Đại Việt lần đầu đánh bại quân Nguyên Mông 

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Đời Vua Trần Thái Tông, đầu năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 20 [1251], đổi sang niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất :

Ngày Tân Hợi, mùa xuân, tháng 1, nămThiên Ứng Chính Bình thứ 20 [2/1251] Mùa xuân, tháng 1; đổi nguyên hiệu là Nguyên Phong năm thứ 1.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Nhà Vua mở tiệc vui trong nội điện, mọi người đều hân hoan ca hát, viên Ngự sử Trần Chu Phổ cũngcùng mọi người đứng dậy, nhưng không hát theo:

Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói:

‘Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng’“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Việc vua tôi nhà Trần cùng vui vẻ ca hát trong buổi tiệc liên hoan, bị Sử thần Ngô Sĩ Liên phê phán như sau:

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Xem thế đủ thấy, tuy bấy giờ vua tôi cùng vui,

không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phác của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa. Hữu Tử nói:

‘Biết được hòa đồng rồi hòa đồng, nhưng không lấy lễ mà tiết chế, thì cũng không thể làm được.’

 Ngự sử là bề tôi giữ việc can ngăn, chức phận là phải uốn nắn, đã không nói thì thôi, lại còn vào hùa với họ thì kỷ cương của triều đình để đâu? Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Thiết tưởng Ngô Sĩ Liên sống vào triều Lê, chịu ảnh hưởng khắt khe của Tống Nho, chăm chăm giữ tôn ty trật tự; khác với văn hóa đời Trần “Tam giáo đồng lưu” có phần phóng khoáng hơn. Bởi vậy người đọc sử cảm thấy hứng thú thấy các Vương hầu nhà Trần cùng hăng hái chung lo việc nước, dẹp quân Nguyên Mông; nhưng trong chốn riêng tư thì anh em hòa đồng như chung một nhà. Hãy xem cách xử sự của Vua Trần Thánh Tông đối với Hoàng gia tôn thất trong dịp tết, đáng biểu dương một nếp sống đẹp:

Ngày Mu Thìn, mùa Xuân, tháng giêng [Thiệu Long] năm thứ 11 [2/1268], vua từng nói với tôn thất rằng:

‘Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc’.

Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậcToàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 4 năm Nguyên Phong thứ nhất, Yên sinh vương Liễu mất, được ban tước Đại vương:

Mùa hạ, tháng 4, Nguyên Phong năm thứ nhất [5/1251]: Yên Sinh Vương Liễu mất, thọ 41 tuổi, gia phong đại vương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Con Yên sinh vương là Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, và Vũ thành vương Doãn đã chọn cách xử sự khác nhau đối với mối hiềm khích giữa cha và chú ruột tức Vua Trần Thái Tông:

Yên Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng [Vua Trần Thái Tông], mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn trối trăng rằng:

“Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6.

Mùa thu, tháng 7, năm Nguyên Phong thứ 6 [8/1256] Vũ Thành Vương Doãn đem cả nhà trốn sang nước Tống. Thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho ta.

Doãn là con Yên Sinh Vương do Hiển Từ sinh. Yên Sinh có hiềm khích với vua, đến khi Hiển Từ mất, bị thất thế, nên trốn sang nước Tống. Vua thưởng vàng lụa cho Bính. Do đấy việc giữ phòng quan ải càng thêm nghiêm ngặt.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Vào tháng giêng năm Nguyên Phong thứ 2 [2/1252] Vua Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vợ Vua Chiêm, cùng thần dân nước này:

Ngày Nhâm Tý, tháng giêng năm Nguyên Phong thứ 2 [2/1252], vua thân đi đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ.

Chiêm Thành từ khi nhà Lý suy yếu, thường đem thuyền nhẹ đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có thường sang cống, nhưng lại đòi xin lại đất cũ, và có ý dòm ngó nước ta. Vua giận, nên có việc thân chinh này.

