Nhật ký Bắc Kinh (22/07/20): Giang Trạch Dân có còn nhiều ảnh hưởng?

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia ở Bắc Kinh (trong ảnh), nằm ngay phía tây Đại lễ đường Nhân dân, đã mở cửa trở lại vào thứ Ba. Chính xác thì nó mở cửa cho khách tham quan – các buổi hòa nhạc và biểu diễn sân khấu đã bị ngừng từ 24 tháng 1 do coronavirus và vẫn chưa rõ khi nào hoạt động lại.

Đặt vé cho một chuyến tham quan trung tâm cũng đơn giản như việc đặt chỗ trực tuyến và mua vé 40 nhân dân tệ (5,75 USD) tại quầy lễ tân. Một số người có thể cảm thấy mức giá quá đắt khi họ chỉ được ghé thăm cánh gà. Nhưng đối với những người khác thì nó có vẻ rẻ. Dù sao thì tôi cũng đã nhanh chóng đăng ký.

Nhà hát được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư người Pháp Paul Andreu. Ngoại thất có mái vòm sáng tạo, với nhiều kính, khiến du khách choáng ngợp và giúp tòa nhà có biệt danh “Quả trứng khổng lồ”.

Khánh thành vào mùa thu năm 2007, nó bao gồm một nhà hát opera, một phòng hòa nhạc cùng các cơ sở vật chất khác, và có thể chứa tổng cộng 6.000 người. Trước đại dịch, các dàn nhạc nổi tiếng thế giới tổ chức hòa nhạc tại đây gần như hàng ngày.

Chính chủ tịch Trung Quốc thời bấy giờ là Giang Trạch Dân- nổi tiếng là người yêu âm nhạc – đã quyết định xây trung tâm này hồi cuối những năm 1990. Ở lối vào, bạn sẽ thấy một dòng chữ lớn ghi tên nhà hát do chính ông Giang viết thư pháp. Khi viết nó, có lẽ ông đã hình dung Trung Quốc dẫn đầu thế giới không chỉ về kinh tế, quân sự mà còn về văn hóa.

Giang đã bước qua tuổi 93. Bây giờ ông ở đâu?

Sau một thời gian dài không xuất hiện, ông đã tham dự lễ tang cựu Thủ tướng Lý Bằng, người qua đời năm ngoái. Ông đã đến viếng cùng với bảy thành viên đương nhiệm của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ủy ban này là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) do nhà nước điều hành đã phát sóng cảnh ông Giang nói chuyện với tang quyến ông Lý. Sự xuất hiện của ông có lẽ một phần là nhằm xóa tan những tin đồn về sức khỏe kém của ông: ông tự đi lại, mặc dù có hai người phục vụ bên cạnh.

Hai tháng rưỡi sau, vào ngày 1 tháng 10, ông Giang xuất hiện trên khán đài Thiên An Môn trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Một lần nữa, ông Giang cho cả nước và thế giới thấy rằng ông vẫn khỏe dù tuổi cao. Ông Tập đứng cạnh ông Giang và một cựu chủ tịch khác, Hồ Cẩm Đào, trên khán đài.

Các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, bao gồm ông Tập, và những người lớn tuổi đã nghỉ hưu, bao gồm ông Giang, tề tựu vào tháng 8 hàng năm tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà tỉnh Hà Bắc để thảo luận về các vấn đề quốc gia quan trọng.

Người ta đang đặt câu hỏi liệu cuộc họp năm nay có diễn ra như thường lệ hay không, trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng sự dai dẳng của virus sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức cuộc họp ở định dạng bình thường. Các nguyên lão đã nghỉ hưu có thể mất cơ hội quý giá để thể hiện sự hiện diện của mình.

Mặc dù cố tìm các vật trưng bày liên quan đến ông Giang ở trung tâm nghệ thuật, tôi không thấy gì, ngoại trừ dòng chữ ở lối vào. Thay vào đó, nổi bật nhất là tấm bích chương kỷ niệm 99 năm thành lập Đảng Cộng sản, bên cạnh tấm bảng ghi những lời nhận xét của ông Tập. Ở nơi này, cũng như nhiều nơi khác, công tác chuẩn bị cho kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập đảng vào tháng 7 năm sau đã bắt đầu được tiến hành.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.