Mỹ giảm quân tại Đức: Động thái sai lầm?

Nguồn: Trump’s Spite-Germany Plan”, Wall Street Journal, 29/07/2020.

Biên dịch: Trần Hùng

Bên dưới những lời chỉ trích của giới truyền thông, khó có thể tách bạch được điều tốt điều xấu trong chính sách đối ngoại không chính thống của Tổng thống Trump. Một số sáng kiến ​​bị giới tinh hoa chính sách đối ngoại khinh miệt lại tỏ ra khôn ngoan, như rút ra khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí thất bại. Tuy nhiên, kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm rút gần 12.000 lính Mỹ khỏi Đức không đơn thuần là một bước đi của một thiên tài dân túy. Nó đã giáng một đòn mạnh vào các lợi ích của Mỹ trong khi không giành được mục tiêu tiết kiệm chi phí mà ông Trump tuyên bố.

Trong bối cảnh mối quan hệ với Thủ tướng Đức Angela Merkel xấu đi, ông Trump hồi tháng 6 đã ra lệnh cho hàng ngàn lính Mỹ rút khỏi nước này. Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã phác thảo kế hoạch này. Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đức xuống còn 24.000 ngườitừ mức 36.000, với khoảng 5.600 người được chuyển đi các nước khác ở châu Âu, bao gồm Bỉ và Ý, và 6.400 người được đưa về Mỹ.

Lầu Năm Góc đang trình bày động thái này như là một biện pháp cải thiện tính linh hoạt của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ tại Đức, cùng với cơ sở hạ tầng và khối tri ​​thức được xây dựng qua nhiều thập niên, có vị trí chiến lược tại trung tâm địa chính trị và kinh tế của Châu Âu. Di chuyển lực lượng về phía nam hoặc phía tây châu Âu là một sự rút lui làm giảm khả năng của Mỹ trong việc tiến vào chiến trường nếu Nga thực hiện một động thái quân sự. Các quốc gia đang trong tình trạng nợ nần như Ý hay Tây Ban Nha khó có thể chi trả nhiều hơn một nước Đức giàu có cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ.

Chính quyền Obama năm 2012 và 2013 đã rút các lữ đoàn chiến đấu của Mỹ ra khỏi Đức và Vladimir Putin đã phản ứng bằng cách xâm chiếm Ukraine vào năm 2014. Điện Kremlin sẽ nhận được những tín hiệu tương tự từ động thái của Tổng thống Trump. Esper cho biết một số lực lượng sẽ được chuyển đến Ba Lan, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào để thực hiện việc này. Một đề nghị hợp lý là chuyển Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ, hiện đặt trụ sở tại Đức, sang Nam Âu để gần Địa Trung Hải hơn.

Đối với những binh sĩ về nước, ông Esper cho biết nhiều người sẽ quay trở lại với những nhiệm vụ luân chuyển tại khu vực Biển Đen. Điều này cũng sẽ tốn kém. Wall Street Journal báo cáo rằng việc rút quânkhỏi Đức có thể tiêu tốn từ 6 đến 8 tỷ đô la.

Ông Trump thiếu kiên nhẫn về việc Đức không đáp ứng các cam kết quốc phòng của NATO, sự ủng hộ của Đức đối với dự án đường ống khí đốt của Nga, và sự ngây thơ về Trung Quốc. Ông có thể chọn biện pháp khác là nhấn mạnh điểm cuối cùng bằng cách tuyên bố rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện là chiếntrường quan trọng hơn châu Âu và chuyển một vài ngàn quân Mỹ đến châu Á để gây áp lực với Berlin.

Thay vào đó, ông dường như đã làm suy yếu vị thế quân sự của Mỹ – di chuyển lực lượng của Mỹ để trừng phạt Đức, trong khi nhiều binh sĩ sẽ được chuyển đến các quốc gia vốn cũng sẽ không thực hiện đủ vai trò của mình. Và giữa một chiến dịch bầu cử, ông đang làm suy yếu một lập luận mà ông đã duy trì bằng hành động trong ba năm qua, rằng ông cứng rắn hơn so với Đảng Dân trong việc đối phó với Putin. Những độngthái chính sách đối ngoại thất thường vẫn là rủi ro lớn nhất nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai.