13/08/1981: Reagan ký Đạo luật Thuế Phục hồi Kinh tế (ERTA)

Nguồn: Reagan signs Economic Recovery Tax Act (ERTA), History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1981, tại tư trang Rancho del Cielo của mình ở California, Ronald Reagan đã ký Đạo luật Thuế Phục hồi Kinh tế (Economic Recovery Tax Act, ERTA) – một gói giảm thuế và ngân sách mang tính lịch sử, trở thành nền tảng chính sách kinh tế cho chính quyền của ông.

Trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 1980, Reagan đã ủng hộ “kinh tế trọng cung” (supply-side economics), lý thuyết sử dụng cắt giảm thuế làm động lực khiến các cá nhân và doanh nghiệp làm việc và sản xuất hàng hóa (cung) thay vì khuyến khích người tiêu dùng mua hàng (cầu). Tại Quốc Hội, Hạ nghị sĩ Jack Kemp (Đảng Cộng hòa, bang New York) và Thượng nghị sĩ Bill Roth (Đảng Cộng hòa, bang Delaware), từ lâu đã ủng hộ các nguyên tắc trọng cung đằng sau ERTA, nên văn bản này còn được gọi là Đạo luật Kemp-Roth.

Được ủng hộ rộng rãi bởi cả hai đảng trong Quốc hội, dự luật đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tiến trình chính sách thuế thu nhập liên bang, bởi cho đến khi ấy, hầu hết mọi người đều tin rằng kích cầu trong thời kỳ suy thoái là điều tốt nhất.

Nội dung của ERTA gồm việc giảm 25% thuế suất biên cho các cá nhân trong vòng hơn ba năm và sẽ điều chỉnh theo lạm phát kể từ thời điểm đó. Thuế suất cận biên (marginal tax rate), hay tỷ lệ thuế phát sinh trên một đô la thu nhập tăng thêm, được xem là có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế hơn là thuế suất trung bình (average tax rate, tỷ trọng thu nhập phải nộp thuế trong tổng thu nhập), vì nó ảnh hưởng đến thu nhập thông qua các “hoạt động khác” (extra activities) như giáo dục, kinh doanh hoặc đầu tư. Theo thuyết này, việc giảm thuế suất biên sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nhờ vào “hoạt động khác” của các cá nhân và doanh nghiệp. Đạo luật năm 1981, cùng với một đạo luật cải cách thuế lớn khác được ký trong năm 1986, đã cắt giảm thuế suất biên dành cho người nộp thuế có thu nhập cao từ 70% xuống còn khoảng 30%, và sẽ trở thành di sản kinh tế cho nhiệm kỳ của tổng thống Reagan.

Hành động cắt giảm thuế của Reagan đã được thiết kế nhằm tập trung tối đa vào việc khuyến khích sự đổi mới và tinh thần kinh doanh, cũng như tạo ra các động lực để phát triển quỹ vốn mạo hiểm và gia tăng đầu tư vào nhân lực thông qua đào tạo và giáo dục. Việc cắt giảm đặc biệt có lợi cho các ngành công nghiệp “ý tưởng” (idea industries) như phần mềm hoặc dịch vụ tài chính; và nhiệm kỳ đầu tiên của Reagan cũng đã chứng kiến sự ra đời của cách mạng thông tin, bao gồm  việc IBM ra mắt máy tính cá nhân đầu tiên và sự ra đời của hàng loạt công ty công nghệ như Intel, Microsoft, Dell, Sun Microsystems, Compaq và Cisco Systems.

Các nhà kinh tế vẫn còn tranh cãi về mức độ mà chính sách kinh tế của Reagan đã thúc đẩy sự bùng nổ của thập niên 1990, nhưng chương trình thuế của ông chắc chắn đã tạo ra động lực thay đổi mạnh mẽ dẫn đến cả lợi ích kinh tế ngắn và dài hạn. Mặt khác, những người chỉ trích cái gọi là Reaganomics lập luận rằng việc cắt giảm thuế và tác động của tăng trưởng kinh tế ổn định đã mang lại lợi ích quá lớn cho người giàu, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo của đất nước.