Hai mặt đối lập của ‘chủ nghĩa cộng sản tự do’

Nguồn: Slavoj Žižek, “Nobody has to be vile: The Philanthropic Enemy”, London Review of Books, 06/04/2006.

Người dịch: Lê Thành Trung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Từ năm 2001, Davos và Porto Alegre đã trở thành cặp thành phố sinh đôi của toàn cầu hóa: Davos, một khu nghỉ dưỡng xa hoa ở Thụy Sĩ, nơi giới tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực quản lý, chính trị và truyền thông góp mặt ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát, để thuyết phục chúng ta (và cả bọn họ) rằng toàn cầu hóa là phương thuốc tốt nhất; Porto Alegre, thành phố cận nhiệt đới ở Brazil, nơi nhóm người chống lại tầng lớp thượng lưu và phản đối toàn cầu hóa tụ họp để thuyết phục chúng ta (và cả bọn họ) rằng chủ nghĩa toàn cầu hóa tư bản không phải là định mệnh không thể tránh khỏi – như khẩu hiệu chính thức của họ rằng ‘một thế giới khác là điều có thể’. Tuy nhiên, dường như những buổi gặp mặt ở Porto Alegre không còn giữ được năng lượng vốn có – chúng ta dần nghe ít tin tức về họ hơn trong những năm qua. Những ngôi sao sáng của Porto Alegre nay đâu rồi?

Số ít trong đó đã chuyển hẳn qua Davos. Sắc thái của những buổi họp mặt ở Davos bây giờ chủ yếu được thiết lập bởi một nhóm doanh nhân tự xưng một cách đầy trớ trêu là những ‘nhà cộng sản tự do’ (liberal communists) và không còn chấp nhận sự đối lập giữa Davos và Porto Alegre: họ tuyên bố rằng chúng ta có thể có trong tay miếng bánh tư bản toàn cầu (vươn lên với tư cách là doanh nhân), vừa ăn nó (ủng hộ phong trào chống tư bản như trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, v.v..). Chúng ta không cần Porto Alegre nữa: thay vào đó, Davos sẽ trở thành Porto Davos.

Vậy những nhà cộng sản tự do (CSTD) này là ai? Những khuôn mặt thân quen: Bill Gates và George Soros, giám đốc điều hành của Google, IBM, Intel, eBay, cũng như những triết gia cung đình như Thomas Friedman. Theo họ, những người bảo thủ bây giờ không chỉ bao gồm nhóm cánh hữu xưa, với niềm tin quá mức vào chính quyền, trật tự, và chủ nghĩa yêu nước mù quáng, mà còn gồm cả nhóm cánh tả lỗi thời, với tâm lý thù hằn chủ nghĩa tư bản: cả hai nhóm đều đắm chìm trong cuộc chiến tưởng tượng và lờ đi thời thế mới. Điểm nhấn trong thời đại mới trong ngôn ngữ của những người cộng sản tự do này là ‘thông minh’. Thông minh đồng nghĩa với năng động và tự do, phản đối quyền lực tập trung; tin vào đối thoại và hợp tác thay vì chống lại chính quyền trung ương; tin vào sự linh hoạt, tránh lề thói; tin vào văn hóa và giáo dục, tránh sản xuất công nghiệp, tin vào tương tác tự nhiên và hệ thống tự duy trì, tránh trật tự cố định.

Bill Gates là biểu tượng của cái mà ông gọi là ‘tư bản phi ma sát’ (frictionless capitalism), xã hội hậu công nghiệp và ‘dấu chấm hết của lao động’. Phần mềm đang áp đảo phần cứng và những chàng mọt sách trẻ đang thay thế những gã quản lý trong bộ suit đen. Bên trong trụ sở mới của công ty, rất ít luật lệ được áp dụng; cáccựu tin tặc đóng vai trò áp đảo, làm việc nhiều giờ, và thưởng thức thức uống miễn phí với khung cảnh màu xanh bao quanh. Ngụ ý ở đây là Gates là một kẻ nổi loạn, một cựu tin tặc giành quyền kiểm soát và biến mình thành một vị chủ tịch đáng kính.

