Thế giới hôm nay: 30/03/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ Anthony Fauci cảnh báo khoảng 100.000 đến 200.000 người Mỹ có thể chết vì covid-19. Ông phát biểu như vậy một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump rút lại lời đe dọa sẽ phong tỏa New York, New JerseyConnecticut, giữa lúc số lượng ca nhiễm tăng chóng mặt ở các bang này. Thay vào đó, sau những chỉ trích từ các thống đốc bang, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh kêu gọi người dân ba bang này hạn chế đi lại nội địa không cần thiết trong 14 ngày tới.

Số ca tử vong trong ngày do covid-19 ở Ý đã giảm ngày thứ hai liên tiếp, xuống còn 756 hôm Chủ nhật. Ý đã bị Tây Ban Nha vượt mặt, nơi số ca tử vong hàng ngày đạt mức cao kỷ lục 838. Tây Ban Nha tuyên bố đóng cửa tất cả các nơi làm việc không thiết yếu trong hai tuần. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề khu vực của Ý cho biết chính phủ của ông sẽ “không thể tránh khỏi” việc gia hạn phong tỏa toàn quốc sau ngày 3 tháng 4.

Trong một biểu hiện cho thấy đại dịch đang gây áp lực lên các chính trị gia, bộ trưởng tài chính của bang Hesse ở Đức, Thomas Schäfer, đã tự tử. Thủ hiến bang Volker Bouffier cho biết đồng nghiệp của ông đã “hết sức lo lắng” về cách đối phó với sụp đổ kinh tế.

Ở châu Mỹ Latinh, lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaidó đã kêu gọi thành lập một chính phủ khẩn cấp đoàn kết quốc gia để đối phó với sự lây lan của covid-19 ở nước này, vốn đang trải qua lạm phát phi mã và sự sụp đổ dịch vụ công. Trong khi đó ở Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro đã đe dọa sẽ sa thải bộ trưởng y tế nếu ông này tiếp tục chỉ trích các chính sách chống dịch của tổng thống.

Các lực lượng vũ trang của Hàn Quốc tuyên bố Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại bờ biển phía đông. Đây là lần phóng thứ tư trong tháng này, khi mà các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân với Mỹ đã ngừng trệ. Hàn Quốc tuyên bố các vụ phóng này “rất không phù hợp” và kêu gọi Triều Tiên tạm dừng các lần phóng tiếp theo giữa lúc thế giới đối phó với đại dịch covid-19.

Một chiếc máy bay được dùng làm phương tiện cứu thương hàng không đã bốc cháy và rơi khi cất cánh ở thủ đô Manila của Philippines, làm chết tất cả tám hành khách và phi hành đoàn trên máy bay. Chiếc máy bay West Wind 24 hai động cơ do Lion Air khai thác lúc ấy đang trên đường bay đến Haneda ở Nhật Bản. Chưa rõ liệu hai bệnh nhân trên máy bay có nhiễm covid-19 hay không.

Thủ tướng Greenland Kim Kielsen tuyên bố cấm bán rượu ở Nuuk, thủ đô lãnh thổ này. Động thái này là nhằm làm giảm bạo lực trẻ em tại nhà khi các trường học phải đóng cửa vì covid-19. Gần một phần ba người dân Greenland bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ.

TIÊU ĐIỂM

Cuộc chiến tài chính trong lòng WeWork

Một cuộc đấu sắp diễn ra trong tuần này giữa các cổ đông lớn của WeWork, hãng chia sẻ văn phòng khởi nghiệp đang gặp khó, và bên hậu thuẫn họ, SoftBank Group. Tháng 10 năm ngoái Son Masayoshi, giám đốc của tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản, đã giải cứu WeWork sau khi IPO của hãng bị hủy. SoftBank đã bơm 5 tỷ đô la vốn lưu động; và hiện đang sở hữu 80% cổ phần công ty. Hoạt động kinh doanh của WeWork đang xấu đi nhanh chóng vì covid-19 lây lan.

Ông Son có thể rút công ty khỏi một thỏa thuận ký trước đó vốn sẽ trao 3 tỷ đô la cho các cổ đông ban đầu của WeWork, kể cả người sáng lập Adam Neumann. SoftBank cho biết tuần trước rằng các cuộc điều tra đang chờ xử lý của chính phủ đối với WeWork sẽ làm mất hiệu lực các điều khoản của thỏa thuận đó. Động thái này cũng sẽ ngăn việc bơm thêm 1,1 tỷ đô la nợ mới vào công ty. Các cổ đông của WeWork, những người có thể thua cuộc, nói điều này “hoàn toàn phi đạo đức”. Với áp lực từ xếp hạng tín dụng giảm của SoftBank, ông Son cần chứng minh khả năng giữ kỷ luật tài chính của mình. Còn các nhà đầu tư ban đầu của WeWork có thể sẽ sớm phải mất tiền.

Covid-19 gây thiệt hại kinh tế toàn cầu chưa từng thấy

Thiệt hại kinh tế do covid-19, và do cả các lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch, đang trở nên rõ ràng hơn. Chỉ số niềm tin kinh tế của tháng Ba, được công bố vào hôm nay, khả năng sẽ tối đi đáng kể. Một bản công bố sơ bộ cho thấy người tiêu dùng, những người từng lạc quan về triển vọng kinh tế hồi tháng 2, đã trở nên bi quan hơn nhiều. Một cuộc khảo sát về chỉ số Nhà Quản lý Mua hàng cho thấy mức giảm lớn nhất trong lịch sử 22 năm của chỉ số này, với lĩnh vực dịch vụ đặc biệt kém.

