Thế giới hôm nay: 13/03/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Liên minh châu Âu lên án việc Donald Trump đột ngột thông báo cấm mọi chuyến bay đến Mỹ từ 26 quốc gia châu Âu trong 30 ngày. EU cho biết quyết định này đã được đưa ra mà không có tham vấn trước. Các hành khách đang tranh giành nhau để có vé bay về Mỹ. Nhiều quốc gia châu Âu áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt lên công dân của mình để ngăn chặn covid-19; Ireland và Pháp đóng cửa các trường học và đại học. Trên toàn cầu, các nhà chức trách hiện đã xác nhận 124.000 ca nhiễm covid-19 và 4.600 trường hợp tử vong.

Thị trường tài chính có thêm một ngày chao đảo. Lệnh cấm đi lại của ông Trump đẩy giá cổ phiếu sụt giảm. Giao dịch tại New York bị dừng lần thứ hai trong tuần này sau khi chỉ số S&P 500 giảm 7% ngay sau khi mở cửa. Stoxx 600 của châu Âu giảm 11,5%, mức giảm kỷ lục trong một ngày, trong khi chỉ số FTSE 100 xuống thấp nhất trong 8 năm. Cổ phiếu của các hãng hàng không và kinh doanh lữ hành đặc biệt tồi tệ, cũng như của một số công ty dầu khí.

Viện dẫn “những gián đoạn rất bất thường trong thị trường trái phiếu Kho bạc liên quan đến đợt bùng phát coronavirus”, Fed cho biết họ sẽ bơm 1,5 nghìn tỷ đô la vào hệ thống tài chính của Mỹ. Trước đó, tại cuộc họp chính sách thường kỳ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hứa bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay, và bổ sung 120 tỷ euro bằng biện pháp mua tài sản. Nhưng ECB làm thị trường tài chính thất vọng khi giữ nguyên lãi suất huy động, vốn đã âm.

Ba binh sĩ, hai người Mỹ và một người Anh, đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương do một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ quân sự ở Iraq. Họ là thành viên của liên minh do Mỹ đứng đầu chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo. Căng thẳng trong khu vực lên cao sau vụ ám sát Qassem Suleimani, một chỉ huy cấp cao của Iran, hồi tháng 1 do Mỹ tiến hành. Các nhóm được Iran hậu thuẫn đã bị đổ lỗi cho các cuộc tấn công tương tự trước đây ở Iraq.

Intu cảnh báo họ có thể phải phá sản trừ khi có thể nhanh chóng huy động được thêm vốn. Chủ sở hữu của một số trung tâm mua sắm lớn nhất nước Anh, bao gồm Trung tâm Trafford ở Manchester và Lakeside ở Essex, đã báo cáo khoản lỗ hơn 2 tỷ bảng Anh (2,6 tỷ đô la) vào năm 2019. Kinh doanh đã bị ảnh hưởng bởi bán lẻ trực tuyến và nhu cầu tiêu dùng ngày càng chậm lại.

RWE, nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức, báo cáo rằng thu nhập ròng được điều chỉnh cho năm 2019 đã tăng gấp đôi lên 1,2 tỷ euro (1,35 tỷ đô la). Công ty cho rằng điều này là nhờ vào hiệu quả kinh doanh tốt của bộ phân cung cấp và mua bán của công ty. RWE đã cam kết chi 5 tỷ euro để mở rộng kinh doanh năng lượng tái tạo, giữa lúc họ đang tìm cách thoát khỏi điện than.

Tranh chấp về cuộc bầu cử của Guyana đã đến một bước ngoặt sau khi Tòa án Tối cao ra lệnh kiểm lại một phần số phiếu. Đảng đối lập Tiến bộ của Nhân dân tuyên bố các kết quả đã bị gian lận có lợi cho liên minh của tổng thống David Granger. Cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng sau cuộc bầu cử ngày 2 tháng 3. Với việc nước này đứng trước cơ hội đổi đời nhờ dầu mỏ, phần thưởng đáng để hai bên tranh giành nhau.

TIÊU ĐIỂM

Nền kinh tế Mỹ trước tác động của Covid-19

Các số liệu chính thức sẽ không được công bố trong một khoảng thời gian nữa, vì vậy trong thời gian đó các nhà phân tích đang điên cuồng tìm kiếm bất kỳ dữ liệu nào có thể miêu tả mức độ ảnh hưởng của coronavirus đến nền kinh tế Mỹ. Một thông tin hữu ích, một cuộc khảo sát hàng tháng về niềm tin của người tiêu dùng từ Đại học Michigan, sẽ được công bố hôm nay. Những người tiến hành khảo sát bắt đầu phỏng vấn người Mỹ từ 26 tháng 2, và tiếp tục vào đầu tháng 3, thời điểm nỗi lo về tác động của covid-19 bắt đầu tăng lên.

Nó có thể làm người ta đứng ngồi không yên. Các đợt khảo sát thường xuyên hơn về niềm tin của người tiêu dùng, bao gồm phân tích tâm trạng các bài đăng trên Twitter về nền kinh tế do Goldman Sachs thực hiện, cho thấy sự sụt giảm mạnh trong những ngày gần đây. Đặt nhà hàng cũng xuống; tắc nghẽn giao thông vào cuối tuần giảm; và rạp chiếu phim vắng vẻ hơn trước. Tất cả điều này có khả năng chỉ ra rằng chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn – bên cạnh khả năng cao suy thoái do virus.

