Thế giới hôm nay: 21/04/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giá dầu thô Mỹ lần đầu tiên xuống mức âm. Tuần trước OPEC và các đồng minh đã hứa sẽ cắt giảm sản lượng. Nhưng nhu cầu năng lượng đã sụp đổ vì các nền kinh tế hiện phải phong tỏa nhằm hạn chế coronavirus lây lan. Với các kho dự trữ đã dần đầy  và thời hạn kết thúc hợp đồng tương lai tháng 5 sắp đến, giá đã bị ép về âm.

Thủ tướng Israel Binyamin NetanyahuBenny Gantz, đối thủ của ông, đã đồng ý thành lập một chính phủ liên minh khẩn cấp. Theo các điều khoản của thỏa thuận, ông Netanyahu, lãnh đạo đảng Likud cánh hữu, sẽ giữ chức thủ tướng trước khi ông Gantz, lãnh đạo đảng trung dung Xanh Trắng, tiếp quản vào tháng 10 năm 2021. Cả hai đảng đều không giành đa số trong ba cuộc bầu cử, gần đây nhất là vào tháng 3.

Theo báo cáo của Bundesbank (Ngân hàng TW Đức), kinh tế Đức đang suy thoái nghiêm trọng và phục hồi sẽ chậm. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã được khen ngợi khi ngăn chặn được covid-19 và giữ số người chết ở mức thấp. Nhưng ngân hàng trung ương cảnh báo tăng trưởng sẽ bị cản trở bởi các hạn chế phong tỏa có khả năng vẫn được áp dụng cho đến khi có vắc-xin.

Đảng đối lập chính của Ba Lan, Đảng Cương lĩnh Dân sự, và đảng thiểu số trong liên minh cầm quyền, Đảng Hòa hợp, đang đến gần một thỏa thuận nhằm hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5, có thể là kéo dài nhiều năm. Hai bên có thể vượt qua đảng cầm quyền lớn nhất, Đảng Pháp luật và Công lý, bên muốn hoãn bỏ phiếu chỉ vài tuần, và có thể tiến hành bầu qua đường bưu điện.

Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kế hoạch kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa mua của Nga vốn khiến Mỹ đe dọa trừng phạt. Washington lo ngại rằng Nga có thể dùng S-400 để do thám các máy bay chiến đấu của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ nói việc trì hoãn là nhằm kiểm soát đại dịch coronavirus, nhưng nhấn mạnh rằng “không thể đảo ngược” cam kết kích hoạt hệ thống của họ.

Walt Disney đang cho nghỉ 100.000 nhân viên tại các công viên và khách sạn. Động thái này, ảnh hưởng đến khoảng một nửa lực lượng lao động của họ, sẽ tiết kiệm cho công ty khoảng 500 triệu đô la mỗi tháng. Disney, bên khuyên các nhân viên nộp đơn xin hỗ trợ chính phủ, không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ cũng sẽ cắt giảm các khoản thưởng cho các nhà quản lý hoặc hoãn chi trả cổ tức. Tuy nhiên, CEO tạm quyền Bob Iger đang không nhận lương.

TIÊU ĐIỂM

Hồng Kông tìm cách chặn biểu tình quay lại

Vụ bắt giữ ngày 18 tháng 4 nhắm vào 15 nhân vật dân chủ nổi tiếng đã làm rúng động Hồng Kông. Họ bao gồm các nhà lập pháp và luật sư đáng kính, cũng như các nhà hoạt động trẻ tuổi, bị buộc tội tham dự hoặc tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ “trái phép” hồi năm ngoái. Dự kiến sẽ có thêm nhiều vụ bắt bớ nữa, nhưng điều này sẽ tạo nên rủi ro. Nhà chức trách không thể bắt tất cả 2 triệu người đã xuống đường và các vụ bắt giữ có thể chỉ khiến họ thêm giận dữ.

Người biểu tình hiện đang mong chờ cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ thường niên vào ngày 1 tháng 7 và cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (Legco) vào tháng 9. Nhưng cả hai có thể bị phá vỡ bởi sự ra đời của một đạo luật về an ninh quốc gia, được gọi là Điều 23, mà chính phủ Bắc Kinh yêu cầu Hồng Kông phải khẩn trương thông qua. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng thông qua đạo luật tại Legco, cơ quan vốn bị tê liệt trong nhiều tháng – hoặc tìm cách không cần phải thông qua đạo luật tại Legco theo chỉ thị của Bắc Kinh. Chính quyền có thể hy vọng luật pháp hà khắc sẽ kìm hãm bất đồng chính kiến, nhưng sự phản đối có thể lại bùng phát ở mức chưa từng thấy.

