Thế giới hôm nay: 19/12/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hạ viện Hoa Kỳ vừa tổ chức một cuộc tranh luận về việc có nên đưa Donald Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội hay không. Chưa có tổng thống nào từng bị loại bỏ bởi phiên tòa sau đó tại Thượng viện; Richard Nixon từ chức trước khi bị luận tội vào năm 1974, trong khi Bill Clinton (1999) và Andrew Johnson (1868) được tha bổng, và ông Trump gần như chắc chắn cũng sẽ tương tự.

Tony Blair chỉ trích vai trò của giới lãnh đạo Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử gần đây. Cựu thủ tướng Công đảng lập luận rằng nếu đảng này không từ bỏ “chủ nghĩa xã hội cận cách mạng” (“quasi-revolutionary socialism”) của Jeremy Corbyn để trở về một vị trí trung dung hơn, thì họ có thể bị hủy diệt. Ông Blair cũng chế giễu thái độ “thiếu quyết đoán gần như nực cười” của Công đảng về vấn đề Brexit; trước đó ông Corbyn giữ thái độ trung lập về vấn đề lớn nhất này của cuộc tuyển cử.

Tòa án Tối cao Ấn Độ từ chối lời bào chữa xin giữ lại ngay lập tức luật mới về quyền công dân đang gây tranh cãi của nước này, nhưng cho biết sẽ nghe một phiên tranh luận về tính hợp hiến của luật này vào tháng Giêng. Luật này, vốn cho phép những người không theo đạo Hồi từ các nước láng giềng có cơ hội đạt được quốc tịch Ấn Độ, đã gây ra những cuộc biểu tình lan rộng và đôi khi bạo lực.

Các công tố viên từ bang Rio de Janeiro đã khám xét nhà cửa liên quan đến một cựu nhân viên của Flávio Bolsonaro, con trai tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ông Bolsonaro con, hiện đang là thượng nghị sĩ, đã vướng vào các cáo buộc tham nhũng trong thời gian làm nghị sĩ bang Rio. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Fiat ChryslerPSA, chủ sở hữu của Peugeot và Citroen, đã thống nhất về một thỏa thuận sáp nhập, đưa đến sự ra đời của nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới. Hai công ty cho biết vụ sáp nhập này giúp tiết kiệm khoảng 3,7 tỷ euro (4,1 tỷ đô la) chi phí hàng năm mà không cần phải đóng cửa nhà máy. Vụ sáp nhập – nỗ lực hợp nhất lần thứ hai của Fiat Chrysler trong năm nay – đến giữa lúc ngành công nghiệp xe hơi phải đối mặt với áp lực đầu tư vào các công nghệ mới.

Cơ quan Quản lý Thị trường và Cạnh tranh (CMA) của Anh trở thành cơ quan quản lý mới nhất đề xuất các biện pháp kiểm soát mới đối với FacebookGoogle. Viện dẫn rằng Google và Facebook gần như lũng đoạn thị trường (90%) quảng cáo qua công cụ tìm kiếm ở Anh, CMA cho biết họ có thể sẽ khuyến nghị chính phủ cách mở cửa để khiến thị trường cạnh tranh hơn.

Xuyên thủng trần nhà bằng kính bằng một cú ném được nhắm kĩ, Fallon Sherrock đến từ đội Milton Keynes trở thành người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng ở giải vô địch phi tiêu thế giới, giải đấu thường là độc quyền của cánh đàn ông. Sherrock đã đánh bại “Super” Ted Evetts; cô hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác tiếp tục chinh phục môn thể thao này.

TIÊU ĐIỂM

Philippines: nạn bạo lực chính trị và hệ thống tư pháp ì ạch

Một thẩm phán hôm nay sẽ ra phán quyết trong vụ án chống lại 101 bị cáo bị buộc tội thảm sát 58 người, trong đó có 32 nhà báo và các nhân viên truyền thông khác, những người bị bắn chết năm 2009 tại tỉnh Maguindanao, miền nam Philippines. Các tay súng phục vụ cho các chính trị gia từ một nhóm chính trị ở Maguindanao bị cáo buộc đã phục kích và thảm sát các nhà báo khi họ chuẩn bị cho một chính trị gia từ một nhóm đối thủ bước vào một cuộc bầu cử địa phương.

Vụ thảm sát là tình tiết cực đoan nhất trong lịch sử bạo lực chính trị khiến Philippines trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo. Sự yếu kém thể chế trong việc bắt giữ và trừng phạt các chính trị gia giết người càng làm cho nước này trở nên nguy hiểm hơn. Trong số những người bị buộc tội thảm sát ở Maguindano, 80 người vẫn chưa bị bắt, và phải mất 9 năm để xét xử phần còn lại. Một hệ thống tư pháp quá ì ạch khó có thể ngăn cản những kẻ sẽ giết các nhà báo.

Hạ viện Mỹ xem xét thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mới

Hôm nay, Hạ viện Hoa Kỳ xem xét một dự luật thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA bằng Hiệp định USMCA. Bất chấp sự thù địch đối với Tổng thống Donald Trump của các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện, những người đang nắm đa số, dự luật khả năng cao sẽ được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đó là bởi vì đảng Dân chủ ủng hộ những sửa đổi gần đây, bao gồm giảm bớt các biện pháp bảo vệ cho các công ty dược phẩm, các điều khoản thực thi mạnh mẽ hơn và một cơ chế phản ứng nhanh mới để giải quyết các tranh chấp lao động nhất định.