Mùa đông, tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Nhà Trần chính thức dùng sách giáo khoa do Tống Nho chọn gồm  Tứ Thư, Lục Kinh,[1] tổ chức việc học và thi cử theo Nho Học:

Tháng 6, năm Nguyên Phong năm thứ 3 [7/1253], lập Quốc học viện. Đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh Mạnh Tử, vẽ tranh 72 người hiền[2] để thờ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 9, năm Nguyên Phong năm thứ 3 [10/1253], xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư lục kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngày Bính Thìn, tháng 2, năm Nguyên Phong thứ 6 [3/1256], mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Trần Quốc Lặc đỗ kinh trạng nguyên; Trương Xán đỗ trại trạng nguyên; Chu Hinh đỗ bảng nhãn; Trần Uyên đỗ thám hoa lang.[3] Lấy đỗ thái học sinh 43 người (kinh 42 người, trại 1 người), xuất thân có thứ bậc khác nhau.”

Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu ban cho danh hiệu trạng nguyên. Đến nay, chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm Nguyên Phong thứ 3 cho lập Giảng võ đường; các Vương Hầu lúc bấy giờ có khuynh hướng chuộng võ nghệ, truyền thống này rất thuận lợi trong công cuộc chống Nguyên Mông sau này:

Mùa thu, tháng 8, Nguyên Phong năm thứ 3 [9/1253] lập Giảng võ đường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm Nguyên Phong thứ 4 [1254], bấy giờ các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi cướp là dũng cảm. Vũ Uy vương Duy con Thái Tông cũng làm thế. Một hôm, Vũ Uy vương đánh nhau tay không ở Đông Bộ Đầu, vua vi hành qua đấy trông thấy hỏi rằng:

‘Người béo và trắng kia là ai, bắt lại đây để sai bảo’.

Vũ Uy vương nghe thế trốn mất.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Triều đình lưu ý việc đắp đê, trồng cây ven bờ giữ đê; chăm sóc vét sông Tô Lịch tại kinh thành Thăng Long:

Ngày Ất Mão, tháng 2, [Nguyên Phong] năm thứ 5 [3/1255], sai Lưu Miễn bồi đắp đê sông các xứ ở Thanh Hóa.

Mùa hạ, tháng 4, chọn tản quan làm hà đê chánh phó sứ các lộ. Khi việc làm ruộng nhàn rỗi thì đốc thúc quân lính đắp đê đập, đào mương ngòi đề phòng lụt, hạn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 5, năm Nguyên Phong thứ 5 [6/1255] trồng 500 trượng [1 trượng=4 mét] toàn cây muỗm suốt từ bến Hồng đến đê quai vạc Cẩu Thần.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm Nguyên Phong thứ 6 [1256], vét sông Tô Lịch.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngoài ra xin kể tiếp các sự kiện lịch sử khác, theo thứ tự từng năm:

Năm Nguyên Phong năm thứ nhất [1251] Phạm Kính Ân mất, Kính Ân là thái úy quan nội hầu của triều Lý cũ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngày Quý Sửu, tháng 4, năm Nguyên Phong thứ 3 [5/1253], cho Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm Thái úy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngày Giáp Dần, tháng 5 năm Nguyên Phong thứ 4 [6/1254], định quy chế xe kiệu, mũ áo và người hầu cho tôn thất và các quan văn võ  theo thứ bậc khác nhau.

Từ tôn thất cho đến quan ngũ phẩm đều được đi kiệu, ngựa và võng. Tôn thất thì kiệu đầu đòn chạm phượng sơn son, tướng quốc thì kiệu đầu đòn chạm vẹt sơn đen, lọng tía; từ tam phẩm trở lên thì kiệu đầu đòn chạm mây, lọng xanh; từ tứ phẩm đến lục phẩm thì kiệu đầu đòn bằng dầu; ngũ phẩm trở lên thì lọng xanh; lục thất phẩm thì lọng giấy đen. Người theo hầu nhiều thì 1.000 người, ít thì 100 người. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 6, bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền (bấy giờ gọi mẫu là diện), cho phép nhân dân mua làm ruộng tư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Mùa đông, tháng 10, ban tiền cho Phạm Ứng Mộng, bảo tự hoạn để vào hầu.

