25/04/2015: Động đất làm hàng ngàn người chết ở Nepal

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Magnitude 7.8 earthquake kills thousands in Nepal, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2015, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã tàn phá Nepal, làm gần 9.000 người chết và 16.800 người khác bị thương. Đó là trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử các nước châu Á kể từ năm 1934.

Trận động đất xảy ra ngay trước buổi trưa, nhưng thảm họa vẫn tiếp diễn khi hàng chục cơn dư chấn sau đó thậm chí còn có sức tàn phá nghiêm trọng hơn. Tổng cộng Nepal đã bị rung chuyển bởi hàng trăm cơn dư chấn, trong đó cơn dư chấn lớn nhất mạnh 7,3 độ vào ngày 12/05. Trận động đất cũng gây ra vụ lở tuyết trên đỉnh Everest khiến 19 người thiệt mạng.

Vào thời điểm dư chấn kết thúc, hơn 800.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và hơn 298.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Trận động đất cũng làm hỏng một số di tích mang tính biểu tượng, như Quảng trường Durbar tại thủ đô. Tổng cộng đã có 2,8 triệu người đã phải di dời và trở thành người vô gia cư bởi trận động đất – hoặc bởi nỗi sợ hãi của họ về các cơn dư chấn. Trong nhóm này, vô số người đã phải chuyển vào sống trong các “thành phố lều” (tent cities) bởi họ quá sợ hãi không muốn trở về nhà của mình. Liên Hiệp Quốc ước tính có 8 triệu người (gần một phần ba dân số Nepal) bị ảnh hưởng bởi trận động đất và các dư chấn của nó.

Chính phủ Nepal đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay sau khi trận động đất ban đầu xảy ra, và gần như toàn bộ quân đội đã xuống đường tham gia tìm kiếm cứu nạn. Hàng chục quốc gia và Liên Hiệp Quốc cũng đã tham gia viện trợ và gây quỹ.

Thật không may, những nỗ lực sửa chữa đã gặp rất nhiều trở ngại. Sự tắc nghẽn giao thông, cùng với việc thiếu phương tiện vận tải như xe tải và máy bay trực thăng, khiến việc tiếp cận các ngôi làng xa xôi trở nên rất khó khăn. Các cuộc tranh cãi chính trị và thiếu hụt nguồn cung cũng làm chậm các nỗ lực xây dựng lại đất nước. Đến năm 2017, chỉ có 5% số nhà cửa được xây dựng lại và chỉ có 12% quỹ cứu trợ được giải ngân. Công đoạn phục hồi và xây dựng còn lại vẫn tiếp tục nhưng rất chậm cho đến tận ngày hôm nay.