Nguồn: Andrei Kolesnikov, “The Victor Who Lost the USSR”, Project Syndicate, 05/05/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên
Ba mươi lăm năm trước, Mikhail Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. “Người ta mong đợi rất nhiều ở Gorbachev”, Anatoly Chernyaev – một quan chức của Đảng Cộng sản và là một trí thức, người sau này sẽ trở thành cố vấn hàng đầu cho Gorbachev – đã viết như vậy trong nhật ký của mình vào thời điểm đó. Liên Xô không cần gì khác ngoài “một cuộc cách mạng từ trên xuống”, ông ghi lại. “Liệu Mikhail Sergeyevich có hiểu điều này không?”
Chắc chắn là các chính sách của Gorbachev như perestroika (cải tổ chính trị và kinh tế) và glasnost (minh bạch và công khai hóa) đã mang lại một cuộc cách mạng của những sự kỳ vọng. Sau 20 năm bị đình trệ bởi một chế độ chuyên chế ốm yếu – ba nhà lãnh đạo đã chết trong vòng chưa đầy ba năm (một cuộc đua xe tang, như cách nói đùa ảm đạm của người Nga) – người ta muốn tìm kiếm sự thay đổi. Họ tin rằng Gorbachev có thể mang lại điều đó.
Những động thái cởi mở ban đầu của Gorbachev với phương Tây đã tạo ra thứ mà lúc đó được gọi là “Cơn sốt Gorbachev” – không chỉ ở Tây Âu và Hoa Kỳ, mà còn cả ở Liên Xô. Nhà lãnh đạo mới đầy lôi cuốn này được mong đợi sẽ mang lại một chất lượng sống tốt hơn – có thể sánh với Đông Đức, Hungary, hay thậm chí là Tây Âu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các công dân Liên Xô sắp sửa chào đón các chính phủ hay nền kinh tế kiểu Tây Âu. Ngược lại, họ muốn tiếp tục uống trà nhàn nhã trong văn phòng, tận hưởng nhiều an sinh xã hội với rất ít trách nhiệm. Họ chỉ đơn giản muốn các cửa hàng của họ có nhiều hàng hơn.
Ngược lại, các kiến trúc sư của perestroika thực sự hiểu rằng họ đang thiết kế một cuộc cách mạng. Báo cáo của Gorbachev năm 1987 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Bolshevik có nhan đề “Tháng Mười và Perestroika: Cuộc cách mạng tiếp diễn”. Nhưng ngay cả Gorbachev và các đồng minh của ông cũng không hiểu phạm vi nhiệm vụ của mình tới đâu.
Gorbachev tin rằng chỉ cần chủ nghĩa Lênin được tách ra khỏi Stalin thì chủ nghĩa xã hội sẽ được tái sinh và đổi mới dưới một hình thức dân chủ hơn, theo định hướng thị trường. Những gì ông không nhận ra là những mục tiêu này về cơ bản là không tương thích với nhau. Thay vì khôi phục chủ nghĩa Lênin, cuộc cách mạng của ông sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội – và của đế chế Xô Viết.
Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và perestroika có nghĩa là sự lãnh đạo của Gorbachev đã bị hủy hoại bởi những mâu thuẫn sâu sắc. Ví dụ như việc thể chế hóa các cuộc bầu cử nhằm mục đích nâng cao sự lãnh đạo chính trị dựa trên tính chính danh dân chủ. Trong khi công chúng và giới thượng lưu thời kỳ perestroika hoan nghênh sự thay đổi này, thì bộ máy quan liêu Xô Viết xơ cứng đã phản đối nó, và Gorbachev không thể hiện cam kết với với tiến trình này như một số người mong đợi.
Năm 1990, với sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản chịu áp lực ngày càng tăng, đặc biệt là từ các phong trào đòi độc lập ở các nước cộng hòa Baltic, Gorbachev quyết định trở thành tổng thống Liên Xô. Nhưng thay vì tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia, ông lại được Đại hội Đại biểu Nhân dân bầu chọn – về cơ bản đó là một đại cử tri đoàn.
Tương tự như vậy, sau khi các nước cộng hòa Baltic ly khai, Gorbachev đã cố gắng khôi phục trật tự bằng vũ lực – một cách tiếp cận đi ngược lại tuyên bố của ông muốn xây dựng một nhà nước cởi mở, nhân văn hơn. Các thiệt hại chính trị từ sự không nhất quán của Gorbachev đã tăng lên sau khi các nghị định thư bí mật của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939 (hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức Quốc xã và Liên Xô cho phép họ chia chác Ba Lan) và vụ thảm sát Katyn (cuộc hành quyết hàng loạt các sĩ quan quân đội Ba Lan) được tiết lộ.