Trước đó, vua nằm mơ đi chơi thấy thần nhân chỉ một người bảo vua:

‘Người này có thể làm hành khiển’.

Tỉnh dậy, không biết là người nào. Một hôm tan buổi chầu, vua ngự ra ngoài thành, thấy một người con trai theo học ở cửa nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng, Vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối giống như những lời trong mộng. Vua muốn trao cho chức hành khiển, nhưng thấy khó, mới cho 400 quan tiền bảo tự hoạn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 4 năm Nguyên Phong thứ 5 [5/1255] Hoàng tử thứ 6 Nhật Duật sinh. Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong đạo sĩ tâu vua:

Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ’.

Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử”, nét tử rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi.

Đến năm [Nhật Duật] 48 tuổi, bị ốm hơn 1 tháng, các con ông làm chay, xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói:

Thượng đế xem sớ xong, cười bảo:

‘Sao hắn quyến luyến trần trục muốn ở lại lâu thế, nhưng các con hắn thực lòng hiếu thảo, cũng đáng cho. Thôi cho thêm hai kỷ nữa’.

Bệnh liền khỏi. Sau Nhật Duật mất, thọ 77 tuổi, thế là được đủ 6 kỷ lẻ 5 năm. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Mùa thu, tháng 8, nước to, vua ngự chơi Hồ Tây.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Mùa đông, tháng 10, Vua ngự đến hành cung phủ Thiên Trường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 3, nhuận, năm Nguyên Phong thứ 6 [4/1256] đúc 330 quả chuông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Mùa hạ, tháng 5, sét đánh điện Thiên An, lại đánh cung Thái Thanh, tượng Thiên Tôn gãy mất một ngón tay.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngày Đinh Tỵ, tháng 2, năm Nguyên Phong thứ 7 [3/1257], Hoàng Bính đem cả nhà đến cửa khuyết, dâng con gái vào cung. Vua nhận, sách phong làm Huệ Túc phu nhân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Vào hạ bán niên năm Nguyên Phong thứ 7 [1257] quân Mông Cổ lần đầu tiên xâm lăng nước ta, sự kiện lịch sử trọng đại này các sử sách 2 nước Việt Trung chép nhiều chỗ không giống nhau; nay xin trưng ra sử liệu của từng bộ sử để phân tích, ngõ hầu rút ra được chỗ hợp lý. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nước ta chép như sau:

Mùa thu, tháng 8, năm Nguyên Phong thứ 7 [9/1257] chủ trại Quy Hóa [Yên Bái, Phú Thọ][4] là Hà Khuất sai chạy trạm tâu vua là có sứ Nguyên sang.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của [Trần] Quốc Tuấn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải[5] xâm phạm Bình Lệ Nguyên.[6]

Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.

Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua:

‘Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!’.

Bấy giờ, vua mới lui quân đóng ở sông Lô [sông Hồng phần phía bắc Hà Nội].[7] Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh, vua lại phải lui giữ sông Thiên Mạc [sông Hồng nam Hà Nội].[8] Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó.

Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chỉ “nhập Tống”[9] lên mạn thuyền. Vua hỏi quân Tinh Cương ở đâu? (Tinh Cương là quân do Nhật Hiệu chỉ huy).

Nhật Hiệu trả lời:

‘Không gọi được chúng đến’

Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời:

‘Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác’.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngày 24, vua và Thái Tử [Trần Thánh Tông] ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu [phía bắc cầu Long Biên],[10] đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng.

Khi ấy, người Nguyên mới lấy được Vân Nam, bọn du binh đến, không có ý đánh chiếm, nên bây giờ người ta gọi chúng là “giặc Phật”. Giặc rút, ban cho Bổng tước hầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Toàn Thư lại chép tiếp 2 sử liệu về việc tha tội cho viên quan nhỏ Hoàng Cự Đà và tìm lại được ấn sau cuộc chiến; nội dung như sau:

Tháng 12, năm Nguyên Phong thứ 7 [1257], tha tội cho tiểu hiệu Hoàng Cự Đà.

Trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang [khúc sông Hồng phía bắc Nam Định] gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn:

 ‘Quân Nguyên ở đâu’.

Cự Đà trả lởi:

‘Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy’.

Đến đây, thái tử xin ghép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói:

‘Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Tống bị thua.[11] Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội“.

Khi vua thân hành thống lĩnh sáu quân đi chống giặc, quan giữ ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy lại mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng con ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chổ cũ. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Qua tư liệu của Toàn Thư, có thể hình dung vị trí sông Hồng thời xưa được chia làm 3 phần như sau: phía bắc kinh thành Thăng Long gọi là sông Lô; phía nam kinh thành phần chảy qua tỉnh Hưng Yên gọi là sông Thiên Mạc; đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định là sông Hoàng Giang. Khởi đầu quân ta yếu thế, Vua Trần Thái Tông phải rút lui từ sông Lô xuống giữ sông Thiên Mạc, như vậy phải bỏ ngõ kinh thành Thăng Long, trước khi di tản có kẻ đem ấn báu dấu trên rường điện Đại Minh. Rồi đạo quân tinh nhuệ từ quê Vua, phủ Thiên Trường, do Thái tử [Vua Thánh Tông] chỉ huy kéo lên tăng viện. Có quân mạnh, quân ta chiến thắng quân Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu vị trí tại phía trên cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay. Quân Mông Cổ rút lui, ta chiếm lại kinh đô; quân giặc lại bị Thổ quan Hà Bổng đánh bại tại châu Qui Hóa, nên rút lui êm không có dịp để phá phách, nên sử gọi là “giặc Phật”.

Phối kiểm với sử Trung Quốc; Tục Tư Trị Thông Giám của Tất Nguyên đời Thanh Càn Long, phiên âm tên viên chủ tướng Ngột Lương Hợp Đải thành Ô Lan Cáp Đạt. Chép rằng Viên tướng này từ Vân Nam sai Sứ giả đến An Nam khuyên hàng; nhưng Sứ bị An Nam bắt giam:

Thông Giám, quyển 175, Ngày Tân Dậu tháng 9 năm Bảo Hựu thứ 5 [18/10/1257], Ô Lan Cáp Đạt, Mông Cổ, sai Sứ bảo An Nam hàng; người An Nam bỏ tù viên Sứ; bèn bàn đánh. Biên giới Bá Châu [thuộc Quí Châu] báo động.”[12]

Thông Giám chép tiếp, hai tháng sau Ô Lan Cáp Đạt mang quân sang đánh nước ta, hành quân theo hướng xuôi dòng sông Hồng, tương tự như Toàn Thư đã mô tả; rồi chiếm được thành Thăng Long, sau đó khải hoàn:

Thông Giám, quyển 175. Ngày Canh Tý tháng 10 [26/11/1257], Ô Lan Cáp Đạt, Mông Cổ, mang quân sát biên giới An Nam; Quốc vương An Nam Trần Nhật Cảnh bày trận voi ngựa, rất nhiều bộ binh, ở bên bờ sông Thao[sông Hồng]. Ô Lan Cáp Đạt chia quân thành 3 đội vượt sông; Tề Tề Khắc Đồ theo hạ lưu vượt sông trước, đại quân ở chính giữa, Phò mã Hoài Đồ cùng A Châu ở phía sau. Cáp Đạt truyền phương lược cho Tề Tề Khắc Đồ như sau:

Sau khi quân ngươi vượt sông, đừng giao chiến; bọn chúng sẽ đến đánh ta, Phò mã mang quân ngăn phía sau; người chờ lúc thuận tiện cướp lấy thuyền, bọn chúng tất bị ta bắt. Khi quân lên bờ, tức giao chiến.’

Tề Tề Khắc Đồ làm trái lệnh, người An Nam tuy thua nặng, còn có thể leo lên thuyền tránh. Ô Lan Cáp Đạt giận bảo rằng:

Tiên phong làm trái sự tiết chế của ta, nước có hình luật.’