Pháp vẫn tiến hành bầu cử bất chấp Covid-19

Bất chấp cuộc khủng hoảng coronavirus, Pháp vẫn tiến hành bầu cử khu vực. Trong một cuộc bỏ phiếu hai vòng, Chủ nhật này và tuần tới, người Pháp sẽ bầu ra thị trưởng của 35.000 thành phố, thị trấn và làng mạc trên cả nước, bao gồm cả Paris. Vì lý do sức khỏe, Bộ trưởng Nội vụ Kouthe Castaner đã ra lệnh cho tất cả các trạm bỏ phiếu rằng cử tri và nhân viên phải đứng cách nhau ít nhất một mét, và khuyên các cử tri nên tự mang theo bút của mình.

Đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron đang đứng trước một thảm họa. Trong cuộc bầu cử khu vực gần nhất vào năm 2014, đảng này thậm chí chưa hề tồn tại, vì vậy họ không phải ở trong thế phải bảo vệ ghế. Tuy nhiên, tổng thống đang không được ủng hộ, các thị trưởng đương nhiệm thường được tôn trọng, và cơ hội để đảng của ông giành được các tòa thị chính là rất nhỏ. Trong khi đó, các đảng Xã hội và Cộng hòa đương nhiệm (tại các vùng) sẽ có kết quả tốt, cũng như đảng Xanh –và đảng Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen.

Mỹ và Trung Quốc hoạnh họe nhau trên mặt trận truyền thông

Hôm nay là thời hạn cuối để các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc cắt giảm gần 40% số lượng công dân Trung Quốc mà họ thuê ở Mỹ, theo lệnh của chính quyền Trump. Đây là một phần của trận chiến ăn miếng trả miếng leo thang dự kiến sẽ dẫn đến việc trả thù các cơ quan báo chí Mỹ ở Trung Quốc. Tân Hoa Xã, Nhật báo Trung Hoa, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, CGTN và bộ phận phân phối của Nhân dân nhật báo theo lệnh sẽ phải giới hạn số lượng người Trung Quốc xuống còn 100, giảm từ mức 160.

Sự cắt giảm này, vốn ảnh hưởng đến các cơ quan truyền thông do nhà nước hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp kiểm soát, xảy ra vài tuần sau khi Trung Quốc trục xuất ba phóng viên tờ Wall Street Journal. Đó rõ ràng là hình phạt cho một bài bình luận của ba phóng viên này, nhưng cũng xuất hiện chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố rằng năm tổ chức truyền thông của nhà nước và đảng phải đăng ký dưới danh nghĩa “đơn vị nước ngoài” của chính phủ Trung Quốc. Cuộc chiến truyền thông gợi nhớ đến cuộc trục xuất các nhà ngoại giao và những người khác trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Nhiều sân bay bắt đầu đóng cửa

Kuwait hôm nay sẽ ngừng tất cả các chuyến bay chở khách thương mại vì đại dịch covid-19. Các lãnh đạo của quốc gia vùng Vịnh hy vọng rằng bằng cách đóng cửa sân bay quốc tế duy nhất của họ, họ có thể ngăn chặn căn bệnh chết người này. Các chuyên gia y tế không bị thuyết phục. Tuy nhiên, sân bay Kuwait sẽ không phải là bên duy nhất đóng cửa vì khủng hoảng. Tại Ý, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, việc các hãng hàng không giá rẻ không được bay đang buộc sân bay Ciampino ở ngoại ô Rome và có lẽ là cả sân bay Treviso gần Venice phải dừng hoạt động. Chính phủ Na Uy đã đưa một số sân bay vào danh sách lưu ý.

Các nhà bán lẻ phụ thuộc vào sân bay đang khốn đốn: cổ phiếu của Finablr, chủ sở hữu Travelex, một công ty đổi tiền, đã giảm 98% kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng chuỗi cung ứng là một mối bận tâm lớn hơn. Nếu bầu trời London tiếp tục vắng lặng, cư dân của nó vẫn sẽ tiếp cận được với thực phẩm và thuốc men. Nhưng những người ở những nơi xa hơn trên khắp thế giới sẽ không được may mắn như vậy.

Cơ hội cuối cùng của Bernie Sanders

Đó sẽ là cái kết cho chiến dịch của Bernie Sanders. Thua liên tiếp trước Joe Biden đã nhấn chìm hy vọng trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ của ông. Nhưng vị thượng nghị sĩ theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ Vermont sẽ chiến đấu. Vào Chủ nhật, ông sẽ đối mặt với cựu phó tổng thống trong một cuộc tranh luận trên truyền hình ở Washington D.C. Đây là lần đầu tiên hai người tranh luận một đối một và ông Sanders dường như đang đặt cược vào triển vọng của sự kiện này.

Thừa nhận rằng ông đang thua thiệt về số đại biểu, Sanders có thể tập trung vào một chiến thắng chính sách, bằng cách đẩy đối thủ ôn hòa của mình sang phía tả. Ông nói rằng ông sẽ thách thức ông Biden về một loạt các vấn đề tiến bộ. Người thường tranh luận tốt hơn trong hai người, ông Sanders, có khả năng sẽ thể hiện một màn trình diễn mạnh mẽ. Song cơ hội để ông làm được như vậy lại đang thu hẹp: khi coronavirus lây lan, các chiến dịch đang hủy bỏ các buổi vận động. Cuộc tranh luận vào Chủ nhật sẽ là lần đầu tiên không có khán giả trường quay.