Nguồn: Historic figures, BBC
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Henry Faulds (1843 – 1930) là một bác sĩ, nhà truyền giáo người Scotland và là nhân vật tiên phong trong việc dùng dấu vân tay để nhận dạng con người.
Henry Faulds sinh ngày 01/06/1843 tại Beith, Bắc Ayrshire. Ban đầu, ông làm thư ký ở Glasgow, sau đó quyết định theo học ngành y. Sau khi trở thành nhà truyền giáo, ông được cử sang Nhật Bản vào năm 1873, nơi Faulds thành lập bệnh viện Tuskiji ở Tokyo và trở thành người phụ trách khoa phẫu thuật. Bên cạnh đó, ông còn thành thạo tiếng Nhật và giảng dạy tại một trường đại học địa phương, đồng thời lập ra Viện Người Khiếm thị Tokyo.
Cuối những năm 1870, Faulds tham gia vào các cuộc khai quật khảo cổ ở Nhật Bản và nhận thấy trên những mảnh gốm cổ có dấu vân tay của người đã tạo ra chúng. Ông bắt đầu nghiên cứu về dấu vân tay và viết thư cho Charles Darwin về các ý tưởng của mình. Sau đó, Darwin đã truyền đạt lại những điều này với Francis Galton. Năm 1880, Faulds xuất bản một bài nghiên cứu về dấu vân tay trên tạp chí Nature, trình bày rằng chúng có thể được dùng để truy bắt tội phạm và đề xuất quy trình thực hiện điều này. Không lâu sau, Sir William Herschel, một công chức người Anh làm việc ở Ấn Độ, cũng đăng một bức thư trên tờ Nature, giải thích rằng ông đang sử dụng dấu vân tay như một phương pháp ký tên.
Năm 1886, Faulds trở lại Anh và đề nghị cung cấp hệ thống lấy dấu vân tay của mình cho sở cảnh sát London, song cơ quan này đã từ chối lời đề nghị. Tuy nhiên, hai năm sau, Galton đã gửi một bài nghiên cứu lên Viện Khoa học Hoàng gia, trình bày rằng Herschel đã đề xuất việc sử dụng dấu vân tay cho giám định pháp y trước Faulds do nhớ sai rằng bài của Herschel được xuất bản trước bài của Faulds. Điều này làm dấy lên một cuộc chiến thư tay giữa Faulds và Herschel cho tới năm 1917, khi Herschel thừa nhận rằng Faulds là người đầu tiên đề xuất sử dụng dấu vân tay cho việc giám định pháp y.
Sau khi trở về từ Nhật Bản, Faulds làm việc tại London và sau này trở thành cảnh sát pháp y ở Staffordshire. Ông mất vào tháng 03/1930 với sự nuối tiếc khi công trình của mình vẫn chưa được công nhận đúng mức.