Tác giả: Hồ Bạch Thảo
3. Đánh Tống, bình Chiêm
– Đánh Tống
Đánh Tống khác với các cuộc chiến tranh khác thời xưa; đây là cuộc chiến tranh đa dạng, sử dụng ý thức hệ, tình báo, và cả nội tuyến:
Về chiến tranh ý thức hệ, lúc đánh Tống quân ta đi đến đâu đều trưng lên bản tuyên cáo gọi là “Lộ Bố”[1] nêu cao cuộc chiến chính nghĩa tự vệ, do phía Tống gây hấn trước. Lại chỉ trích việc nhà Tống dưới sự chỉ đạo của Tể tướng Vương An Thạch với danh nghĩa cải cách, đặt ra các phép Thanh miêu,[2] Trợ dịch,[3] Bảo giáp;[4] kềm kẹp dân chúng. Vì lòng dân Trung Quốc sẵn mối bất mãn với các quan lại hà khắc, cưỡng bách thi hành cải cách, bắt dân đoàn ngũ hóa giống như trại lính; nên hưởng ứng lời chỉ trích trong bản Lộ Bố, quay sang ủng hộ quân ta:
“Trường Biên, quyển 271 ngày Quí Sửu [3/2/1076]: Lúc bấy giờ những thành ấp Giao Chỉ đánh phá đều trưng bản Lộ Bố yết thị tại các nơi giao lộ nói rằng:
‘Những dân phản chạy trốn vào Trung Quốc, bị quan lại dung chứa dấu diếm; ta đã sai Sứ đến Quế Lâm tố cáo nhưng không trả lời; lại sai Sứ vượt biển đến Quảng Châu trình bày, cũng không chịu phục đáp; bởi vậy ta mang quân truy bắt những kẻ phản loạn.’
Lại bảo rằng:
‘Quế quản điểm binh tập luyện tráng đinh trong động, tuyên bố rằng muốn thảo phạt ta.’
Rồi đả kích:
‘Trung Quốc dùng phép thanh miêu, trợ dịch làm cùng khốn dân chúng, nên chúng ta mang quân đến cứu vớt.’
Vương An Thạch giận, nên đích thân thảo chiếu đánh dẹp.”[5]
Về mặt tình báo, triều Tống xuống chiếu lưu ý các châu huyện rằng quân ta giết thầy tăng, đoạt bằng độ điệp, rồi giả làm tăng, đi dò la tin tức:
Trường Biên quyển 277. Ngày Nhâm Tý tháng 8 [29/9/1076], lại ban chiếu: hiện tại tăng đạo Quảng Nam lộ tạm đình xét bằng đi ra ngoài; nguyên do Chuyển vận ty Quảng Đông tâu:
“Nghe tin Giao Chỉ mới đây chiếm các châu Khâm, Liêm; bắt tăng đạo hơn 100 người, đoạt bằng [độ điệp][6] rồi giết; lệnh gián điệp giả làm tăng đạo để trinh sát.”[7]
Bảo rằng giết thầy tăng là vu cáo, vì thời Lý đạo Phật là quốc giáo, không thể làm việc đó. Tuy nhiên việc giả mạo thầy tăng đi dò la tin tức, khả năng xảy ra rất cao, bởi lẽ vùng Lưỡng Quảng tuy cùng chung chữ viết, nhưng tiếng nói thì có nhiều nơi khác nhau; một thầy tăng tuy gốc Đại Việt, với bằng độ điệp cầm tay, có thể đi khắp nơi mà không ai dám nghi ngờ; do đó việc giả mạo thầy tăng đi dò la tin tức, rất có hiệu quả.
Ngoài chiến tranh về ý thức hệ và tình báo, phải kể thêm việc sử dụng nội tuyến. Kẻ nội tuyến thuộc thành phần bất mãn với nhà Tống, sinh quán tại Quảng Đông, bấy giờ thi hỏng Tiến Sĩ tên là Từ Bá Tường, từng gửi thư cho vua ta trình bày mọi âm mưu của địch, trong đó có cả trận đồ chuẩn bị đánh An Nam. Nhưng sau đó Bá Tường thi đậu Tiến sĩ rồi phản bội, làm quan nhà Tống; cũng là một cách để trừng trị y, triều đình ta công khai cho Tống biết:
“Trường Biên quyển 272. Tống Thần Tông ngày Đinh Sửu tháng 3 năm Hy Ninh thứ 9 [27/4/1076]. ..Bấy giờ Tiến sĩ đất Lãnh Nam Từ Bá Tường thi không đậu, bèn bí mật gửi thư cho Giao Chỉ rằng:
‘Đại vương đời trước gốc tích vốn là người Phúc Kiến, nghe rằng các Công, Khanh Giao Chỉ hiện nay phần lớn là người Phúc Kiến. Bá Tường tài cán không dưới người, nhưng không dùng tại Trung Quốc, nguyện được làm tay dưới phụ tá cho Quốc vương. Nay Trung Quốc muốn cử đại binh diệt Giao Chỉ; binh pháp cho rằng tiếng nói trước có thể đoạt lòng người; chi bằng hãy mang quân vào đánh trước, Bá Tường xin làm nội ứng.’
