Tác giả: Katsuji Nakazawa | Giới thiệu: Minh Anh
Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào một quốc gia, cụ thể là Trung Quốc, để có thể tránh được sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng. Lời kêu gọi này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận đang nóng lên trong chính giới Trung Quốc.
Một nguồn tin kinh tế của Trung Quốc cho biết tại Trung Nam Hải (nằm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh nơi có văn phòng của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc), đã xuất hiện những mối quan ngại về việc các công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc: “Điều được đề cập tới nhiều khi nói về vấn đề này là điều khoản ‘khuyến khích (và tài trợ) cho việc tái thiết lập các chuỗi cung ứng’ trong gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp của Nhật Bản”.
Nếu dịch bệnh không bùng phát, thì chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây có lẽ sẽ kết thúc với việc Tập Cận Bình tự hào tuyên bố “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ Trung-Nhật. Ông hẳn sẽ chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị đăng cai sự kiện thể thao quan trọng là Thế vận hội 2020. Thay vào đó, cả chuyến công du Nhật Bản của Tập Cận Bình lẫn Olympic Tokyo 2020 đều đã bị hoãn lại, và quan hệ Trung-Nhật đang đứng trước ngã rẽ.
Các dấu hiệu về một chính sách mới của Thủ tướng Abe đã trở nên rõ ràng vào ngày 5/3. Cuối cùng, Nhật Bản đã có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng liên quan tới du thuyền Diamond Princess, nhưng nước này vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong ngày 5/3, ngày quyết định hoãn chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Tập Cận Bình được công bố, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp của Hội đồng đầu tư cho tương lai. Thủ tướng Abe, Chủ tịch Hội đồng này cho biết ông muốn đưa các dây chuyền sản xuất có giá trị gia tăng cao trở lại Nhật Bản.
Tham dự cuộc họp nói trên có các nhà lãnh đạo kinh doanh có ảnh hưởng như ông Hiroaki Nakanishi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản – tổ chức vận động hành lang lớn nhất nước này và thường được biết đến với tên gọi Keidanren. Tại cuộc họp, Thủ tướng Abe phát biểu: “Do dịch COVID-19, ngày càng có ít sản phẩm từ Trung Quốc vận chuyển tới Nhật Bản. Đã có nhiều lo ngại về các chuỗi cung ứng của chúng ta”. Ông Abe nhấn mạnh trong số các sản phẩm của Nhật Bản mà hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào một quốc gia, “cần cố gắng di dời các sản phẩm có giá trị gia tăng cao về Nhật Bản”. Đối với các sản phẩm khác, Abe cho rằng Nhật Bản “cần phải đa dạng hóa (sản xuất) sang các nước khác, chẳng hạn như các nước ASEAN”.
Ông Abe đã có những phát biểu rất rõ ràng trong bối cảnh sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng đang tác động tiêu cực tới việc nhập khẩu linh kiện ô tô và các sản phẩm khác mà Nhật Bản vốn phụ thuộc vào Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước này. Điều được Thủ tướng Abe đề cập tới khác hẳn so với quan niệm truyền thống “Trung Quốc+1”, trong đó các công ty sẽ xây dựng thêm một cơ sở ở ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa sản xuất. Trên thực tế, ông Abe đã hình thành chính sách “rời bỏ Trung Quốc”.
Tại một quốc gia vẫn đang tập trung vào những tin tức về dịch COVID-19 như Nhật Bản, kế hoạch của ông Abe không thu hút được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, Trung Quốc đang theo dõi một cách cẩn trọng, có lẽ đang cân nhắc xem liệu nước này có sắp phải đối mặt với một làn sóng tháo chạy mới giống như Nhật Bản đã từng trải qua hay không. Một làn sóng như vậy sẽ làm rung chuyển nền tảng của mô hình tăng trưởng lâu nay của Trung Quốc.
Trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp được thông qua hôm 7/4, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi tái thiết các chuỗi cung ứng đang phải chịu thiệt hại do sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ phân bổ hơn 240 tỷ yên (2,2 tỷ USD) trong kế hoạch ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước di dời các cơ sở sản xuất về nước hoặc tìm đến Đông Nam Á để đa dạng hóa hoạt động sản xuất.
Một ngày sau đó, hôm 8/4, Ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã nhóm họp tại Bắc Kinh. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhận định: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan khắp toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng. Các nhân tố bất ổn và không chắc chắn xuất hiện ngày càng nhiều”.
Bên cạnh đó, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn với cách tư duy lấy kết quả làm trung tâm – tức là lường trước những kết quả tồi tệ nhất – và kêu gọi “sẵn sàng trong suy nghĩ và hành động để đối phó với những thay đổi kéo dài của môi trường bên ngoài”.