Tề Tề Khắc Đồ sợ, uống thuốc độc chết. Ô Lan Cáp Đạt vào nước An Nam, Nhật Cảnh trốn ra hải đảo. Mông Cổ tìm được những S giả bị giam trong ngục, trói bằng dây lạt tre thấu thịt; khi mở trói có một người chết, bèn giết cả thành. Nhật Cảnh xin qui phục, bèn mở yến tiệc khao quân rồi khải hoàn.”[13]

Nguyên Sử cũng chép sự việc tương tự, nhưng phiên âm tên chủ tướng Ô Lan Cáp Đạt thành Ngột Lương Hợp Thai. Nguyên Sử phần Bản Kỷ ghi tổng quát như sau:

Nguyên Sử, quyển 3, Hiến Tông. Mùa đông tháng 11 năm thứ 7 [12/1257-1/1258], Ngột Lương Hợp Thai đánh bại Giao Chỉ, vào nước này. Vua An Nam Trần Nhật Cảnh trốn tại hải đảo, bèn mang quân trở về.”[14]

Riêng phần Liệt Truyện An Nam, chép chi tiết hơn, xin trích dẫn như sau:

Nguyên Sử, quyển 209…Tháng 11 năm thứ 7 Đinh Tỵ [8/12/1257-5/1/1258], Ngột Lương Hợp Thai tiến binh đến phía bắc Giao Chỉ. Trước hết sai 2 viên sứ giả đến dụ, nhưng không thấy về; bèn sai bọn Triệt Triệt Đô mỗi người mang 1.000 quân, chia đường tiến quân đến phía bắc kinh thành An Nam tại thượng nguồn sông Thao; lại sai con là A Truật đến tăng viện, cùng trinh sát hư thực. Người Giao Chỉ cũng bày binh nhiều phòng vệ; A Truật sai người về báo. Ngột Lương Hợp Thai bèn tiến gấp, lệnh Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Truật hậu vệ. Tháng 12 [6/1-4/2/1258], hai quân giao chiến, quân Giao chấn hãi. A Truật thừa thế, đánh bại thủy quân An Nam, lấy được chiến thuyền, rồi trở về. Ngột Lương Hợp Thai cũng phá được lục quân, phối hợp với A Truật đánh bại địch, vào được nước này; Nhật Cảnh trốn ngoài hải đảo. Tìm được sứ giả trước kia gửi đến, bị trói bằng sợi tre vết thương vào đến xương, đến khi mở trói thì một người chết; bèn phá thành này. Quân đóng 9 ngày, thấy khí hậu nóng bức, bèn ban sư. Lại sai 2 Sứ kêu gọi Nhật Cảnh ra hàng; Nhật Cảnh trở về thấy quốc đô bị tàn phá, rất giận dữ, trói hai Sứ, rồi cho về.

Tháng 2 Mậu Ngọ năm thứ 8 [1258], Nhật Cảnh truyền ngôi cho con trưởng Quang Bính, đổi kỷ nguyên Thiệu Long”. [Theo An Nam Chí Lược, vào năm này nhà vua đổi tên, xưng với nhà Nguyên là Quang Bính].[15]

Phối kiểm sử liệu từ 2 nguồn Trung Việt có thể thấy mỗi bên nói bớt đi một phần sự thực, phía sử Việt không chép rõ việc thành Thăng Long bị chiếm; sử Trung Quốc không chép việc bị đánh thua phải rút, lại chép rằng vì nóng bức phải ban sư, sự thực tại Thăng Long tức Hà Nội ngày nay, vào tháng chạp âm lịch, mùa giáp tết chưa bao giờ nóng bức!