Do vậy, Giao Chỉ phát đại binh vào cướp phá; đánh chiếm 3 châu Ung, Khâm, Liêm; nhưng Bá Tường chưa có cơ hội theo. Nhân Thạch Giám quen thân với Bá Tường, tâu rằng Bá Tường lập được chiến công, cho giữ chức Thị cấm, làm Tuần kiểm các châu Khâm, Liêm, Bạch.
Khi triều đình mệnh Tuyên huy sứ Quách Quì mang quân đánh Giao Chỉ, Giao Chỉ xin hàng nói rằng:
‘Tôi vốn không có ý vào đánh, người Trung Quốc hô hào tôi vào.’
Rồi đưa thư của Bá Tường cho Quì, Quì truyền hịch cho ty Chuyển vận Quảng Tây hạch hỏi. Nhân đó Bá Tường chạy trốn, rồi tự tử..”[8]
Đánh Trung Quốc, quân nhà Lý cùng một lúc tấn công hai mặt đông tây, khiến quân Tống không kịp đỡ.Viên Tri Ung châu Tô Giam giữ thành Nam Ninh, báo cáo rõ rằng vào tháng 11 năm Hy Ninh thứ 6 [12/1075] chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, quân An Nam đã chiếm 2 châu Khâm, Liêm tại bờ biển; riêng mặt trận phía tây chiếm trọn 4 trại Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Long, Cổ Vạn, tại lưu vực sông Tả Giang:
“ Trường Biên, quyển 271, Ngày Đinh Dậu tháng chạp [18/1/1076]… Rồi người Giao quả đã cử đại binh, chúng bảo là 8 vạn; tháng 11 đến vùng bờ biển, chưa đến 1 tuần chiếm 2 châu Khâm, Liêm; đánh phá 4 trại Thái Bình [Sùng Tả thị, hạ lưu Tả Giang], Vĩnh Bình [Bằng Tường thị], Thiên Lục [Thiên Long, huyện Ninh Minh, Quảng Tây],và Cổ Vạn.”[9]
Quân Tống tiếp viện, do Đô giám Quảng Nam Tây Lộ Trương Thủ Tiết chỉ huy sợ sệt không dám tiến, sau khi bị thôi thúc mới miễn cưỡng từ Quí Châu [Quí Cảng, Quảng Tây], rụt rè di chuyển theo hướng tây, định đến giữ ải Côn Lôn. Ải này vị trí tại vùng giáp giới Ung Châu và Tân Châu, khi đến nơi bị quân ta chặn, chưa kịp dàn trận thì bị đánh tan, khiến Trương Thủ Tiết tử trận:
“Trường Biên, quyển 272 Ngày Tân Dậu tháng giêng năm Hy Ninh thứ 9 [11/2/1076], Đô giám Quảng Nam Tây Lộ Trương Thủ Tiết bị giặc Giao Chỉ đánh bại tại quan ải Côn Lôn. Trước đó Tô Giam sai Sứ đến Quế Châu cầu cứu, Lưu Di sai Thủ Tiết tiếp viện; Thủ Tiết nghe tin giặc đông gấp mười, chần chừ không đi ngay; lại đi vòng đường Quí Châu, trú quân tại trạm dịch Khang Hòa để xem thắng bại. Giam lại sai Sứ mang thư bọc sáp cứu cấp gửi Đề điểm hình ngục Tống Cầu. Cầu nhận thư kinh sợ khóc, thúc dục Thủ Tiết tiến binh. Thủ Tiết hoảng sợ không biết làm gì, bèn chuyển quân đến lãnh Hỏa Lai, rồi quay về giữ quan ải Côn Lôn. Cuối cùng gặp giặc, không kịp dàn trận, đạo quân sụp đổ, Thủ Tiết chết.”[10]
Tại thành Ung, cho dù cho Tô Giam tử thủ, nhưng quân ta quyết đánh bằng mọi cách. Tôn Đản cho đào địa đạo, lấy da súc vật bao quanh để chẹn bùn đất, lúc vào đến nơi thì bị quân địch chặn. Quân ta liên tục dùng pháo bắn vào; lại sử dụng hàng binh như Liêu Triệu Tú, giúp xác định mục tiêu bắn vào thành, sau này y mất tích, triều Tống bèn truy tội cả vợ con, bắt đày lên phương bắc:
“Trường Biên, quyển 281. Ngày Ất Tỵ tháng 4 năm Hy Ninh thứ 10 [20/5/1077], chiếu ban đem vợ và con trai Liêu Triệu Tú, thuộc quân Mã Hùng Lược Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] đày tại quân doanh Hồ Bắc làm nô lệ; Triệu Tú thường giúp cho giặc xác định pháo bắn vào thành Ung châu.”[11]
Cuối cùng nhắm dứt điểm, quân ta dùng bao cát ném vào chân thành, cát chất đầy tạo thành những bực thang; rồi đồng loạt xông vào, sau 42 ngày chiến đấu cam go, thành bị hãm:
“Trường Biên, quyển 272. Hôm nay ngày 23 tháng giêng năm Hy Ninh thứ 9 [1/3/1076], Giao Chỉ chiếm thành Ung Châu, Tô Giam chết. Sau khi Trương Thủ Tiết bại, giặc bắt sống được mấy trăm người; giặc biết được quân phương bắc giỏi đánh thành, dùng lợi lớn dụ dỗ, sai chế thang mây, lúc đem ra dùng, bị quân Giam đốt phá. Lại dùng da súc vật che để làm công cụ vượt hào, chờ lúc vượt qua, Giam cho đốt lửa từ huyệt chặn ngang; giặc kế cùng, muốn rút quân đi. Nhưng thấy viện binh chưa tới, có thể dùng đất để tấn công, bèn sử dụng hàng vạn bao đất, chất vào chân thành như núi, khoảnh khắc cao đến mấy trượng. Giặc trèo trên bao đất xông vào, thành bị hãm”.[12]
Khi quân Tống tấn công vào nội địa, ta giữ được phòng tuyến sông Cầu thành công; đây là một điểm son, bởi trong quá trình lịch sử giặc ngoại xâm từng vượt qua những con sông lớn hơn, như sông Hồng. Theo Học giả Trình Di[13] mô tả phòng tuyến dài 25 dặm; vị trí phòng tuyến có thể từ ngã ba sông Cầu và sông Cà Lồ cho đến phía đông đường quốc lộ 1; vì nơi này là tuyến phòng thủ huyết mạch để bảo vệ lăng tẩm vua chúa nhà Lý tại tỉnh Bắc Ninh. Quân Tống dùng bè vượt sông, bị quân ta tiêu diệt trọn; số quân sang tiếp cứu, lại bị đánh chặn, thiệt hại rất nhiều:
“Trường Biên quyển 280. Năm Hy Ninh thứ 10 [22/3/1077]… ….Sách Hà Nam Trình Thị Di Thư, Tô Sung chép:
Vào đến sào huyệt giặc, dùng bè chở 500 quân qua sông, vừa chặt vừa đốt, không phá nổi mấy trại giặc bằng tre. Rồi chèo bè không trở về để mang thêm quân tiếp cứu, thì số quân qua sông bị giặc bắt giết; quân ta không được cứu, hoặc chết hoặc chạy trốn; cuối cùng không thành công, vùng tranh chấp chỉ có 25 dặm. Lại muốn sang tiếp, nhưng không có thuyền, không có lương cho lính, sự tính toán sai lầm trầm trọng, từ trước tới nay chưa từng xảy ra! May mà giặc xin cung thuận, mới có lời để ứng phó; nếu như chúng không chịu thuận, thì lấy gì xử trí đây?”[14]
Tuy sử Trung Quốc chép quân ta phòng thủ tại sông Phú Lương, tức sông Hồng; nhưng theo họ mô tả tại con sông cách thành Thăng Long 30 dặm thì đích xác là sông Như Nguyệt tức sông Cầu. Tại nơi này quân ta phòng thủ vững chắc, lại đánh mạnh khiến chúng không thể vượt sông được:
“Trường Biên, quyển 279, ngày Quí Mão tháng chạp năm Hy Ninh thứ 9 Ngày [18/1/1077]. Tại nơi cách thành Giao Châu chưa đến 30 dặm, giặc dàn hơn 400 chiếc thuyền tại bờ phía nam, khiến quân ta không thể vượt sông, muốn đánh cũng không được.”[15]
Sử liệu trên phù hợp với chiến tích lưu lại trong sử Việt; qua bài thơ bất hủ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư, khơi nguồn hứng khởi bất tận trong công cuộc chống ngoại xâm; nên sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trân trọng chép như sau:
“Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân[16] có tiếng đọc to rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
(Sông núi nước Nam, Nam đế ở,
Rõ ràng phân định tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!)” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Quả vậy, đất nước Nam do Vua Nam cai quản; cuối cùng quân giặc phải rút.
– Bình Chiêm
Dưới thời nhà Lý, quân ta mấy lần chiến thắng, khiến cho thế lực Chiêm Thành suy yếu nhiều. Năm 1044, nhân nướcnày thường lợi dụng gió mùa mang quân đến cướp bóc, nhà Vua Lý Thái Tông quyết định thân chinh đánh dẹp, đến tận kinh đô Phật Thệ, quân ta toàn thắng, giết vua Chiêm Sạ Đẩu:
“Năm Minh Đạo năm thứ 3 [1044]. Mùa xuân, tháng Giêng ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ, đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An [cửa Liêu, Ninh Bình]. Đến núi Ma Cô [Kỳ Anh, Hà Tĩnh], có đám mây tía bọc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não, có đám mây che thuyền ngự, theo thuyền mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha (có bản chép Trụ Thân). Ngày hôm sau đi, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường Sa [cửa Tùng, cửa Việt, Quảng Trị]. Đến cửa biển Tư Khách [nam Thừa Thiên], có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ [Theo Đào Duy Anh là hạ lưu sông Thu Bồn, Quảng Nam] muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giáo, xác chất đầy đồng. Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng:
‘Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha.’
Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ [Chà Bàn, Qui Nhơn] bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên.[17] Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng.
Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Ly Nhân [tỉnh Hà Nam], sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Năm 1069 Vua Lý Thánh Tông lại thân chinh đi đánh Chiêm Thành, nhưng đánh mãi không được bèn mang quân trở về. Đến nửa đường được tin Nguyên Phi Ỷ Lan coi việc nước yên ổn, nhà Vua nhận thấy một người đàn bà còn làm được như vậy; với tấm lòng phục thiện hướng theo điều phải, bèn quay trở lại quyết đánh cho kỳ được; bắt sống Vua Chiêm, mở rộng lãnh thổ đến tận tỉnh Quảng Trị:
“Ngày Kỷ Dậu, Lý Thánh Tông năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ 2 [1069], Mùa xuân tháng 2, Vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được Vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này Vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói:
‘Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?’
Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.
Mùa hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa thu, tháng 7, vua từ Chiêm thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý [Quảng Bình], Ma Linh [Quảng Trị], Bố Chính [Quảng Bình] để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Sau trận này Chiêm Thành thần phục, lại sai Sứ sang cống như cũ.
4. Ngoại giao
Người xưa có câu “Tiên lễ hậu binh”, có ý khuyên nên dùng nghi lễ ngoại giao trước, nếu không có kết quả mới phải dùng binh. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngược lại, đôi khi phải dùng binh biểu dương lực lượng khiến đối phương bối rối, mới đề nghị giải pháp ngoại giao sau.
Tình hình Trung Quốc vào thời Tống Thần Tông năm Hy Ninh thứ 10 [1077], phía bắc bị các nước Liêu, Hạ gây áp lực; phía nam sau khi quân Tống rút khỏi nước ta, quân Đại Việt theo sau lưng và chiếm lại được huyện Quang Lang. Bấy giờ vua Đại Việt sai Sứ thần Lý Kế Nguyên đến biên giới ngõ lời xin trả lại đất. Lời yêu cầu đúng lúc, vua Tống cũng muốn giải quyết cho yên việc tại phương nam, bèn theo lời đề nghị của Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ, hứa trả lại đất sau khi nước Đại Việt trả tù binh bị bắt trước kia, tại 3 châu Ung, Khâm, Liêm:
Trường Biên, quyển 285. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]
Ngày Bính Tuất tháng 10 [28/10/1077], ty Kinh lược an phủ Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] tâu:
“Người Giao sai bọn Lý Kế Nguyên và quan được sai bàn việc tại biên giới. Muốn ra lệnh quan được sai, lấy ân tín của triều đình dụ Càn Đức [Lý Nhân Tông], lệnh trả lại nhân khẩu đã cướp, rồi cấp cho đất đai.”
Thiên tử chấp thuận.[18]
Xác minh lời hứa trả lại đất sau khi Đại Việt trả lại tù binh; Vua Tống Thần Tông gửi chiếu thư cho Vua Lý Nhân Tông nước ta, nguyên văn như sau:
“Chiếu thư cho biết rằng:
Khanh được trông coi tại Nam Giao, đời đời nhận tước Vương, nhưng phản bội đức, gian giảo không tuân triều mệnh, trộm gây bạo động tại vùng biên cảnh; bỏ chính sách trung thuận của tổ tiên, phiền triều đình phải cử binh thảo phạt. Khi quân lính thâm nhập, tình thế khẩn trương mới qui thuận; xét về tội lớn, đáng phải truất tước. Nay sai sứ đến cống, dâng lên lời rất cung kính, đọc kỹ nội dung, thấy được sự hối hận. Trẫm trông coi vạn nước, không phân biệt xa gần; chỉ hiềm những dân Liêm châu, Ung châu bị cướp dời đến vùng xa xôi nóng bức, xa quê hương lâu ngày, đợi khi đưa hết về biên giới tỉnh, sẽ đem Quảng Nguyên trả lại Giao Châu.” (Tống Sử quyển 488, Liệt TruyệnGiao Chỉ)[19]
Ngày 9/11/1079 Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng Giao Chỉ đã trả lại 221 người bị bắt, tuy không đủ số lượng đòi hỏi, triều đình nhà Tống cũng miễn cưỡng trao trả đất Thuận Châu:
“Trường Biên, quyển 300. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]
Ngày Mậu Thân tháng 10 [9/11/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu Giao Chỉ trả 221 người bị bắt, chiếu cho thâu nạp; bỏ Thuận Châu, đưa đất này cho Giao Chỉ…”[20]
Về việc nhà Tống trả đất cho nước Đại Việt vào năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]; sử Trung Quốc như Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên ghi “bỏ Thuận Châu, đưa đất này cho Giao Chỉ. Nhưng dân và triều đình Đại Việt không vội tin những lời tuyên bố huênh hoang; “ kẻ nằm trong chăn biết có rận”, cẩn thận xét nghiệm thấy việc trả như vậy là chưa đủ, bèn tiếp tục đòi hỏi. Cuối cùng vua Tống đành phải chấp nhận cho xét lại; lệnh đặt nơi bàn bạc về biên giới, đích thân đặt tên là Kế nghị biện chính cương chí sở (『計議辦正疆至所』, tức Nơi bàn bạc sửa lại đúng cương giới).
Cuối cùng sự việc được giải quyết, Vua Tống Thần Tông chính thức gửi chiếu thư cho Vua Lý Nhân Tông nước Đại Việt như sau:
Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
Ngày Mậu Tý tháng 10 [22/11/1084], sắc Giao Chỉ Quận vương Càn Đức biết:
“Ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:
‘Mới đây được triều mệnh về việc An Nam tâu rằng các châu động thuộc khe động Vật Dương, Vật Ác, cương giới chưa rõ ràng. Lệnh bản ty hội bàn với bản đạo sai quan biện chính. Nay chuẩn cho An Nam sai bọn Lê Văn Thịnh đến, biên giới đã được biện chính; xin giảng chiếu chỉ để An Nam tuân theo.’
