Lý Nhân Tông đối phó âm mưu xâm lăng của nhà Tống

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Niên Hiệu: Thái Ninh:1072-1075; Anh Vũ Chiêu Thắng:1076-1084; Quảng Hựu:1085-1091; Hội Phong: 1092-1110; Long Phù:1001-1109; Hội Tường Đại Khánh 1110-1119; Thiên Phù Duệ Vũ 1120-1126; Thiên Phù Khánh Thọ:1127.

Khác với 3 vị Vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông tiền nhiệm, nắm chính quyền lúc trưởng thành; Vua Nhân Tông lên ngôi lúc 7 tuổi, nên địa vị bà mẹ đẻ Linh Nhân Thái hậu lúc bấy giờ rất quan trọng. Thời con gái, Thái hậu gặp Vua Thánh Tông trong khung cảnh thơ mộng, bên khóm lan, nên được đặt tên là Ỷ Lan Phu nhân. Buổi gặp gỡ mang dấu ấn đặm đà trong lòng Vua; nên làng Thổ Lỗi quê Thái Hậu, nguyên chỉ là một làng tầm thường như tất cả các làng khác tại Bắc Ninh; được Vua đổi thành làng Siêu Loại. Ở địa vị được sủng ái, lúc Vua mất, con trai nối ngôi còn nhỏ tuổi; ắt phải có nhiều người xu phụ xui dục nắm quyền lực; Thái hậu nghe lời bèn xui Vua ban lệnh giết Thái hậu chính cung họ Dương, cùng cung nhân tùy tùng:

Lý Nhân Tông năm Thái Ninh thứ 2 [1073]. Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng:

‘Mẹ già khó mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?’

 Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Ngoài vết nhơ này, suốt cuộc đời Thái hậu Linh Nhân tỏ ra là người tốt, lại hối hận về chuyện cũ, còn Vua lúc đó còn trẻ thơ; nên Sử thần Ngô Sĩ Liện có lời bàn nặng lòng trắc ẩn như sau:

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy?” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Quả vậy, Lý Đạo Thành giữ chức Gián nghị đại phu, là vị quan có uy tín lúc bấy giờ, lặng lẽ rời triều đình ra coi châu Nghệ An xa xôi:

Lý Nhân Tông năm Thái Ninh thứ 2 [1073]. Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh châu ấy, ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Thời Vua Nhân Tông mới lên ngôi, nhằm giai đoạn tại Trung Quốc Vương An Thạch được trọng dụng, mấy lần Vua Tống Thần Tông vời ra làm Tể tướng. Vương An Thạch cho thi hành biến pháp, gồm những phép quan trọng như: Thanh miêu, mộ dịch, nông điền thủy lợi, thị dịch và bảo giáp.

Nội dung phép thanh miêu: cho nông dân vay lúc giáp hạt, đến mùa thu hoạch lấy 20-30/100 tiền lời; khiến mùa giáp hạt dân không đến nỗi chết đói, mà ngân quỹ nhà nước có thêm tiền.

Phép mộ dịch: bắt kẻ người nhiều, người ít; mỗi người phải đóng một số tiền gọi là tiền miễn dịch, địa chủ khoa bảng cũng phải đóng; rồi quan dùng tiền mướn sai dịch. Trước đó nhà Tống không bắt khoa bảng, chức sắc, sư sãi đóng, nay áp dụng cho mọi người; những người bận làm ruộng đóng để an tâm sản xuất; thành phần cố nông đi làm mướn, vô nghề nghiệp được mướn làm sai dịch để kiếm sống qua ngày.

Phép nông điền thủy lợi: cổ vũ khẩn hoang, hưng tu thủy lợi; khiến nông nghiệp sản lượng gia tăng.

Phép thị dịch: xuất tiền mua sản phẩm lúc rẻ, bán lúc đắt; nhắm điều hòa thị trường, giúp nhà nước có thêm tiền.

Phép bảo giáp pháp: chia dân tại hương thôn cứ 10 nhà thành 1 bảo, nhà 2 đinh [con trai lớn] lấy 1 bảo đinh, bắt luyện tập quân sự. Chủ trương đoàn ngũ hóa nông thôn; tăng quân, mà ít tốn kém.