Đảng Cộng hòa có khả năng cũng ủng hộ thỏa thuận này, mặc dù một số người sẽ không thích các điều khoản sửa đổi mới. Các công ty dược phẩm Mỹ không hài lòng với các điều chỉnh. Và các kế hoạch kiểm soát việc thuê mướn nhân công ở Mexico không hề được ưa chuộng; người Mexico đã chiến đấu kịch liệt để chống lại việc bị các thanh tra Mỹ kiểm soát. Họ dường như đã được xoa dịu bởi những lời trấn an rằng các nhà ngoại giao làm nhiệm vụ thanh tra sẽ không thực hiện bất kỳ việc kiểm tra nào. Đối với ông Trump chi tiết như vậy có lẽ sẽ là không quá quan trọng; ông chủ yếu muốn đạt được một cái gì đó có thể được miêu tả như một chiến thắng.

Nữ hoàng Anh vạch ra chương trình nghị sự của chính phủ mới

Hôm nay Nữ hoàng Elizabeth sẽ có bài phát biểu vạch ra chương trình nghị sự của chính phủ mới của ông Boris Johnson. Bài phát biểu hứa hẹn sẽ có những bản án cứng rắn hơn cho tội phạm bạo lực, cải cách đường sắt, chăm sóc tốt hơn cho người già, và trên hết là một lối thoát nhanh chóng khỏi EU. Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ quen thuộc, thì đó là vì nữ hoàng sẽ phải đọc lại gần như nguyên vẹn những điều bà đã đọc 9 tuần trước đây.

Khi ấy, ông Johnson đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số, và gần như không có cơ hội nào để thực hiện nội dung bài phát biểu, lúc ấy nghe có vẻ giống như một diễn văn tranh cử của đảng Bảo thủ. Nếu đó là mục đích thực sự của bài phát biểu, thì nó đã có hiệu quả: trong cuộc bầu cử tuần trước, ông Johnson đạt được thế đa số lớn. Vì vậy, bài phát biểu hôm nay có thể nghe quen thuộc, nhưng có một sự khác biệt quan trọng: đây là danh sách các việc cần làm thực sự và với thế đa số của đảng Bảo thủ, họ sẽ gần như hoàn thành được các việc ấy.

Các thành phố nhỏ ở Mỹ tìm cách thu hút lao động

Các thành phố nhỏ của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thu hút lực lượng lao động có trình độ. Một phần tư sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong nhóm Ivy League ưu tú chuyển đến New York, Washington hoặc San Francisco; các trung tâm lớn khác chiếm nhiều phần còn lại. Vì vậy, ngày càng nhiều thành phố nhỏ đang chuyển sang biện pháp “mua chuộc”. Tuần trước, thành phố Topeka ở Kansas thông báo họ sẽ tặng 15.000 đô la cho những ai chuyển đến đây và mua nhà (hoặc 10.000 đô la cho những ai thuê nhà). Dân số và số lượng việc làm tại Topeka đã bị đình trệ trong thập niên qua.

Trước đó, tiểu bang Vermont vào tháng 1 cũng đã bắt đầu trả 10.000 đô la cho những ai chuyển đến làm việc; cho đến nay, hơn 300 người đã chấp nhận chính sách này. Tulsa ở Oklahoma mời chào 10.000 đô la và Baltimore đưa ra đề nghị 5.000 đô la cho việc mua nhà. Đây là những nỗ lực khiêm tốn – như Topeka chỉ muốn thu hút 40 lao động lành nghề – nhưng là một nỗ lực tuyệt vọng để san bằng một sân chơi vốn nghiêng hẳn về các thành phố lớn nhiều sức hút.

Thế khó của ngân hàng trung ương Thụy Điển

Vào tháng 9, Riksbank, ngân hàng trung ương Thụy Điển, đã báo hiệu ý định chấm dứt chính sách lãi suất âm, với mức tăng từ -0,25% lên 0%. Họ dự kiến sẽ làm như vậy hôm nay. Tuy nhiên, cả năm thành viên hội đồng có quyền bỏ phiếu của ngân hàng này đều bày tỏ sự khó chịu với lãi suất cao hơn. Rõ ràng là nền kinh tế Thụy Điển đang chậm lại. Lạm phát hàng năm là 1,7% và dự báo sẽ ở dưới mức mục tiêu 2% trong một thời gian; số liệu thống kê về niềm tin kinh doanh là thấp nhất kể từ năm 2012.

Áp lực chấm dứt lãi suất âm có thể đến từ công chúng, những người cho rằng chính sách này “kì lạ”, theo Henry Ohlsson, một phó thống đốc của ngân hàng. Hơn nữa, lãi suất âm bị cáo buộc khiến đồng tiền Thụy Điển rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong giao dịch thực tế vào tháng 2; Nordea, tổ chức tài chính lớn nhất Scandinavia, nói rằng Riksbank đã tạo ra “con quái vật giết chết đồng krona”. Có lẽ tất cả những lời chỉ trích đã tác động đến Riksbank, khi mà lý do kinh tế để tăng lãi suất là không hề rõ ràng.