàng” vốn làm tê liệt nước Pháp hồi đầu năm nay.
Paul Volcker, thường được xem là một nhà quản lý ngân hàng trung ương để lại nhiều di sản nhất của thế kỷ 20, đã qua đời vào Chủ nhật ở tuổi 92. Trong thời gian giữ chức chủ tịch Fed từ năm 1979 đến 1987, ông Volcker đã kiểm soát lạm phát, tạo được danh tiếng lâu dài cho ngân hàng trung ương như một thể chế có thể thiết lập chính sách tiền tệ mà không phải phục tùng Nhà Trắng.
TIÊU ĐIỂM
Myanmar và bà Suu Kyi ra tòa
Khi Aung San Suu Kyi tuyên bố bà sẽ đích thân bảo vệ Myanmar trước các cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague vào tuần này, mọi người đều sốc. Các nước dự vào các vụ kiện ở ICJ thường cử bộ trưởng tư pháp hoặc tổng chưởng lý đến tham dự. Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, bà Suu Kyi, lãnh đạo Myanmar trên thực tế, sẽ đến tòa với tư cách bộ trưởng ngoại giao.
Nhưng thế giới thường nhớ đến bà như là người nữ anh hùng từng giành giải Nobel hòa bình cho sự nghiệp chống lại chính quyền quân sự của bà, và sẽ tự hỏi tại sao bà lại chấp nhận làm vấy bẩn uy tín của mình bằng cách dung túng và bào chữa cho quân đội, bên đang bị cáo buộc cưỡng hiếp và tàn sát những người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Có thể động cơ của bà là nhằm giành được nhiều phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới. Nhưng quan trọng hơn có lẽ là vì bà Suu Kyi coi mình là đại diện của đất nước, và do đó chưa hề nói ra bất kì điều gì cho thấy bà tin vào các cáo buộc chống lại quân đội nước mình.
Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc lên sàn Thượng Hải
Nếu nhìn sơ qua, mọi thứ trông thật ấn tượng. Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (Postal Savings Bank of China – PSBC) hôm nay hy vọng sẽ kêu gọi được 5 tỷ đô khi họ lên sàn Thượng Hải. Đây sẽ là đợt IPO lớn nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2015 và lớn thứ tư toàn cầu trong năm nay. Nhưng đằng sau lớp vỏ bọc là vô vàn vấn đề. Thường phục vụ vùng nông thôn Trung Quốc với các đại lý bưu điện, PSBC rất lớn: họ có gần 40.000 chi nhánh và 600 triệu khách hàng.
Họ từng lần đầu niêm yết cổ phiếu trên sàng Hồng Kông vào năm 2016, và cam kết lần này sẽ thành công hơn. Song đợt chào bán thứ hai này lại cho thấy sự chậm tiến: lợi nhuận từ vốn vẫn rất thấp, chỉ 0,57%. PSBC hồi tuần trước cho biết một số nhà đầu tư Trung Quốc vốn hứa sẽ mua vào nay đã từ chối, một điều hiếm tại một thị trường vốn rất chuộng các cuộc IPO. PSBC hy vọng sẽ chứng minh được là những người này đã sai. Vốn có tầm quan trọng trong nền kinh tế đất nước, PSBC có đủ khả năng để kiên nhẫn.
Sudan đứng trước cơ hội chấm dứt xung đột
Sudan đã chìm trong chiến tranh suốt từ khi độc lập khỏi Anh vào năm 1956. Nhưng vòng đàm phán hòa bình mới nhất, sẽ khởi động vào hôm nay, có khả năng cao sẽ thành công. Điều này là do chính phủ lâm thời lên nắm quyền sau khi tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền từ năm 1989, từ chức, đã đưa việc đàm phán kiến tạo một “nền hòa bình toàn diện” ở Darfur và các bang bị xung đột khác lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.
Họ đã tuyên bố ngừng bắn vĩnh viễn với phiến quân, và cho phép viện trợ đến với các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Cho đến nay, ngoại trừ các nhóm dè dặt nhất, hầu hết đều đã đồng ý tham gia đàm phán. Song rắc rối vẫn chưa kết thúc. Một là vai trò của các tướng lĩnh, những người có được vị trí trong chính phủ chuyển tiếp nhờ một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với giới dân sự được ký vào tháng Tám. Họ đang âm thầm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên các cuộc đàm phán, một điều rất đáng lo ngại – đặc biệt là khi vẫn chưa rõ liệu họ có thật sự vì hòa bình hay không.
Nền kinh tế khủng hoảng của Zimbabwe
Zanu-PF, đảng cầm quyền của Zimbabwe, bắt đầu hội nghị thường niên hôm nay với kinh tế nằm ở trọng tâm chương trình nghị sự. Người dân Zimbabwe đang phải vật lộn với lạm phát cao ngất trời và tình trạng thiếu hụt lương thực, nhiên liệu và điện nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng mới nhất này, vốn là di sản của hàng thập kỷ tham nhũng và quản lý sai lầm thời Robert Mugabe, càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi trận hạn hán tàn khốc nhất ở Zimbabwe trong 40 năm qua. Khoảng 4,1 triệu người, tức một phần tư dân số, cần viện trợ lương thực. Với giá lương thực tăng vọt, Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã đảo ngược một kế hoạch trước đó nhằm loại bỏ các khoản trợ cấp lương thức đắt đỏ.
Trong khi đó hệ thống y tế quốc gia đã sụp đổ; các bác sĩ đã đình công trong nhiều tháng vì tiền lương ít ỏi. Những hy vọng rằng nền kinh tế Zimbabwe có thể phục hồi dưới thời ông Mnangagwa, người lên nắm quyền hai năm trước sau một cuộc đảo chính quân sự, đã hoàn toàn bốc hơi. Trong khi đó, nỗ lực thể hiện sự bất mãn với Zanu-PF của công đoàn và Phong trào Thay đổi Dân chủ đối lập đã bị thẳng tay đàn áp.
Argentina chuyển giao vị trí tổng thống
Hôm nay, lần đầu tiên kể từ khi nền dân chủ được khôi phục vào năm 1983, một tổng thống không theo chủ nghĩa Peron của Argentina kết thúc nhiệm kỳ và trao lại quyền lực trong hòa bình. Mauricio Macri muốn thể hiện điều này bằng cách tổ chức nghi lễ trước đám đông dân chúng ở khuôn viên bên ngoài dinh thự tổng thống. Nhưng người kế vị theo chủ nghĩa Peron của ông, Alberto Fernández, và phó tổng thống đắc cử Cristina Fernández de Kirchner, một cựu tổng thống, không muốn ông Macri tham dự quá nhiều, và vì vậy sẽ cùng xuất hiện một mình ở ban công để ra mắt công chúng sau lễ chuyển giao tại Quốc hội.
Thị trường tài chính sẽ theo dõi sát sao kế hoạch đối phó với tỷ lệ lạm phát trên 50%, tỷ lệ nghèo 40% và khoản vay IMF kỷ lục của họ. Ông Fernández đã chọn một nhà kinh tế trẻ tuổi, Martín Guzmán, làm bộ trưởng tài chính. Ý tưởng của ông Guzmán không quá xa lạ với IMF: hoãn trả nợ trong 2 năm và cố gắng tăng trưởng để trả nợ vào một ngày nào đó trong tương lai.