Thế giới hôm nay: 05/05/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và tám quốc gia đã đồng tổ chức một hội nghị cam kết quốc tế online với mục đích huy động 7,5 tỷ euro (8,2 tỷ đô la) tài trợ ban đầu để tìm ra vắc-xin chống covid-19. Vắc-xin, có thể mất 12-18 tháng để phát triển, có lẽ là cách duy nhất để mọi thứ trở lại bình thường. Các nhà lãnh đạo cũng tuyên bố ủng hộ WHO hoàn toàn, kể cả khi tổ chức này bị Mỹ chỉ trích nặng nề vì cách xử lý đại dịch của mình.

Tổng thống Donald Trump tăng con số người chết dự kiến vì covid-19 ​​của Mỹ lên 100.000, từ con số trước đó của ông là khoảng 60.000. Điều chỉnh được đưa ra trong một cuộc họp online với cử tri nhằm khởi động lại chiến dịch tái tranh cử của ông. Ông Trump thừa nhận đã được thông báo về virus từ tháng 1 và đề nghị cung cấp hỗ trợ cho những người Mỹ phản đối lệnh phong tỏa.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia của nước này đến 31 tháng 5 vì số ca nhiễm coronavirus mới vẫn chưa giảm đáng kể, mặc dù ông hứa sẽ dỡ bỏ sớm hơn nếu tình hình được cải thiện. Số ca tử vong do virus ở Nhật Bản vẫn tương đối thấp ở mức 542 người. Nhưng Thủ tướng cảnh báo hệ thống y tế ở một số khu vực vẫn còn căng thẳng.

New Zealand không ghi nhận ca nhiễm coronavirus mới nào, lần đầu tiên kể từ 16 tháng 3. Tin này đến sau lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn một tháng,  dường như đã thành công. Cả nước ghi nhận chỉ 20 trường hợp tử vong. Thủ tướng New Zealand hôm nay sẽ tham gia cuộc họp nội các của Úc để thảo luận về khả năng cho đi lại trở lại giữa hai nước mà không cần phải cách ly.

Dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất ở khu vực đồng euro  giảm mạnh trong tháng 4 vì các nhà máy đóng cửa và người tiêu dùng phải ở nhà trong bối cảnh dịch coronavirus bùng phát. Khảo sát của IHS Markit về chỉ số nhà quản lý mua hàng giảm từ 44,5 trong tháng 3 xuống còn 33,4 (dưới 50 đồng nghĩa suy thoái), mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1997. Các con số thấp nhất là ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và Pháp.

Hãng thời trang J.Crew vừa nộp đơn xin phá sản, nhà bán lẻ lớn đầu tiên của Mỹ phải làm vậy vì đại dịch coronavirus. Thương hiệu này vốn dẫn đầu xu thế thời trang thiếu niên sang chảnh, và được Michelle Obama ưa chuộng. Nhưng doanh số gần đây đã sụt giảm. Công ty sẽ giao lại quyền kiểm soát cho các chủ nợ và chuyển đổi khoảng 2 tỷ đô la nợ thành vốn chủ sở hữu.

Telefónica của Tây Ban Nha được cho là đang đàm phán với Liberty Global của Mỹ để hợp nhất O2 và Virgin Media, là các doanh nghiệp của họ ở Anh. Hãng điện thoại di động và truyền hình sau khi hợp nhất sẽ được định giá gần 28 tỷ bảng (35 tỷ đô la). Liberty sẽ tăng vay nợ để trả tiền mặt cho Telefónica trong liên doanh 50-50 được đề xuất. Một thỏa thuận có thể được công bố vào thứ năm, khi Telefónica công bố thu nhập quý đầu năm.

TIÊU ĐIỂM

Disney tổn thất lớn vì đại dịch

Disney hôm qua đã làm hài lòng người hâm mộ khi thêm “The Rise of Skywalker” vào dịch vụ phát trực tuyến của mình, Disney +. Hôm nay họ sẽ phát hành một chương trình trông giống “bom tấn phim kinh dị”, có điều dưới dạng báo cáo thu nhập quý. Disney + đã tăng hơn 50 triệu thuê bao kể từ khi ra mắt vào tháng 11, khi các gia đình đang trong phong tỏa tìm cách giải khuây.

Nhưng đại dịch đã không giúp ích cho các bộ phận khác của Disney. Việc sản xuất phim bị đình trệ và với việc rạp phim bị đóng cửa, các bộ phim bom tấn như “Mulan” đã bị hoãn chiếu. Mạng truyền hình cáp của Disney cũng bị ảnh hưởng bởi doanh thu quảng cáo thấp hơn, và trong trường hợp của ESPN, không có chương trình thể thao để  chiếu. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các công viên chủ đề của họ (đóng cửa) và du thuyền (phải cập cảng). Các bộ phận ấy góp khoảng một phần ba lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm 2019, nhưng năm nay sẽ chỉ tạo ra khoảng 15%, một nhà phân tích ước tính. Chỉ có một loại vắc-xin mới  có thể đưa mọi thứ trở lại bình thường, song vẫn còn xa vời.