Xem các tờ tâu trước kia trình bày về biên giới, đặc mệnh các quan tại biên giới bàn bạc biện chính. Khanh vốn được ân sủng tước lộc, đời đời trung thuần; hãy khâm phụng chiếu chỉ, thân sức các quan dưới quyền, phân hoạch châu động, đầu đuôi đã rõ ràng: Hai động Vật Dương, Vật Ác đã đặt chỉ huy coi sóc; dùng 8 ải sau đây làm biên giới: Canh Kiệm, Khâu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nghiễm, Đốn Lợi, Đa Nhân, Câu Nan. Ngoài biên giới có 6 huyện: Bảo, Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng; 2 động Túc, Tang, giao cho khanh lãnh làm chủ. Khanh hãy thể theo lòng quyến luyến, càng ôm lòng cung thuận, cẩn thận tuân theo giao ước, chớ dung túng xâm lấn.”[21]
Đây là phần đất lấy lại được lớn nhất trong lịch sử bang giao Hoa Việt. Ngoài ra phải kể thêm, các triều đại Trung Quốc trước kia thường gọi nước ta là Giao Chỉ, hoặc Giao Châu, vết tích của một thời đô hộ; năm 1164 chính thức đổi thành An Nam, hàm ý công nhận nước ta độc lập; phong Vua Anh Tông làm An Nam quốc vương:
“Năm Chính Long Bảo Ứng năm thứ 2] [1164], Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam Quốc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Sử Trung Quốc cũng đánh giá cao sự kiện này, Nguyên Sử Loại Biên nhận xét rằng trước kia gọi xứ ta là Giao Chỉ hoặc An Nam Đô hộ phủ; đến đời Lý Anh Tông mới chính thức gọi là nước An Nam:
“An Nam, trước đây, gọi là Giao Chỉ; Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên gọi là An Nam bắt đầu từ đấy. Tống Hiếu Tông phong Thiên Tộ [Lý Anh Tông] là An Nam quốc vương, An Nam gọi là “nước” bắt đầu từ đó.”
5. Luật pháp và chính sách úy lạo
– Hình luật
Đời Lý Thái Tông, vào tháng 10 năm Minh Đạo thứ nhất [1042] ban hành bộ Hình Thư, gồm 3 quyển. Đây là bộ hình luật đầu tiên của quốc gia, giúp cho việc xử án được rõ ràng; nhà Vua coi nó là “con đường sáng” để noi theo, nên đổi niên hiệu năm đó là “Minh Đạo”:
“Ban Hình Thư. Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Vua Thánh Tông từng nói với quan coi ngục rằng ngài yêu dân như con; nhưng vì dân không biết pháp luật, mắc vào tội lỗi, bèn chủ trương khoan giảm:
“Ngày Giáp Thìn, Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 6 [1064], mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng:
‘Ta yêu con ta, cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm“. (Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3)
Thời Vua Thần Tông, tội hình giết người cũng không bị xử tử hình:
“Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 [1125]. Xuống chiếu rằng phàm đánh chết người thì xử 100 trượng, thích mặt 50 chữ, đồ làm khao giáp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Riêng luật về ruộng đất, nhắm bảo hộ dân nghèo lỡ túng thiếu bán đỡ ruộng trong vòng 20 năm, cũng có quyền chuộc lại; đối với kẻ nhiều tiền, mua ruộng mà không canh tác, để hoang 1 năm sẽ bi tịch thu.
Triều đình giúp phương tiện để dân kêu oan; cho đúc chuông lớn đặt tại Long Trì, phòng khi dân có oan ức, đánh chuông để khiếu nại:
“Nhâm Thìn, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 4 [1052], Tháng 3, đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Lại rút kinh nghiệm từ triều Tống, cho đặt thùng thư để nhận thư từ khiếu nại:
” Mùa xuân, tháng 2 năm Đại Định thứ 19 [1158], Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, dâng tâu rằng:
‘Thần sang nước Tống thấy ở giữa sân vua có cái hòm bằng đồng để nhận các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới’.
Vua y theo, cho đặt cái hòm ở giữa sân để ai có trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy….” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
– Cấp tuất cho dân
“Bần cùng sinh đạo tặc” là điều thường xảy ra, nên việc cấp tuất cho dân là phương sách hữu hiệu để giảm việc thi hành hình luật. Vua Lý Thái Tổ tỏ ra là nhà cai trị khéo, dùng phép trị nước giống như bà nội trợ điều hòa nồi canh “điều canh nhi trị”; nên lúc xây xong cung Thúy Hoa, xá giảm thuế khóa cho dân 3 năm, những người mồ côi, góa bụa, ốm đau từ lâu thiếu thuế đều được tha:
“Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]. Mùa đông, tháng 12, cung Thúy Hoa làm xong; lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Những năm được mùa, đều là dịp tốt để nhà Vua biểu lộ lòng nhân từ tha thuế cho dân:
“Thuận Thiên năm thứ 7 [1016], Năm ấy được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền. Cho thiên hạ 3 năm không phải nộp tô thuế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“Thuận Thiên năm thứ 9 [1018], xá một nửa tô ruộng cho thiên hạ.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Thực hiện được những công việc xã hội nêu trên, cần một nền kinh tế tốt, vững, lành mạnh; là nước nông nghiệp với thành tích “30 bó lúa giá 70 tiền”, có thể đánh giá cao về nền kinh tế lúc bấy giờ.
Vua Lý Thánh Tông mới lên ngôi chưa được bao lâu, gặp một mùa đông rét mướt, gió lạnh thổi về, nhà Vua mặc áo lông chồn còn cảm thấy rét; nghĩ đến những người trong tù rét lạnh thấu xương, bèn ra lệnh ban thêm chăn chiếu, săn sóc đủ cơm ăn:
“Mùa đông, tháng 10, Thánh Tông năm Long Thụy Thái Bình thư 2 [1055] đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng:
‘Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3).
6. Chính sách mềm dẻo đối với dân tộc thiểu số
Nước ta có nhiều dân tộc thiểu số, vị trí các dân tộc này phần lớn tại vùng biên thùy, hết sức quan trọng. Nếu xử sự không khéo mối hại xảy ra khôn lường; đơn cử thời Nguyễn, Minh Mệnh; từ vụ án Lê Văn Khôi, dấy lên cuộc nỗi dậy của Nồng Văn Vân, thủ lãnh dân tộc Nùng tại Cao Bằng. Vua Minh Mệnh phải điều quân sinh lực cả nước, đánh dẹp ngót hai năm trời. Cuối cùng phải làm cuộc hành quân lớn, với 3 mũi từ 3 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên đánh thẳng vào Cao Bằng mới dẹp được; mối tổn thất về nhân mạng và của cải không tính xuể.
Dưới thời Lý Thái Tông, một vụ nổi dậy khác có tầm vóc lớn, kéo dài đến tận đời con, cũng do họ Nùngtại tỉnh Cao Bằng; đó là cuộc nổi dậy của cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao. Sau khi giết Nùng Tồn Phúc, người con là Nùng Trí Cao và vợ là A Nùng trốn tại vùng đất Trung Quốc lại tiếp tục trở về châu Thảng Do, Cao Bằng gây loạn; lần này vua Lý Thái Tông chủ trương mềm dẻo ky my, bắt nhưng không giết, cho trở về quê cũ, lại cấp thêm đất:
“Năm Càn Phu Hữu Đạo thứ 3 [1041], Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa[22] lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang[23] nữa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Hai năm sau, nhà Vua lại đặc cách ban ấn cho Trí Cao, cùng phong chức Thái Bảo:
“Năm Minh Đạo thứ 2 [1043]. Tháng 9, ngày mồng 1, sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, ban cho Nùng Trí Cao đô ấn, phong làm Thái bảo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Năm 1048 Nùng Trí Cao lại chiếm giữ động Vật Ác[24] làm phản; triều đình phải mang quân đi đánh dẹp, y bèn xin hàng. Cách xử sự của triều đình tương đối phải chăng, khiến Trí Cao không ôm nặng mối căm thù; sau đó 4 năm [1052] đồng bọn quay sang đánh Trung Quốc, chiếm thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] rồi xuôi theo dòng sông Uất chiếm nhiều châu khác, đến tận Quảng châu [Quảng Đông]; gián tiếp giúp nước Đại Việt nhẹ đi một mối đe doạ truyền kiếp:
“NămThiên Cảm Thánh Vũ thứ 5 [1048], Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác. Sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh. Vừa mới giao chiến, trời đất bỗng tối mù, một lát nghe tiếng sét đánh trong động, thân thể các tù trưởng động ấy bị xé tan, cả động kinh hãi. Trí Cao phải hàng. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Vào cuối đời Lý Thái Tông, vào tháng 10 năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 5 [1053], Nùng Trí Cao xin nhà Lý nước ta cứu viện, Vua sai tướng Vũ Nhị mang quân đi giúp, nhưng sử Trung Quốc không chép điều này:
“Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. Vua xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý [Vân Nam]. Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Sử thần triều Nguyễn nhận định rằng sau khi bị Đich Thanh đánh, quân Trí Cao kiệt quệ không thể cứu vãn được, nên quân cứu viện của Vua Lý đành ngưng lại, nhà Tống không biết việc này, nên sử nước họ không chép:
“Kịp khi nghe biết Trí Cao không đủ sức chống được quân nhà Tống, nên quân cứu mới nửa vời ngừng lại mà không quả quyết cho đi nữa. Chứ nếu quả nhà Lý đã đem quân ra ngoài biên giới đánh nhau với Tống, thì việc biên cương là trọng đại, người Tống há lại dìm đi được sao?” Cương Mục, Chính Biên, quyển 3.
Với chính sách ky my, Vua Thái Tông còn gả Công chúa cho các Tù trưởng miền núi để ràng buộc bằng tình thân, làm vững phên dậu:
“Năm Thông Thụy thứ 3 [1036], tháng 3, gả Công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong[25] là Lê Tông Thuận. Mùa thu, tháng 8, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai[26] là Hà Thiện Lãm.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Đời Lỳ Nhân Tông, Tù trưởng Thân Thiệu Thái cũng là Phò mã, có công lớn trong cuộc chiến đánh dẹp quân Tống.
7. Lạm dụng xây chùa, cùng những thói tục mê tín
Có lẽ vì thuở bé Vua Lý Thái Tổ sống trong chùa, nên Phật Giáo được ưu đãi; lúc mới lên ngôi, Vua cho xây trong phủ Thiên Đức quê nhà đến 8 ngôi chùa:
“Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]. Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở, đều dựng bia ghi công.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Ra lệnh trong nước, nơi nào có chùa quán đổ nát, đều trùng tu lại:
“Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Còn khuyến khích giúp đỡ dân xuất gia, lấy tiền kho ra đúc chuông:
“Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Mấy năm sau, lại cho xây chùa Chân Giáo ngay trong kinh thành Thăng Long:
“Năm Thuận Thiên thứ 15 [1024]; mùa thu, tháng 9, làm chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Về việc lạm dụng xây chùa, đúc chuông, Sử thần Lê Văn Hưu có nhận xét như sau:
“Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Ngoài ra các Vua triều Lý thường ưa chuộng những vật được cho là báo điềm lành. Ngay cả những đấng minh quân như Vua Lý Nhân Tông cũng rất tin vào những vật báo điềm lành, khiến kẻ dưới tranh nhau dâng lên những vật kỳ lạ đến mấy chục lần; việc này làm làm tổn thương nền phong hóa và nêu gương xấu cho hậu thế. Tìm hiểu những điềm lạ, có thể xếp loại như sau:
– Hiện tượng thiên nhiên như mặt trời có 2 quầng vào năm 1110. Rồng vàng xuất hiện 2 lần vào các năm 1083, 1125; đây chắc cũng chỉ là mây ráng, có hình dáng giống như rồng.
– Các con vật kỳ dị, đại loại như rùa 5 sắc vv…vào các năm 1091, 1086, 1126, 1127, 1124; chim phượng có 9 chòm ngũ sắc vào năm 1110; hổ trắng vào năm 1110; hươu trắng, hươu đen vào các năm 1117, 1119, 1121; chim sẻ trắng 1124.
– Vật lạ như cây cau, đại loại 1 gốc nảy ra 9 thân, vv… vào các năm 1111, 1121, 1122; vàng sống gọi là vàng trường thọ vào năm 1127, ngọc bích, ngọc châu tân lang vào năm 1122.
Tệ hại hơn nữa dưới thời Vua Lý Thần Tông, Thái phó Lý Công Bình đánh bại quân Chân Lạp trong vòng 9 ngày, bắt sống viên chỉ huy. Đây là chiến thắng thần tốc, đáng lẽ phải ban chiếu biểu dương cho chủ tướng và quân sĩ; nhưng bấy giờ vua nghe lời xui theo thói mê tín, nên đã làm một việc sai trái tệ hại; không đoái tưởng đến công lao của các tướng sĩ, đích thân đến các chùa và đạo quán; tạ ơn Phật, Đạo giúp cho thắng trận:
“Ngày Quý Hợi tháng 2 năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], Lý Công Bình đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
“Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], vua ngự đến hai cung Thái thanh, Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công bình đánh được người Chân Lạp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Về điều sai này, Sử thần Lê Văn Hưu có lời phê xác đáng như sau:
“Lê Văn Hưu nói: Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi.
Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
—————
[1] Lộ bố: bản tuyên bố thường dùng trong khi đánh dẹp.
[2] Phép thanh miêu: cho nông dân vay lúc giáp hạt, đến mùa thu hoạch lấy 20-30/100 tiền lời; khiến mùa giáp hạt dân không đến nỗi chết đói, mà ngân quỹ nhà nước có thêm tiền.
[3] Phép mộ dịch: bắt kẻ người nhiều, người ít; mỗi người phải đóng một số tiền gọi là tiền miễn dịch, địa chủ khoa bảng cũng phải đóng; rồi quan dùng tiền mướn sai dịch. Trước đó nhà Tống không bắt khoa bảng, chức sắc, sư sãi đóng, nay áp dụng cho mọi người; những người bận làm ruộng đóng để an tâm sản xuất; thành phần cố nông đi làm mướn, vô nghề nghiệp được mướn làm sai dịch để kiếm sống qua ngày.
[4] Bảo giáp: chế độ bảo giáp thi hành thời Tống Thần Tông lấy hộ làm đơn vị, 10 hộ thành 1 giáp, đặt Giáp trưởng; 10 giáp thành 1 bảo, đặt Bảo trưởng; tổ chức nhắm giúp dân chúng tự vệ.
[5] 時交趾所破城邑,即為露布揭之衢路,言所部之民亡叛入中國者,官吏容受庇匿,我遣使訴於桂管,不報,又遣使泛海訴於廣州,亦不報,故我帥兵追捕亡叛者。又言桂管點閱峒丁,明言欲見討伐。又言中國作青苗、助役之法,窮困生民。我今出兵欲相拯濟。安石怒,故自草此詔。
[6] Bằng độ điệp: giấy chứng nhận nhà sư xuất gia.
[7] 又詔見在廣南路僧道權停判憑出外。以廣東轉運司言「聞交阯昨陷欽、廉等州,執僧道百餘人,奪其公憑而殺之,令間牒詐為僧道以偵事」故也。
[8] 熙寧中,朝廷遣沈起、劉彞相繼知桂州以圖交趾。起、彞作戰船,團結峒丁以為保甲,給陣圖,使依此教戰,諸峒騷然。土人執交趾圖言攻取之策者,不可勝數。嶺南進士徐伯祥屢舉不中第,陰遺交趾書曰:「大王先世本閩人,聞今交趾公卿貴人多閩人也。伯祥才略不在人後,而不用於中國,願得佐大王下風。今中國欲大舉以滅交趾,兵法先聲有奪人之心【一二】,不若先舉兵入寇,伯祥請為內應。」於是,交趾大發兵入寇,陷欽、廉、邕三州。伯祥未得間往歸之。會石鑑與伯祥有親,奏稱伯祥有戰功,除侍禁,充欽、廉、白州巡檢【一三】。朝廷命宣徽使郭逵討交趾,交趾請降曰:「我本不入寇,中國人呼我耳。」因以伯祥書與逵,逵檄廣西轉運司按鞫。伯祥逃去,自經死。
[9] 於是交人果大舉,眾號八萬,十一月抵海岸,未旬日陷欽、廉二州,破邕之太平、永平、遷陸、古萬四寨.
[10] 辛酉,廣南西路都監張守節為交賊所敗於崑崙關。先是,蘇緘遣使詣桂州請救【一】,劉彞遣守節往援,守節聞賊眾十倍,逗留不即行,復迂取貴州路,駐兵康和驛以觀勝負。緘又遣使持蠟書告急於提點刑獄宋球,球得書驚且泣,以便宜督守節進兵。守節惶遽不知所為,移屯火夾嶺,回保崑崙關,猝遇賊,不及陣,一軍皆覆,守節死之。
[11] 又詔邕州有馬雄略員僚趙秀妻、男,送湖北配本路軍營充奴婢。秀常為賊定砲打邕州城也。
[12] 是日,二十三日。交賊陷邕州,蘇緘死之。張守節敗,生獲於賊者數百人。賊知北軍善攻城,啗以厚利,使為雲梯,既成,為緘所焚。又為攻濠洞,蒙以生皮。緘俟其既度,縱火焚於穴中。賊計盡,稍欲引去,而知外援不至。會有能土攻者,教賊囊土數萬,向城山積,頃刻高數丈,賊眾登土囊以入,城遂陷。
[13] Trình Di: là thủy tổ Tống Nho, nên nơi học chữ Nho xưa gọi là “cửa Khổng sân Trình”.
[14] 深至賊巢,以栰度五百人過江,且斫且焚,破其竹寨幾重不能得。復棹其空栰,續以救兵,反為賊兵會合禽殺,吾眾無救,或死或逃,遂不成功,所爭者二十五里耳。欲再往,又無舟可度,無糧可戍,此謬算未之有也。猶得賊辭差順、遂得有詞具承當了,若使其言猶未順,如何處之?
[15] 未至交州三十里,賊艤戰艦四百餘艘於江南岸,我師不能濟,欲戰弗得.
[16] Trương Tướng quân: theo Toàn Thư, Trương Tướng quân tức anh em nhà họ Trương; Trương Khiếu, Trương Hát; hai người là 2 tướng giỏi của Triệu Quang Phục, được dân lập đền thờ gần sông Cầu.
[17] Tây Thiên khúc điệu: ở đây có thể là những khúc hát và múa Chiêm Thành có nguồn gốc Ấn Độ (Tây Thiên, chỉ Ấn Độ).
[18] 廣南西路經略安撫司言:「交人遣李繼元等與所差官於界首議事,欲令所差官以朝廷恩信曉諭乾德,令送還所擄人口,給與疆土。」從之。
[19] 詔報之曰:「卿撫有南交,世受王爵,而乃背德奸命,竊暴邊城。棄祖考忠順之圖,煩朝廷討伐之舉。師行深入,勢蹙始歸。跡其罪尤,在所絀削。今遣使修貢,上章致恭,詳觀詞情,灼見悛悔。朕撫綏萬國,不異邇遐。但以邕、欽之民,遷劫炎陬,久失鄉井,俟盡送還省界,即以廣源等賜交州。」
[20] 廣南西路經略司言交阯歸所掠二百二十一人,詔納之,廢順州,以其地畀交阯.
[21] 戊子,敕交趾郡王乾德省:「廣南西路經略司奏:『昨準朝命,安南奏以溪峒勿惡、勿陽等州峒疆至未明,令本司計會本道,差職官辨正。今準安南報差黎文盛等至,邊界已辨正,乞降詔旨付安南遵守。』向觀奏牘,陳敘封疆,特命邊臣計議辨正。卿保膺寵祿,世載忠純,欽奉詔旨,申飭官屬,分畫州峒,本末以明。勿惡、勿陽二峒已降指揮,以庚儉、邱矩、叫岳、通曠、庚巖、頓利、多仁、勾難八隘為界,其界外保、樂、練、苗、丁、放近六縣、(六縣下恐有脫字,時政記亦然。)宿、桑二峒,並賜卿主領。卿其體此眷私,益懷恭順,謹遵封約,勿縱交侵。」
[22] Lôi Hỏa: tên động, ở phía tây bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay. Các động Bình, An, Bà đều thuộc về đất tỉnh Cao Bằng.
[23] Tư Lang: nay là đất huyện Trùng Khánh và phần đất đông bắc huyện Quảng Hòa, vùng quanh Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
[24] Vật Ác: Theo văn bản Trường Biên, quyển 349, năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]: “Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu“. Vùng đất này hiện nay thuộc Tĩnh Tây thị, tỉnh Quảng Tây.
[25] Phong châu: huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
[26] Thượng Oai: theo Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời của Đào Duy Anh trang 121, Thượng Oai có thể là một châu tại tỉnh Sơn Tây.