Thế giới hôm nay: 11/09/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các nghị sĩ Dân chủ chặn phiên bản dự luật cứu trợ hậu covid-19 bị thu hẹp bởi đảng Cộng hòa, trong một cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ. Các đảng viên Đảng Dân chủ đã đoàn kết chống lại nó vì cho rằng nó không đủ để giải quyết sức tàn phá kinh tế của đại dịch. Trong khi đó, tất cả các nghị sĩ Cộng hòa trừ một người đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Các quan chức từ Cục Dự trữ Liên bang và những người khác nói cần thêm trợ giúp để ngăn nền kinh tế Mỹ suy thoái hơn nữa, nhưng đàm phán giữa các nghị sĩ Dân chủ và quan chức chính quyền đã không được nối lại từ sau khi bị đổ vỡ hồi tháng 8.

Citigroup đã bổ nhiệm Jane Fraser thay thế Michael Corbat ở vị trí giám đốc điều hành khi ông này nghỉ hưu vào tháng 2 tới. Bà Fraser, hiện là chủ tịch Citi và là người đứng đầu mảng ngân hàng bán lẻ, sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một ngân hàng lớn ở Phố Wall. Nhiệm kỳ tám năm của ông Corbat bị chi phối bởi nhiệm vụ khôi phục Citi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu giữ nguyên lãi suất. Chủ tịch Christine Lagarde nói hoạt động ở khu vực đồng euro đang “phục hồi mạnh mẽ” sau khi vượt qua phong tỏa hoàn toàn. Ngân hàng hiện kỳ ​​vọng GDP năm nay của khu vực đồng euro sẽ giảm ít hơn một chút so với dự đoán trước đó, và lạm phát sẽ không đạt mục tiêu gần 2% trong thời gian tới.

Microsoft cho biết tin tặc Trung Quốc, Iran và Nga đã thực hiện các cuộc tấn công mạng vào hàng trăm nhóm và những người liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bao gồm cả chiến dịch của Joe Biden và Donald Trump. Họ cho biết các tin tặc bao gồm nhóm người Nga đã phá hoại chiến dịch của Hillary Clinton hồi năm 2016. Microsoft nói các chiến thuật của người Nga đã phát triển hơn kể từ hồi đó.

IAG, công ty sở hữu các hãng hàng không như British Airways và Vueling, đã tung ra một đợt phát hành quyền mua chiết khấu để huy động 2,7 tỷ euro (3,2 tỷ USD). Qatar Airways, cổ đông lớn nhất của IAG, sẽ cung cấp phần lớn số tiền này. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, vốn bị xóa sổ bởi đại dịch, đang phục hồi chậm hơn so với dự đoán của công ty. Hiện họ dự kiến công suất giảm 63% trong năm nay so với năm 2019.

Cháy rừng đang tàn phá bờ biển phía tây nước Mỹ. Các vụ cháy đã giết chết ít nhất bảy người trên khắp California, Oregon và Washington. Khoảng 2,5 triệu mẫu Anh đã bị thiêu cháy ở California trong năm nay, diện tích gấp 20 lần so với thời điểm này năm ngoái. Hàng nghìn người đã được sơ tán.

Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) báo cáo rằng các quần thể động vật hoang dã đã giảm 2/3 trong vòng chưa đầy 50 năm. Nhóm bảo tồn cũng cảnh báo tốc độ suy giảm không hề có dấu hiệu chậm lại; tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ Latinh. WWF đổ lỗi cho nhiều yếu tố, bao gồm nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã.

TIÊU ĐIỂM

Lý do cổ phiếu công nghệ Mỹ trồi sụt thất thường

Cổ phiếu công nghệ dường như không thể ngăn cản. Từ mức thấp nhất vào tháng 3, giá trị của nhóm “mega-caps” công nghệ Mỹ —Amazon, Apple, Alphabet, Facebook và Microsoft — gần như tăng gấp đôi trong mùa hè, đẩy Nasdaq và S&P 500, hai chỉ số chứng khoán Mỹ, lên mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng tháng 9 đầy biến động. Cổ phiếu nhóm này đã tụt giá trong ba phiên liên tiếp kể từ 2 tháng 9, trung bình giảm khoảng 12%, trước khi tăng cao hơn vào ngày 9 tháng 9 và giảm một lần nữa vào hôm qua.

Điều gì đứng đằng sau biểu đồ hỗn loạn này? Phân tích các chuyển động của thị trường là một việc khó khăn, nhưng hầu hết những người theo dõi chứng khoán đều cho là do hoạt động trên thị trường quyền chọn, một loại phái sinh dựa trên đòn bẩy, hiện đang được thúc đẩy phần nào bởi sự nhiệt tình của các nhà đầu tư cá nhân. Các quyền chọn trị giá khoảng 335 tỷ đô la đã được đổi chủ mỗi ngày trong hai tuần qua, gấp ba lần mức trung bình hàng ngày giai đoạn 2017-2019. Loại quyền chọn mà các nhà đầu tư cá nhân đang mua – đặt cược ngắn hạn vào giá tăng – có thể khiến cổ phiếu tăng cao hơn trong ngắn hạn.