Vào năm Nguyên Phong thứ 8 [1258] Vua chỉ trị vì trong vòng 2 tháng, sau đó truyền ngôi cho con. Trước khi lui về Bắc Cung làm Thái thượng hoàng, Vua cho họp các quan để định công phong tước. Lê Phụ Trần công đầu được ban tước Ngự sử đại phu, gả Công chúa cho, và giao cho đi Sứ Mông Cổ tại hành cung Vân Nam:

Ngày Mu Ng, ngày mồng một tháng giêng năm Nguyên Phong thứ 8 [2/1258], (Từ tháng 3 về sau là Thánh Tông Thiệu Long năm thứ 1), vua ngự chínnh điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ. Định công phong tước: cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói:

‘Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau’.

Sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống. Sai Lê Phụ Trần, Chu Bác Lãm sang Nguyên. Lúc này, sứ Nguyên sang đòi lễ vật hằng năm, đòi tăng thêm tiến cống, lung tung không định; Vua sai Lê Phụ Trần đi sứ, lấy Bác Lãm làm phó. Cuối cùng qui định 3 năm một lần tiến cống, coi là thường lệ.

Tháng 2, ngày 24, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Hoảng [tức Vua Trần Thánh Tông], lui về ở Bắc Cung.”

Thái tử lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ 1. Đại xá. Vua tự xưng là Nhân Hoàng, tôn thượng hoàng là Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế.”

Việc đem Công chúa Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần, sử triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cho là Vua Trần Thái Tông đã đưa vợ cũ của mình gả cho Lê phụ Trần:

“Tháng giêng, mùa xuân năm thứ 8 [1258]. Đem Hoàng hu cũ là Lý Th [Lý Chiêu Hoàng] g cho Ngs Đi phu Lê Ph Trn.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 6.

Thiết tưởng đây là một điều ngộ nhận, xin được tìm hiểu thêm. Mặc dầu Lý Chiêu Hoàng lúc chưa lên ngôi được gọi là Chiêu Thánh, nhưng Công chúa Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần chỉ là người cùng tên, hay viết nhầm tên, chứ không phải là Lý Chiêu Hoàng; bởi những lý do sau đây:

– Thứ nhất, vào năm 1258, Lý Chiêu Hoàng đã gần 50 tuổi, thời xưa 50 tuổi là một bà già, không ai lấy chồng ở tuổi đó.

– Thứ hai, theo 2 bộ sử Trung Quốc Nguyên SửTục Tư Trị Tông Giám trích dẫn dưới đây, đều xác nhận Sứ thần Lê Phụ Trần được Vua Trần Thái Tông cử đi Sứ Mông Cổ là con rể nhà Vua; như vậy người gọi là Chiêu Thánh lấy Phụ Trần là con gái Vua, chứ không thể là vợ cũ của Vua:

Tháng 2 năm thứ 8 [3-4/1258] Trần Nhật Cảnh truyền ngôi cho con trưởng là Quang Bính [Theo An Nam Chí Lược, vào năm này nhà vua Trần Thái Tông đổi tên, xưng với nhà Nguyên là Quang Bính]. Quang Bính sai rể cùng người trong nước mang sản vật địa phương đến cống, Ngột Lương Hợp Thai chuyển đến hành tại.” Nguyên Sử, Bản Kỷ thứ 3, Hiến Tông.[16]

Tục Tư Trị, quyển 175. Ngày Nhâm Thìn tháng 2 năm Bảo Hựu thứ 6 [18/3/1258], Vương nước An Nam Trần Nhật Cảnh truyền ngôi cho con trưởng là Nhật Bính. Nhật Bính sai người rể mang sản vật địa phương đến cống Mông Cổ.”[17]

—————-

[1] Tứ Thư (四書) là bốn tác phẩm kinh điển của Nho Học, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn; bao gồm: Đại Học(大學), Trung Dung (中庸), Luận Ngữ (論語), Mạnh Tử (孟子). Lục Kinh gồm 6 cuốn sách cổ của Trung Hoa, gồm kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Nhạc và kinh Xuân Thu. Khi nói Ngũ kinh tức là không kể kinh Nhạc.

[2] 72 người hiền: chỉ 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử.

[3] Cương Mục, Chính Biên, quyển 6 chú: Quốc Lặc người huyện Thanh Lâm, châu Hồng [Hải Dương]; Trương Xán người huyện Tế Giang [ Bắc Giang]; Trần Uyên người

huyện Đường Hào châu Hồng [Hải Dương].

[4] Trại Quy Hóa: thời Trần gồm đất tỉnh Yên Bái, phần hữu ngạn sông Hồng và đất các huyện sông Thao, Thanh Hòa và Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú hiện nay.

[5] Tên Mông Cổ là Uy-ry-ang-kha-đai (Uriyangqadai), có sách phiên âm là Ngột Lương Hợp Thai hay Ngột Lương Cáp Thai.

[6] Bình Lệ Nguyên: Có lẽ là chổ sông Cà Lồ gặp quốc lộ số 2, tức là vùng gần Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

[7] Sông Lô: Thời Trần, gọi đoạn sông Hồng từ Bạch Hạc trở xuống là sông Lô.

[8] Sông Thiên Mạc: theo Cương Mục là khúc sông Hồng chảy qua vùng bãi Mạn Trù, nay thuộc xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

[9] Nhập Tống: khuyên theo nhà Tống.

[10] Đông Bộ Đầu: tức bến sông Hồng phía trên cầu cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay.

[11] Dương Châm: Theo Tả truyện, Dương Châm là người đánh xe cho Hoa Nguyên nước Tống. Tống và Trịnh sắp đánh nhau, Hoa Nguyên làm thịt dê cho binh sĩ ăn, nhưng không cho Dương Châm dự. Khi đánh nhau, Dương Châm nói: Thịt dê hôm trước là quyền ở ngài, đánh nhau hôm nay là việc của tôi; rồi đánh xe chạy theo quân Trịnh, nước Tống do vậy bị thua.

[12] 蒙古烏蘭哈達遣使招安南降,安南人囚其使,遂議征之。播州邊境告警。

[13] 蒙古烏蘭哈達進兵壓交南境,安南國王陳日煚隔洮江列象騎、步兵甚盛。烏蘭哈達分軍為三隊濟江,齊齊克圖從不流先濟,大師居中,駙馬懷圖與阿珠在後,仍授齊齊克圖方略曰:「汝軍既濟,勿與之戰,彼必來逆我,駙馬斷其後,汝伺便奪其船,蠻若潰走,至江無船,必為我擒矣。師既登岸,即與戰。」齊齊克圖違命,安南人雖大敗,得駕舟逸去。烏蘭哈達怒曰:「先鋒違我節度,國有常刑!」齊齊克圖懼,飲藥死。烏蘭哈達入安南,日煚遁入海島。蒙古得前所遣使於獄中,以破竹束體入膚,比釋縛,一使死,因屠其城。日煚請款,烏蘭哈達乃大饗軍士而還.

[14] 冬十一月,兀良合台伐交趾,敗之,入其國。安南主陳日煚竄海島,遂班師

[15] 七年丁巳十一月,兀良合台兵次交趾北,先遣使二人往諭之,不返,乃遣徹徹都等各將千人,分道進兵,抵安南京北洮江上,復遣其子阿朮往為之援,并覘其虛實。交人亦盛陳兵衛。阿朮遣軍還報,兀良合台倍道兼進,令徹徹都為先鋒,阿朮居後為殿。十二月,兩軍合,交人震駭。阿朮乘之,敗交人水軍,虜戰艦以還。兀良合台亦破其陸路兵,又與阿朮合擊,大敗之,遂入其國。日煚竄海島。得前所遣使於獄中,以破竹束體入膚,比釋縛,一使死,因屠其城。國兵留九日,以氣候鬱熱,乃班師。復遣二使招日煚來歸。日煚還,見國都皆已殘毀,大發憤,縛二使遣還。

八年戊午二月,日煚傳國于長子光昞,改元紹隆.

[16] 二月,陳日煚傳國于長子光昺。光昺遣婿與其國人以方物來見,兀良合台送詣行在所。

[17] 安南國王陳日煚傳國于長子光昺,光昺遣其婿以方物入貢於蒙古.