Galileo Galilei: Nhà thiên văn học và triết gia nổi tiếng người Ý

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Galileo Galilei (1564 – 1642) là một nhà thiên văn học, nhà vật lý và triết gia người Ý có sức ảnh hưởng lớn.

Galileo Galilei sinh ngày 15/02/1564 gần Pisa và là con của một nhạc sĩ. Ban đầu, ông theo học ngành y tại Đại học Pisa nhưng sau đó đã đổi sang triết học và toán học. Năm 1589, Galileo trở thành giáo sư toán học tại Pisa, nhưng tới năm 1592, ông đã chuyển sang làm giáo sư toán tại Đại học Padua và giữ vị trí này cho đến năm 1610. Trong thời gian này, ông đã thực hiện nhiều thí nghiệm, bao gồm thí nghiệm về tốc độ rơi của các vật thể khác nhau, cơ học và con lắc.

Năm 1609, Galileo đã nghe về phát minh kính viễn vọng ở Hà Lan. Mặc dù không được nhìn thấy bản mẫu, song ông đã phát triển một phiên bản ưu việt và thực hiện nhiều khám phá thiên văn. Đó là khám phá về những dãy núi và thung lũng trên bề mặt của mặt trăng, các vết đen mặt trời, bốn mặt trăng lớn nhất của sao Mộc và các pha của sao Kim. Thành tựu của ông về thiên văn học đã khiến Galileo trở nên nổi tiếng và được bổ nhiệm làm nhà toán học của triều đình ở Florence.

Năm 1614, Galileo bị buộc tội dị giáo vì ủng hộ thuyết nhật tâm của Copernicus. Điều này mang tính cách mạng vào thời điểm đó khi hầu hết mọi người tin rằng Trái đất mới nằm ở trung tâm hệ mặt trời. Năm 1616, ông bị nhà thờ cấm giảng dạy hoặc tuyên truyền thuyết này.

Năm 1632, ông bị kết tội dị giáo một lần nữa sau khi cuốn sách ‘Dialogue Concerning the Two Chief World Systems’ (Đối thoại về hai hệ thống thế giới chính) được xuất bản. Cuốn sách đã đưa ra các lập luận ủng hộ và phản đối lý thuyết của Copernicus dưới hình thức một cuộc thảo luận giữa hai người. Galileo đã bị triệu tập đến Tòa án Rome. Ông bị kết tội và nhận án tù chung thân, sau đó được giảm xuống quản thúc vĩnh viễn tại gia ở biệt thự của ông tại Arcetri, phía nam Florence. Bên cạnh đó, ông cũng bị buộc phải công khai rút lại sự ủng hộ của mình đối với thuyết nhật tâm của Copernicus.

Mặc dù lúc đó sắp bị mù song Galileo vẫn tiếp tục viết. Năm 1638, cuốn sách ‘Discourses Concerning Two New Sciences’ (Những thuyết trình về hai ngành khoa học mới) đã được xuất bản, trong đó trình bày những ý tưởng của ông về các định luật chuyển động và các nguyên lý cơ học. Ngày 08/01/1642, Galileo qua đời tại Arcetri.

13/02/1633: Galileo tới Rome, đối mặt Tòa án dị giáo