‘Nan đề Needham’ về khoa học kỹ thuật Trung Quốc thời cận-hiện đại

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Joseph Needham (1900-1995), viện sĩ người nước ngoài của Viện Khoa học Trung Quốc (TQ), là tác giả bộ sách đồ sộ mà không nhà Trung Quốc Học nào không đọc: Science and Civilisation in China (Khoa học và văn minh tại Trung Quốc). Bộ sách này thường được người TQ nhắc tới do Needham từng đưa ra một câu hỏi làm đau đầu nhiều thế hệ nhà khoa học TQ nhiều năm qua và cho tới nay vẫn chưa ai tìm được lời giải đáp hợp lý nhất.

Bộ Bách khoa Toàn thư 27 tập Science and Civilisation in China do nhà khoa học kiêm sử gia Needham đề xuất và biên tập từng được Ủy ban Thư viện hiện đại (Modern Library Board) bình chọn đưa vào Danh sách 100 bộ sách phi tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20. Năm 1954, Needham cùng một nhóm người khác có sáng kiến làm một dự án nghiên cứukhoa học kỹ thuật (KHKT) và văn minh TQ cổ đại. Các tác giả dự án này đã biên soạn một loạt sách liên quan và đượcNhà xuất bản Đại học Cambridge xuất bản.

Trong bộ sách nổi tiếng ấy Needham chính thức nêu ra một câu hỏi với chủ đề “Cho dù TQ cổ đại từng có nhiều cống hiến quan trọng cho sự phát triển KHKT của loài người, nhưng vì sao cuộc cách mạng Khoa học và Công nghiệp lại không nảy sinh tại TQ thời cận đại?”

Năm 1976 nhà Kinh tế Mỹ Kenneth Ewart Boulding gọi câu hỏi ấy là Needham’s Grand Question — người TQ dịch là Nan đề Needham (李约瑟难题).

Đúng vậy cuộc cách mạng long trời lở đất nói trên xảy ra tại Tây Âu, đầu tiên tại Anh Quốc, từ đó đẻ ra chủ nghĩa tư bản và KHKT hiện đại, làm thay đổi hẳn tiến trình lịch sử loài người.

Châu Âu từng trải qua nghìn năm đen tối dưới ách thống trị của tôn giáo, nhiều sách kinh điển của các nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp, La Mã bị đốt hết trong thời Trung cổ. May sao các kinh điển đó được thế giới A Rập giữ được, về sau người châu Âu dựa vào đó phục hồi được nền văn minh Hy Lạp, La Mã, rồi tiếp đó họ kết hợp tìm hiểu thành tựu của văn minh phương Đông, đến thời cận đại châu Âu bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng KHKT và công nghiệp.

Sau các cuộc du hành thế giới của Marco Polo (năm 1266 đến TQ) rồi Columbus (năm 1492 khám phá châu Mỹ)…, từ thế kỷ 14 châu Âu mở màn thời kỳ Văn nghệ phục hưng và nghiên cứu văn minh phương Đông. Năm 1687, Isaac Newton công bố “Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên (The Mathematical Principles of Natural Philosophy)”, gọi tắt là Principia, một trong những tác phẩm khoa học quan trọng nhất, mở đầu cuộc cách mạng KHKT. Năm 1769 James Watt sáng chế máy hơi nước, mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Năm 1783 Chiến tranh Độc lập Mỹ chấm dứt, Âu Mỹ tiến sang thời đại văn minh công nghiệp. Năm 1820 nước Anh khai thác tuyến đường xe hỏa đầu tiên trên thế giới. Năm 1831 Faraday phát hiện hiện tượng cảm ứng điện từ. Năm 1844 Morse hoàn thành đường dây điện báo. Năm 1851 nước Anh khai trương Hội chợ Thế giới London, trưng bày nhiều sáng chế phát minh. Năm 1848, Marx và Engels công bố Tuyên ngôn của người Cộng sản (Communist Manifesto). Năm 1859 Darwin công bố Thuyết Tiến hóa. Năm 1878 Mỹ lần đầu khai thác đường liên lạc điện thoại.

Thế nhưng từ năm 1840 TQ lại tiến sang thời kỳ khổ nhục sau cuộc Chiến tranh Thuốc phiện (Opium War 1839-1842) – phải cắt mảnh đất Hong Kong cho Anh Quốc và phải mở cửa thị trường, tiếp đó phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng với Nhật và các nước phương Tây. Cũng năm đó nước Anh bắt đầu thời đại sản xuất cơ khí hóa, từ 1847 chuyển sang thời đại điện khí hóa. Tóm lại sau 600 năm cố gắng, châu Âu đã vượt xa TQ.