Không chỉ ở Nhật Bản, tại Mỹ cũng đã bắt đầu xuất hiện các cuộc thảo luận về sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, đã bày tỏ ý định xem xét khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước này chi phí di dời các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ. Ý tưởng này phù hợp với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu Mỹ và Nhật Bản – nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới – di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ phải chịu tác động vô cùng to lớn.
Một chủ đề thảo luận khác cũng đang được giới tri thức Trung Quốc thảo luận. Theo biểu đồ tử vi của Trung Quốc, 2020 là năm Canh Tý, cứ 60 năm xuất hiện một lần. Người ta cho rằng cứ mỗi khi đến năm Canh Tý, một sự kiện chấn động lịch sử sẽ xảy ra. Năm 1840, dưới thời triều đại nhà Thanh, Chiến tranh Nha phiến đã nổ ra, dẫn tới sự trì trệ của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ. 60 năm sau đó, vào năm 1900, vào cuối triều đại nhà Thanh, lực lượng đồng minh 8 nước, gồm Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản và Áo-Hungary, đã di chuyển từ Thiên Tân tới Bắc Kinh – một hành động được châm ngòi do cuộc nổi loạn của Nghĩa Hòa Đoàn bắt đầu vào năm 1899. Bộ phim Mỹ “55 ngày tại Bắc Kinh”, với sự góp mặt của ngôi sao Charlton Heston, đã mô tả việc các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn vây hãm các tòa công sứ nước ngoài ở Bắc Kinh trong cuộc nổi loạn đó.
Năm Canh Tý 1960 đã xảy ra nạn đói do cuộc “Đại nhảy vọt” dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, người sáng lập “một Trung Hoa mới” (hay nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Dương Kế Thằng, cựu phóng viên của Tân Hoa xã đã viết cuốn sách với tiêu đề “Bia mộ” mô tả chi tiết về thảm kịch này. Dựa trên cơ sở các phỏng vấn và thu thập thông tin tại hiện trường, Dương Kế Thằng tiết lộ khoảng 36 triệu người đã chết trong nạn đói do cuộc “Đại nhảy vọt”, cao hơn rất nhiều so với số liệu do Trung Quốc công bố.
Vậy điều không may mắn nào sẽ xảy ra ở Trung Quốc trong năm Canh Tý 2020?
Trung Quốc đã vượt qua đỉnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, Trương Văn Hoành, người đứng đầu nhóm chuyên gia y tế lâm sàng về SARS-CoV-2, cảnh báo đợt lây nhiễm thứ hai sẽ xảy ra vào tháng 11/2020 hoặc sau đó.
Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha giai đoạn 1918-1920, đợt lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn so với đợt thứ nhất. Kể từ đó đến nay, chưa có đại dịch nào lấy đi nhiều sinh mạng hơn so với đại dịch cúm này. Ước tính vào thời điểm đó có 500 triệu người, chiếm khoảng 1/3 dân số trên hành tinh, đã bị nhiễm bệnh, trong đó có 50 triệu người đã thiệt mạng.
Chung Nam Sơn, một bác sỹ 83 tuổi, đã nổi lên từ năm 2003 khi ông đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại hội chứng hô hấp cấp tính (SARS). Bác sỹ này cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 đã biến thể, và tỷ lệ tử vong do virus này gây ra đã tăng gấp 20 lần so với virus cúm.
SARS-CoV-2 khởi phát từ Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau đó lây lan khắp toàn cầu. Việc Trung Quốc kiểm soát thông tin và mạng xã hội liên quan tới dịch bệnh này cho đến giữa tháng 1/2020 và phản ứng chậm chạp của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng y tế công cộng này trong giai đoạn đầu đã dẫn tới thảm họa và châm ngòi cho sự chỉ trích của quốc tế. Tổng thống Trump từng nhiều lần gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.
Dư luận thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc thiết lập lại trật tự thế giới sau dịch COVID-19. Dựa trên tình hình hiện tại, những nước đưa ra sáng kiến sẽ là Mỹ và Trung Quốc.
Ở Trung Quốc cổ đại, những thẻ tre là phương tiện chủ yếu để lưu trữ văn bản trước khi giấy xuất hiện. Nhờ có thẻ tre, các văn bản chính thức được lưu giữ cho hậu thế, và việc khắc tên lên các thẻ tre này có ý nghĩa quan trọng đối với một vị hoàng đế. Nếu đại dịch COVID-19 làm thay đổi triệt để trật tự thế giới trong thế kỷ 21, thì các thẻ tre đó sẽ khắc tên Mỹ hay Trung Quốc? Trung Quốc không được phép thua cuộc.
Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc sẽ tái thiết nền kinh tế của mình như thế nào sau đại dịch. Nếu các công ty lớn của nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, thì đó sẽ là một trở ngại không nhỏ đối với sự phục hồi kinh tế của nước này.
Katsuji Nakazawa là biên tập viên cao cấp cho tờ Nikkei. Bài viết được đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông