30/04/1897: J.J. Thomson tuyên bố phát hiện ra electron

Nguồn: British physicist J.J. Thomson announces the discovery of electrons, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1897, nhà vật lý người Anh J.J. Thomson tuyên bố khám phá rằng nguyên tử được tạo nên từ các thành phần nhỏ hơn. Phát hiện này đã cách mạng hóa cách mà các nhà khoa học nghĩ về nguyên tử, đồng thời tạo ra sự phân nhánh lớn trong ngành vật lý. Mặc dù Thompson gọi chúng là “hạt” (corpuscle), những gì ông tìm thấy ngày nay thường được gọi là điện tử (electron).

Ở thời điểm đó, nhân loại đã phát hiện ra dòng điện và khai thác thành công hiệu quả của nó, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa quan sát được cấu thành nguyên tử. Thomson, một giáo sư uy tín tại Cambridge, đã xác định sự tồn tại của electron thông qua nghiên cứu các tia âm cực. Ông kết luận rằng các hạt tạo thành các tia sáng nhẹ hơn 1.000 lần so với nguyên tử nhẹ nhất, điều đó chứng minh rằng có tồn tại thứ vật chất nhỏ hơn cả nguyên tử. Thomson đã ví thành phần của nguyên tử với món bánh pudding mận, với các “hạt” tích điện âm nằm rải rác trong một trường tích điện dương.

Phép so sánh với bánh pudding mận đã bị Ernest Rutherford, một sinh viên và cộng tác viên của Thomson, bác bỏ trong phòng thí nghiệm của chính Thomson tại Cambridge năm 1910. Rutherford đi đến kết luận rằng điện tích dương của một nguyên tử nằm trong hạt nhân của nó, như chúng ta đã biết ngày nay.

Ngoài việc giành giải Nobel của riêng mình, Thomson cũng đã làm việc với sáu trợ lý nghiên cứu, những người sau đó cũng giành giải Nobel Vật lý, và hai người khác nữa, bao gồm cả Rutherford, sau đó giành giải Nobel Hóa học. Con trai ông, George Paget Thomson, cũng đã giành giải Nobel cho nghiên cứu về electron. Kết hợp với công trình nghiên cứu của riêng nhà khoa học người Anh, kiến thức từ mạng lưới các nhà nghiên cứu nguyên tử từng được Thomson giảng dạy đã mang lại cho nhân loại một hiểu biết mới và cực kỳ chi tiết về các khối vật chất nhỏ nhất tạo thành vũ trụ.