Các nhà kinh tế chưa thể nhanh chóng điều chỉnh lại dự đoán của họ về GDP. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo sản lượng tại khu vực đồng euro sẽ giảm 5% trong năm nay so với năm 2019. Nhằm giảm bớt thiệt hại, nhiều chính phủ đã công bố kế hoạch chi tiêu lớn, và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mua lại 1 nghìn tỷ euro (1,1 nghìn tỷ đô la) tài sản trong năm nay. Song những hạn chế chặt chẽ để ngăn dịch vẫn còn đó, và vì vậy tất cả số tiền này sẽ không thể nào bù đắp được hết thiệt hại.

Người vô gia cư khó khăn giữa dịch bệnh

Hàng tỷ người đã được lệnh ở nhà để ngăn covid-19 lây lan. Nhưng người vô gia cư thì sao? Họ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn từ đại dịch, vì họ có xu hướng già hơn và có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Hầu hết sống ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi coronavirus. Và giãn cách xã hội là gần như không thể trong các lều trại và nơi trú ẩn đông đúc của họ. Các nhà nghiên cứu tại một số trường đại học ước tính rằng nếu 40% của khoảng 600.000 người vô gia cư ở Mỹ bị nhiễm bệnh, hơn 21.000 người có thể phải nhập viện và gần 3.500 người có thể chết.

Vì vậy, các quan chức cố gắng giúp người vô gia cư có chỗ trú ngụ để không còn phải ngủ trên đường phố. Một lựa chọn an toàn hơn là thuê phòng khách sạn cho họ, cho phép họ tự cách ly. Anh đã ra lệnh cho các hội đồng địa phương làm điều này. Một lo ngại khác là thêm nhiều người có thể trở nên vô gia cư nếu các lao động bị sa thải do dịch bệnh không thể trả tiền thuê nhà. Lệnh cấm chủ nhà đuổi khách thuê sẽ giúp người thuê nhà yên tâm phần nào.

Congo và Châu Phi chống dịch

Châu Phi rất dễ bị tổn thương bởi đại dịch covid-19 vì tình  trạng suy dinh dưỡng lan rộng và các bệnh làm suy giảm miễn dịch. Có lẽ không có quốc gia nào đáng lo ngại như Cộng hòa Dân chủ Congo, nước đặc biệt nghèo và có chính phủ tồi tệ. Các chính trị gia đang mãi tranh cãi về cách đối phó với sự lây lan của covid-19. Cho đến nay, nước này đã có 65 ca nhiễm được xác nhận. Vào thứ Sáu, thống đốc thủ đô Kinshasa đã công bố các biện pháp phong tỏa bất bình thường: mọi người nên ở nhà trong bốn ngày, sau đó được di chuyển tự do hai ngày, trước khi ở nhà thêm bốn người nữa.

Nhưng Tổng thống Felix Tshisekedi đã bác quyết định này. Đó là một giải pháp phi logic và thiếu khả thi. Kinshasa có 12 triệu dân, nhiều người sống trong những ngôi nhà chật chội và không có nước để dùng. Hầu hết sống nhờ khoản lợi nhuận nhỏ hàng ngày từ việc bán hàng ở chợ. Một lệnh phong tỏa hoàn toàn có thể sẽ dẫn đến bạo loạn. Tuy nhiên, ngoài thủ đô thì mọi thứ sáng sủa hơn. Congo rộng lớn và có ít đường sá. Điều này vô tình có thể hữu ích trong việc làm chậm sự lây lan của căn bệnh.

Tái sinh hãng hàng không Alitalia

Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng công nghiệp Ý tuyên bố người dân sẽ không tiếp tục đổ thêm tiền thuế vào hãng hàng không quốc gia đang gặp rắc rối của Ý. Ông quá vội vàng. Sự lây lan của covid-19 kể từ tháng 1, vốn khiến ngành hàng không trên khắp thế giới sụp đổ, đe dọa sẽ kết liễu hãng hàng không liên tục thua lỗ này (họ chỉ mới ghi nhận đúng một năm có lợi nhuận suốt từ khi thành lập năm 1946). Đối mặt với việc hãng sẽ sụp đổ hoàn toàn, đầu tháng này Ý đã quốc hữu hóa những gì còn lại của hãng, hứa hẹn tạo ra một Alitalia mới.

Một cuộc họp hôm nay giữa các bộ trưởng công nghiệp, vận tải và lao động của Ý, cùng với đại diện của các nghiệp đoàn, có thể cho thấy diện mạo mới của hãng hàng không sau khi chết đi sống lại. Lúc đầu rất nhỏ: đội bay ban đầu của họ có thể sẽ chỉ có 25 đến 30 máy bay. Alitalia sẽ mất bao lâu để tăng cường sức mạnh của mình – và tự đứng trên đôi chân của mình – vẫn còn là ẩn số. Nhưng có vẻ chính phủ Ý và hãng hàng không quốc gia lâu đời này sẽ còn gắn bó với nhau lâu dài.