Biến pháp đem ra thi hành, tuy cũng có công hiệu; nhưng dân bị nhũng nhiễu, nên các thành phần bảo thủ như Tư Mã Quang, Trình Di, cha con Tô Thức phản đối kịch liệt. Vương An Thạch ôm hoài bảo làm mạnh Trung Quốc, phía bắc muốn đánh các nước Liêu, Tây Hạ, phía nam thôn tính nước Đại Việt. Về nước Liêu, nhà Tống vẫn tiếp tục ôm mối nhục “hiệp ước Thiền Uyên” ký từ thời Vua Chân Tông [1005] hàng năm phải nạp cho Liêu 20 vạn xấp lụa, mười vạn lượng bạc. Tuy hận nhưng nước này vị trí tại phương bắc hiểm trở, quân Tống thử sức, bị thua nhiều lần, nên đành phải tạm gác. Tây Hạ tuy yếu hơn, nhưng nằm sát nách nước Liêu; nếu Tống bức bách quá, thì hàng Liêu; hai nước gộp binh, lại càng thêm nguy hiểm. Bởi vậy Vương An Thạch chủ trương đánh Đại Việt trước, nếu thành công sẽ dựa vào khí thế của đạo quân chiến thắng, tiến về phía tây bắc đánh nước Hạ, rồi tập trung vào mục đích cuối cùng tiêu diệt nước Liêu.

Thực hiện sách lược này, đầu tiên cho dùng lại Tiêu Chú làm Tri Quế Châu, phụ trách vùng Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây, Hải Nam]. Nhưng sau khi nhận việc, quan sát kỹ khả năng hai bên, Chú không đồng ý việc tấn công Đại Việt; lúc thôi việc, y có nhận xét như sau:

“Trường Biên quyển 219. Tống Thần Tông tháng giêng năm Hy Ninh thứ 6 [1073] Chú thôi giữ Quế Châu. Thiên tử hỏi Chú sách lược đánh hoặc giữ; Chú từ chối rằng:

‘Trước đây thần có ý như vậy; vì vào lúc đó dân khe động một người có thể chống lại 10; khí giáp sắc bén, những người thân tín có thể lấy tay chỉ để điều khiển. Nay binh giáp không hoàn bị như đường thời, những người tâm phục chết quá nữa, mà người Giao thì sinh sôi tập luyện cả 15 năm; bảo rằng dân chúng không đầy 1 vạn người, sợ là chuyện nói láo.[1]

Triều đình bèn dùng Thẩm Khởi, viên quan khăng khăng tuyên bố rằng có thể chiếm được nước Đại Việt nhỏ bé. Trong triều có kẻ chê Thẩm Khởi thiếu đảm lược; nhưng y được Vua che chở và Vương An Thạch ủng hộ:

Trường Biên, quyển 242. Tống Thần Tông ngày Tân Sửu tháng 2 năm Hy Ninh thứ 6 [7/4/1073], giao cho quyền Độ chi phó sứ Lang trung bộ Hình Tập hiền điện tu soạn Thẩm Khởi làm Thiên chương các đãi chế Tri Quế Châu, thay Tiêu Chú. Chú tại Quế Châu, từ Đặc Ma đến Điền Đống châu, các Tù trưởng xa gần đều đến; chú hỏi rành rọt núi sông, già trẻ mất còn; rất được vui lòng người, nhờ vậy tình hình Lý Càn Đức động tĩnh đều hay biết. Nhưng đề cập đến việc hiến sách bình Giao Chỉ, thì từ chối đã đốt đi rồi. Bấy giờ Thẩm Khởi nói Giao Châu tiểu xú, không thể không chiếm được, bèn bãi Chú; điều này căn cứ vào truyện chép về Chú….. Sau đó Khởi càng thi hành kế chinh thảo, cuối cùng bị bại.

Đương sơ, bàn về việc dùng Khởi, Phùng Kinh nói rằng Khởi trước đây làm Chuyển vận sứ Thiểm Tây, binh loạn tại Khánh Châu; Khởi đóng thành Trường An không dám ra, người ta ngờ rằng khiếp sợ. Thiên tử phán:

Giặc đến dưới thành, trong thành không có người trấn thủ phòng bị, sao lại không đóng thành, đây không phải là điều sai của Khởi?’

Vương An Thạch nói:                                                                                                

Khởi tại Thiểm Tây thực không bị sai lầm lớn. Thời đi Giang Ninh, thần từng tâu có thể lưu giữ. Quần chúng luận phản đối Khởi nhiều, vì Khởi từng biện chính Vương Thiều, Lý Sư Trung, phải, trái; nên bị người ghét. Bệ hạ bị ràng buộc bởi lời chê Khởi nên không dùng.[2]

Sợ các quan trong triều có lời dèm pha nên lúc nhận việc Thẩm Khởi xin tâu thẳng với Vua và Vương An Thạch, không phải qua trung gian; lại xin cho thám tử ra hoạt động ngoài biên giới; cả hai việc đều được nhà Vua chấp thuận:

Trường Biên, quyển 244. Tống Thần Tông ngày Mậu Dần tháng 4 năm Hy Ninh thứ 6 [14/5/1073], Tri Quế Châu Thẩm Khởi mới nhậm chức xin cho lộ này theo lệ của 4 lộ tại Thiểm Tây được trực tiếp tâu lên Thiên tử cùng ty Kinh lược chuyên ủy xử trí; được chấp thuận. Khởi lại xin cho người ra ngoài biên giới lo liệu, Thiên tử quay sang Vương An Thạch hỏi:

“Chỉ huy việc này như thế nào?”

Vương An Thạch xin chấp nhận lời xin. Thiên tử đáp:

“Có thể được.”

An Thạch ghi riêng việc này như sau:

Thiên tử ra lệnh Thẩm Khởi mật kinh chế việc Giao Chỉ, các công thần không được biết đến, phạm những điều tâu đều báo cho [An Thạch] nghe.”[3]

Sau khi Vua Thần Tông mất, Thám hoa Trần Quan [1057-1124] từng giữ chức Thái học bác sĩ bình luận về âm mưu gây hấn của nhà Tống tiết lộ rằng Vua Thần tông còn lưỡng lự vì dùng binh không có lý do; Vương An Thạch cãi lại rằng muốn dùng binh đừng sợ không có lý do, ý nói lý do rất dễ kiếm. Ngoài ra cho biết nhà Vua cố tình bao che cho An Thạch, An Thạch lại bao che cho Thẩm Khởi:

“Trường Biên, quyển 244. Tống Thần Tông ngày Mậu Dần tháng 4 năm Hy Ninh thứ 6 [14/5/1073] Trần Quan luận về sự việc, như sau:

An Thạch vào cáo với Thần khảo [ lời tôn xưng Vua đã mất] rằng:

‘Việc binh không đúng thời điểm không dùng được.’

Thần khảo bảo:

‘Dùng binh không có lý do, không được.’

An Thạch tâu:

‘Bệ hạ quả muốn dùng binh, đừng lo không có lý do.’

Do đó trong 7 năm chấp chính đã dùng binh 4 lần; Thần khảo khoanh tay chờ thành công; bất cứ công việc nào hể thắng thì qui công cho An Thạch, nếu không thắng thì qui lỗi vào chính mình. Hàn Xước thất bại tại phương tây, Thần khảo giảng chiếu trách tội mình; chưa từng trách An Thạch. Hy Hà[4] tấu công, lập tức cởi đai ngọc ban cho An Thạch và nói:

‘Không có khanh chủ mưu tại triều, thì không có sự thành công này.’

Việc dùng binh tại Mai Sơn, Chương Đôn nhận lệnh từ An Thạch, đến khi tấu công Thần khảo thăng chức cho Đôn và dùng. Việc Quảng Tây, Thẩm Khởi cũng nhận lệnh từ An Thạch, đến lúc thất bại, Thần khảo yểm hộ rằng việc sai lầm sinh sự từ Trung Thư,[5] theo lời An Thạch tha tội chết cho Thẩm Khởi và chưa từng trách An Thạch. Thần khảo cư xử với An Thạch có thể nói rằng rất hậu; An Thạch báo đáp Thần khảo nên như thế nào?