Những nhà CSTD là những nhà điều hành cấp cao đang hồi sinh lại tinh thần cạnh tranh hoặc, nói cách khác, là những tên mọt sách phản văn hóa nay đã chiếm cứ những tập đoàn khổng lồ. Giáo lý của họ là một phiên bản mới, hậu hiện đại của bàn tay vô hình của Adam Smith: thị trường và trách nhiệm xã hội không phải là đối lập, mà là hai mặt có thể hòa hợp vì lợi ích chung. Như Friedman đã nói, thời nay không ai cần phải là người xấu khi kinh doanh; hợp tác với nhân viên, đối thoại với khách hàng, tôn trọng môi trường, minh bạch trong thỏa thuận – đây là chìa khóa tới thành công. Olivier Malnuit gần đây đã viết ra mười điều răn dạy của CSTD trong tạp chí tiếng Pháp Technikart:

    1. Trao tặng miễn phí mọi thứ (không đòi bản quyền); chỉ làm giàu trên dịch vụ phụ trợ.
    2. Thay đổi nhân gian, chớ thuần buôn bán.
    3. Sẻ chia trách nhiệm xã hội.
    4. Tạo ra cái mới: cách tân thiết kế, kỹ thuật và khoa học.
    5. Tiết lộ mọi thứ: không giữ bí mật, ủng hộ và thực hành luân lý minh bạch và trôi theo dòng chảy của thông tin công khai; nhân loại sẽ hợp tác và tương tác.
    6. Chớ lao động: không làm việc cố định từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, nhưng phải tham gia trao đổi thông minh, năng động, mềm dẻo.
    7. Trở lại trường học: giáo dục suốt đời.
    8. Đóng vai trò chất xúc tác: không chỉ làm việc cho thị trường, mà khơi mào nhiều mối quan hệ hỗ trợ xã hội hơn nữa.
    9. Qua đời trong bần hàn: trao trả của cải cho người cần hiệp trợ, vì bạn có nhiều hơn khả năng chi tiêu.
    10. Trở thành nhà nước: doanh nghiệp cần phải hợp tác với nhà nước.

Những nhà CSTD vô cùng thực dụng; họ ghét đi theo khuôn mẫu. Ngày nay không còn tầng lớp lao động bị bóc lột, chỉ có những vấn đề nhức nhối cần phải được giải quyết: nạn đói ở châu Phi, nỗi thống khổ của phụ nữ Hồi giáo, bạo lực tôn giáo cực đoan. Mỗi khi có khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi (những vị CSTD rất mê khủng hoảng nhân đạo, vì đây là đất diễn của họ), thay vì tập trung vào luận điệu chống đế quốc, ta nên hợp tác và tìm ra hướng tốt nhất để giải quyết vấn đề, động viên mọi người, chính phủ và doanh nghiệp vì mục tiêu chung, bắt đầu hành động thay vì phụ thuộc vào giúp đỡ của chính quyền tập trung, tiếp cận khủng hoảng bằng con đường sáng tạo và phá cách.

Những nhà CSTD thích chỉ ra rằng quyết định làm ngơ các quy định của chế độ A-pác-thai trong nội bộ một vài tập đoàn quốc tế của họ có tầm quan trọng ngang với cuộc đấu tranh chính trị trực tiếp chống lại chế độ A-pác-thai ở Nam Phi. Hủy bỏ cơ chế phân biệt ở trong công ty, trả lương như nhau cho một công việc bất kể màu da,vv… : đây là khoảnh khắc hoàn hảo khi đấu tranh cho tự do chính trị và lợi ích của doanh nghiệp đan xen lẫn nhau, vì bây giờ những công ty đó có thể phát triển trong một Nam Phi hậu A-pác-thai.

CSTD rất thích tháng Năm năm 1968. Đó là một cuộc bùng nổ của năng lượng tuổi trẻ và sức sáng tạo! Xem cách nó đập tan bộ máy quan liêu kìa! Một cú hích cực lớn cho đời sống kinh tế và xã hội sau khi những mộng tưởng chính trị tan vỡ! Những người đủ già bây giờ cũng ra đường biểu tình và chiến đấu: bây giờ họ đã thay đổi để thay đổi thế giới, để cách mạng hóa cuộc đời của chúng ta. Không phải Marx đã nói tất cả những biến cố chính trị đều không quan trọng bằng phát minh động cơ hơi nước? Và chẳng phải, nếu bây giờ còn sống, Marx cũng sẽ nói: những cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu đều vô nghĩa so với Internet?

Trên tất cả, những nhà CSTD là những công dân toàn cầu đích thực – họ là những người tốt biết lo cho thế giới. Họ lo sợ chủ nghĩa dân túy cực đoan và các tập đoàn tư bản tham lam, vô trách nhiệm. Họ thấy được ‘gốc rễ’ của vấn đề hiện nay: nghèo đói và vô vọng sinh ra khủng bố cực đoan. Mục tiêu của họ không phải là kiếm tiền, mà là thay đổi thế giới (với sản phẩm phụ là tiền). Bill Gates vốn đã là nhà hảo tâm lớn nhất trong lịch sử nhân loại, thể hiện tình cảm của mình với “láng giềng” bằng cách quyên tặng hàng triệu đô la cho giáo dục, cuộc chiến chống nghèo đói và sốt rét, v.v…. Điểm mấu chốt là trước khi đem cho hết tất cả mọi thứ, ta phải chiếm giữ mọi thứ (hoặc, theo cách nói của CSTD, tạo ra mọi thứ). Để giúp đỡ người khác, theo lối suy nghĩ này, ta phải có phương tiện để làm điều đó, cùng với kinh nghiệm – đó là việc ta thừa nhận thất bại thê thảm của tất cả các hướng đi theo chủ nghĩa quyền lực tập trung và chủ nghĩa tập thể đã dạy ta rằng doanh nghiệp tư nhân, cho đến lúc này, là cách hiệu quả nhất. Bằng cách kiểm soát kinh doanh và đánh thuế cao, nhà nước đang gây tổn hại lên chính mục đích chính thức của nó (để tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho đa số, để giúp những người cần được hỗ trợ).

Những nhà CSTD không muốn trở thành cỗ máy thuần lợi nhuận: họ muốn cuộc sống có ý nghĩa sâu sắc hơn. Họ chống lại tôn giáo lạc hậu và ủng hộ cuộc sống tâm linh, ủng hộ thiền tâm phi tôn giáo (ai cũng biết Phật giáo báo hiệu sự phát triển của khoa học về thần kinh và độ hiệu quả của thiền có thể được khoa học đo lường). Khẩu hiệu của họ là trách nhiệm xã hội và lòng biết ơn: họ là những người đầu tiên thừa nhận xã hội đã đối xử cực kì tốt với họ, cho phép họ ươm mầm tài năng và tích lũy của cải, vì thế họ nghĩ rằng trả lại cho xã hội và giúp đỡ người khác là trách nhiệm của họ. Chính lòng hảo tâm này mới khiến thành công trong kinh doanh có giá trị.

Đây không phải là một hiện tượng hoàn toàn mới. Andrew Carnegie thuê một đội quân tư nhân để đàn áp phongtrào lao động trong công xưởng chế biến thép của ông và sau đó phân phát một số lượng lớn tài sản của mình cho mục đích văn hóa, giáo dục và nhân đạo để chứng minh ông cứng rắn, nguyên tắc nhưng có trái tim giàu tình thương. Với cách tương tự, những nhà CSTD hiện nay thả hết bằng tay trái những gì họ nắm giữ trong tay phải.

Trên kệ hàng ở Mỹ, một loại thuốc nhuận tràng vị sô-cô-la được quảng cáo một cách rất ngược đời: Bạn bị táo bón? Hãy ăn thật nhiều loại sô-cô-la này! – ăn thêm thứ tạo ra táo bón. Cấu trúc của loại thuốc nhuận tràng này có thể nhận thấy được ở tình hình chính trị hiện nay; đó là tại sao những nhân vật như Soros đáng bị lên án. Ông ta đại diện cho sự bóc lột tài chính vô nhân tính và cân bằng nó với nỗi lo nhân đạo về hậu quả xã hội khôn lường từ kinh tế thị trường không bị kiểm soát. Công việc hằng ngày của Soros như là một hiện thân của sự giả dối: nửa thời gian làm việc của ông là đầu cơ tài chính, nửa kia dành cho hoạt động nhân đạo (tài trợ chương trình văn hóa và dân chủ ở các nước hậu cộng sản, viết sách báo), tác động ngược lại với những phi vụ đầu cơ của ông. Hai mặt của Bill Gates cũng chính là hai mặt của Soros: một mặt là một doanh nhân tàn nhẫn, phá hủy hoặc mua lại đối thủ, nhắm tới một đế quốc độc quyền; mặt kia là nhà từ thiện nhân hậu với câu hỏi: “Có máy tính để làm gì nếu con người không đủ cái ăn?”

Theo đạo đức của CSTD, cuộc chạy đua lợi nhuận tàn nhẫn được bù trừ bằng từ thiện: từ thiện là một phần của trò chơi, là mặt nạ nhân đạo che giấu sự bóc lột kinh tế đằng sau. Các nước phát triển liên tục ‘giúp đỡ’ các nước chưa phát triển (với viện trợ, tín dụng, v.v.) để tránh vấn đề thực sự: vừa là đồng lõa gây nên vừa tỏ ra có trách nhiệm đối với điều kiện khổ sở ở Thế giới thứ ba. Còn về sự đối lập giữa “thông minh” và “không thông minh”, thuê ngoài là từ khóa ở đây. Bạn xuất khẩu những mặt trái của sản xuất – lao động có kỷ luật, thứ bậc, ô nhiễm môi trường – sang Thế giới thứ ba “không thông minh” (hoặc những nơi vô hình trong Thế giới thứ nhất). Ước mơ tối hậu của CSTD là xuất khẩu toàn bộ giai cấp lao động sang các “xưởng mồ hôi” vô hình ở Thế giới thứ ba.

Chúng ta đừng lầm tưởng: CSTD chính kẻ thù của cuộc đấu tranh thực sự vì tiến bộ hiện nay. Tất cả những kẻ thù khác – tôn giáo cực đoan, khủng bố, tham nhũng và quản lý nhà nước kém – đều chủ yếu do điều kiện địa phương. Chính vì họ muốn giải quyết những khúc mắc thứ yếu của hệ thống toàn cầu, các nhà CSTD chính là hiện thân của những vấn đề thực sự bên trong hệ thống đó. Chúng ta có thể phải hợp tác tạm thời với những nhà CSTD để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, và chính sách ngu dân tôn giáo, nhưng ta cần phải hiểu rõ họ đang gây nên điều gì.

Etienne Balibar, trong cuốn La Crainte des masses (Nỗi sợ của đám đông), phân ra hai biểu hiện đối lập nhưng liên quan nhau của bạo lực tư bản hiện đại: bạo lực khách quan (có tính cấu trúc) hiện hữu ở những điều kiện xã hội của chủ nghĩa tư bản toàn cầu (cơ chế tự động tạo ra những cá nhân yếu thế và bị rẻ rúng, từ người vô gia cư tới người thất nghiệp), và bạo lực chủ quan đến từ những nhóm người mới nổi và/hoặc chủ nghĩa tôn giáo cực đoan (phân biệt chủng tộc). CSTD có thể chiến đấu chống bạo lực chủ quan, nhưng họ chính là nền móng của bạo lực cấu trúc, tạo ra những điều kiện cho bạo lực khách quan hình thành. Soros, người quyên tặng hàng triệu đô la cho giáo dục, đã hủy hoại cuộc sống của hàng nghìn người vì đầu cơ tài chính, và cũng từ đó tạo điều kiện nảy sinh những vấn đề mà chính ông phản đối.