Úc và New Zealand xem xét đi lại không cần cách ly

Một người là thủ tướng của New Zealand và lãnh đạo Công Đảng nước này. Còn  người đứng đầu chính phủ Bảo thủ Úc. Nhưng hôm nay Jacinda Arden sẽ tham gia một cuộc họp video với nội các của thủ tướng Úc Scott Morrison để thảo luận cách hai nước có thể hợp tác chống covid-19. Giữa đại dịch toàn cầu, bà Arden và ông Morrison ở vị thế đáng ganh tị. Vào thứ Hai, New Zealand không ghi nhận trường hợp nhiễm coronavirus mới nào; chỉ có 20 người chết vì virus kể từ tháng 3.

Tỷ lệ ca nhiễm mới ở Úc đã giảm dần và nước này đã có thể giảm bớt giãn cách xã hội và mở lại một số bãi biển. Trong chương trình nghị sự của cuộc họp chưa từng có tiền lệ này là khả năng tạo ra “bong bóng đi lại” cho phép người Úc và người New Zealand đi qua Biển Tasman mà không cần phải cách ly hai tuần. Bà Arden cảnh báo rằng bất kỳ “bong bóng” nào như vậy cũng sẽ không được áp dụng ngay lập tức. Và nếu số ca nhiễm tăng ở hai bờ Biển  Tasman, bong bóng có thể vỡ.

Thủ tướng Đức họp với các hãng ô tô

Angela Merkel và các bộ trưởng nội các cao cấp, bao gồm bộ trưởng tài chính Olaf Scholz, hôm nay sẽ họp trực tuyến với các sếp của ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức về cách giúp đỡ ngành công nghiệp quan trọng nhất này. Được dẫn dắt bởi Herbert Diess, giám đốc điều hành của Volkswagen, VW, Daimler và BMW đang vận động hành lang cho khoản trợ giá người mua vài nghìn euro đối với cả xe xăng và xe điện để phục hồi nhu cầu.

Thủ tướng Đức và ông Scholz đều không hào hứng, đặc biệt là khi VW vẫn đang lên kế hoạch trả cổ tức cho cổ đông. Những người phản đối khoản trợ giá cho rằng điều này sẽ khiến khách hàng đổ xô mua xe sớm và do đó doanh số năm tới sẽ giảm. Hơn nữa, nó sẽ chỉ có ích cho giới dư dả trong khi hỗ trợ cho một ngành công nghệ đã suy giảm. Sẽ tốt hơn nếu tăng hỗ trợ cho việc mua ô tô điện, điều sẽ khuyến khích các nhà sản xuất ô tô đẩy nhanh quá trình điện hóa – và đưa thêm nhiều xe không phát thải lên đường phố Đức.

Tòa tối cao Đức phán quyết về nới lỏng định lượng

Sáng nay, tám thẩm phán mặc áo đỏ của tòa án hiến pháp Đức sẽ ra phán quyết về tính hợp pháp của chương trình mua khu vực công (PSPP) của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), vốn là một kế hoạch nới lỏng định lượng, theo đó các ngân hàng trung ương quốc gia mua vào trái phiếu chính phủ. Tòa án Công lý Châu Âu có trụ sở tại Luxembourg, được các thẩm phán Đức yêu cầu cho ý kiến, đã phê chuẩn PSPP. Ít có nhà phân tích nào dự đoán tòa án Đức sẽ hoàn toàn bác bỏ phán quyết đó.

Tuy nhiên, phán quyết hôm nay của tòa vẫn có thể gây bất ngờ. Đầu tiên, các thẩm phán có thể thiết lập các  ngưỡng kiểm tra cho các chương trình của ECB mà PSPP sẽ vượt qua, nhưng lại có thể gây rắc rối cho kế hoạch mua trái phiếu trị giá 750 tỷ euro (823 tỷ đô la) mà ngân hàng này thiết lập vào tháng 3 để chống lại khủng hoảng coronavirus. Điều đó có thể làm xáo động thị trường và tạo ra nhiều thách thức pháp lý hơn nữa. Thứ hai, bằng cách ám chỉ rằng Bundesbank (Ngân hàng TW Đức) phải giải trình trước hai chủ thể pháp lý khác nhau, tòa án Đức sẽ làm suy yếu một nguyên tắc quan trọng của EU: trong các vấn đề pháp lý, quyết định đưa ra tại Luxembourg là tối cao.

Các nước Balkan bị ảnh hưởng nặng vì không có khách du lịch

Một cơn gió lạnh thổi đến từ Biển Adriatic. Tuần này, người dân Slovenia, Croatia và Montenegro đang tận hưởng những giây phút thư giãn trong đợt phong tỏa vì covid-19; nhưng đối với nền kinh tế của họ, đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Với mỗi ngày trôi qua, hy vọng của mùa du lịch năm nay tắt dần; tất cả các nền kinh tế phía đông Biển Adriatic đặc biệt dễ bị tổn thương. Trong những năm gần đây, du lịch là ngôi sao của khu vực, đóng góp 15% cho GDP của Albania, khoảng 20% cho Croatia và Montenegro và ít nhất 12% cho Slovenia.

Hàng trăm ngàn việc làm phụ thuộc vào ngành này. Tất cả các chính phủ đều đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nhưng chính phủ Croatia vẫn dự đoán GDP sẽ giảm 9,4% trong năm 2020. Các tổ chức tài chính dự đoán Montenegro suy thoái 8,9%, Albania 6,9% và Slovenia 8%. Nạn thất nghiệp từng khiến người dân phải bỏ nơi đây để đến Tây Âu tìm việc làm. Giờ đây, ngay cả trước phong tỏa, vì mất việc ở Tây Âu họ đã phải về nước.