….Thẩm Khởi khiêu khích dân man, khiến cho Giao Chỉ phạm biên cương; vây hãm Ung châu, Khâm, Liêm thất thủ; kẻ sinh sự là Khởi, mọi người đều biết; tạo mưu là An Thạch, mọi người không biết hết. Lúc việc biên giới chưa gây nên, Thần khảo đã có chiếu thư bãi Khởi, bảo rằng:

‘Việc dùng binh Hy Hà chưa chấm dứt, Thẩm Khởi tại phương nam lại gây việc dẫn đến khiêu khích’

Muốn trị tội Khởi để yên trong ngoài; nhưng An Thạch không chịu phụng chiếu. Năm sau quả có sự biến, dân ba châu gan óc lầy đất, mấy lộ tao động, riêng một người[6] lao khổ. Đương thời chiếu ban sinh linh một lộ, lâm vào cảnh giết chóc, trách nhiệm gây nên, tội tất tại Khởi. Nhưng Khởi sở dĩ không bị chết, là nhờ An Thạch bảo hộ. Thần khảo mấy lần trái lời xin, không muốn thi hành đến nơi. An Thạch rút lui rồi viết sách, truy cứu ghi việc này, bảo rằng Thẩm Khởi kinh chế, đều mật mưu với vua, các Công đều không tham dự; những điều Khởi tâu Thiên tử đều chấp nhận. Ô hô! 4 lần gây sự biên giới, 2 bại, 2 thắng; 2 lần thắng đều qui công cho mình, 2 lần bại thì đổ oán vào Thiên tử; những lời của Lữ Hối[7] đã sớm biện biệt ra.[8]

Chuẩn bị cho việc xâm lăng Đại Việt, Thẩm Khởi cho thi hành phép bảo giáp, thường xuyên tổ chức hành quân tuần thám tại biên giới nhằm tăng cường đe dọa các bộ tộc thiểu số tại nước ta, mưu đồ chiêu dụ uy hiếp các các khe động theo chúng, dưới danh nghĩa hoa mỹ là “ Qui minh 歸明”.[9] Về phép bảo giáp, y cho đoàn ngũ hóa nông thôn, cùng sai quan tập luyện bảo đinh tại 51 khe động thuộc tỉnh Quảng Tây:

Trường Biên, quyển 244. Tống Thần Tông ngày Nhâm Thìn tháng 4 Hy Ninh thứ 6 [28/5/1073], viên tân Tri Quế Châu Thẩm Khởi xin cho 51 khe động cùng bày thành bảo giáp, sai quan tập luyện; được chấp thuận.”[10]

Đồng bộ với kế hoạch, Đô giám Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] Dương Tòng Tiên cũng tâu về triều đã huấn luyện được mấy chục vạn bảo đinh:

Trường Biên, quyển 246. Tống Thần Tông ngày Nhâm Thân tháng 8 năm Hy Ninh thứ 6 [5/9/1073], Trú bạc đô giám Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] Dương Tòng Tiên tâu:

“Lộ này quân binh 1 vạn 4 ngàn, nay bày ra bảo giáp nếu cho 2 đinh lấy 1, thì số bảo đinh là 25 vạn 8 ngàn; nếu 3 đinh lấy một 1, thì số bảo đinh là 13 vạn 4 ngàn;[11] tối thiểu thí số bảo đinh gấp 10 lần số quân binh. Xin ủy quyền cho lộ phân công 2 viên Đô giám và Đề cử huấn luyện.”

Chiếu cho Ty Nông Tự định rõ điều ước rồi trình lên. Sau đó có lệnh ban, hộ loại đệ tứ trở lên cứ 3 đinh lấy 1 người; cứ 100 người làm 1 đô, 5 đô thành 1 chỉ huy. Từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, ngày trăng tròn duyệt tập 1 phiên, cứ 3 ngày một lần tỷ thí, đợi cho tài nghệ cao mới cho trở về. Bản Chí cũng chép như vậy.”[12]

Thẩm Khởi giao cho Chuyển vận phán quan Đỗ Phác lên lịch tổ chức các cuộc hành quân tuần thám tại biên giới, được triều đình chấp thuận:

Trường Biên, quyển 247. Tống Thần Tông ngày Ất Hợi tháng 10 năm Hy Ninh thứ 6 [7/11/1073], Tri Quế Châu Thẩm Khởi tâu:

‘Khe động tại Tả, Hữu Giang Ung Châu, các viên ty chức trước chưa từng ra lịch đi tuần, nay Chuyển vận phán quan Đỗ Phác đầu tiên thực hiện, sợ vì vậy các man kinh sợ nghi ngờ.’

