Tác giả: Nguyễn Đức Hiệp
Dưới thời Pháp thuộc, Thất Phủ Võ Đế Miếu là trụ sở của Thất phủ Công sở và cũng là trụ sở Phòng thương mại Hoa kiều ở Nam Kỳ, hay còn gọi Nam Kỳ Trung Hoa Tổng thương hội (Chambre de Commerce Chinoise de Cochinchine), được thành lập năm 1904 dưới sự bảo trợ của Thanh triều. Năm 1910, Tổng thương hội Hoa kiều là hội viên của Phòng thương mại Trung Hoa, trụ sở ở Thiên Tân.
Tờ Les Annales coloniales ngày 6.10.1910 đã bình luận về sự kiện Toàn quyền Đông Dương Klobukowski, theo đề nghị của Thống đốc Nam Kỳ, ký sắc lệnh ngày 15.7.1910 cho phép Tổng thương hội Hoa kiều ở Nam Kỳ được thành lập, với điều lệ và điều kiện hoạt động giống như các phòng thương mại khác, trụ sở ở Thất Phủ Võ Đế Miếu, để bảo vệ quyền lợi thương mại của Hoa kiều, liên hệ chính thức với chính quyền Pháp, hòa giải các vụ tranh chấp thương mại giữa các hội viên Hoa kiều (nếu không giải quyết được thì ra tòa án thương mại Nam Kỳ). Tờ báo chỉ trích rằng sự ra đời của Tổng thương hội (Phòng thương mại Hoa kiều) đã nâng cao uy tín và quyền lợi người Hoa, không có lợi cho người Pháp.
Tuy vậy sự ra đời của Tổng thương hội mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người Hoa nói riêng và Nam Kỳ nói chung. Năm 1934, chính quyền Pháp đã đánh thuế cao các hàng nhập khẩu, nhất là hàng nhập từ Trung Quốc. Trước khi có hàng rào quan thuế này, nhiều tàu từ Trung Quốc mang hàng hóa đủ loại từ gốm, giấy, đũa, pháo… và lúc trở về chở gạo xuất khẩu đến Trung Quốc. Vì hàng rào quan thuế này mà thương mại giảm sút, nhất là xuất khẩu gạo. Tổng thương hội Hoa kiều đã viết thư phản đối thuế này. Vì gạo là lợi nhuận xuất khẩu lớn cho nền kinh tế nên chính quyền đã giảm đi thuế nhập khẩu.
Bang trưởng bang Phước Kiến, ông Trịnh Chiêu Minh (Tay Chow Beng), người Hoa Bà Ba gốc Phước Kiến đến Nam Kỳ từ nhiều năm trước từ Singapore, là hội trưởng đầu tiên. Ông Minh cũng như nhiều thương gia Phước Kiến từ Singapore đến Sài Gòn lập nghiệp, thông thạo tiếng Anh và Pháp, có xưởng rượu Vạn Liên ở Chợ Lớn do người cháu là Trịnh Vũ Trụ quản lý và xưởng rượu Vạn Hòa Thành ở Huế, làm ăn rất phát đạt.
Không lâu sau, người Pháp muốn độc quyền sản xuất rượu, lập ra xưởng sản xuất rượu ở Bình Tây do công ty sản xuất rượu Đông Dương (Société Française des Distilleries de Indochine – SFDIC) điều hành, ngăn cấm không cho ai sản xuất rượu. Nhưng sau cũng thỏa hiệp với Trịnh Chiêu Minh để hệ thống phân phối và bán rượu của ông Minh ở Nam Kỳ lục tỉnh làm nhiệm vụ bán rượu đến người tiêu thụ.
