Dịch chuyển sản xuất khỏi TQ: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Tin tức gần đây về việc Apple tuyển dụng nhân sự cho các vị trí quản lý và kỹ thuật khác nhau tại Việt Nam đã khiến các fan Apple tại Việt Nam phấn khích. Động thái này cho thấy người khổng lồ công nghệ Mỹ đangcó kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam. Apple không phải là công ty đầu tiên làm như vậy. Trước Apple, các tập đoàn đa quốc gia (MNC) công nghệ cao như Microsoft, Google, Samsung, LG, Nintendo và Kyocera cũng đã công bố kế hoạch bắt đầu hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi từ những nỗ lực của các MNC nhằm đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của họ bên ngoài Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra và sự gián đoạn sản xuất do dịch Covid-19 gần đây tại Trung Quốc.

Kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào cuối những năm 1980, Việt Nam đã luôn chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cho đến nay, chiến lược này đã chứng minh là thành công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới cuối năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 30.827 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 362,6 tỷ USD. Tỷ lệ giải ngân ở mức 58,4%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam trong ba thập niên qua. Ví dụ, năm 2019, xuất khẩu không tính dầu mỏ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,33 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Làn sóng mới của các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam một phần là do những lợi thế so sánh từ lâu đã biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng đóng một vai trò quan trọng trong các tính toán của các MNC khi họ tìm cách vượt qua các rào cản thương mại của Hoa Kỳ chống lại hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Gần đây, các điểm yếu trong các chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc bị Covid-19 phơi bày càng khuyến khích họ đa dạng hóa cơ sở sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Việt Nam, với tư cách là nước láng giềng trực tiếp của Trung Quốc và có lịch sử ấn tượng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đã nổi lên như một trong những điểm đến yêu thích của họ.

Do đó, câu hỏi không phải là Việt Nam có được hưởng lợi hay không mà là hưởng lợi bao nhiêu từ xu hướng này. Được khuyến khích bởi chính phủ nước họ, một số công ty lớn của Mỹ và Nhật có thể chuyển cơ sở sản xuất về nước. Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác như Mexico, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, với những lợi thế so sánh của mình, Việt Nam vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của một số lượng lớn các MNC. Thách thức cấp bách là làm thế nào Việt Nam có thể chuẩn bị sẵn sàng để hấp thụ hiệu quả làn sóng đầu tư mới.

Thực tế, Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức trên khía cạnh này. Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong thập niên qua, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn thua kém các nước chủ chốt trong khu vực. Ùn tắc giao thông cùng các cảng biển và sân bay quá tải khiến chi phí hậu cần vẫn đắt đỏ. Việt Nam cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện trong năm năm tới.

Với dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, chi phí lao động và đất đai cũng tăng lên. Theo công ty bất động sản JLL, chi phí thuê đất tại các khu công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam đã tăng lần lượt 6,5% và 12,2% trongnăm 2019. Trong khi giá thuê đất có thể hãm đà tăng trong vài năm tới khi các khu công nghiệp mới ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, thì chi phí lao động có thể sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ngày càng tăngcũng như chính sách của chính phủ nhằm cải thiện thu nhập của người lao động.

Trong khi đó, bất chấp những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm tham nhũng và thủ tục hành chính, hai vấn đề này vẫn là những thách thức lâu dài đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Việt Nam xếp hạng 70 trong số 190 nền kinh tế được khảo sát bởi Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam cũng chỉ xếp hạng 96 trong số 180 nước trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2019 của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Chính phủ Việt Nam đã cố gắng giải quyết những vấn đề này. Về phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang đẩy nhanh các bước chuẩn bị để vào tháng 5 năm 2021 khởi công sân bay Long Thành để giảm bớt gánh nặng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tương tự, sau các đình trệ do thiếu nhà đầu tư trong nước đủnăng lực, chính phủ đã quyết định tự phát triển dự án Cao tốc Bắc-Nam, sử dụng vốn ngân sách thay vì vốn tư nhân cho toàn bộ dự án. Điều này dự kiến ​​sẽ giúp dự án được triển khai nhanh hơn.

Các biện pháp khác để tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài cũng đang được triển khai. Ví dụ, chiến dịch chống tham nhũng và cải cách môi trường kinh doanh vẫn đang diễn ra từ năm 2016, và có khả năng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới được thành lập vào năm tới. Để đối phó với triển vọng lực lượng lao động suy giảm trong tương lai, chính phủ gần đây cũng đã ban hành một bộ chính sách mới nhằm khuyến khích người dân kết hôn sớm hơn và có hai con.

Nhìn chung, việc Việt Nam thực sự có thể hưởng lợi bao nhiêu từ sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc tuỳ thuộc vào khả năng thu hút và hấp thụ các khoản đầu tư mới. Điều này, đến lượt nó, phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tiến hành các biện pháp để cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của mình nhanh tới mức nào.

Nếu những nỗ lực này thành công, Việt Nam sẽ có thể gặt hái được cả các lợi ích kinh tế lẫn chiến lược. Các khoản đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao, sẽ giúp biến Việt Nam thành một trung tâm chế tạo lớn của khu vực, tạo điều kiện giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao trong tương lai gần. Hơn nữa, tận dụng xu hướng này để biến mình thành một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp gia tăng vị thế chiến lược của Việt Nam. Chẳng hạn, nếu bảo đảm được một vị trí trong Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế đang được đề xuất, Việt Nam sẽ có lợi thế trong việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức chiến lược ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.