Chiếu ban cho Phác y theo lệ cũ mà làm, việc huấn luyện binh giáp tại các động lệnh ty kinh lược sai quan thi hành.”[13]

Vào thời Tống Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, nhà Tống đặt tên là châu Thuận An; đến thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, đổi là châu Qui Hóa. Nhắm mua chuộc các châu này, cùng làm mồi nhử các khe động tại biên giới nước ta, triều Tống thăng quan cho các viên chúa động:

Trường Biên, quyển 244. Tống Thần Tông ngày Bính Tý tháng 4 năm Hy Ninh thứ 6[12/5/1073], ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Câu đương công sự Ôn Cảo tâu:

“Chiếu chỉ bổ Nùng Tôn Đán, Nùng Trí Hội làm Tướng quân; vì dân di không biết chức quan này, muốn xin một chức Cận thượng ban hoặc Phó sứ.”

Chiếu ban cho Tông Đán và Trí Hội đều giữ chức Cung bị khố phó sứ, Tôn Đán làm Đô giám Quế Châu, Trí Hội làm Tri Qui Hóa châu.”[14]

Bấy giờ tại biên giới nước ta các bộ tộc thiểu số có các họ nổi tiếng nhiều quyền lực như Nùng, Thân, Hoàng, Lưu, Vi vvv….; nhắm chặt chân tay, làm suy yếu Đại Việt, nhà Tống ra sức lôi kéo. Những người gửi đi dụ dỗ, tung tin rằng Lưu Kỷ, Tù trưởng châu Quảng Nguyên [Cao Bằng] muốn hàng; bộ tham mưu triều Tống đem sự việc ra họp bàn; nhưng điều này thiếu căn cứ, sự thực thì sau này Lưu Kỷ vẫn tiếp tục chống lại Tống:

Trường Biên, quyển 247. Tống Thần Tông ngày Bính Thân tháng 10 năm Hy Ninh thứ 6 [28/11/1073], Thẩm Khởi tâu:

‘Lưu Kỷ đất Giao Chỉ muốn qui thuận, triều đình chưa cho, sợ sẽ gây sự giống như Nùng Trí Cao.’

Thiên tử hỏi các quan chấp chính, đều cho rằng chưa thể hứa với Lưu Kỷ, hứa cho Lưu Kỷ Giao Chỉ tất tranh. Vương An Thạch tâu:

‘Nghe tin Ôn Cảo [Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ] sắp tới, đợi Ôn Cảo tới, thượng lượng tìm ra hướng giải quyết.’

Thiên tử bảo:

‘Việc Giao Chỉ có thể hiểu, chỉ sợ Thẩm Khởi hiểu không đến nơi.’

An Thạch tâu:

‘Khởi thường tự phụ coi thường, nhưng việc binh rất khó, chỉ mong rằng Khởi không coi thường.’

Phùng Kinh tâu:

‘Giao chỉ làm sao có thể đồng lòng được; e rằng dân này cấu kết với nhau không vững, không được như người Khương.’[15]

An Thạch tâu:

‘Tại Giao Chỉ giữ chức quan trọng phần nhiều là người man [Việt], như vậy thổ dân [dân thiểu số] không đủ để dựa’

 Sự việc ghi vào ngày 27.”[16]

Một sự kiện gây căng thẳng khiến khó hàn gắn được mối bang giao Tống – Lý, đó là việc Thẩm Khởi cho người móc nối chiêu dụ Tù trưởng Nùng Thiện Mỹ tại châu Ân Tình.[17] Vị trí châu này theo Đồng Khánh Dư Địa Chí thuộc huyện Cảm Hóa tỉnh Thái Nguyên; nhưng theo văn bản Trường Biên[18] thì châu Ân Tình tại Thất Nguyên, tức Thất Khê, Lạng Sơn ngày nay; phải chăng lúc này lãnh thổ châu Ân Tình kéo dài ra đến tận Thất Khê gần biên giới. Vì cách hành xử thiếu khéo léo của Khởi, nên y bị mất chức; Vua Tống cho Lưu Di thay thế:

Trường Biên, quyển 251.Tống Thần Tông ngày Canh Tý tháng 3 năm Hy Ninh thứ 7 [1/4/1074], mệnh Tri Kiền châu [Giang Tây] Đô quản viên ngoại lang Lưu Di Trực sứ quán Tri Quế châu. Tri Quế châu Lang trung bộ Hình Thiên chương các đãi chế Tập hiền điện tu soạn Thẩm Khởi lệnh đến Đàm châu [Hồ Nam] đợi nghe chiếu chỉ. Trước đó Chuyển vận sứ Quảng Tây Trương Cận tâu Đô tuần kiểm Tiết Cử tự tiện thu nhận Nùng Thiện Mỹ vào đất tỉnh, nhưng Thẩm Khởi không cấm; Thiên tử phê:

Hy Hà dùng binh chưa xong, mà Thẩm Khởi tại phương nam còn làm việc thưởng sai, sinh sự với dân man; nếu không sớm làm việc bình trị, thì gây cho Trung Quốc mối hoạn lớn, thực không thể sơ hốt. Cần cấp tốc nghị bàn việc bãi Khởi, trị việc tự tiện chiêu nạp, để yên trong ngoài.’

Do đó Trung thư tỉnh xin cho Tôn Cấu hoặc Khang Vệ thay Khởi. Bấy giờ Cấu làm Chuyển vận sứ Kinh Hồ Bắc Lộ [Hồ Bắc], Vệ giữ chức Tri Đàm châu [Hồ Nam]. Thiên tử phê:

Chương Đôn chẳng mấy lâu sẽ tới kinh khuyết, việc tại Hồ Bắc cần Tôn Cấu lo liệu; còn Khang Vệ là người như thế nào? Nếu Hùng Bản có thể dừng việc, để đi thì rất tốt.”

Nhưng bọn Vương An Thạch, Trần Thăng Chi đều tâu Bản mới giữ chức Kinh lược về dân di tại Lô châu [Tứ Xuyên]; Lô châu, Quế châu cách nhau xa, mà Quảng Tây thì cần người gấp. Phát vận phó sứ Giang Hoài Trương Hiệt, Tri Kiền châu Lưu Di có thể dùng thay Khởi, nhưng Di tiện đường, đến Quế châu gần hơn. Bèn ban chiếu sai Di đi, vẫn ra lệnh ước thúc giống như trước kia đã sai Khởi; lại bảo Di bao dung việc Khởi dung nạp Nùng Thiện Mỹ. Sau đó Di tâu việc dung nạp Thiện Mỹ; triều đình vẫn ra lệnh cho Thẩm Khởi giữ chức Tri Đàm châu.”[19]

Sự việc châu Ân Tình triều Tống biết là sai, nội bộ thì cách chức Thẩm Khởi; nhưng với lòng tham lam bành trướng, nên khi Vua Lý Nhân Tông đòi trả lại Vua Tống vẫn khăng khăng từ chối, hành động này châm ngòi cho cuộc chiến tiếp đó xảy ra:

Trường Biên, quyển 259. Tống Thần Tông ngày Kỷ Vị tháng giêng năm Hy Ninh thứ 8 [14/2/1075], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức [Lý Nhân Tông] dâng biểu tâu rằng:

Thủ lãnh châu Ân Tình Ma Thái Dật là người châu Định Biên của bản đạo, rời chỗ ở đến châu Ân Tình; nay đổi tên xưng là Nùng Thiện Mỹ, cùng thuộc hạ hơn 700 người chạy qua đất của tỉnh [Quảng Tây], xin điều tra tận gốc.’

Trước đó, Kinh lược sứ Quảng Nam Tây Lộ Thẩm Khởi tâu:

Tri châu Ân Tình Nùng Thiện Mỹ cùng gia thuộc hơn 600 người qui minh đến châu Thất Nguyên. Thần khám xét về bọn Nùng Thiện Mỹ trước kia thuộc châu Thất Nguyên là nơi thôn động của tỉnh nội địa quản hạt; mấy năm trước do Giao Chỉ xâm chiếm, đổi là châu Ân Tình. Do sự đòi hỏi thuế má phục dịch phiền khổ, nên đưa người đến qui phụ; nếu không nhận, tức sẽ bị Giao Chỉ giết.’

