Nhật ngày một thua Trung Quốc về năng lực nghiên cứu khoa học

Print Friendly, PDF & Email

Người dịch: Nguyễn Hải Hoành

Bài “Giải thưởng Nobel và năng lực khoa học của Trung Quốc và Nhật” đăng trên báo Nhật “Triều Nhật Tân văn” [Asahi Shimbun] ngày 25/10/2020, bình luận:

Tháng 10, giải Nobel công bố mỗi năm một lần cho thấy năm nay không có người Nhật nào được trao giải. Nhưng trước đó tôi vẫn cứ chuẩn bị viết bài. Muốn vậy, tôi chẳng những sưu tầm tư liệu nói về kết quả công việc của các cán bộ nghiên cứu chủ chốt mà còn sưu tầm các số liệu dùng để tìm hiểu chính sách khoa học kỹ thuật (KHKT). Trong quá trình chỉnh lý tư liệu, tôi cảm thấy ngạc nhiên trước các tư liệu cho thấy Trung Quốc có thực lực khoa học rất mạnh.

Ví dụ, bản báo cáo có tên “Chỉ tiêu KHKT năm 2020” do Viện Nghiên cứu chính sách KHKT và học thuật thuộc Bộ Giáo dục, Thương mại và Khoa học Nhật công bố trong tháng 8 đã thu hút sự chú ý của tôi. Bản báo cáo đã phân tích tình hình bài báo [luận văn] công bố quốc tế từ năm 2016 đến 2018 (bình quân hàng năm vào khoảng 1,54 triệu bài), cùng tình hình viết bài của các nhà nghiên cứu ở những nước khác.  Kết quả cho thấy số lượng bài báo của Trung Quốc chiếm 19,9% tổng số, vượt Mỹ (18,3%), đứng thứ nhất thế giới. Xét về mặt các bài báo được quan tâm cao thì Trung Quốc xếp hạng thứ nhì, gần với nước thứ nhất là Mỹ.

Trong thời gian từ năm 2000 đến 2018, kinh phí nghiên cứu liên quan của các trường đại học hoặc doanh nghiệp Trung Quốc tăng từ 5 đến 15 lần. So sánh với tình hình tăng chưa tới 2 lần của các nước châu Âu và Mỹ thì biên độ tăng của Trung Quốc cực kỳ nổi trội. Ngoài ra, Trung Quốc gửi lưu học sinh ra nước ngoài nhiều nhất, chiếm 1/5 tổng số lưu học sinh toàn thế giới. Đặc biệt số học sinh Trung Quốc đi Mỹ cực kỳ nhiều. Không khó từ đó nhận thấy chiến lược của Trung Quốc là đào tạo nhân tài ưu tú trong các lĩnh vực nghiên cứu đỉnh cao nhất.

Nhìn về Nhật Bản, tuy các doanh nghiệp có tăng kinh phí nghiên cứu khoa học, nhưng kinh phí của các đại học và cơ quan nghiên cứu khoa học nhà nước lại không tăng lên. Trong số các quốc gia chính trên thế giới, số lượng lưu học sinh Nhật gửi ra nước ngoài cũng ít nhất. Kết quả nghiên cứu của Nhật cũng xuất hiện tình trạng sa sút. Số bài báo công bố quốc tế chiếm 4,2% tổng số, xếp thứ tư. Xét về mặt các bài báo được quan tâm cao thì Nhật chiếm tỷ lệ 2,5%, xếp hạng thứ chín. … Khoảng cách về tình hình nghiên cứu khoa học giữa Nhật với Trung Quốc ngày càng lớn.

Có lẽ có người sẽ phản bác rằng Nhật có nhiều giải Nobel hơn Trung Quốc. Thế nhưng xét về các giải thưởng khoa học tự nhiên thì thời gian từ lúc nhà nghiên cứu đưa ra kết quả nghiên cứu cho tới khi cuối cùng được trao giải thưởng, thông thường cần khoảng 30 năm. Nếu bây giờ chúng ta [người Nhật] coi nhẹ tình hình thực tế là công tác nghiên cứukhoa học của Trung Quốc không ngừng tiến bộ thì 30 năm sau đây, Nhật sẽ bị Trung Quốc vượt qua.

Bài của Zhibo Murayama (Nhật). Mao Ceng dịch ra Trung văn. Nguyễn Hải Hoành  biên dịch từ nguồn tiếng Trung日学者:日本科研能力与中国差距越来越大

So sánh thái độ học hỏi nước ngoài của Trung-Nhật