Nội dung “Nan đề Needham” gồm hai phần:

1- Vì sao trong thời kỳ từ thế kỷ 1 trước CN cho đến thế kỷ 16, người TQ vượt xa châu Âu về KHKT? Vì sao châu Âu thời đó không có những tiến bộ xã hội như ở TQ: Chính quyền tách rời tôn giáo, chế độ tuyển chọn quan văn, giáo dục tư thục, tồn tại các trường phái bách gia chư tử…?

2- Vì sao khoa học cận đại không nảy sinh ở TQ mà lại nảy sinh ở châu Âu từ thế kỷ 17, nhất là từ sau thời kỳ Văn nghệ phục hưng?

Nội dung đích thực của “Nan đề Needham” liên quan tới vấn đề nguồn gốc của hai mô thức (paradigm) nghiên cứukhoa học: TQ cổ đại phát triển mạnh khoa học kinh nghiệm nhưng đến thời cận đại lại không phát triển khoa học thực nghiệm. Cũng có thể hỏi ngược lại: Vì sao khoa học lại phát sinh trong xã hội phương Tây?

Theo tài liệu của TQ, từ thế kỷ 6 đến đầu thế kỷ 17, TQ chiếm không dưới 54% các thành tựu KHKT quan trọng của toàn thế giới, nhưng đến thế kỷ 19 tỷ lệ này lại chỉ còn 0,4%. Vì sao có thể xảy ra biến đổi lớn như thế? Needham nghĩ mãi mà không tìm ra câu trả lời ông cảm thấy thỏa đáng.

Trong bộ sách của mình, Needham không chỉ nêu ra câu hỏi mà còn cố gắng tìm cách giải đáp câu hỏi ấy, tuy rằng ông chưa hài lòng với câu trả lời của mình. Dù sao sự tìm tòi ấy cũng cho thấy ông đã suy nghĩ như thế nào. Needham cho rằng TQ chưa có quan điểm dựa vào khoa học để phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra người TQ quá chú trọng thực dụng, rất nhiều khám phá dừng lại ở giai đoạn kinh nghiệm. Chế độ khoa cử của TQ đã bóp chết sự quan tâm tìm hiểu quy luật của thiên nhiên, trói buộc tư tưởng con người vào các thư tịch cổ và danh lợi. Thí sinh tham gia khoa cử chỉ cần học thuộc lòng các sách kinh điển của thánh hiền như Tứ thư Ngũ kinh… là đủ. Ai có trí nhớ tốt thì dễ thi đỗ. “Học nhi ưu tắc sĩ” (Học giỏi thì làm quan – câu trong Luận ngữ) trở thành mục tiêu quan trọng nhất mà các thí sinh theo đuổi.

Needham đặc biệt nhấn mạnh người TQ chưa hiểu được sự cần thiết dùng toán học để thực hành quản lý. Nho học truyền thống của TQ chỉ chú trọng đạo đức mà coi nhẹ việc quản lý kinh tế định lượng. Needham nói người TQ khó phát triển KHKT còn vì họ thiếu môi trường cạnh tranh KHKT. Sau khi thống nhất đất nước, nhà Tần đã thi hành một cơ chế quan liêu phong kiến, trung ương chỉ đạo toàn bộ, Hoàng đế trực tiếp quản lý các quan chức, chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm trước triều đình. Cơ chế quan liêu đem lại hiệu quả trên hai mặt. Mặt tích cực là tập hợp được nhiều người thông minh, được giáo dục tốt, đưa họ vào bộ máy chính quyền đã quản lý tốt nhà nước, giúp TQphát triển được khoa học nghiên cứu thực dụng; ví dụ đào kênh lớn dẫn nước. Mặt tiêu cực là làm cho xã hội khó tiếp thu các quan điểm mới, lĩnh vực triển khai công nghệ mới không có cạnh tranh. Tầng lớp buôn bán không được hưởng các quyền lợi như ở Châu Âu. Trong xã hội có tư tưởng “Trọng nông khinh thương”.

Cuối cùng Needham kết luận: Nếu người TQ có hoàn cảnh cụ thể như Âu Mỹ thì chắc chắn họ sẽ phát minh ra KHKT và chủ nghĩa tư bản trước người Âu Mỹ; nếu như thế thì người Âu Mỹ sẽ học chữ tượng hình của người TQ để qua đó học KHKT của họ, chứ không phải người TQ học ngôn ngữ sắp xếp thứ tự theo chữ cái của phương Tây.