Chiếu ban cho phép qui thuận, cấp tuất nhiều. Đến nay, Càn Đức lại đem lời yêu cầu, bèn ban chiếu cho lộ Quảng Tây điều tra rồi gửi điệp văn lên; cuối cùng gửi chiếu cho Càn Đức không chấp nhận lời xin. (Căn cứ Giao Chỉ vương truyện)”[20]

————

[1] 六年正月注罷桂州。上問注攻取之策,注辭曰:「臣昔者意嘗在此。方是時,溪洞之兵一可當十,器甲犀利,其親信之人皆可指手役使。今兵甲無當時之備,腹心之人死亡大半,而交人生聚教訓之又十五年矣。謂其眾不滿萬,恐傳者之妄也。

[2] 辛丑,權度支副使、刑部郎中、集賢殿修撰沈起為天章閣待制、知桂州,代蕭注也。注在桂州,自特磨至田凍州酋長遠近狎至,注問其山川曲折、老幼存亡,甚得其懽心,故李乾德動息必知之。然有獻策平交州者,輒火其書。會起言交州小醜無不可取之理,乃罷注歸。此據注本傳。十一月甲子,用注遺表推恩,當并此【一七】。其後起更為征討計,卒以此敗。

初,議用起,馮京言起前為陝西轉運使,慶州兵亂,起閉長安城不敢出,人疑其怯。上曰:「賊到城下,城中又無人守備,安可不閉城?此非起過也。」王安石曰:「起在陝西誠無大過。去江寧時,臣嘗奏以為可留,眾論所以攻起尤切者,蓋以起嘗辨正王韶、李師中曲直,故為人所惡,陛下牽於眾毀,故不欲留起耳。

[3] 新知桂州沈起,乞自今本路有邊事,依陝西四路止申經略司專委處置及具以聞,從之。起又乞差人出外界勾當,上顧王安石曰:「如何指揮?」安石請依所乞,劄與監司,上曰:「可。」安石私記又云:「上令起密經制交趾事,諸公皆不與聞,凡所奏請皆報聽。

[4] Hy Hà: năm Hy Ninh thứ 8 [1075] mở biên giới chiếm được Hy Châu [Lâm Thao, Cam Túc], Hà Châu [Lâm Hạ, Cam Túc] của Tây Hạ.

[5] Trung Thư: cơ quan trực tiếp phụ giúp Vua.

[6] Một người: ý chỉ Vua Thần Tông.

[7] Lữ Hối [1014-1071], thời Tống Thần Tông giữ chức Ngự sử trung thừa; kịch liệt phản đối biến pháp của Vương An Thạch.

[8] 陳瓘論曰:安石入告之言曰:「兵無時不可用。」神考曰:「用兵安可無名?」安石曰:「陛下若果欲用兵,何患無名?」於是七年執政而四作邊事,神考垂拱仰成,任其所為,事成則歸功於安石,事不成則引咎於己。韓絳西事既敗,神考降詔罪己,未嘗責安石也。熙河奏功,則解玉帶以賜安石曰:「非卿主謀於內,無以成此。」梅山用兵,章惇受旨於安石,及其奏功,則神考擢惇而驟用之。廣西之事,沈起亦受旨於安石,及其敗也,神考掩護中書生事之過,曲從安石,貸起之死,而亦未嘗責安石也。神考之於安石,可謂厚矣,安石之所以報上者,宜如何哉?臣今考日錄,安石於熙河、梅山先書李若愚妄沮王韶,而神考崇長若愚;又先書經制成算已付章惇,而神考為人游說,即欲改授蔡燁,然後言王韶、章惇必可任使之意,以謂能知王韶者安石也,非神考也。矜主謀之功,返復張大,至于數十萬言,自謂有天地以來無此功矣。至于韓絳敗事,則曰:「陛下于一切小事勞心,于一大事獨誤。」又曰:「若陛下詳慮熟計,則必無可悔之事。」夫安石自作可悔之事,而恣為誣誕歸過之言,神考愛民之志,孚於天下,此等誣辭可累天德【三】,但臣子之心不能平耳。沈起引惹蠻事,致令交趾犯邊,圍陷邕州,欽、廉失守,生事者起,人皆知之,造謀者安石,人不盡知也。邊事未作之時,神考有罷起之詔,曰:「熙河用兵,未有息期,沈起又於南方造作引惹。」欲治起罪,以安中外,安石不肯奉詔,明年果有事宜,三州之民,肝腦塗地,數路騷動,一人焦勞。當時詔語以謂一路生靈,橫遭屠戮,職在致寇,罪悉在起。然起之所以得不死者,良以安石護起,神考重違其請,不欲盡行耳。安石退而著書,追記其事,則謂沈起經制,皆上密謀,諸公皆不與聞,起所奏乞,上皆許之。嗚呼!四作邊事,二敗二勝,二勝則掠美於己,二敗則歛怨於君,呂誨之言,辨之早矣。

[9] Qui minh 歸明: có nghĩa là theo con đường sáng; từ ngữ mang nặng tính tự cao, dùng để chỉ dân các nước lân bang bỏ theo Trung Quốc.

