Nếu Biden đắc cử, chính sách của Mỹ đối với Australia và châu Á sẽ ra sao?

Nguồn: John McCarthy,  “Biden and Australia”, Asialink, 08/09/2020.

Người dịch: Nguyễn Quang Dy

Căn cứ vào đánh giá về xác suất hiện nay, ông Joe Biden sẽ thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3 tháng 11 sắp tới. Chúng ta cần đề cập đến các ý nghĩa tiềm ẩn của sự kiện này đối với quan hệ đối ngoại của Australia.

Chúng ta không nên trông đợi vào điều chỉnh tức thì trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Các ưu tiên của Biden là đổi mới trong chính sách đối nội, như phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đạt được các thay đổi về xã hội vì nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết từ sau nội chiến, mà sự phân hóa còn tệ hơn nếu kết quả bầu cử bị tranh chấp.

Tham vọng của Australia về Chính quyền Biden không nên khác với tham vọng của chính ông Biden. Nếu nước Mỹ không làm mới được chính mình, thì quyền lực toàn cầu của Mỹ sẽ còn suy thoái hơn nữa. Lợi ích của chúng ta cũng vì vậy mà tổn hại theo.

Hơn nữa, chủ thuyết cơ bản của chính quyền Mỹ về các vấn đề đối ngoại sẽ không rõ ràng ngay. Ông Biden tuy có kinh nghiệm đối ngoại, nhưng về cơ bản là một chính khách Mỹ gốc Ireland, nên sẽ ưu tiên các vấn đề đối nội trước, và ông là người tin vào “nghệ thuật của điều có thể”. Một số người trong chính quyền sẽ có ý thức hơn những người khác về vị trí của Mỹ trên thế giới. Trong khi một số người lý tưởng hóa thì một số khác sẽ thực dụng. Quá trình thu xếp ai sẽ làm việc gì đã bắt đầu và sẽ tiếp tục cho đến mùa xuân tới.

Nói như vậy có nghĩa rằng trong mấy tháng vừa qua, một số chủ thuyết chung đã hình thành trong đầu các nhà tư tưởng của Mỹ mà một số sẽ phục vụ trong Chính quyền Biden. Các chủ thuyết này sẽ tác động đến các nước đồng minh của Mỹ.

Thứ nhất, ông Biden sẽ ưu tiên xây dựng lại các khối liên minh đã từng đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình từ sau Thế chiến II. Chúng ta có lợi ích sát sườn trong vấn đề này. Cũng như những người của đảng Cộng hòa trong Chính quyền Trump, không phải tất cả mọi thành viên đảng Dân chủ đều tích cực ủng hộ các cam kết an ninh của Mỹ.

Thứ hai, trong khi những người của đảng Dân chủ chia sẻ một số lo ngại nóichung của Mỹ về chủ nghĩa đa phương, họ sẽ đầu tư nhiều năng lượng tích cực vào các nỗ lực và thể chế đa phương ở phạm vi khu vực và toàn cầu, bao gồm cải tổ lại một số thể chế. Họ sẽ dựa vào các nền dân chủ phương Tây, bao gồm Australia, để hợp tác nhằm mục đích này.

Thứ ba, hệ trọng đối với Australia, là cách đề cập của Chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại chủ lưu của Mỹ, gồm những người xung quanh Biden, đều có đầu óc thực tiễn. Họ hiểu rằng Trung Quốc đã thay đổi. Nhưng thay vì dùng ngôn ngữ ý thức hệ đối đầu như Ngoại trưởng Mike Pompeo, họ sẽ tìm cách khác.

Cựu Trợ lý Ngoaị trưởng Kurt Campbell và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Biden là Jake Sullivan, đã lập luận chống lại chủ nghĩa ngăn chặn mới và ủng hộ việc thiết lập với Trung Quốc các điều kiện thuận lợi để cùng chung sống trên bốn lĩnh vực là quân sự, kinh tế, chính trị, và ứng phó toàn cầu, nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ mà không tạo ra dạng nhận thức đe dọa đã từng là đặc trưng của đối đầu Mỹ – Xô trước đây.

William Burns có thể làm ngoại trưởng trong Chính quyền Biden, hiện là Chủ tịch của Carnegie Endowment, đã nói rằng  kiểu tư duy không có nguyên tắc đã dẫn dắt nước Mỹ theo ảo tưởng rằng hợp tác, can dự với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích. “Ngày nay, tư duy vô nguyên tắc theo kiểu khác đã làm cho chúng ta ảo tưởng về khả năng tách đôi và ngăn chặn (decoupling and containment) và đối đầu là không tránh khỏi (inevitability of confrontation)”.

Ông Burns còn ủng hộ “can dự trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc – dùng ganh đua để trói Bắc Kinh, xác định điều kiện cùng chung sống, ngăn chặn cạnh tranh trở thành đối đầu, và duy trì không gian hợp tác nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu”.

Cựu đại sứ Mỹ tại một số nước, Frank Wisner, và cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, Samantha Power, đã đề xuất chia chính sách Trung Quốc thành ba phần: đối đầu (các lĩnh vực phải đối đầu với Trung Quốc như Biển Đông hay tình báo mạng); cạnh tranh (thương mại, hạ tầng toàn cầu, Trí tuệ Nhân tạo); hợp tác (Covid-19, biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân).

Một nhóm chuyên gia nổi tiếng của cả hai đảng về đối ngoại và an ninh, gồm cựu ngoại trưởng George Schultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và cựu Thượng nghị sỹ Sam Nunn cũng kêu gọi cách đề cập cứng rắn nhưng thực tế hơn với Nga dựa trên tư duy đối phó với Nga theo thực tế vốn có chứ không phải như những gì Mỹ muốn Nga trở thành, và hành động dựa trên sự giảm thiểu trừng phạt để đổi lại những cam kết của Nga.

Nếu Biden có thể đạt được sự cân bằng nội bộ và một số tư duy đối ngoại như trên được ủng hộ, thì một chính sách đối ngoại chặt chẽ hơn của Mỹ có thể hình thành, gần giống như cách ứng xử của Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc trong thập niên 1970-1980, chứ không như giai đoạn Mỹ trở thành độc tôn sau sự sụp đổ của Liên Xô cho đến sự kiện 11/9, hay hai thập niên vừa qua khi Mỹ bị sa lầy tại Afghanistan và Iraq.

Điểm thứ tư cần xem xét là ông Biden sẽ ứng xử với Châu Á như thế nào.

Về vấn đề này, Mỹ phải xác định ưu tiên bốn nhóm vấn đề:

    • Sự kết thúc của thời kỳ Abe trong chính trị Nhật. Washington sẽ phải đảm bảo có cơ sở cho một chính sách phù hợp cho nước Nhật thời kỳ hậu Abe, tiếp tục cân bằng lo ngại an ninh với lợi ích kinh tế trong việc cộng tác có giới hạn với Trung Quốc.
    • Mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Biden hầu như ngay lập tức phải xác lập một chính sách để thay thế dạng ngoại giao cá nhân bốcđồng mà ông Trump đã theo đuổi với chế độ của Kim Jung-un.
    • Vị thế chiến lược của Ấn Độ đối với Trung Quốc và phương Tây. Ấn Độ, đất nước đã gắn liền với sự ra đời của phong trào không liên kết, trong thập niên qua đã có một tầm nhìn gần với tầm nhìn của Mỹ và xu hướng đó đã phát triển từ sau xung đột biên giới gần đây với Trung Quốc. Nhưng sức mạnh kinh tế của Ấn Độ đang bị suy yếu bởi Covid-19 và quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Narendra Modi dựa trên chủ nghĩa dân tộc Hindu sẽ phải nhượng bộ trước một số nhân vật có quan điểm tự do trong Chính quyền Biden.
    • Vai trò của Đông Nam Á trong thế cân bằng chiến lược mới ở khu vực và trên toàn cầu. Trừ ngoại lệ đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, một khía cạnh lịch sử trong chính sách Châu Á của Mỹ là tập trung chủ yếu vào Đông Bắc Á nơi lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật cọ xát với nhau. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á không còn khác biệt về chiến lược. Biden sẽ phải đầu tư năng lượng chính trị vào Đông Nam Á nhiều hơn thời kỳ Obama và Trump – nhưng phải thận trọng. Như Wisner đã nói gần đây, các nước ASEAN muốn có sự nhất quán trong chính sách của Mỹ và muốn có năng lực duy trì độc lập về chiến lược. Điều này đòi hỏi hai bên phải cư xử tế nhị.

Australia có lợi ích sống còn và vai trò trong việc khuyến khích hình thành một chính sách đúng đắn về về các vấn đề như vậy đối với Trung Quốc.

Trong bốn năm qua, trong khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng thì chúng ta có hai thủ tướng chính phủ liên hiệp, đã tìm cách vận dụng lịch sử và hệ tư tưởng chung để tạo dựng quan hệ làm việc với một tổng thống thất thường khó đoán và duy trì sự cam kết của ông ấy trong các vấn đề quan trọng nhất đối với lợi ích đối ngoại của chúng ta.

Nhiệm kỳ tổng thống Biden, bằng cách phục hồi một mức độ bình thường hóa nhất định trong hoạt động của chính quyền, sẽ giúp các nước khác làm việc dễ hơn với Washington. Nhưng thực chất các thách thức đối với những người làm chính sách của chúng ta sẽ không thay đổi. Việc sống còn là phải đảm bảo rằng ảnh hưởng của chúng ta đối với Mỹ sẽ giúp hình thành một chính sách mới của Mỹ đối với khu vực, qua đó tăng cường cam kết của Mỹ, duy trì hứa hẹn vềmột sự chung sống Mỹ – Trung, đồng thời đảm bảo lợi ích của các nước khác.

John McCarthy là cố vấn cao cấp của Asialink, và là cựu đại sứ của Australia tại Việt Nam, Mexico, Thailand, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.