Người TQ giải thích Nan đề Needham

Thực ra từ trước Needham đã có nhiều người TQ đưa ra những câu hỏi tương tự Nan đề Needham. Ví dụ năm 1915 Nhiệm Hồng Tuyển từng viết bài “Nói nguyên nhân TQ không có khoa học” đăng trên tạp chí “Khoa học”.

Nhiều người đã tham gia cuộc tranh luận tìm câu trả lời Nan đề Needham. Tóm lại họ đã đề cập tới các vấn đề sau:

Xét về góc độ tư tưởng, văn hóa, triết học, người TQ cho rằng: 1- TQ thiếu tư tưởng triết học khoa học cổ Hy Lạp. Nguyên nhân là do TQ cổ đại không có tư tưởng logic hình thức hoàn thiện, cho nên rất khó sinh ra được vũ khí lý luận sắc bén. Einstein năm 1953 viết trong thư gửi bạn có nói: Nền tảng để khoa học phương Tây phát triển là hai thành tựu vĩ đại, đó là hệ thống logic hình thức do các triết gia Hy Lạp phát minh, và phương pháp thực nghiệm khoa học có hệ thống để tìm ra mối quan hệ nhân quả. 2- Thiếu sự giải phóng tư tưởng cho người lao động bình thường. TQ cổ đại chỉ có phát minh về kỹ thuật, phần lớn do người lao động phát minh, rất lẻ tẻ phân tán, không được tập trung sử dụng, không được phát huy. 3- Tư tưởng trọng văn chương, nhẹ kỹ thuật đã cản trở phát triển KHKT.  4- Triết học tự nhiên của Hy Lạp khác với của TQ.  5- Phương thức tư duy khác nhau. 6- Chữ viết khác nhau. So với chữ viết của phương Tây, chữ Hán thiếu tính logic, trở thành trở ngại lớn cản trở sự phát triển khoa học.

Xét về ảnh hưởng của kinh tế: TQ chịu ảnh hưởng lớn của kinh tế tiểu nông, dẫn đến thiếu sự phân công xã hội, còn kinh tế phương Tây đã tiến sang thời kỳ trao đổi hàng hóa.

Ngoài ra phương Tây có nhiều dân tộc giàu tinh thần mạo hiểm, dám vượt biển đi xa khám phá các vùng đất mới. Người TQ thiếu tinh thần đó.

Người ta cũng nhấn mạnh từ thời kỳ văn nghệ phục hưng trở đi, các nước phương Tây đã xây dựng được chế độ dân chủ, ví dụ trong tôn giáo, Đạo Tin lành chống lại uy quyền của Đạo Thiên chúa. Do tư tưởng được giải phóng nên phương Tây phát triển được KHKT. Tại TQ, chế độ phong kiến chuyên chế kìm hãm xã hội không thể tiến lên dân chủ. Đây là sự khác biệt lớn nhất, sâu sắc nhất giữa phương Tây với phương Đông. Chế độ độc tài chuyên chế bóp chết sức sáng tạo của nhân dân, không thể nói tới phát triển KHKT. Từ sau “Đại Hiến chương Magna Carta” năm 1215, trào lưu tư tưởng dân chủ tự do ở Tây Âu được hình thành và phát triển, nhất là sau Cách mạng Tư sản Anh (1644), chế độ dân chủ hình thành đã thúc đẩy KHKT phát triển làm cho Tây Âu trở thành mảnh đất phát nguồn nền văn minh cận đại. Trong lúc đó xã hội TQ vẫn còn chìm đắm dưới ách thống trị độc tài chuyên chế của tầng lớp phong kiến.

Một số sử gia TQ cho rằng xã hội TQ trước thế kỷ 13 có mức độ dân chủ tự do cao hơn phương Tây, nhưng từ sau thế kỷ 13 TQ ngày một tụt hậu về phát triển kinh tế và KHKT, chủ yếu do chế độ tập trung quyền lực vào trung ương ngày một hoàn thiện. Từ đời Tống, Minh trở đi, xã hội TQ bị tư tưởng “Tam cương Ngũ thường” phản nhân văn của Nho giáo đầu độc, hành vi tư tưởng của người TQ bị trói buộc nghiêm trọng, nhất là giới trí thức bị đầu độc nặng nhất, không còn là chủ lực thúc đẩy dân chủ, ngược lại trở thành kẻ đi tiên phong bảo vệ giai cấp thống trị, chống lại tư tưởng dân chủ, tự do, bác ái.

Một số sử gia TQ xuất phát từ góc độ chủ nghĩa dân tộc cho rằng hai triều đình dị tộc nhà Nguyên và nhà Thanh đã áp bức người Hán, làm cho TQ không phát triển được KHKT. Sau khi nhà Tống diệt vong, chính quyền TQ rơi vào tay một dị tộc, chính quyền của dân tộc Hán hoàn toàn tan rã. Người Hán hoàn toàn mất quyền làm người. Tầng lớp trí thức Hán có chống lại nhà Nguyên nhưng đều bị trấn áp, tiêu diệt. Thời kỳ đầu, nhà Nguyên còn thi hành chính sách tàn sát 4 họ người Hán, sao mà nói đến phát triển kinh tế và KHKT.

Thời nhà Minh, TQ từng có nhiều thành tựu KHKT, như về thiên văn, toán học, địa lý… ví dụ sách “Thiên công khai vật” của Tống Ứng Tinh, “Nông chính toàn thư” của Từ Quang Khải… Sách phương Tây dịch ra Trung văn có “Kỷ hà nguyên bản” , “Khái yếu Thiên văn học Kopecnic”… Thế kỷ 17, quân Mãn Thanh xâm nhập TQ, mang chế độ nô lệ lạc hậu của dân du mục vào TQ xây dựng vương triều nhà Thanh, thi hành chính sách triệt hạ sự kiêu hãnh và địa vị của người Hán. Mãi đến đời Khang Hy, TQ mới được thống nhất, kinh tế phát triển mạnh, lại được các nhà truyền giáo châu Âu giúp sức, là thời cơ tốt để TQ phát triển KHKT, nhưng Khang Hy đã thì hành một chính sách sai lầm về KHKT, chèn ép các nhà khoa học người Hán, không tổ chức dạy ngoại ngữ, không tổ chức dịch sách KHKT phương Tây… làm cho KHKT TQ phát triển lạc hậu so với phương Tây. Thời Càn Long còn làm phong trào “Phục cổ”, sùng bái những thứ có trong sách cổ, thi hành chính sách ngu dân rất thành công.

Thống kê cho thấy khi hiệu đính “Tứ khố toàn thư”, nhà Thanh đã thiêu hủy hơn 3000 loại sách cổ bị triều đình coi là sách cấm, gồm hàng vạn cuốn; trong đó một số sách về sau tìm thấy ở Nhật như “Thiên công khai vật”… Thành tích đốt sách của nhà Thanh vượt xa Tần Thủy Hoàng và Đổng Trọng Thư. Trong số sách cấm bị thiêu hủy có cuốn “Quân khí đồ thuyết” là sách quan trọng của ngành quân giới nhà Minh. Thời Minh, trang bị của quân đội TQ không hề thua phương Tây [phải chăng nhờ có công nghệ luyện thép đúc súng của Hồ Nguyên Trừng mang từ Việt Nam sang TQ?]. Về hàng hải, có chuyến viễn dương của Trịnh Hòa trên chiếc “Bảo thuyền” tiên tiến nhất thế giới hồi đó.

Trong sách “Câu hỏi của Tiền Học Sâm”, nhà khoa học TQ nổi tiếng Tiền Học Sâm nêu câu hỏi “Vì sao nhà trường của ta không đào tạo được người tài kiệt xuất?” Ông so sánh nền giáo dục của TQ với phương Tây và cho rằng giáo dục của TQ nhấn mạnh luân lý và tri thức, đặt mục tiêu cuối cùng là “Quân tử” mà không chú trọng đào tạo về toán lý. Giáo dục của phương Tây nhấn mạnh chân lý và trí tuệ , đặt mục tiêu cuối cùng là thu được kiến thức và trở thành nhà khoa học.

Phương Tây nói gì về “Nan đề Needham”?

Trong khi khẳng định cống hiến về mặt khoa học của Needham, giới khoa học phương Tây không thừa nhận “Nan đề Needham”. Trước hết họ cho rằng sách của Needham lẫn lộn hai khái niệm khoa học và kỹ thuật. Thực chất đây chỉ là sách lịch sử kỹ thuật. Để làm nổi bật thành tựu khoa học cổ đại TQ, tác giả đã cố tình trùm lên lịch sử kỹ thuật một áo khoác lịch sử khoa học. Thứ hai, Needham đã khuếch trương thành tựu kỹ thuật của TQ cổ đại, đánh giá quá cao một số thành tựu kỹ thuật không có hiệu quả lâu dài. Thứ ba, Needham đã khuếch trương ảnh hưởng của kỹ thuật cổ đại TQ đối với phương Tây. TQ và phương Tây ở hai đầu của Đông Tây, ảnh hưởng trực tiếp với nhau rất yếu. Kỹ thuật của TQ tác động rất bình thường đối với Ấn Độ và các nước theo đạo Islam.

Nguyễn Hải Hoành biên soạn từ các tài liệu nước ngoài.