Bầu cử địa phương ở Nga

Các cuộc bầu cử địa phương thường không được quan tâm mấy ở hầu hết toàn bộ  nước Nga. Chính trị từ lâu đã bị Điện Kremlin làm cho trống rỗng và rất ít người Nga bận tâm đến việc bỏ phiếu bầu nghị viện, thị trưởng hoặc thống đốc địa phương. Nhưng cuộc bầu cử năm nay, diễn ra vào Chủ nhật, có thể khác. Sự bất mãn với Điện Kremlin ngày càng rõ nét. Trong mùa hè, các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ Vladimir Putin giảm. Các cuộc biểu tình bùng lên sau vụ bắt giữ một thống đốc được lòng dân ở Khabarovsk, một thành phố viễn đông, cho thấy mọi người đang phẫn nộ với Moskva.

Điện Kremlin luôn tìm cách ngăn các ứng viên độc lập tranh cử, nhưng Alexei Navalny, chính trị gia đối lập hàng đầu của Nga, ủng hộ bỏ phiếu chiến thuật (bỏ phiếu cho bất kì ứng viên nào miễn không phải đảng cầm quyền), cho dù các ứng viên khác có tệ đến đâu, như một cách để thách thức Điện Kremlin. Vào ngày 20 tháng 8, ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân sự ở Siberia, nơi ông đang chuẩn bị cho các ứng viên cho các cuộc bầu cử này. Việc ông bị đầu độc không khiến mọi người đổ xuống đường phản đối. Nhưng nó có thể khiến họ đi bỏ phiếu.

Nền nông nghiệp Mỹ cần viện trợ chính phủ để sống qua đại dịch

Nông nghiệp Mỹ đã bị vùi dập bởi thương chiến giữa chính quyền Trump với Trung Quốc. Ngành hùng mạnh một thời giờ phải đối mặt với mức thuế gia tăng lên hàng xuất khẩu, khiến Bộ Nông nghiệp Mỹ phải viện trợ 28 tỷ USD. Nhưng mọi thứ dường như đang khởi sắc khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại sơ bộ hồi đầu năm nay. Nhưng sau đó đại dịch xảy ra, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và xóa sổ nhu cầu từ những người mua lớn như nhà hàng hay trường học.

Quốc hội đã bổ sung 16 tỷ đô la các khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân vào dự luật hồi phục kinh tế coronavirus trị giá 2 nghìn tỷ đô la được thông qua vào tháng 3. Sau một tháng gia hạn, hôm nay là ngày cuối cùng để nông dân nộp đơn xin hỗ trợ theo chương trình. Ngành công nghiệp hầu như không thể trụ được nếu bị cắt viện trợ. Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đồng ý rằng nông dân có thể nhận thêm 15 đến 20 tỷ đô la tài trợ. Nhưng với việc các cuộc đàm phán về dự luật kích thích kinh tế thứ hai vẫn còn bế tắc, viện trợ sẽ không thể tới sớm.

Tình hình phong trào đòi độc lập của Catalonia

Trong những năm gần đây, rất nhiều người Catalonia đã xuống đường vào ngày 11 tháng 9 để ăn mừng quốc khánh và yêu cầu độc lập. Trong bối cảnh covid-19 vẫn đang hoành hành khắp Tây Ban Nha, kế hoạch năm nay là một cuộc tuần hành giãn cách xã hội của 48.000 người có đăng ký trước tại 90 địa điểm khác nhau. Điều này phá vỡ các quy tắc riêng của chính quyền ly khai của khu vực. Nhưng thủ hiến Catalonia, Quim Torra, ủng hộ nó.

Ông phải đối mặt với việc bị Tòa Tối cao Tây Ban Nha tước chức vụ vào tuần tới vì đã cho treo các tuyên truyền mang tính đảng phái trên các tòa nhà công cộng trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái. Đảng của ông đã bị chia nhỏ và đang tranh cãi với đối tác liên minh cầm quyền Esquerra. Các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ người ủng hộ độc lập, chưa bao giờ đạt đa số, đang giảm nhẹ. Tuy nhiên, những người ly khai dù đang bất hoà, dự kiến vẫn ​​sẽ chiến thắng cuộc bầu cử khu vực có thể diễn ra sau Giáng sinh trước một phe đối lập chia rẽ. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez có những ưu tiên khác. Chính phủ cánh tả thiểu số của ông đang vật lộn với cuộc suy thoái sâu sắc và chật vật để thông qua ngân sách ở quốc hội.

Tỉ lệ tự tử ở Mỹ tăng trong đại dịch

Thống kê công bố hôm nay về tình trạng tự tử trong giới trẻ Mỹ sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về xu hướng ảm đạm này. Độ trễ của báo cáo so với thực tế có nghĩa là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh không thể thu thập thống kê các vụ tự tử trong đại dịch, nhưng họ sẽ công bố dữ liệu mới về tỷ lệ tự tử cấp tiểu bang từ năm 2000. Trong hai thập niên qua, tỷ lệ tự tử đã tăng 1/3 ở hầu hết các nhóm tuổi ở Mỹ.

Covid-19 làm mọi chuyện tệ hơn. Các cuộc gọi đến các đường dây nóng tự tử đã tăng lên, và theo một cuộc khảo sát được CDC công bố vào mùa hè năm nay, 11% người Mỹ đã từng xem xét tự tử trong 30 ngày trước đó. Ngược lại, một cuộc khảo sát từ năm 2018 cho thấy 4% người được hỏi đã có ý định tự tử trong năm trước. Lo lắng, bị cô lập và thất nghiệp do đại dịch đóng vai trò quan trọng. Cuộc suy thoái tiếp theo sẽ còn kéo dài cơn đau. Một nghiên cứu cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính 2008 làm tăng ít nhất 10.000 vụ tự tử ở Bắc Mỹ và Châu Âu.