[10] 新知桂州沈起乞以邕州五十一溪洞洞丁排成保甲,遣官教閱,從之。

[11] Dịch nguyên văn, có lẽ các con số chép sai.

[12] 廣南東路駐泊都監楊從先言:「本路槍手萬四千,今排保甲,若兩丁取一,得丁二十五萬八千,若三丁取一,得丁十三萬四千。自少計之,猶十倍於槍手。願委路分都監二員,分提舉教閱。」詔司農寺詳定條約以聞。其後,戶自第四等以上,有丁三者以一為之,每百人為一都,五都為一指揮。自十一月至次年二月,每月輪一番閱習,每三日一比試,事藝高者先次放歸。」本志同此。

[13] 知桂州沈起言:「邕州左、右江溪洞,前此職司未嘗巡歷。今轉運判官杜璞獨往,慮諸蠻以故驚疑。」詔璞依故例出巡,其入洞點檢教閱兵甲,即令經略司差官。

[14] 廣南西路經略司勾當公事溫杲言:「詔補儂宗旦、儂智會等為將軍,以夷人不知此官,欲乞一近上班行或副使。」詔宗旦、智會並為供備庫副使,宗旦桂州都監,智會知歸化州。

[15] Khương: dân tộc thiểu số tại tây nam Trung Quốc.

[16] 沈起言:「交趾劉紀欲歸明,不納,必恐如儂智高。」上問執政交趾事,僉以為未可許劉紀【二四】,許劉紀,交趾必爭。王安石曰:「聞溫杲已來,乞候溫杲到,商量取旨。」上曰:「交趾可了,但恐沈起了不得。」安石曰:「起自以為易了,然兵事至難,誠恐起未易了。」馮京曰:「交趾安能一心,但恐其人相與之固,不如羌人爾。」安石曰:「交趾所任,乃多是閩人,必其土人無足倚仗故也。」二十七日事。

[17] Châu Ân Tình: Theo Đồng Khánh Dư Địa Chí xã Ân Tình, thuộc tổng Lương Thượng, huyện Cảm Hóa tỉnh Thái Nguyên; huyện Cảm Hóa nay thuộc huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Cạn và huyện Ngân Sơn tỉnh Cao Bằng.

[18] Trường Biên, quyển 259. Năm Hy Ninh thứ 8 [1075].

[19] 知虔州、都官員外郎劉彞【一】直史館、知桂州。知桂州、刑部郎中、天章閣待制、集賢殿修撰沈起令於潭州聽旨。初,廣西轉運使張覲言都巡檢薛舉擅納儂善美於省地而起不之禁,上批:「熙河方用兵未息,而沈起又於南方干賞妄作,引惹蠻事,若不早為平治,則必滋長為中國巨患,實不可忽。宜速議罷起,治其擅招納之罪,以安中外。」於是中書請以孫構【二】或康衛代起。

時構為荊湖北路轉運使,衛知潭州。上批:「章惇不久赴闕,湖北事恐且須孫構照管,康衛不知其為人如何?若熊本可輟以往甚善。」而王安石、陳升之等皆言,本方經畫瀘州夷事,瀘、桂相去絕遠,而廣西即今須人應接;江淮發運副使張頡、知虔州劉彞恐可使代起,而彞便道趨桂尤近。乃詔遣彞,而又令以前日付起約束付之,且使彞體量起納善美事。後彞體量奏至,仍命起知潭州。沈起知潭州。

[20] 交趾郡王李乾德表言,恩情州首領麻泰溢是本道定邊州人,移住恩情,今改稱儂善美,與其屬七百餘人逃過省地,乞根問。先是,廣南西路經略使沈起言:「知恩情州儂善美與其家屬等六百餘人歸明至七源州。臣勘會儂善美等,舊係省地七源州管下村峒,往年為交趾侵取,改為恩情州。以賦役誅求煩苦來歸,不納,必為交趾所戮。」詔聽歸明,厚加存恤。至是,乾德以為言,乃詔廣西路經略司勘會牒報,賜乾德詔不許。賜詔語不許,據交趾王傳。