Đại diện các bang trong Tổng thương hội Hoa kiều gồm năm bang, trong đó bang Phước Kiến là mạnh nhất (đa số các doanh nhân và những chủ thương nghiệp giàu, có tiếng là người Phước Kiến), kế đó là bang Quảng Đông, Triều Châu và sau cùng là Hẹ và Hải Nam. Từ năm 1904 đến năm 1957, trong số 17 hội trưởng thì có 8 là người Phước Kiến, 4 Quảng Đông, 3 Triều Châu, một Hẹ và một Hải Nam. Trong các quyết định lúc bỏ phiếu thì số phiếu mỗi bang tùy vào số tiền đóng góp vào Tổng thương hội. Theo đó bang Phúc Kiến, Quảng Đông và Triều Châu, mỗi bang có 5 phiếu và bang Hẹ và Hải Nam mỗi bang 2 phiếu.
Ngày 12.5.1922, lúc 5 giờ chiều, tại Thất Phủ Võ Đế Miếu, ông Hội trưởng Tổng thương hội Hoa Kiều và bang trưởng các bang người Hoa, tụ họp để chúc mừng Thống đốc Nam Kỳ Cognacq và thị trưởng (đốc lý) mới của thành phố Chợ Lớn, ông Maurice de Tastes. Ông thống đốc cáo lỗi không đến dự được vì bận, ông thị trưởng thì đến đúng giờ.
“Có nhiều người Âu, các bà và các doanh nhân người Hoa đến dự.
Ông Tsa-Tsang-Yé, thư ký của Tổng thương hội đọc bài diễn văn như sau:
Thưa ông đốc lý, quý bà, quý ông,
Tổng thương hội Hoa kiều và các Hội quán người Hoa ở Cholon-Sài Gòn vui mừng chào đón các quý vị; vì không có một nơi nào phù hợp hơn, với truyền thống hiện đại, chúng tôi đã phải dùng ngôi chùa Thất phủ khiêm tốn này, trong đó tất cả các vị thần ban cấp hạnh phúc đều hiện diện. Và nếu không có ý tưởng mê tín nào của chúng tôi ngự trị trong sự lựa chọn địa điểm này, thì ít nhất hoàn cảnh này cho phép chúng tôi vui mừng khi thấy quý vị được sự phù hộ của họ và tạo ra được lời chúc mừng rất chân thành này là họ đưa lại cho quý vị, không cần tính đến chúc mừng và hạnh phúc, sự vinh dự lớn mà bạn đã cho chúng tôi bằng cách đồng ý đến để hiện diện xung quanh chúng tôi nhân dịp bổ nhiệm đốc lý de Tastes.
[…] Và, thưa ông đốc lý, trên hết là chúng tôi được nghe là ông dự định thực hiện một chương trình cho thành phố, ít nhất tôi có thể nói là chương trình sẽ có xu hướng biến Chợ Lớn trở thành Hòn ngọc thứ hai của Nam Kỳ. Hãy yên tâm, thưa ông, là chúng tôi dốc sức vào và đã cam kết sẽ thực hiện các dự án của ông và chúng tôi sẽ rất biết ơn ông vì tất cả những nỗ lực ông sẽ cố gắng để thực hiện thành công…
(Écho Annamite, 13.5.1922)
Năm 1923, trụ sở của Tổng thương hội Hoa kiều được dời về trụ sở mới trên đường Rue de Paris (Phùng Hưng), nơi có nhiều người Phước Kiến cư ngụ.
Giai đoạn 1904 đến 1935 là thời kỳ hoàng kim của Tổng thương hội Hoa kiều. Tháng 3.1925, Thống đốc Hương Cảng, Sir Reginald Stubbs, viếng thăm chính thức Đông Dương (Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Phnom Penh); ngày 9.4.1925, sau khi viếng Angkor, ông trở lại Sài Gòn, và đã đến buổi tiếp tân, nói chuyện ở Tổng thương hội Hoa kiều Chợ Lớn, rồi sau đó mới lên đường trở lại Hồng Kông ngày hôm sau.
Sự thành công của Tổng thương hội cũng được thể hiện khi Toàn quyền Đông Dương Pasquier và Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse đến dự bữa tiệc chiêu đãi cuối năm ngày 29.12.1928 tại Tổng thương hội, trong đó ông thống đốc đã phát biểu khen ngợi người Hoa ở Nam Kỳ trong nhiều thế kỷ qua đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và đồng bằng sông Cửu Long.
Miếu Thất Phủ Thiên Hậu Cung năm 1895, nay trong khuôn viên sân Tinh Võ, 756 Nguyễn Trãi (thuộc Trung tâm Thể thao Quận 5). Ảnh của nhà nhiếp ảnh Firmin André Salles (1860-1929). Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Tháng 9.1933, chính quyền tỉnh Quảng Đông, theo lệnh Chính phủ Quốc Dân đảng ở Nam Kinh trước tình hình quân Nhật xâm lăng, tăng thuế nhập cảng gạo 1 đô la mỗi tạ (picul) ở các cửa khẩu Quảng Châu, Hạ Môn và Sán Đầu. Tin này đã làm chấn động Hồng Kông, là nơi trung chuyển thương mại với Trung Quốc.
Tổng thương hội Hoa kiều đã họp khẩn cấp ngày 24.9 để bàn về thuế gạo này, Hội trưởng Hồng Đường Vân (người Phước Kiến) (1932-1935) sau đó viết thư đến chủ tịch Phòng thương mại Sài Gòn thông báo Tổng thương hội viết thư phản đối đến chính quyền Quảng Đông và Quảng Tây, kêu gọi bãi bỏ thuế này làm thiệt hại thương mại người Hoa ở Đông Dương đang khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Khi Toàn quyền Đông Dương, ông Robin, đến Sài Gòn đầu tháng 10.1934, các hội viên Tổng thương hội Hoa kiều cũng đến gặp mặt và ông Hội trưởng Hồng Đường Vân đã tỏ ước muốn chính quyền dàn xếp thương lượng sớm với Chính phủ Trung Hoa về Hiệp định thương mại Trung Hoa – Đông Dương để Đông Dương có thể sớm trở lại phát đạt như thời trước khủng hoảng kinh tế vì thị trường Trung Hoa là một thị trường quan trọng cho nông sản Nam Kỳ.
Tháng 9.1939, Thế chiến thứ II xảy ra, giá cả hàng hóa tăng vọt do các thương gia tích trữ đầu cơ, Thống đốc Nam Kỳ đã triệu tập những người điều hành Tổng thương hội Hoa kiều để kêu gọi họ giúp đỡ không để giá cả tăng làm rối loạn xã hội. Điều này Tổng thương hội đã giúp hoàn thành (Écho Annamite 11.9.1939).
Ngoài những hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty Hoa kiều, Tổng thương hội còn tham gia các hoạt động xã hội như đóng góp ủy lạo các nạn nhân như ông Hội trưởng Diệp Bá Hành (người Quảng Đông) (1919-1925) đã gởi cho ông Chủ tịch Ủy ban thành phố Chợ Lớn số tiền cho bà quả phụ của một nhân viên người Việt bị ám hại trong lúc làm nhiệm vụ (Écho Annamite 24.5.1923).
Cũng như Phòng thương mại Sài Gòn, ngày Tết Tây 1939, ông Hội trưởng Tổng thương hội mở tiệc tiếp tân mời tất cả doanh nhân, doanh nghiệp Pháp, Việt, Hoa và các nước ở Sài Gòn đến trụ sở để chúc mừng, họp mặt, trao đổi thân mật. Đây là cơ hội kết nối doanh thương giữa người Hoa và các doanh nhân khác.
Do các bang trưởng và hội trưởng Tổng thương hội đại diện cộng đồng các người Hoa, họ thường bị áp lực và do đó phải thỏa thuận với các thế lực bên ngoài như vào lúc ban đầu là triều đình nhà Thanh, chính quyền Pháp, sau năm 1912 là Quốc Dân đảng, các chính phủ trung ương và địa phương ở Trung Hoa trong thời kỳ cát cứ sứ quân, và người Nhật trong thời gian 1941-1945, sau đó là Chính phủ Quốc Dân đảng, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ miền Nam Việt Nam.
Tổng thương hội Hoa kiều có các chi nhánh ở các tỉnh và nhiều công ty, thương gia là hội viên, họ đóng lệ phí nhưng quyền quyết định nằm ở các bang trưởng. Vì thế năm 1951, dưới áp lực của Quốc Dân đảng, cơ cấu quyết định được dân chủ hóa, trong đó các hội viên không phân biệt lớn nhỏ có quyền bỏ phiếu của mình. Qua sự cải tổ này, ông Phù Lâm Anh, tổng biên tập một tờ báo Hoa ngữ, người Hải Nam được bầu làm hội trưởng thương hội Hoa kiều.
Một trong những hội trưởng Tổng thương hội Hoa kiều sau này là ông Trương Chấn Phàm, bang trưởng Phúc Kiến nhiệm kỳ 1939-1941. Trong thời kỳ chiến tranh, ông Trương Chấn Phàm cùng ông Trương Văn Bền (Phó hội trưởng Tổng thương hội Sài Gòn) ngày 2.9.1939 đã lập một ban trị sự lo việc phòng thủ thụ động trong châu thành Sài Gòn và Chợ Lớn, gồm các tình nguyện người Việt và Hoa gia nhập đội binh phòng thủ thụ động.
Ban trị sự này ngoài hai ông Bền (chủ tịch) và Phàm (phó chủ tịch) còn có các ông hộ trưởng và bang trưởng Hoa kiều Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ, Triều Châu và Hải Nam. Tuy vậy sau khi quân Nhật vào Đông Dương và chiếm đóng Sài Gòn – Chợ Lớn, ông Trương Chấn Phàm do áp lực đã hợp tác với chính quyền Quốc Dân đảng thân Nhật ở Nam Kinh. Trụ sở Tổng thương hội trên đường Rue de Paris (Phùng Hưng) bị quân đội Nhật trưng dụng làm bót quân cảnh năm 1941.
Phòng Thương mại Trung Hoa trên đường Rue de Paris (trái), nay là trụ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng (bản Hoa ngữ) ở số 203 đường Phùng Hưng (phải). Nguồn: Tim Doling
Từ năm 1955 cho đến 1963, dưới thời Chính phủ Ngô Đình Diệm, các chính sách giới hạn hoạt động thương mại của Hoa kiều và quốc tịch đã làm hoạt động của Tổng thương hội Hoa kiều giảm sút đáng kể. Hội trưởng nhiệm kỳ 1955 -1957 là ông Trần Đôn Thăng, người Phước Kiến, là hội trưởng cuối cùng của Tổng thương hội. Từ năm 1959, các hội viên không còn đóng hội phí và đến năm 1963, Tổng thương hội Hoa kiều coi như không còn hoạt động.
Tổng thương hội Hoa kiều không còn thì hoạt động và ảnh hưởng của Thất Phủ Võ Đế Miếu cũng yếu. Cuối năm 1975, miếu bị phá đi, bàn thờ Quan Công được dời qua đền Tam Sơn (chùa bà chúa Thai Sanh) bên cạnh. Nay chỉ còn sót lại đền Thất Phủ Thiên Hậu Cung. Một di sản giá trị ở Chợ Lớn không còn. Trụ sở của Tổng thương hội Hoa kiều trên đường Phùng Hưng nay là trụ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng (bản Hoa ngữ). Kiến trúc thời Pháp của tòa nhà Tổng thương hội với nét cổ điển uy nghi vẫn còn.
Hình: Thất Phủ Võ Đế Miếu – La Pagode des Sept Congrégations, 120 rue de Canton, carte postal 1908, vị trí ngày nay: 118-120 Triệu Quang Phục, Quận 5.
Nguồn: Người Đô thị