New Zealand quyết đánh bại coronavirus

Hôm thứ Hai, New Zealand công bố chỉ 9 ca nhiễm covid-19 mới mặc dù đã xét nghiệm hơn 3.000 người trong 24 giờ trước đó. Tổng cộng nước này chỉ có 12 người chết vì virus. Song, cùng ngày thủ tướng Jacinda Ardern đã tuyên bố gia hạn thêm 5 ngày lệnh phong tỏa chặt được áp dụng chưa đầy bốn tuần trước. Các nước có nhiều ca nhiễm mới hơn theo ngày đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa, nhưng chiến lược của New Zealand, độc nhất trong thế giới phương Tây, là loại bỏ hoàn toàn virus.

Trong khi các quốc gia khác có thể chiến đấu với những đợt dịch tiếp theo bằng cách phong tỏa theo đợt, chính phủ New Zealand tin rằng việc cứng rắn ngay bây giờ sẽ sớm cho phép người dân trở lại làm việc với ít hạn chế và không sợ tăng ca nhiễm đột biến. Tuy nhiên, để cho chiến lược này thành công, các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt sẽ phải được duy trì cho đến khi tìm thấy vắc-xin hoặc phương pháp điều trị.

Anh đề ra các biện pháp hỗ trợ thị trường lao động

Thất nghiệp ở Anh đang tăng nhanh, với các đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng hơn 1 triệu so với tháng trước. Sự gia tăng này không kịp được phản ánh trong bản cập nhật hôm nay về thị trường việc làm của Văn phòng Thống kê Quốc gia – có lẽ sẽ là bản cập nhật lạc quan nhất trong một thời gian dài sắp tới. Kịch bản covid-19 công bố bởi Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan ra các dự báo cho giới hoạch định chính sách, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ là trên 10% trong những tháng tới, so với mức dưới 4% trước khủng hoảng.

Song, dự báo đó có lẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chương trình giữ chân lao động của chính phủ, được kích hoạt từ hôm qua. Theo đó, chính phủ sẽ trả 80% lương cho các lao động mất việc (lên tới 2.500 bảng Anh [3.100 đô la] một tháng) cho đến cuối tháng 6 nhằm giữ họ gắn bó với công việc của mình. Nhà tuyển dụng đã thực hiện 67.000 đơn đăng ký chỉ trong vòng nửa giờ kể từ khi chương trình bắt đầu. OBR cho rằng cuối cùng chương trình sẽ chi trả cho khoảng một phần ba lao động của khu vực tư nhân.

Thị trường xe hơi chật vật

Các đường phố yên tĩnh vắng bóng xe cộ có thể là một trong những điểm sáng của các lệnh phong tỏa đặt ra nhằm ngăn chặn coronavirus lây lan. Nhưng đối với các nhà sản xuất ô tô thế giới, vắng bóng khói thải là điều rất đáng lo. Theo sau Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và Mỹ cũng đã đóng cửa các cửa hàng vào tháng Hai. Song giờ đây các dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc đã nóng máy trở lại và tuần này các nhà sản xuất ô tô ở những nơi khác cũng đang nhắm chừng làm theo.

Họ phải đối mặt với một tương lai khó khăn. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng doanh số toàn cầu sẽ giảm khoảng 20% trong năm nay, ngay cả khi các nhà máy có thể tiến hành được giãn cách xã hội và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chao đảo có thể cung cấp đủ các bộ phận. Tương lai về lâu dài cũng bất định: suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến doanh số lâu hơn và thay đổi thói quen tiêu dùng đồng nghĩa với việc người dân ít đi xe hơn. Khi lợi nhuận đã phải chịu sức ép, đầu tư vào ô tô điện có thể bị ảnh hưởng, khiến không khí ở các thành phố sẽ còn lâu mới được cải thiện.

Netflix ăn nên làm ra

Hôm nay gã khổng lồ phát trực tuyến sẽ công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm. Trong những diễn biến kịch tính của quý trước, Netflix đã phát triển chậm lại ở Mỹ, nơi chiếm một phần ba số thuê bao của họ. Nhưng do phong tỏa, người Mỹ đổ xô quay lại; gần như tất cả các chương trình được xem nhiều nhất trong tháng 3 đều là qua Netflix. Sự bành trướng quốc tế của công ty cũng đóng góp vào lợi nhuận. Trong tháng 4, các tập phim mới của siêu phẩm Tây Ban Nha “Vụ cướp triệu đô” (Money Heist) ra mắt ở một số nước đã giúp việc cách ly trở nên dễ chịu hơn.

Số thuê bao toàn cầu tăng và chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm mới vì virus sẽ giúp giảm chi tiêu, điều mà các nhà đầu tư đã mong đợi. Và cuộc khủng hoảng lại không hề tử tế đến vậy với các đối thủ của họ; Disney đã đóng cửa các công viên chủ đề, các công ty truyền hình cáp không thể chiếu thể thao và các bên chưa kịp ra mắt dịch vụ phát trực tuyến có thể phải lỡ hẹn. Chắc chắn là sự lạc quan đang được phản ánh vào giá cổ phiếu của Netflix; giờ đây đang ngang với giá cổ phiếu Disney. Song kinh doanh là một câu chuyện dài hơi.