Gorbachev chạy trước khi trận lở tuyết chính trị diễn ra, giả vờ rằng ông đang lãnh đạo những gì ông thực sự muốn tránh. Nhưng ông chỉ có thể chạy nhanh hơn những điều không thể tránh khỏi chỉ trong một thời gian ngắn trước khi bị nghiền nát. Đối với những người bảo thủ, ông sớm trở thành một tội đồ – một nhà lãnh đạo phá hoại đã mất quyền kiểm soát một đế chế – trong khi những người cấp tiến xem ông như một kẻ bảo thủ giả vờ là một nhà cải cách. Đến thời điểm đó, ngay cả thành công của ông trong việc kết thúc Chiến tranh Liên Xô – Afghanistan năm 1989 cũng chỉ cho phép ông duy trì được một mức độ ủng hộ vừa phải.
Tuy nhiên, vào thời điểm Boris Yeltsin tiếp quản vào năm 1991 thì mọi thứ đã quá muộn. Những cải cách của Gorbachev đã đưa Liên Xô bước vào con đường tan rã. Điều này đã mang lại cho ông nhiều lời khen ngợi ở phương Tây, nơi ông được coi là nhà lãnh đạo Liên Xô đã giải phóng Đông Âu, phá bỏ Bức màn sắt, chấm dứt Chiến tranh Lạnh và loại bỏ bóng ma chiến tranh hạt nhân. Những cuộc cách mạng của Gorbachev mang lại quá nhiều biến đổi – bao gồm cả việc ông chấp nhận nhiều giá trị dân chủ – nên khi nhìn lại, không có gì đáng ngạc nhiên khi vào năm 1989, Francis Fukuyama đã từng đưa ra tuyên bố nổi tiếng về “sự cáo chung của lịch sử”.
Tuy nhiên, ở Nga, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh được nhìn nhận rộng rãi như một thất bại. Một công chúng muốn cải thiện chất lượng cuộc sống đã phải làm việc cật lực để thích nghi với các điều kiện mới do cải cách Gorbachev mang lại. Nhiều người không bao giờ tha thứ cho Gorbachev vì điều đó, giống như họ đã không tha thứ cho Yeltsin vì đã không thực hiện lời hứa về mang lại sự thịnh vượng và ổn định vào cuối năm 1992, hay Yegor Gaidar (quyền thủ tướng lúc đó) vì vai trò của ông trong việc thiết kế các cải cách kinh tế theo định hướng thị trường.
Cho đến ngày nay, hầu hết người Nga đều coi sự sụp đổ của Liên Xô, dù đất nước này kiệt quệ về mặt đạo đức hay kinh tế đến đâu, là “một thảm họa địa chính trị lớn của thế kỷ” như cách nhìn của chính Tổng thống Vladimir Putin. Vào tháng 3 năm 2019, một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada cho thấy 48% người Nga muốn mọi thứ vẫn giữ nguyên như trước khi perestroika diễn ra.
Điều này có ích cho Putin, người có nỗi sợ lớn nhất là áp lực phải theo đuổi một “perestroika 2.0”. Gorbachev đã mang lại cho người dân của mình tự do và chịu thất bại nặng nề. Còn Putin – người đang bận rộn cài đặt mọi thứ để giữ ghế tổng thống cho đến năm 2036 – đang làm điều ngược lại.
Nhưng bác bỏ di sản perestroika sẽ khiến Putin dần thất bại. Cuộc khủng hoảng coronavirus hiện nay đang chứng tỏ sự kém hiệu quả của một nhà nước tư bản phi dân chủ và quan liêu, và cho thấy rằng xã hội không được thống nhất bởi các giá trị bảo thủ và dân tộc. Người Nga thực dụng hơn nhiều: họ muốn một nhà nước có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản một cách đáng tin cậy. Theo nghĩa này, chủ nghĩa độc đoán của Putin đang thất bại, và di sản của Gorbachev, người chủ động hoặc bất đắc dĩ phải mang lại tự do cho người Nga, sẽ thể hiện giá trị của nó trong dài hạn.
Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc Chương trình Chính trị và Thể chế Chính trị Nga tại Trung tâm Carnegie Moskva.