Chiến lược đối phó với một nước Nga đang suy thoái

Print Friendly, PDF & Email

moscow_1375008c

Tác giả: Joseph S. Nye | Biên dịch: Nguyễn Hoàng Minh

Nhóm Chiến lược Aspen, một nhóm phi đảng phái gồm những chuyên gia về chính sách đối ngoại mà cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Brent Scowcroft và tôi đồng chủ trì, gần đây đã trăn trở với vấn đề làm thế nào để đối phó lại những hành động của Nga tại Ukraine. Và giờ đây NATO cũng đang phải vật lộn với cùng vấn đề như vậy.

Dù phương Tây phải chống lại thách thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với quy tắc từ sau năm 1945 là không yêu sách đòi lãnh thổ bằng vũ lực, họ không thể hoàn toàn cô lập Nga, một nước có nhiều lợi ích chồng chéo với phương Tây về an ninh hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, Bắc Cực và các vấn đề khu vực như Iran và Afghanistan. Hơn thế nữa, yếu tố địa lý đơn giản mang lại cho Putin lợi thế trong bất kì sự leo thang nào của cuộc xung đột tại Ukraine.

Giận dữ trước các mánh khóe lừa bịp của Putin là hoàn toàn bình thường, nhưng đó không phải là một chiến lược. Phương Tây cần đặt ra các hình phạt về tài chính và năng lượng để răn đe Nga ở Ukraine; nhưng cũng cần tránh quên mất sự cần thiết phải làm việc với Nga về những vấn đề khác. Làm hài hòa những mục tiêu này không hề dễ, và sẽ không bên nào được lợi từ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Do đó, không có gì ngạc nhiên rằng khi bàn đến những khuyến nghị chính sách cụ thể, Nhóm Aspen đã bị chia rẽ giữa những người muốn cứng rắn và những người muốn đàm phán, làm việc với Nga.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này nên được đặt vào góc nhìn dài hạn: Kiểu nước Nga nào mà chúng ta hi vọng được nhìn thấy trong một thập kỉ tới? Bất chấp việc sử dụng vũ lực một cách hiếu chiến của Putin và sự tuyên truyền dữ dội, Nga vẫn là một nước đang suy thoái. Chiến lược hướng Đông phi tự do của Putin trong khi khởi xướng cuộc chiến tranh phi truyền thống về phía Tây sẽ biến Nga thành một trạm khí đốt của Trung Quốc, đồng thời cách ly nền kinh tế nước này ra khỏi tư bản, công nghệ và các mối liên lạc với phương Tây mà Nga cần.

Một vài người chống Nga có thể chào đón sự suy thoái của đất nước này trên cơ sở rằng vấn đề bản thân nó sẽ tự giải quyết. Nhưng điều đó là thiển cận. Một thế kỉ trước, sự sụp đổ của Áo-Hung và đế chế Ottoman đã phá vỡ mạnh mẽ hệ thống quốc tế. Một sự sụp đổ từ từ, như trường hợp của đế chế La Mã cổ đại hay Tây Ban Nha thế kỉ thứ 18, thì ít nguy hại hơn một sự sụp đổ nhanh chóng, nhưng cuối cùng thì viễn cảnh tốt nhất vẫn là một nước Nga hồi phục và tái cân bằng trong thập kỉ tới.

Bằng chứng về sự suy thoái của Nga có ở khắp mọi nơi. Sự gia tăng giá dầu ở đầu thế kỉ này mang lại cho nền kinh tế Nga một sự kích thích nhân tạo, dẫn đến việc Goldman Sachs đưa Nga vào danh sách một trong những thị trường chính lớn đang nổi lên trên thế giới (một trong những thành viên của nhóm BRICs, cùng với Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc). Tuy nhiên, ngày nay sự tăng trưởng đó đã tan biến. GDP của Nga chỉ bằng khoảng một phần bảy của Mỹ, và thu nhập bình quân đầu người với mức 18,000 USD (tính theo sức mua ngang giá) chỉ bằng một phần ba so với của Mỹ.

Dầu lửa và khí đốt chiếm hai phần ba giá trị xuất khẩu của Nga, chiếm một nửa doanh thu ngân sách cả nước, và 20% GDP, trong khi xuất khẩu công nghệ cao chỉ chiếm 7% lượng xuất khẩu hàng hóa chế tạo (so với 28% của Mỹ). Các nguồn tài nguyên được phân bổ kém hiệu quả trong nền kinh tế, cùng với cấu trúc thể chế và pháp lý tham nhũng làm cản trở đầu tư tư nhân. Bất chấp sự hấp dẫn của nền văn hóa Nga truyền thống và những lời kêu gọi của Putin nhằm nâng cao sức mạnh mềm của Nga, hành động côn đồ của Putin đã gieo rắc sự mất lòng tin. Gần như không người nước ngoài nào xem phim Nga, và không đại học nào của Nga lọt vào top 100 đại học tốt nhất thế giới năm vừa qua.

Khả năng xảy ra sự chia cắt sắc tộc thấp hơn thời Liên Xô, nhưng nó vẫn là một vấn đề ở Caucasus (Cáp-ca-dơ – một vùng đất rộng lớn nằm giữa Biển Đen và Biển Caspi – ND). Những sắc tộc khác ngoài người Nga chiếm một nửa dân số của Liên Xô; và giờ họ chiếm 20% dân số và 30% lãnh thổ Liên bang Nga.

Hệ thống y tế công cộng đang trong tình trạng lộn xộn. Tỷ lệ sinh đang giảm, tỷ lệ tử vong đã và đang tăng cao, và trung bình nam giới ở Nga chết ở độ tuổi đầu 60. Những nhà nhân khẩu học Liên Hợp Quốc dự đoán rằng dân số Nga có thể sụt giảm từ 145 triệu người ngày nay xuống còn 121 triệu người vào khoảng giữa thế kỉ này.

Tuy nhiên, dù Nga vào thời điểm hiện nay có vẻ như là một nền công nghiệp yếu kém, rất nhiều viễn cảnh tương lai vẫn có thể xảy ra. Nga có nguồn nhân lực tài năng, và một số lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng vẫn có thể sản xuất ra những sản phẩm tinh vi. Một số nhà phân tích tin tưởng rằng với sự tái cấu trúc và hiện đại hóa, Nga sẽ có thể vượt qua các vấn đề hiện tại.

Cựu Tổng thống Dmitri Medvedev, người đã lo lắng rằng Nga sẽ rơi vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình hơn là phát triển đến vị thế của một nước phát triển, đã đưa ra các kế hoạch để thực hiện điều đó. Nhưng gần như không có kế hoạch nào được thi hành do nạn tham nhũng tràn lan. Dưới thời Putin, sự chuyển hóa hậu đế quốc của Nga đã thất bại, và Nga vẫn còn bị ám ảnh về vị trí của mình trên thế giới và bị giằng xé giữa bản sắc Sla-vơ và bản sắc châu Âu lịch sử.

Putin thiếu một chiến lược cho sự phục hồi dài hạn của Nga và phản ứng một cách cơ hội – dù thỉnh thoảng vẫn thành công trong ngắn hạn – đối với sự bất ổn trong nước, những mối đe dọa bên ngoài theo nhìn nhận của Nga, và sự yếu kém của những nước bên cạnh. Nga do đó đã trở thành một kẻ phá đám xét lại đối với nguyên trạng quốc tế – một quốc gia đang tìm cách trở thành chất xúc tác cho những cường quốc xét lại khác.

Tuy nhiên hệ tư tưởng phản tự do và chủ nghĩa dân tộc Nga là một nguồn lực nghèo nàn về quyền lực mềm mà đất nước này cần để nâng cao sức ảnh hưởng tại khu vực và trên thế giới. Do vậy, những viễn cảnh về một Liên minh Á-Âu do Nga lãnh đạo có thể cạnh tranh với Liên minh Châu Âu là rất hạn chế.

Dù hậu quả từ chủ nghĩa xét lại của Putin là gì đi nữa, thì vũ khí hạt nhân, dầu lửa và khí đốt, kĩ năng công nghệ máy tính, và sự gần gũi với châu Âu của Nga sẽ mang đến cho Putin các nguồn lực khác để gây ra các vấn đề cho phương Tây và hệ thống quốc tế. Đề ra và thực hiện một chiến lược nhằm kiềm chế hành vi của Putin trong khi vẫn duy trì được sự can dự lâu dài với Nga là một trong những thử thách khó khăn nhất mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt ngày nay.

Joseph S. Nye đã từng giữ các chức vụ trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ và hiện là giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả, gần đây nhất, của 2 cuốn sách “Presidential Leadership” và “the Creation of the American Era”.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate